1 câu nói, 5 năm tù
Theo Tuoitre
27/04/2014 08:11 (GMT + 7)
TT - Trong hai ngày 25 và 26-4, hàng trăm
người dân đã có mặt trước cổng TAND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội để theo dõi
phiên tòa xét xử 10 người dân phạm tội chống người thi hành công vụ. Tuy
nhiên mọi người không được vào phòng xử.
Hình sự hóa quan hệ hành chính
Phiên tòa nóng ở những phút đầu tiên vì tiếng la hét của người dân ngoài cổng tòa vọng vào phòng xử.
Bên trong tòa, trả lời tòa, bị cáo Chính khai mình không đi mua quan tài mà do vợ bị cáo mua.
“Ở cơ quan điều tra, bị cáo nghe nói vợ mình bị dùng
nhục hình đến mức uất ức quá phải tự cắt vào tay, điều tra viên nói nếu
bị cáo nhận việc mua quan tài thì sẽ cho vợ về để chăm sóc con nên bị
cáo đã nhận. Sáng 12-7 bị cáo chở vợ và bố ra nơi thi công rồi về chứ
không có mặt tại hiện trường”.
Phiên tòa hình sự nhưng những từ “mất đất”, “thu hồi
đất” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Trả lời tòa, 10 bị cáo đều cho
biết chỉ cần có quyết định thu hồi đất thì người dân sẽ tự hiến đất cho
Nhà nước, nhưng nếu chính quyền làm sai thì người dân sẽ giữ đất đến
cùng.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho
rằng bị cáo Chính bị truy tố ở điểm C, khoản 2 điều 257 BLHS, hành vi
lôi kéo, kích động người khác vì đã có câu nói “đất chưa có quyết định
thu hồi bà con kiên quyết giữ đất đến cùng, không sợ chết, nếu tôi có
chết đừng chôn vội mà hãy cho tôi vào quan tài chở ra Văn phòng Chính
phủ để Chính phủ biết sự việc”.
Theo đại diện Viện kiểm sát, câu nói này là điểm tựa tinh thần cho các bị cáo khác.
Tranh luận lại, các luật sư cho rằng quan tài không bị
cấm mua bán, cũng không phải vật nguy hiểm. Khởi nguồn là việc UBND
huyện Mỹ Đức không tuân thủ các quy định của pháp luật đã gây bức xúc
cho người dân.
Tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát lại cho rằng những nội
dung này không liên quan đến vụ án hình sự nên Viện kiểm sát không
tranh luận nhiều (?!).
Công nhân thi công cũng được coi là người thi hành công vụ?
Sau khi luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho vợ chồng
bị cáo Chính) yêu cầu cho biết rõ trong vụ này ai là người thi hành công
vụ, đại diện Viện kiểm sát trả lời là hai tài xế của Công ty Xuân
Trường (đơn vị thi công dự án).
Luật sư Biên phản bác rằng theo Luật cán bộ công chức,
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người thi hành công vụ phải
là những người được bổ nhiệm, tuyển dụng vào cơ quan nhà nước khi thực
hiện nhiệm vụ công, đúng pháp luật.
Các luật sư yêu cầu đại diện Viện kiểm sát cung cấp văn
bản luật nào nói công nhân hợp đồng của công ty là người thi hành công
vụ. Viện kiểm sát không cung cấp được, nhưng nói hai tài xế này được
giao thực hiện nhiệm vụ nhà nước.
Nhiều luật sư cho rằng vụ án đã bị hình sự hóa, hành vi
của các bị cáo chỉ cần xử phạt hành chính, vụ án không có thiệt hại, bị
cáo Chính không có mặt tại hiện trường, không mua quan tài, chỉ một câu
nói mà bị cho là lôi kéo, kích động, các luật sư đề nghị tòa tuyên các
bị cáo bị oan và trả tự do.
Đối đáp lại, đại diện Viện kiểm sát cho biết đây không
phải là quan hệ hành chính. Hành vi của các bị cáo diễn ra từ lâu, các
cơ quan đã vận động rất nhiều nhưng các bị cáo vẫn thực hiện, phía đơn
vị thi công thất thoát 10 tỉ đồng nhưng họ không yêu cầu bồi thường. Nếu
không bắt các đối tượng thì việc chống đối vẫn tiếp tục...
Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát cho rằng quản lý đất
đai có nhiều hành lang pháp lý, nếu quyền lợi bị ảnh hưởng thì nên có
đơn khiếu nại, đề nghị, tố cáo chứ không được phép chống đối.
Ý kiến này của đại diện Viện kiểm sát bị tất cả bị cáo phản đối làm phiên tòa náo động.
Bị cáo Đinh Văn Chính bức xúc nói giữa tòa: “Tôi chỉ đề
nghị UBND huyện bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất vì
tỉ giá đất hằng năm của UBND TP Hà Nội đều thay đổi. Tôi có đòi hỏi gì
quá đáng đâu? Nhân quả gây hậu quả. Nếu chính quyền thực hiện dự án
không sai thì chúng tôi đâu phải khổ sở đi kiện từ năm này qua năm khác,
thì vợ chồng tôi không bị bắt, con tôi không bị bỏ rơi, 200 con lợn nhà
tôi không chết, nhà tôi không bị người ta đốt, tôi không bị đe dọa tiêm
HIV...”.
Nỗi niềm dân mất đất
Sau khi tòa tuyên án, hàng trăm người dân xã Hương Sơn
lại tiếp tục đứng, nằm, lăn trước cổng tòa gào thét, khóc lóc, phản đối.
Hai ngày xét xử, họ mang nhiều tấm bìa cactông viết chữ bày tỏ tình cảm
với các bị cáo đứng trước cổng tòa.
Vụ kiện của người dân Mỹ Đức đã kéo dài nhiều năm. Xuất
phát từ những sai phạm của UBND huyện Mỹ Đức mà Tuổi Trẻ đã nhiều lần
phản ánh (“Chiếc áo trái”, “Khi dân kêu cứu”).
Năm 2008, chính quyền huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn thu
hồi đất nông nghiệp của dân để thực hiện sáu dự án. Việc thu hồi đất này
không đúng trình tự, không họp dân, không kê khai kiểm đếm diện tích
đất bị thu hồi...
Hàng trăm người dân đã làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi
lên cấp trên. Năm 2011, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có kết luận, theo đó
trong sáu dự án thì chỉ một dự án là có quyết định phê duyệt của UBND
tỉnh Hà Tây năm 2008, năm dự án còn lại mới chỉ có văn bản giao nhiệm vụ
chủ đầu tư.
Ngay cả trong dự án đã được phê duyệt cũng có hàng loạt
sai phạm như chủ đầu tư không làm thủ tục thu hồi đất, không lập phương
án bồi thường giải phóng mặt bằng đã tổ chức thi công.
Năm 2012, 127 hộ dân đã nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện
Mỹ Đức yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức lập phương án bồi thường tại thời điểm
có quyết định thu hồi đất để áp giá bồi thường đúng pháp luật.
Năm 2013, khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND huyện Mỹ Đức và TAND TP Hà Nội đã bác yêu cầu khởi kiện của người dân.
Theo tòa, dù chính quyền có một số sai phạm trong thủ
tục, trình tự thu hồi đất nhưng không ảnh hưởng đến giá bồi thường, yêu
cầu của dân là không có cơ sở. Các dự án vẫn được tiếp tục.
Các mức án
Trưa 26-4, sau hai ngày xét xử, TAND huyện Mỹ Đức đã
tuyên án. Hội đồng xét xử nhận định ông Đinh Văn Chính (44 tuổi) là
người đứng đầu lôi kéo kích động người khác nên phải chịu mức án 5 năm
tù giam.
Các bà Lê Thị Thu (38 tuổi, vợ ông Chính), Trịnh Thị
Nhung, Đinh Thị Hà bị phạt 12 tháng tù, sáu bị cáo còn lại có mức án từ 6
tháng tù (án treo) đến 9 tháng tù.
|
TÂM LỤA
0 Nhận xét