Cv 2,1-11; 1Cor 12,3b -7, 12-13; Ga 20,19-23
Tin Mừng
Vào chiều ngày thứ nhất trong
tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người
Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"
Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng
vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như
Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi
hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội
cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm
giữ.”
Kính thưa quý vị,
Trong lớp triết học của
một trường cao đẳng nọ, vấn đề được đưa ra bàn luận như sau: “Điều gì
giúp phân biệt con người chúng ta với các loài động vật?” Một sinh viên
đưa ra câu trả lời khá quen thuộc rằng con người có khả năng chế tạo
công cụ. Đó là câu trả lời tôi đã nghe được trong một lớp học tương tự
khi ở trường cao đẳng. Tuy nhiên cách đây vài tuần, tôi xem phim tài
liệu nói về loài tinh tinh. Con tinh tinh lấy cọng rơm dài như chiếc
que, chọc xuống tổ kiến rồi kéo ra. Những con kiến bu kín cọng rơm, thế
là tinh tinh bắt đầu ăn. Theo tôi, xem ra tinh tinh đã tạo ra một công
cụ khá ích lợi.
Một số học viên khác cho
rằng điều phân biệt chúng ta với những động vật khác là chúng ta biết
cười. Trang bìa của tạp chí “New Yorker” cho thấy những hành khách đang
xếp hành lý vào khoang trên của một chiếc máy bay. Một hành khách đang
nhét cả chiếc xe hơi vào khoang đó! Quý vị thử nghĩ xem điều tôi muốn
nói là gì? Tôi không nghĩ rằng con tinh tinh có thể hiểu được điều đó.
Tôi xin nhường vấn đề đó
cho các triết gia để họ kết luận xem điều gì giúp phân biệt con người
chúng ta với các loài động vật. Tuy nhiên, ngoài việc biết cười, tôi cho
rằng con người còn có khả năng bị tổn thương, đồng thời gây ra tổn
thương. Không chỉ gây ra những đau đớn thể xác mà còn gây ra những nỗi
đau tinh thần kéo dài sau khi vết thương bên ngoài đã lành. Chúng ta có
những ký ức về hạnh phúc và những khoảnh khắc vui sướng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng
có những ký ức về những tổn thương người khác gây ra cho chúng ta. Nhiều
người trong số chúng ta đã chịu đựng cơn bạo hành thể xác. Có những
người đã dùng lời nói chửi mắng chúng ta, nhất là những lời nói gây nên
muộn phiền khi những lời ấy xuất phát từ người trước đây đã từng nói với
chúng ta rằng: “Tôi yêu mến bạn”. Thử hỏi một luật sư chuyên về vấn đề
ly hôn xem cô ấy đã nghe được gì giữa hai người trước kia đã từng nói
với nhau “anh yêu em” và “em yêu anh”.
Thế gian cũng không tử tế
với chúng ta. Nó đòi chúng ta cạnh tranh và “phải thắng” trong những
cuộc tranh luận, thi đấu và công việc. Như ông Vince Lombardi từng nói:
“Chiến thắng không phải là điều quan trọng bậc nhất, nó là điều duy
nhất.” Đó là bài học không cần phải được lặp lại cho những ai đã từng
thường xuyên biết đến nó trong cuộc sống. Thử hỏi xem những “bài học”
như thế đã gây ảnh hưởng đau đớn nào trên chúng ta? Thái độ đó đã làm
nên một phần các mối tương quan và gặp gỡ hằng ngày của chúng ta với
người khác ở mức độ nào? Và những tổn thương do nó gây ra là gì?
Thế gian cũng dạy chúng
ta biết những tiêu chuẩn về cái đẹp vốn ảnh hưởng đến cách thức chúng ta
quan sát người khác và quan sát bản thân mình. Tu viện Dòng Đa Minh
chúng tôi nằm ngay cạnh trường đại học và tôi tự hỏi không biết có bao
nhiêu trong số những sinh viên tham dự Thánh lễ hằng ngày trong tu viện
này bị quấy nhiễu bởi thông tin từ phương tiện truyền thông, gia đình và
bạn bè là làm sao để có một trọng lượng lý tưởng? Điều đó gây tổn
thương đến hình ảnh tự thân của họ như thế nào?
Là con người nghĩa là
chúng ta có thể cười với một câu chuyện tiếu lâm; nhưng chúng ta cũng có
một điểm chung là “chia sẻ những giọt nước mắt”. Đang khi tiếng cười có
thể lôi kéo chúng ta đến với nhau bên bánh pizza và bia, thì những nỗi
đau lại có thể khiến chúng ta tự giam mình sau cánh cửa đóng kín.
Cộng đoàn trong bài Tin
Mừng hôm nay biết được những tổn thương của mình. Trong lúc họ đang ở
chín tầng mây cao, bởi họ là những người đồng hành thân thiết nhất với
một nhà giảng thuyết lôi cuốn, một lương y tài ba. Đấng mà họ tin hẳn
phải là Vua Israel, là Đấng Mêsia. Nhưng rồi, họ chứng kiến những đau
thương đã đánh bại Người và làm tiêu tan mọi hy vọng và ước mơ của họ –
những đau thương đã quật ngã cả họ nữa. Còn có những đau thương khác
như: ký ức về sự phản bội của họ đối với Đấng họ từng nói là sẽ đi theo
suốt đời. Những lời hứa và những bội ước.
Có một điều
họ luôn ghi nhớ, điều Đức Giêsu đã làm cho họ và dạy bảo họ. Người lập
nên một cộng đoàn quy tụ quanh Người và Người chia sẻ với họ một viễn
kiến. Vì thế, những cá nhân bị thương tổn và đầy đau đớn này đã xích lại
gần nhau và thành một cộng đoàn – một cộng đoàn gồm những người đang
còn sợ hãi và khép kín. Nhưng dẫu sao đó là một cộng đoàn! Chính trong cộng đoàn này, Đức Giêsu đã đến, mang theo những lời tha thứ và chữa lành: “Shalom”, nghĩa là “Bình an cho anh em”.
Trong các sách Tin Mừng,
khi Đức Giêsu ban bình an, đó không chỉ là một lời chào bình thường.
Không phải là lời chào của dân híppi vào thập niên 60: “chào bình an.”
(peace man!) Lời của Đức Kitô nói ra thì sinh kết quả. Đó là lời tha
thứ, chữa lành, hợp nhất và phục hồi. Khi cho họ xem những vết thương,
Người khai mở cho họ nhận ra điều ấy. Trong câu chuyện hậu phục sinh
này, Người không xin bánh hay cá. Người không cần phải ăn uống để
thuyết phục họ, mà chỉ cần chỉ cho họ các vết thương. Như vậy đã đủ để
thuyết phục họ và cả chúng ta nữa.
Những thương tích của
Người cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ở với chúng ta mọi ngày, chứ
không chỉ viếng thăm chúng ta chốc lát để chia sẻ một bữa ăn và trò
chuyện thân mật. Thiên Chúa ở với chúng ta theo mọi cách thức: Người
biết được cái chết của người thân chúng ta, nếm trải những bội ước và
cam chịu những tổn thương. Đó là những vết thương gây nhiều đau đớn,
nhưng Người đã chiến thắng. Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta
thấy rằng Đức Giêsu đã không quên những vết thương của Người và không
quên những vết thương của chúng ta.
Hôm nay, chúng ta quy tụ
nơi đây thành một cộng đoàn. Chúng ta mang theo mình những phần thương
tích, không chỉ của chúng ta mà còn là những vết thương của những người
chúng ta yêu mến. Cũng chính nơi đây, chúng ta mang theo những vết
thương của cả thế giới: nghĩ đến những người tỵ nạn Syria, những nữ sinh
Nigiêria bị bắt cóc, hàng triệu trẻ em mồ côi ở châu Phi bị Sida, những
người nghiện ma tuý và các bậc cha mẹ của họ đang đau khổ ở quê hương
chúng ta. Chúng ta chia sẻ những nỗi đau của họ và đồng cảm với họ.
Thật là điều an ủi khi
biết rằng Đức Giêsu đã chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều. Nhưng còn
hơn thế nữa – Người thổi Thần Khí của Người vào chúng ta. Hãy xem điều
gì xảy ra tiếp theo trong buổi lễ của chúng ta hôm nay. Chúng ta sẽ đặt
những của lễ trên bàn thờ. Những của lễ tượng trưng cho chúng ta. Hãy
quan sát khi chúng ta khẩn cầu Chúa Thánh Thần ngự đến trên những lễ vật
và biến đổi những của lễ ấy. Chúng ta cũng cầu khẩn Thánh Thần thổi hơi
ban ơn chữa lành và tha thứ cho chúng ta. Chữa lành vì chúng ta đã bị
tổn thương. Tha thứ vì chúng ta đã làm tổn thương người khác bằng lời
nói và hành động của mình. Chúng ta cũng cầu xin hơi thở mới của Thánh
Thần giúp chúng ta dần biết tha thứ cho người khác. “Anh em tha tội cho
ai thì người ấy được tha…”
Một người đàn ông trong
giáo xứ nơi tôi thuyết giảng ở tiểu bang Massachusetts nói rằng: “Tôi
kìm ném sự oán hận đối với người anh trai và tôi nghĩ rằng làm như thế
là chính đáng bởi những gì anh ấy đã gây ra cho tôi. Tôi cảm thấy mình
mạnh mẽ hơn anh ấy. Thế nhưng, tôi nhận ra rằng việc không tha thứ cho
anh ấy không chỉ gây trở ngại cho anh ấy, mà còn gây trở ngại cho chính
tôi nữa. Vì thế, tôi dành thời gian để tĩnh tâm và trong cuộc tĩnh tâm
đó, tận đáy lòng tôi đã tha thứ cho anh ấy rồi. Sau khi trở về nhà, rốt
cuộc tôi đã nói với anh điều đó và cảm thấy mình được giải thoát. Thật
tuyệt vời khi khiến cho anh tôi trở lại.” “Anh em cầm giữ ai thì người
ấy bị cầm giữ.”
Giờ đây, tha thứ không
xảy ra chỉ vì người đàn ông đó nghiến răng và kiên quyết thực hiện sự
tha thứ ấy. Đúng hơn, tha thứ chính là điều bài Tin Mừng hôm nay diễn
tả. Trước hết, với những vết thương của mình, Đức Giêsu đến với người
đàn ông đó, vốn đang tự giam hãm mình. Đức Giêsu nói với anh ta rằng:
“Bình an cho anh.” Rồi Người thổi hơi vào người đàn ông đang tự giam
hãm mình và ban cho anh ân sủng của Chúa Thánh Thần, tựa như ân sủng các
môn đệ đã lãnh nhận khi Đức Giêsu đến với cộng đoàn đang ẩn náu.
Dường như
mang thân phận con người là để gánh chịu những tổn thương, đồng thời
cũng có thể làm tổn thương người khác. Nhờ Đức Kitô phục sinh, chúng ta
được chữa lành khỏi những vết thương và có khả năng mang lại sự chữa
lành qua việc tha thứ cho tha nhân.
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ
0 Nhận xét