Luật pháp quốc tế về hình phạt tử hình | ||
Theo
Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International), tính đến năm 2009, đã có
95 quốc gia trên thế giới xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình trong pháp
luật và trên thực tế. Trong số những nước này, có cả những nước đã và
chưa tham gia Nghị định thư tùy chọn thứ hai về xóa bỏ hình phạt tử hình
năm 1989 bổ sung Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị -
ICCPR. Một số quốc gia không chỉ tham gia Nghị định thư tùy chọn thứ hai
của ICCPR mà còn tham gia một số điều ước khu vực quy định xóa bỏ hình
phạt tử hình.
Bên
cạnh đó, cũng theo Tổ chức Ân xá thế giới, ở thời điểm năm 2009, có 35
nước tuy vẫn quy định hình phạt tử hình trong pháp luật nhưng không còn
áp dụng trên thực tế, ví dụ như Brunei không có án tử hình mới nào kể từ
năm 1957, Nigeria thi hành hình phạt tử hình gần đây nhất là vào năm
1976, Hàn Quốc không có án tử hình kể từ năm 1997… (1)
Hầu
hết các quốc gia quy định việc xóa bỏ hình phạt tử hình bằng cách sửa
đổi bộ luật hình sự để gỡ bỏ quy định về hình phạt tử hình khỏi danh
sách tội phạm. Tuy nhiên, một số quốc gia còn quy định việc xóa bỏ hình
phạt tử hình ngay trong Hiến pháp của mình. Ví dụ như Hiến pháp của
Venezuela (quy định tại Điều 43), Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ (quy định tại
Điều 38), Hiến pháp Rumani (quy định tại Điều 22), Hiến pháp Phần Lan
(quy định tại Điều 6)…
Cũng
theo thống kế của Tổ chức Ân xá quốc tế, tính đến tháng 6 năm 2009, vẫn
còn 58 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới duy trì và thi hành án tử
hình, trong đó có Việt Nam.
Cho
đến nay, mặc dù ghi nhận quyền sống là một trong những quyền con người
cơ bản của tất cả mọi người, pháp luật quốc tế không có quy định nào cấm
áp dụng hình phạt tử hình. Vấn đề hình phạt tử hình được quy định trong
Điều 6, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị - ICCPR năm
1996. Khoản 1, Điều 6 thừa nhận mọi người đều có quyền cố hữu là được
sống và quyền này được pháp luật bảo vệ, không ai có thể bị tước mạng
sống một cách tùy tiện. Tuy nhiên, khoản 2 điều này quy định: “Ở
những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp
dụng hình phạt này đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào
luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được
trái với những quy định của Công ước này và của Công ước về ngăn ngừa và
trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ
sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một tòa án có thẩm quyền phán
quyết”.
Các khoản 4, 5, 6 của Điều 6 này bổ sung những điều kiện sau (2):
-
Không được phép tuyên hình phạt tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi
và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai.
-
Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm hoặc hoặc
xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình
phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp.
-
Không có một quy định nào trong điều này có thể được viện dẫn để trì
hoãn hoặc ngăn cản việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia
thành viên nào của Công ước.
Liên
quan đến vấn đề trên, vào năm 1989, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông
qua Nghị định thư tùy chọn thứ hai bổ sung Công ước quốc tế về các
quyền dân sự, chính trị - ICCPR, trong đó có quy định việc xóa bỏ hình
phạt tử hình. Tuy nhiên, do Nghị định thư này chỉ là khuyến khích tùy
chọn (optional), không bắt buộc mọi quốc gia thành viên ICCPR phải tham
gia, nên chỉ có những quốc gia nào tự nguyện tham gia Nghị định thư này
mới có nghĩa vụ pháp lý quốc tế về xóa bỏ hình phạt tử hình.
Song
cần lưu ý, Liên hợp quốc luôn khuyến khích, vận động các quốc gia giảm,
hoãn áp dụng và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình, cũng như bảo đảm các
tiến trình tố tụng công bằng và đối xử nhân đạo với những tử tù. Nhằm
mục đích đó, các cơ quan về quyền con người của Liên hiệp quốc đã thông
qua nhiều Nghị quyết và thực hiện nhiều chiến dịch vận động về giảm,
hoãn áp dụng và xóa bỏ hình phạt tử hình. Những Nghị quyết tiêu biểu
trong vấn đề này bao gồm:
- Nghị quyết 32/61 ngày 8/12/1977 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về hình phạt tử hình.
-
Nghị quyết số 1984/50 ngày 25/5/1984 của Hội đồng kinh tế - xã hội của
Liên hợp quốc về các bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người phải đối
mặt với hình phạt tử hình.
-
Nghị quyết số 1989/64 ngày 24/5/1989 của Hội đồng kinh tế - xã hội của
Liên hợp quốc về việc thực hiện các bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những
người phải đối mặt với hình phạt tử hình.
-
Nghị quyết số 1996/15 ngày 23/7/1996 của Hội đồng kinh tế - xã hội của
Liên hợp quốc về các bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người phải đối
mặt với hình phạt tử hình.
-
Nghị quyết số 2000/17 của Tiểu ban về thúc đẩy và bảo vệ quyền con
người về áp dụng hình phạt tử hình với người chưa thành niên phạm tội.
- Nghị quyết số 2005/59 ngày 20/4/2005 của Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc về vấn đề hình phạt tử hình.
-
Nghị quyết số 62/149 ngày 18/12/2007 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc kêu
gọi các quốc gia tạm ngừng áp dụng hình phạt tử hình. (Nghị quyết này
được 104 nước bỏ phiếu thuận, 54 nước bỏ phiếu chống và 29 nước bỏ phiếu
trắng).
-
Nghị quyết số 63/168 ngày 18/12/2008 của của Đại Hội đồng Liên hợp quốc
(lần thứ hai) kêu gọi các quốc gia tạm ngừng áp dụng hình phạt tử hình.
(Nghị quyết này được 106 nước bỏ phiếu thuận, 46 nước bỏ phiếu chống và
34 nước bỏ phiếu trắng).
Cũng
cần lưu ý rằng, mặc dù luật pháp quốc tế không cấm việc áp dụng hình
phạt tử hình, song quy chế của tất cả các tòa án hình sự quốc tế, kể cả
thường trực và lâm thời, được thành lập trong mấy thập kỷ gần đây đều
không quy định việc áp dụng hình phạt tử hình.
(1) Nguồn: http://amnesty.org/en/death-penalty
(2) Nguồn: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1996
|
Luật pháp quốc tế về hình phạt tử hình
Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014
=>Mời bạn chia sẽ đóng góp ý kiến cho bài viết |
Đăng ký nhận bài miễn phí
|
|
|
0 Nhận xét