Chủ Nhật Lễ Thăng Thiên, Năm A.
Bài đọc: I & II (chung cho ABC). Acts 1:1-11; Ephesians 1:17-23; Matthew 28:16-20.
Hai điều chính chúng ta cần tìm hiểu trong ngày lễ Chúa lên trời:
(1) Hiểu làm sao về biến cố Chúa thăng thiên: Phải chăng khi Chúa
Giêsu lên trời là Ngài sẽ sống cách biệt chúng ta? Phải chăng Chúa Giêsu
mang thân xác con người về Trời? Đâu là Thiên Đàng? Chúng ta sẽ hưởng
những quyền lợi gì trên Thiên Đàng?
(2) Sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng: Tại sao Chúa trao cho
các Tông-đồ và Hội Thánh sứ vụ mang ơn cứu độ cho muôn người qua việc
rao giảng Tin Mừng?
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa lên trời và sứ vụ Ngài
trao cho các môn đệ. Trong Bài Đọc I, Thánh Lucas tường thuật hai biến
cố: Chúa lên trời và sứ vụ Ngài trao cho các môn đệ phải ra đi rao giảng
Tin Mừng cho mọi người. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô cầu nguyện để
các tín hữu có thần trí khôn ngoan để hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên
Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho
các môn đệ phải rao giảng Tin Mừng, và Ngài ban quyền cần thiết để người
khác tin vào lời các ông rao giảng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất.
1.1/ Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các môn đệ trong suốt 40 ngày
sau khi sống lại: Dựa theo Luca 1:1-4 và trình thuật hôm nay: “Thưa ngài
Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc
Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được
rước lên trời,” chúng ta có bằng chứng để kết luận Thánh Luca là tác
giả của Tin Mừng thứ ba và Sách CVTĐ. Trước ngày lên trời, Người đã dạy
dỗ các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Sau khi sống lại,
Người đã hiện ra nhiều lần trong bốn mươi ngày, để chứng tỏ cho các ông
thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, và nói chuyện với các
ông về Nước Thiên Chúa.
1.2/ Chúa Giêsu nhắc lại lời hứa ban Thánh Thần: Trong những lời từ
biệt của Chúa Giêsu trước Cuộc Thương Khó của Tin Mừng Gioan, Ngài đã
hứa sẽ xin Chúa Cha để gởi đến cho các Tông-đồ Thánh Thần để ở với và
hoạt động trong các ông (Jn 15 và 16). Trình thuật hôm nay nhắc lại lời
hứa đó và nhắc nhở các Tông-đồ phải ở lại Jerusalem để lãnh nhận Thánh
Thần: “Điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm
phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa
trong Thánh Thần.”
Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là Phép Rửa bằng nước để tha tội khi con
người tỏ lòng ăn năn sám hối và quay về với Thiên Chúa. Các Tông-đồ là
những người Do-thái, nên các ông có lẽ đã lãnh nhận Phép Rửa bằng nước,
như Gioan Tẩy Giả đã từng làm (John 1:26);
nhưng có một Phép Rửa để thánh hóa con người bằng Thánh Thần mà Gioan
Tẩy Giả đã đề cập đến mà chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận (John 1:32-33). Các Tông-đồ lãnh nhận Phép Rửa này trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-4).
Các môn đệ hiểu lầm những lời Chúa nói nên hỏi Người rằng: “Thưa
Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Họ
vẫn nghĩ đến một Đấng Thiên Sai uy quyền, cho dẫu Chúa Giêsu đã phải
trải qua Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài.
Họ nghĩ, Chúa đã phục sinh, thì giờ là lúc Ngài khôi phục vương quốc
Israel bằng cách gởi Thánh Thần xuống làm cho họ trở thành những người
thống trị cùng với Đức Kitô! Nhưng Chúa Giêsu giải thích cho họ biết mục
đích của việc lãnh nhận Thánh Thần là để họ rao giảng Tin Mừng và làm
chứng cho Ngài tại Jerusalem, trong khắp các miền Judah, Samaria và cho
đến tận cùng trái đất, để con người tin và được cứu độ. Còn khi nào Ngài
sẽ khôi phục vương quốc Nước Trời là nằm trong quyền lực và kỳ hạn mà
Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt. Điều này cũng tùy thuộc vào việc cộng
tác của con người làm cho Nước Chúa mau trị đến, bằng việc làm cho mọi
người nhận biết Chúa.
1.3/ Chúa Giêsu lên trời: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước
mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy
Người nữa.” Phúc Âm theo Luca cũng đề cập tới việc Chúa lên trời trong
những câu sau cùng (Luke 24:50-51) và phản ứng vui mừng của các Tông-đồ (Luke 24:52-53). Làm sao chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Giêsu lên trời?
(1) Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con
người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa
để cầu bầu cho con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để
chỉ còn lại thiên tính; không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn
toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để
biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ
nhận hơn theo truyền thống là lên trời.
(2) Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là từ nay, Ngài sẽ cách biệt
các môn đệ, nhưng có nghĩa Ngài không lệ thuộc vào giới hạn của thân xác
về thời gian và không gian. Ngài luôn luôn hiện hữu ở mọi nơi và mọi
thời với con người: tại Mỹ cũng như tại Việt-nam; trong bí-tích Thánh
Thể cũng như khi cầu nguyện. Hơn nữa Ba Ngôi Thiên Chúa không bao giờ
tách biệt nhau, cho dù giai đọan hiện tại là giai đoạn hoạt động của
Thánh Thần; nhưng ai có Thánh Thần, người ấy cũng có cả Ba Ngôi Thiên
Chúa.
(3) Theo ĐGH Gioan Phaolô II, Thiên Đàng không phải là một nơi ẩn
giấu đàng sau bầu trời, nhưng là một trạng thái vinh quang và vĩnh cửu,
do sự kết hiệp hoàn toàn giữa con người với Thiên Chúa. Nếu hiểu như
thế, Thiên Đàng đã bắt đầu ngay từ đời này, nhưng chưa đạt tới mức hoàn
hảo như ở đời sau, khi con người được chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Chúa
là.
(4) Chúa Giêsu từ trời sẽ trở lại lần thứ hai để phán xét kẻ sống
cũng như người chết: Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía
Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và
nói: “Hỡi những người Galilee, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu,
Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các
ông đã thấy Người lên trời.”
2/ Bài đọc II: Phaolô xin Thánh Thần cho các tín hữu để hiểu biết những điều quan trọng.
2.1/ Mặc khải quan trọng nhất của Thiên Chúa:
là Kế Họach Cứu Độ con người, được thực hiện qua Đức Kitô. Con người
phạm tội và hậu quả của tội là sự chết. Để cứu con người khỏi chết và
phục hồi sự sống, Chúa ban cho con người Đức Kitô. Nhờ cái chết và sự
phục sinh của Đức Kitô, con người tìm được niềm hy vọng được sống muôn
đời với Thiên Chúa. Tác giả Thư Ephesô diễn tả những điều này như sau:
“Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận
biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em để thấy rõ:
(1) “đâu là niềm hy vọng nhờ Người kêu gọi anh em”: Niềm hy vọng đây
chính là hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu đã đạt được qua Đức Kitô. Nếu
chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống muôn đời với Thiên
Chúa. Ngài không ngừng kêu gọi và tạo cơ hội cho con người biết Đức
Kitô.
(2) “đâu là sự sung mãn của gia nghiệp vinh quang của Người giữa các
thánh”: Gia nghiệp vinh quang của Thiên Chúa chính là ơn cứu độ mà Đức
Kitô đã chiến thắng cho con người. Các thánh là những người đã được
hưởng ơn cứu độ. Họ là những chứng nhân của niềm hy vọng của chúng ta.
(3) “đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã làm cho chúng ta là
những tín hữu, theo như uy quyền vô biên của quyền năng Người, mà
Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi
chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.” Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã
chiến thắng mọi quyền lực của ma quỉ, tiêu diệt sự chết, và mang lại sự
sống vĩnh cửu cho con người.
2.2/ Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu dương nơi Đức Kitô:
(1) Đức Kitô là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa: “Như vậy,
Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước
vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế
giới tương lai.” Thư Philiphê cũng diễn tả các tương tự về uy quyền và
danh xưng Giêsu (Philippians 2:10-11).
(2) Đức Kitô thiết lập Hội Thánh để tiếp tục thi hành sứ vụ cứu độ
của Ngài trong trần gian: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô
và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức
Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.”
Đức Kitô cần Hội Thánh để loan truyền ơn cứu độ của Ngài cho mọi người.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu hứa với các môn đệ ba điều quan trọng trước khi Ngài lên trời.
(1) Ngài bảo đảm với các ông về uy quyền của Ngài: “Thầy đã được trao
toàn quyền trên trời dưới đất.” Chúa Cha đã trao phó tất cả quyền năng
trên trời cũng như dưới đất trong tay Chúa Con; vì thế, các tông-đồ được
Chúa Giêsu bảo đảm các ông sẽ không bị khuất phục bởi bất cứ một quyền
lực nào của thế gian cũng như của ma quỉ, bao lâu Chúa Giêsu ở với các
ông.
(2) Ngài trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ: “Anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy
đã truyền cho anh em.” Tin Mừng Cứu Độ đã được chiến thắng bởi Chúa
Giêsu; từ đây các môn đệ cần mang Tin Mừng này cho hết mọi người. Hai
điều kiện để một người được hưởng Tin Mừng Cứu Độ là chịu Phép Rửa nhân
danh Ba Ngôi Thiên Chúa và giữ cẩn thận các điều Chúa Giêsu đã truyền.
Các môn đệ chịu trách nhiệm rao giảng để mang niềm tin và nuôi dưỡng đức
tin bằng những lệnh truyền của Chúa Giêsu.
(3) Ngài cam kết sẽ luôn ở với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế.” Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài sẽ sống xa
cách các môn đệ, như khi một người từ giã cuộc đời; nhưng vì Chúa có uy
quyền để từ nay tuy các ông không còn xem thấy Ngài cách hữu hình, nhưng
các ông sẽ cảm thấy sự hiện diện thực sự của Ngài qua bí-tích Thánh Thể
và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sự hiện diện bên trong cao trọng
hơn sự hiện diện trong thân xác, và có sức mạnh để biến đổi các môn đệ
từ người ít học, yếu đuối, sợ sệt, thành những chứng nhân hiểu biết, can
đảm, và sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Đầu đã lên trời, chúng ta là những chi thể của một
thân thể của Ngài là Hội Thánh, cũng sẽ được lên theo. Đó là niềm hy
vọng chắc chắn của chúng ta.
- Chúa Giêsu tin tưởng chúng ta sẽ không quên sứ vụ Ngài trao phó là
sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chúng ta phải làm hết cách để cho mọi người
biết và tin vào Ngài; đồng thời chúng ta cũng phải đào tạo các thợ nhiệt
thành để tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai.
- Chúa Giêsu về trời không có nghĩa là Ngài vắng mặt trong cuộc đời;
nhưng một khi Ngài không còn lệ thuộc vào giới hạn của thân xác, Ngài sẽ
hiện diện với mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
0 Nhận xét