Theo Boxitvn
Phản biện một số lập luận về tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
Dương Danh Huy
Gần
đây TS Vũ Quang Việt lặp lại một số đề nghị trong một bài viết năm 2010
của ông. Bài viết này phản biện một số điểm ông nêu ra, đặc biệt là ba
điểm sau:
● Đáng lẽ vào lúc này các nước
ASEAN đã phải giải quyết vấn đề [chủ quyền đối với các đảo Trường Sa]
với nhau rồi. Nước có trách nhiệm lớn nhất trong việc này là Việt Nam,
nhưng Việt Nam đã không làm gì. Vẫn cho rằng Trường Sa là của mình.
● Việt Nam cũng nên từ bỏ việc đòi chủ quyền các bãi/đá nằm trong EEZ của Phi, Brunei và Mã Lai.
● Việt Nam và các nước nên công nhận chủ quyền của nhau trên các đá hiện đang chiếm giữ.
Trong bài viết này, các đoạn trích là từ ý kiến của TS Vũ Quang Việt trên Diễn Đàn (diendan.org).
Liên
quan đến ASEAN là vấn đề chủ quyền Trường Sa mà hiện nay người Việt,
đặc biệt là giới trí thức chưa có quan điểm rõ ràng. Thật ra, chủ quyền
của Việt Nam ở Trường Sa là đến đâu? Nếu không giải quyết được vấn đề
này thì khó có sự đoàn kết giữa các nước có liên quan trong khối ASEAN
như Việt Nam, Phi, Mã, Brunei, Indonesia.
Ý
kiến này đúng một phần, nhưng sự thật không hoàn toàn như thế, và đó là
một ý kiến thiếu quân bằng. Sự thật là có thể đoàn kết qua những giàn
xếp tạm thời tế nhị và thực tế hơn là các nước ASEAN phải giải quyết
tranh chấp chủ quyền đối với đảo/đá. Như một thí dụ, Philippines vừa
tuyên bố ủng hộ Việt Nam (đó là một sự đoàn kết), trong khi chưa giải
quyết xong tranh chấp chủ quyền đối với đảo/đá.
ASEAN
thiếu đoàn kết là vì rất nhiều lý do, chứ không phải tranh chấp chủ
quyền đối với đảo/đá. Các nước ASEAN khác nhau nhiều về chính trị, tôn
giáo, kinh tế, ngoại giao, lợi ích quốc gia, và đặc biệt là trong quan
hệ với Trung Quốc trong các lãnh vực ngoại giao, thương mại, viện trợ.
Tất cả những điều đó đều gây chia rẽ chứ không chỉ tranh chấp chủ quyền
trên các đảo/đá Trường Sa.
Chúng ta cần nhìn nhận thực tế, thí dụ như sau:
·
Trên thực tế, nước ASEAN có nhiều tranh chấp đảo/đá với Việt Nam nhất
là Philippines, nhưng trong những năm vừa qua nước này lại đoàn kết với
Việt Nam nhất trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Ngoài
sự ủng hộ cho Việt Nam trong sự kiện HD-981, khi Trung Quốc tuyên bố
thành phố Tam Sa năm 2012, Philippines đã nêu lên trong phản đối của họ
rằng Hoàng Sa không phải là của Trung Quốc mà Việt Nam cũng đòi chủ
quyền.
· Trên thực tế, nước ASEAN có nhiều tranh
chấp đảo/đá với Việt Nam thứ nhì là Malaysia, nhưng năm 2009 Malaysia
đã cùng Việt Nam nộp hồ sơ cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa.
· Ngày 22/5/2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak trả lời báo Nhật (thestar.com.my)
về chính sách kém quyết liệt của nước mình với Trung Quốc như sau, “We
must look at the big picture and not define relations with China on a
single-issue basis but look at the broad spectrum of the relations, and
recognize the strategic importance of our bilateral relationship with
China … We do not want [the territorial] issue to be an impediment to
the growing ties between Malaysia and China.” Theo trả lời này, Malaysia
không quyết liệt như Việt Nam và Philippines không phải là vì Việt Nam
và Malaysia có tranh chấp đảo, mà là vì tầm quan trọng chiến lược và bề
rộng của quan hệ với Trung Quốc đối với Malaysia. Như vậy, giả sử như
Việt Nam có nhượng bộ cho Malaysia tất cả các đảo mà họ đòi thì cũng
chưa chắc là họ sẽ đoàn kết với chúng ta để chống Trung Quốc, vì họ sẽ
còn tính tới “the broad spectrum of the relations [with China]”, “the
strategic importance of our bilateral relationship with China”, và “the
growing ties between Malaysia and China”.
· Trên
thực tế, nước ASEAN chia rẽ nhiều nhất cới các nước khác là Campuchia,
trong khi nước này không tranh chấp đảo/đá nào ở Trường Sa.
Bốn
thí dụ trên ủng hộ mạnh mẽ quan điểm có nhiều điều chia rẽ ASEAN, và
tranh chấp đảo/đá ở Trường Sa không phải là điều chia rẽ nhiều nhất.
Đúng là câu hỏi “chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa là đến đâu?” là rất quan trọng, nhưng trước nhất phải trả lời câu hỏi đó dựa trên luật quốc tế, không nên trả lời một cách tùy tiện.
Đáng
lẽ vào lúc này các nước ASEAN đã phải giải quyết vấn đề với nhau rồi.
Nước có trách nhiệm lớn nhất trong việc này là Việt Nam, nhưng Việt Nam
đã không làm gì. Vẫn cho rằng Trường Sa là của mình.
Quan điểm này không chính xác ở hai điểm.
Thứ
nhất, các nước ASEAN không thể nào giải quyết vấn đề tranh chấp đảo/đá
với nhau trong khi bỏ qua Trung Quốc và Đài Loan. Nếu các nước này cùng
nhau đàm phán chia đảo/đá, bỏ qua Trung Quốc và Đài Loan, thì sẽ hoàn
toàn vô nghĩa. Trung Quốc và Đài Loan sẽ không chấp nhận, thế giới sẽ
không ủng hộ, và nếu ra tòa thì tòa cũng sẽ không chấp nhận.
Thứ
nhì, vì lý do trên, việc đổ thừa trách nhiệm lớn nhất cho việc chưa gải
quyết tranh chấp đảo/đá cho Việt Nam là không chính xác. Ngoài ra,
Philippines cũng cho rằng đại đa số các đảo/đá Trường Sa là của họ (chỉ
trừ đảo Trường Sa lớn, Đá Lát và một số mỏm đá phụ cận).
Chính
vì thế mới tạo thời gian và cơ sở cho Trung Quốc hành động bất ngờ, đem
dàn khoan vào EEZ của Việt Nam và ở gần ngay Hoàng Sa như thế.
Ý
kiến này cũng không chính xác ở hai điểm. Để biện luận cho hành động
sai trái của họ, Trung Quốc đã đưa ra “cơ sở” Hoàng Sa là của họ, và đó
là vùng nước (không được đinh nghĩa) thuộc Hoàng Sa. Cơ sở đó không liên
quan gì đến Trường Sa.
Ý kiến "chính vì thế" có
vẻ hơi quá. Có nhiều yếu tố trong tính toán của Trung Quốc, không chỉ
việc Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei chưa giải quyết xong
tranh chấp chủ quyền đảo/đá với nhau.
Trung
Quốc hành động lúc mà Mỹ không có khả năng có hành động trả đũa (và cũng
không có cớ để hành động dù muốn) và lúc mà các nước ASEAN chia rẽ, kể
cả 4 nước đòi chủ quyền ở Trường Sa. Trung Quốc muốn tạo sự đã rồi. Nó
hành động đúng vào lúc mà toà án quốc tế chưa xử vụ kiện của Phi. Nó
hành động đúng vào chỗ chỉ có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, ở
chỗ mà Việt Nam chưa dám đưa ra toà để kiện.
Như
đã trình bày trên, ASEAN chia rẽ vì nhiều lý do chứ không chỉ vì tranh
chấp chủ quyền đảo/đá tại Trường Sa. Do đó, để đối phó với sự chia rẽ
đó, cần có nhiều biện pháp nhằm xử lý các lý do khác nhau. Việc tập
trung quá đáng vào giải quyết tranh chấp đảo/đá là không thực tế (vì nếu
giải quyết tranh chấp đảo/đá với nhau bỏ qua Trung Quốc và Đài Loan thì
thế giới không công nhận) và không hiệu nghiệm (vì có nhiều chia rẽ
khác lớn hơn).
Việc Việt Nam cần làm là giải quyết với các nước Đông Nam Á khác cũng đòi chủ quyền như Phi, Mã Lai, Brunei.
Nếu
thực hiện được thì cũng tốt, nhưng việc đó không khả thi (như đã trình
bày), ít hiệu nghiệm, và không phải là thiết yếu. Eg, Philippines và
Malaysia đã từng hợp tác với và ủng hộ Việt Nam trong khi chưa giải
quyết xong vấn đề chủ quyền đối với đảo/đá.
Điều
này chỉ có thể làm được nếu như Việt Nam từ bỏ ý đồ cho rằng toàn bộ
các đảo/đá/bãi ở Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có nhiều lý
do để thấy đòi hỏi này của Việt Nam là có vấn đề
a)
lịch sử không chứng minh được Trường Sa là thuộc Việt Nam; Pháp tuyên
bố chủ quyền trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ (và chỉ ghi được 6 địa
danh trong hàng vài chục địa danh);
b) có muốn hết cũng không có sức thực hiện được việc hành xử chủ quyền;
c) càng muốn thì càng chứng tỏ rằng mình là tiểu bá.
Việc Pháp tuyên bố chủ quyền trên cơ sở Trường Sa là đất vô chủ không có nghĩa “lịch sử không chứng minh được Trường Sa là thuộc Việt Nam”.
Đó là một mệnh đề lỏng lẻo, thiếu cẩn thận, gây ấn tượng sai và bất lợi
cho Việt Nam. “Lịch sử” là lịch sử nào? Thời thượng cổ, hay trung cổ,
hay cận đại, hay hiện đại, hay tất cả lịch sử từ xưa đến nay. “Lịch sử”,
với định nghĩa nó là những gì đã xảy ra trong quá khứ, bao gồm cả việc
tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, không nước nào phản đối, Pháp sáp
nhập Trường Sa vào với Nam Kỳ, và sau đó công nhận rằng Nam Kỳ là của
Việt Nam: đó cũng là một chứng minh từ lịch sử rằng Trường Sa là của
Việt Nam.
Thật ra tuyên bố chủ quyền của Pháp
không chỉ là với 6 đảo được nêu tên, mà là với quần đảo Trường Sa trong
đó có 6 đảo được nêu tên. Như vậy không thể dựa trên “chỉ ghi được 6 địa danh”
để suy diễn gì, mà phải xét xem vào thời kỳ đó “quần đảo Trường Sa”
được cho là bao gồm những gì, và theo Pháp thì “quần đảo Trường Sa” được
cho là bao gồm những gì. Từ đó mới có thể suy ra tuyên bố chủ quyền của
Pháp bao gồm những gì.
Và vấn đề quan trọng ở
đây là khi bắt đầu đàm phán hay ra tòa mình phải nói là của mình. Không
có gì sai với cách tiếp cận đó, miễn mình công nhận là có tranh chấp,
mình không dùng bạo lực, không khăng khăng từ chối ra tòa, không khăng
khăng bác bỏ đàm phán. Điều đúng đắn không phải là tự bỏ quan điểm của
mình từ đầu, mà là
1. Không dùng vũ lực.
2.
Chấp nhận và kêu gọi việc ra tòa. Khi ra tòa thì mình phải nói là của
mình, nhưng nếu tòa kết luận rằng mình có zero, 1, 2, 3, ..., hay tất cả
các đảo/đá thì mình cũng đều tuân thủ.
3. Chấp
nhận và kêu gọi đàm phán về chủ quyền đảo/đá. Khi bắt đầu đàm phán thì
mình phải nói là của mình, nhưng khi đàm phán thì mình phải tôn trọng lý
lẽ công bằng, và sẵn sàng nhượng bộ, có khi vì sự công bằng, có khi vì
một sự trao đổi nào đó có lợi ích cho đất nước.
Nếu
tiếp cận với ba nguyên tắc trên thì không có gì là tiểu bá; đó là một
cách tiếp cận vừa phải, văn minh mà nhiều nước trên thế giới áp dụng
trong tranh chấp lãnh thổ. Ngược lại, nếu chưa ra tòa, chưa vào đàm phám
mà đã công nhận “lịch sử không chứng minh được Trường Sa là thuộc
Việt Nam; Pháp tuyên bố chủ quyền trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ (và
chỉ ghi được 6 địa danh trong hàng vài chục địa danh)” thì là tự bắn
vào chân mình, trong khi thực tế và các tiêu chuẩn của sự ôn hòa, hòa
bình, văn minh không đòi hỏi phải tự bắn như thế.
Ngoài ra nếu mình tự nhận “lịch
sử không chứng minh được Trường Sa là thuộc Việt Nam; Pháp tuyên bố chủ
quyền trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ (và chỉ ghi được 6 địa danh
trong hàng vài chục địa danh)” trước thì Trung Quốc sẽ là nước hưởng
lợi nhất. Trung Quốc sẽ nói vậy thì trước nhất Việt Nam không được
tranh chấp đảo/đá x, y, z, vv, với Trung Quốc.
Cho
nên tôi xin nêu lại vài đề nghị mà tôi đã trình bày trong một bài viết
trước đây của tôi cũng như đã viết cho bộ ngoại giao, để nếu như không
tạo được sự đoàn kết của cả ASEAN thì ít nhất có 4 nước lãnh xướng (để
có hậu thuẫn của ít nhất Indonesia và Singapore):
1.
Mọi nước trong nhóm nước 4 nước thuộc khối ASEAN có tranh chấp ở Trường
Sa đồng ý là các kết cấu tự nhiên ở đây chỉ là đá chứ không phải đảo.
Như vậy ai làm chủ các hòn đá thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Điều này sẽ
là cơ sở cho việc Hoàng Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý (dù ai chiếm giữ).
Đề nghị (1) cũng hợp lý và cũng tốt, và nhiều tác giả cũng đã đề nghị như thế trước bài viết năm 2010 của TS Vũ Quang Việt.
2. Việt Nam cũng nên từ bỏ việc đòi chủ quyền các bãi/đá nằm trong EEZ của Phi, Brunei và Mã Lai.
Đây là một đề nghị hoàn toàn sai lầm. Với đề nghị (1), “các kết cấu tự nhiên ở đây chỉ là đá chứ không phải đảo”, nếu thêm đề nghị (2) thì có thể thấy trên bản đồ rằng Việt Nam sẽ chỉ còn một phần nhỏ của các đảo/đá/đá Trường Sa.
Đề
nghị đó cũng không phù hợp với luật quốc tế. Theo luật quốc tế thì chủ
quyền đối với đảo/đá và đá trên mức thủy triều cao lệ thuộc vào lịch sử
xác lập chủ quyền, không lệ thuộc vào đảo/đá đó nằm trong EEZ của nước
nào.
Đề nghị đó cũng không cần thiết. Giả sử như
đề nghị (1) được công nhận thì hệ quả của nó là Việt Nam sẽ không đòi
những gì cách đảo/đá (trên mức thủy triều cao) hơn 12 hải lý. Điều đó có
nghĩa tất cả các bãi ngầm, bãi cạn, bãi và rạn đá lúc nổi lúc chìm, đáy
biển, cột nước trong EEZ của Philippines, Malaysia và Brunei cách
đảo/đá (trên mức thủy triều cao) hơn 12 hải lý sẽ thuộc về các nước này.
Như vậy là khá nhiều rồi. Giả sử như có đàm phán (và đàm phán về chủ
quyền đối với các đảo/đá sẽ phải bao gồm Trung Quốc), cũng có thể họ sẽ
chấp nhận như thế, cũng có thể họ sẽ đòi thêm một số đảo/đá nữa, và họ
sẽ được gì, ta sẽ được gì, sẽ là kết quả của đàm phán. Không việc gì
phải đương nhiên “từ bỏ việc đòi chủ quyền các bãi/đá nằm trong EEZ của Phi, Brunei và Mã Lai”.
Như
vậy, sẽ là sai lầm nếu ta chưa đàm phán mà đã tặng thêm họ đề nghị (2).
Đề nghị (1) là đủ để bắt đầu đàm phán rồi. Trong đàm phán, các nước kia
có thể đòi nhiều hơn, nhưng chưa đàm phán mà đã tặng họ đề nghị (2) thì
là không cần thiết và dại dột.
3. Việt Nam và các nước nên công nhận chủ quyền của nhau trên các đá hiện đang chiếm giữ.
Đề nghị này mâu thuẫn với đề nghị (2), vì có những đơn vị Việt Nam đang giữ nằm trong EEZ của Philippines và Malaysia.
Và
nó cũng không cần thiết. Hiện nay Việt Nam, Philippines, Malaysia và
Brunei chỉ cần biện pháp tạm thời là công nhận sự chiếm giữ de facto của
nhau và cam kết không dùng vũ lực để giành đảo/đá của nhau là được rồi.
Hiện nay chưa cần công nhận chủ quyền pháp lý của nhau trên những
đảo/đá đang chiếm giữ.
4. Với sự đồng ý ở
trên, 4-5 nước ASEAN có thể yêu cầu Toà hoà giải Luật biển phán quyết là
các cấu trúc thiên nhiên ở Biển ĐNA lớn nhất chỉ có thể là đá. (Trung
Quốc không có quyền cản vụ này).
TS Vũ Quang Việt có thể cho biết tại sao cần điểm (2) (“Việt Nam cũng nên từ bỏ việc đòi chủ quyền các bãi/đá nằm trong EEZ của Phi, Brunei và Mã Lai.”) và (3) (“Việt Nam và các nước nên công nhận chủ quyền của nhau trên các đá hiện đang chiếm giữ.”) thì mới có thể “yêu cầu Toà hoà giải Luật biển phán quyết là các cấu trúc thiên nhiên ở Biển ĐNA lớn nhất chỉ có thể là đá”?
Điều
đó không chính xác. Rõ ràng là chỉ cần đồng ý về điểm (1) để có thể ra
tòa. Điểm (2), (3) hoàn toàn không cần thiết cho việc ra tòa. Ngoài ra,
chúng lại còn không phù hợp với luật quốc tế, và chắn là tòa sẽ bác bỏ
bất cứ gì dựa trên hai điểm đó. Không những thế, điểm (2) là rất bất lợi
cho Việt Nam, điểm (3) thì mâu thuẫn với điểm (2).
Trên
thực tế, đơn kiện của Philippines dựa nhiều trên quan điểm Trường Sa
không có vùng đặc quyền kinh tế, và họ không cần tới đề nghị (2) và (3)
của TS Vũ Quang Việt.
Như vậy, có thể giữ điểm
(1), nhưng điểm (2) và (3) thì trong giai đoạn này chỉ nên gác chúng
sang một bên, Việc từ bỏ đòi chủ quyền đối với đảo/đá, nếu có, mà chỉ có
thể là do phán quyết của tòa, hoặc là do kết quả của đàm phán, không
nên là tiên đề.
Tôi nghĩ đã đến lúc chính phủ
Việt Nam phải chủ động đưa ra sáng kiến giải quyết vấn đề trong tranh
chấp ở nội bộ ASEAN, tạo cái khung cho giải pháp trong tương lai với
Trung Quốc nếu có.Vũ Quang Việt
Đúng vậy,
nhưng những sáng kiến đề nghị (2) và đề nghị (3) của TS Vũ Quang Việt
không phải là sáng kiến thích hợp cho hoàn cảnh hiện nay.
Đúng
là ASEAN bị chia rẽ, nhưng đó là vì nhiều lý do, không phải chỉ vì
tranh chấp đảo/đá ở Trường Sa. Đề nghị (2) và (3) của TS Vũ Quang Việt,
2. Việt Nam cũng nên từ bỏ việc đòi chủ quyền các bãi/đá nằm trong EEZ của Phi, Brunei và Mã Lai.
3. Việt Nam và các nước nên công nhận chủ quyền của nhau trên các đá hiện đang chiếm giữ.
không
phải là cách có giá trị nhất cũng như không phải là cách cần thiết để
giải quyết sự chia rẽ đó, mà cũng không phải là cách hợp lý hay khả thì
để giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo/đá.
Trong
vấn đề chủ quyền đối với đảo/đá, hiện nay Việt Nam, Philippines,
Malaysia và Brunei chỉ cần công nhận sự chiếm giữ de facto của nhau và
cam đoan không dùng vũ lực để giành đảo/đá của nhau. Như vậy là đủ rồi
Chưa cần công nhận chủ quyền pháp lý của nhau. Thí dụ, như vậy là đủ cho
Philippines và Việt Nam đoàn kết với nhau, và cho Việt Nam và Malaysia
hợp tác với nhau.
Đúng là Việt Nam và các nước
trong tranh chấp cần có đột phá, nhưng đột phá đó không nên như trong đề
nghị (2), (3) của TS Vũ Quang Việt, mà có thể bao gồm những biện pháp
như các thí dụ sau:
● Cùng đồng ý đưa tranh chấp chủ quyền đối với đảo/đá ra tòa, và cùng gây áp lực thách Trung Quốc ra tòa.
●
Cùng đồng ý rằng Trường Sa không có EEZ, và cùng yêu cầu tòa công nhận,
hoặc cùng đồng ý một phạm vi EEZ nào đó để khoanh vùng vùng tranh chấp
và cùng gây áp lực lên Trung Quốc, cùng thách Trung Quốc chấp nhận cho
tòa khoanh vùng vùng tranh chấp.
Như vậy sẽ đem
lại phần lớn những lợi ích có thể mong muốn. Để Việt Nam, Philippines,
Malaysia và Brunei đoàn kết hơn, cần thực hiện những biện pháp dễ, cần
thiết và có nhiều lợi ích nhất trước. Hai đề nghị (2), (3) TS Vũ Quang
Việt không phải là thiết yếu (vì có thể xây dựng đoàn kết bằng những
cách khác), không có nhiều giá trị (vì có những vấn đề khác gây chia rẽ
lớn hơn), không khả thi (vì các nước ASEAN không thể giải quyết vấn đề
chủ quyền đối với đảo với nhau bỏ qua Trung Quốc và Đài Loan), có vẻ
chưa chín, và nên được tạm gác sang một bên trong hoàn cảnh hiện nay.
D.D.H.
Tác giả gửi BVN
0 Nhận xét