Bộ
luật Hamurabi vào thế kỷ XVIII trước CN ít nhiều đã có những quy phạm
liên quan đến quyền của con người. Tuy vậy, mãi đến 4000 năm sau, Tuyên
ngôn quốc tế về nhân quyền mới chính thức ra đời, cung cấp đầy đủ những
đảm bảo pháp lý để một người có điều kiện tối thiểu phát triển như một
con người, ghi dấu cho sự phát triển hoàn thiện của luật nhân quyền.
Luật nhân quyền với bề dày lịch sử không chỉ là công trình của khoa học
pháp lý, nhưng còn mang dấu ấn sâu đậm của triết học luật pháp, đạo đức,
chính trị và của tất cả những ai quan tâm đến nhân phẩm con người.
Một
trong những chức năng cơ bản của nhà nước và pháp luật là đảm bảo trật
tự xã hội. Trật tự ấy cần những quy phạm về quyền và nghĩa vụ của con
người. Vua Hamurabi của Babylon cổ đại cũng đã sớm khẳng định mục đích
của luật: “Để cho kẻ mạnh không hà hiếp kẻ yếu; để cho những người cô
quả có thể nương tựa ở thành Babilon…; để cho sự tuyên án trong nước
tiện việc quyết định; để cho những kẻ thiệt thòi được trình bày lẽ
phải…”[1]
Quyền của con người đã xuất hiện trong nhiều bộ luật, tuy vậy, chỗ đứng
lí luận cho quyền ấy chỉ mới xuất hiện cùng với sự hoàn bị tư tưởng về
luật tự nhiên của các triết gia như Thomas Aquinas, John Locke hay Jean
Jacques Rousseau. Thật vậy, duy trì trật tự xã hội gắn liền với đảm bảo
nhân quyền nhưng không phải là cội rễ của nhân quyền. Quyền con người là
quyền đạo đức, quyền tự nhiên, không bị giới hạn bởi ý chí chủ quan của
nhà lập pháp.
Tư
tưởng về luật tự nhiên đã manh nha từ các triết gia cổ đại với quan
niệm về tính phổ quát trong đạo đức của Aristotle (moral universalism).
Quyền con người vì là quyền đạo đức nên mang tính phổ quát, có hiệu lực ở
mọi nơi mà không phụ thuộc vào sự chấp nhận của người khác hay của nhà
nước.[2]
Trước khi hình thành nhà nước thì quyền ấy đã tồn tại với sự xuất hiện
của con người. Lý thuyết về luật tự nhiên của Thomas Aquinas vào thời
Trung Cổ tiếp tục cũng cố cho tính tối thượng của nhân quyền. “Một luật
không công bằng thì không phải là luật”[3]
– luật con người có hiệu lực khi hòa hợp với luật tự nhiên. Chính quy
luật luân lý đem lại sức mạnh cho pháp luật nói chung và luật nhân quyền
nói riêng.[4]
Sau thời Phục Hưng ở Châu Âu, tư tưởng về nhân quyền được phát triển
thêm bởi các triết gia chính trị. Đóng góp lớn của họ là nhìn nhận lại
bản chất của nhà nước. Trước đây, nhà nước được xem như một chủ thể tối
thượng nắm mọi quyền lực để chi phối xã hội, đồng thời cũng là chủ thể
siêu hình khó có thể hiểu hết được. Với John Locke và Rousseau, trong
khế ước giữa nhà nước và công dân, nhà nước có nghĩa vụ đưa ra hiến pháp
nhằm đảm bảo quyền của con người. Đây thực là một bước tiến lớn về tư
tưởng khi nhân quyền không còn loay hoay trong lãnh vực đạo đức nhưng
phải được pháp chế hóa để đảm bảo cách tốt nhất.[5]
Không lâu sau đó, đạo đức học của Kant cũng lên tiếng ủng hộ khi kéo
luật luân lý từ Đấng tuyệt đối (bên ngoài) vào bên trong nội tại con
người. Luật luân lý mời gọi mỗi người hành động sao cho mọi sự trở nên
tốt đẹp nếu mọi người cùng làm như vậy. Tự do của người này không được
phạm đến tự do nơi người khác.[6]
Luật pháp không có lý do để chối từ nhân quyền chủ quan nhưng rất phổ
quát ấy. Những người bài tôn giáo cũng không thể loại trừ một quyền
không phải được ban do Đấng tuyệt đối vô hình.
Trên
cơ sở vững chắc của các tư tưởng triết học, những bản luật đầu tiên và
chính thức về quyền con người ra đời. Hiến chương Magna Carta của Anh
vào thế kỷ XIII bắt đầu để ý đến nghĩa vụ của nhà nước trong việc bảo vệ
quyền cơ bản của công dân như quyền sở hữu, thừa kế; quyền tự do buôn
bán và không bị đánh thuế quá mức, quyền tái hôn của phụ nữ góa chồng,
quyền được xét xử đúng đắn và bình đẳng trước pháp luật. Trong đó, nhà
nước cũng phải tiết chế quyền lực của mình trong quy phạm về luật bảo
thân (habeas corpus – mọi trường hợp tử hình đều phải qua xét xử) và quy
phạm về tôn trọng quyền hợp pháp của công dân (due process of law).
Quyền cưỡng chế của nhà nước vẫn bị giới hạn trong việc đảm bảo quyền
con người. Đến thế kỷ XVIII, thuật ngữ “quyền con người” chính thức xuất
hiện trong hai bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Pháp. “Mọi người sinh
ra đều bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm
phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền
mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ 1776)
“Người ta sinh ra và sống tự do và bình đẳng về các quyền…” (Tuyên ngôn
nhân quyền và dân quyền của Pháp 1789). Hai văn bản pháp lý ấy tiếp tục
gợi hứng cho các nhà lập pháp Châu Âu pháp chế hóa nhân quyền vào hệ
thống pháp luật và mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của quyền con
người. Chỉ trong vòng 35 năm (từ 1795 đến 1830), hơn 70 bản hiến pháp
mang dấu ấn của những luận điểm trong hai bản tuyên ngôn trên đã được
thông qua ở Châu Âu.[7]
Đến thế kỷ XX, sau đại họa gây ra bởi hai cuộc chiến tranh thế giới,
quyền con người vươn ra khỏi biên giới quốc gia để tìm chỗ đứng thích
hợp cho mình trong môi trường quốc tế. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền
1948 và hai công ước quốc tế về Quyền dân sự chính trị và Quyền kinh
tế, xã hội, văn hóa 1966 như một dấu chứng vững chắc cho nhận thức mang
tính hoàn thiện về quyền con người. Quyền con người là quyền tự nhiên,
quyền đạo đức nhưng cần được đảm bảo bởi pháp luật. Quyền tối thiểu để
một người được xứng đáng được gọi là con người mang tính quốc tế, phổ
quát cho mọi người, ở mọi thời, và mọi nơi trên thế giới.
Như
vậy, sau hơn 2000 năm, hạt nhân tư tưởng về nhân quyền được thai nghén
nơi các triết gia Hy Lạp cổ đại, cũng cố nơi lý thuyết về luật tự nhiên
của các triết gia trung cổ, phát triển bởi học thuyết về nhà nước của
các triết gia cận đại và nên hình nên dạng khi đi vào pháp luật hiện đại
của quốc gia và quốc tế. Bề dày lịch sử của luật nhân quyền ghi nhận
đóng góp của nhiều ngành khoa học, trong đó, vai trò định hướng của tư
tưởng triết học rất đáng lưu ý. Trên tư tưởng, nhà lập pháp và chính trị
gia có cơ sở để xây dựng luật nhân quyền; cũng trên tư tưởng, công dân
có cơ sở để yêu cầu nhà nước bảo vệ quyền cơ bản và tối thiểu của mình.
Lịch sử nhân loại trải qua nhiều cuộc đấu tranh, chứng kiến sự ra đời
của nhiều kiểu nhà nước với những bộ luật đi kèm; tuy vậy, luật nhân
quyền chỉ cất tiếng khi nó được xây dựng trên cách hiểu đúng đắn về bản
chất quyền con người. Nhân quyền không xuất phát bởi luật nhưng cần được
đảm bảo bằng luật. Cái nhìn hậu cảnh và toàn diện của triết học đưa
nhân quyền pháp lý về với đạo đức, liên kết với chính trị để giúp luật
pháp thực thi đúng vai trò của mình trong việc đảm bảo quyền con người.
Ngày nay nhiều quốc gia đang trăn trở trước yêu cầu hợp pháp hóa hôn
nhân đồng tính. Nhân quyền dường như đang tiếp tục mở rộng biên giới của
mình. Tuy vậy, để luật bảo vệ người đồng tính ra đời không trở thành
một đứa trẻ sinh non yếu ớt, thiết nghĩ luật ấy cần trở về với nền tảng
tư tưởng đạo đức của vấn đề, đồng thời xem xét cẩn trọng trong tương
quan với tâm lý, xã hội, văn hóa, tôn giáo. Tư tưởng và góc nhìn triết
học vẫn luôn đóng góp phần quyết định cho pháp luật.
Trong
thế giới ngày nay, nền tảng luật tự nhiên của nhân quyền đang tiếp tục
được tranh luận bởi các triết gia hiện đại như John Rawls (1921- 2002),
Richard Rorty (1931-2007) hay Ronald Dworkin (1931-2013). Tính phổ quát
(universal) của nhân quyền gặp phải sự chống đối của các triết gia đạo
đức theo chủ nghĩa tương đối (moral relativism); nền tảng nhân quyền
không chỉ thuần lý nhưng còn được thúc đẩy bởi cảm xúc, lòng nhân đạo
của con người[8]…
Tất cả những tranh luận triết học đó không cản trở việc đảm bảo nhân
quyền cho bằng cố gắng đưa ra cơ sở phong phú để nhân quyền được bảo vệ
cách hiệu quả và linh động trong các quốc gia có nền văn hóa, địa –
chính trị, pháp lý khác nhau.
Tư
tưởng đóng vai trò quyết định trong việc định hướng cho luật học về
nhân quyền. Tuy vậy, triết học không bao giờ bị giới hạn bởi tư tưởng
nhưng phải dẫn tới hành động. Việc nhìn và hiểu rõ hậu trường nhằm hướng
đến những hành động đúng đắn.[9]
Bên cạnh các nhà tư tưởng, lịch sử phát triển của nhân quyền cần ghi
nhận đóng góp của những nhà hoạt động – những người sống và chết cho
nhân quyền. Đóng góp của họ có khi mang hình ảnh của một Socrates, sẵn
sàng chết vì quyền tự do tư tưởng; có khi là cả một dân tộc với bao thế
hệ hy sinh trong cuộc đấu tranh đòi hòa bình độc lập; có khi là một
Teresa Calcutta dấn thân phục vụ người nghèo để cho họ cảm giác mình vẫn
là người; hay đôi khi ngay cả những “phạm nhân” bị các nhà nước kết án
là phản động, gây rối vì đấu tranh cho nhân quyền… Các “triết gia” ấy
không nổi bật vì tư tưởng lớn nhưng họ là những chứng nhân sống động cho
sự hiện diện của quyền con người. Nếu tư tưởng triết học đóng vai trò
nền tảng và định hướng thì chính thái độ chiêm nghiệm và thực hành tư
tưởng của họ là chất xúc tác để dẫn đến những thay đổi cụ thể trong việc
xây dựng luật nhân quyền. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 ra
đời sau cách mạng tư sản Pháp, Mỹ; Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn
quốc tế về nhân quyền 1948 sau thảm họa của hai cuộc chiến tranh thế
giới. Thêm nữa, pháp luật chỉ là đạo đức tối thiểu. Pháp luật được ví
như hai bờ giữ cho dòng chảy phong phú của cuộc sống được liên tục. Thế
nên, nhân quyền sống động nhất nơi thái độ triết học – hiểu, tôn trọng
và sống quyền con người. Pháp luật vốn cứng nhắc và giới hạn trước thực
tế phong phú của đời sống. Người hiểu và sống các nguyên tắc đạo đức của
luật nhân quyền vẫn là người tuân hành luật cách tốt nhất. Ngay cả khi
đứng trước tình huống mới mẻ của cuộc sống mà pháp luật chưa kịp điều
chỉnh, những nguyên tắc của nhân quyền vẫn được ứng dụng để họ hành xử
đúng đắn với tinh thần của pháp luật.
Tóm
lại, những con chữ khô cứng của luật nhân quyền được xây dựng trên nền
tảng tư tưởng dày lịch sử của các triết gia và sống động nơi thái độ tôn
trọng phẩm giá con người của bao con người. Thực tế đáng buồn ngày nay
là luật nhân quyền tồn tại nhưng thế giới vẫn còn hỗn độn với nhiều vi
phạm về nhân quyền. Nếu triết học đã góp công lớn cho những nhà lập pháp
và chính trị làm nên luật thì nó vẫn tiếp tục góp sức để luật ấy đi vào
đời sống của mỗi thường dân. “Hàng triệu người sinh ra rồi chết đi mà
không hề biết rằng mình là chủ nhân của các quyền con người.”[10]
Yếu tố quan trọng đóng góp cho nhân quyền ngày hôm nay là giáo dục –
một thứ triết học được bình dân hoá. Giáo dục giúp con người biết, phản
tư và thực thi nhân quyền. Có khi chúng ta có quyền nói, không phải chế
độ hay luật pháp nhưng dân trí mới thay đổi nhân quyền!
Đaminh Lê Văn Luận, S.J.
Triết sinh năm Dự bị – Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam
Bibliography:
ARISTOTLE, Nicomachean ethics, translated by W.D.Ross, book VI, chapter V, http://classics.mit.edu/Aristotle/nicomachaen.6.vi.html (accessed November 10, 2013).
AUGUSTINE, On free choice of the will, Book 1, § 5.
BENEDEK, Wolfgang, Understanding human rights, 3rd ed., Belgium: Intersentia, 2012.
FAGAN, Andrew, “Human rights”, Internet Encyclopedia of Philosophy, http://www.iep.utm.edu/hum-rts/ (accessed November 10, 2013).
HAMMURABI’S, Code of Laws, prologue, translated by L. W. King, http://www.thenagain.info/webchron/middleeast/hammurabicode.html (accessed November 10, 2013).
HIMMA, Kenneth Einar, “Philosophy of law”, Internet Encyclopedia of Philosophy, http://www.iep.utm.edu/law-phil/ (accessed November 10, 2013).
SƠN, Bùi Văn Nam, “Tư tưởng đổi thay số phận”, Trò chuyện triết học, Sài Gòn: NXB Tri thức, 2012.
STUMPF, Samuel Enoch, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn dịch, Hà Nội: Lao Động, 2004.
TALBOTT, W., Which rights should be universal, Oxford: Oxford University Press, 2005.
Lịch sử phát triển của tư tưởng về Quyền con người, http://reds.vn/index.php/tri-thuc/triet-hoc/4152-lich-su-phat-trien-cua-tu-tuong-ve-quyen-con-nguoi (accessed November 10, 2013).
[1] Hammurabi’s code of laws (circa 1780 B.C.), prologue, translated by L. W. King, http://www.thenagain.info/webchron/middleeast/hammurabicode.html (accessed November 10, 2013).
[2] Aristotle, Nicomachean ethics, translated by W.D.Ross, book VI, chapter V, http://classics.mit.edu/Aristotle/nicomachaen.6.vi.html (accessed November 10, 2013).
[3] Augustine, On free choice of the will, Book 1, § 5.
[4] Kenneth Einar Himma, “Philosophy of law”, Internet Encyclopedia of Philosophy, http://www.iep.utm.edu/law-phil/ (accessed November 10, 2013)
[5] Andrew Fagan, “Human rights”, Internet Encyclopedia of Philosophy, http://www.iep.utm.edu/hum-rts/ (accessed November 10, 2013).
[6] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn dịch, Hà Nội: Lao Động, 2004, p. 524-528.
[7] Lịch sử phát triển của tư tưởng về Quyền con người, http://reds.vn/index.php/tri-thuc/triet-hoc/4152-lich-su-phat-trien-cua-tu-tuong-ve-quyen-con-nguoi (accessed November 10, 2013).
[8] W. Talbott, Which rights should be universal, Oxford: Oxford University Press, 2005, p. 39-42.
[9] Bùi Văn Nam Sơn, “Tư tưởng đổi thay số phận”, Trò chuyện triết học, Sài Gòn: NXB Tri thức, 2012, p. 13.
[10] Wolfgang Benedek, Understanding human rights, 3rd edition, Belgium: Intersentia, 2012, p. 26.
0 Nhận xét