Bài liên quan:
Bài 1: Biển Đông: Đường lưỡi bò - một yêu sách mập mờ
Bài 2: Yêu sách "đường lưỡi bò" dựa trên lịch sử hay tự hành xử?
Tuy có những đánh giá khác nhau về nội dung và tính chất của “đường lưỡi
bò”, một số học giả Trung Quốc và Đài Loan vẫn cố tình khẳng định rằng,
đường này đã được quốc tế công nhận rộng rãi. Các học giả Đài Loan giải
thích, đường này thể hiện yêu sách đối với các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi
nửa chìm trong phạm vi “đường lưỡi bò” từ năm 1946. Còn các học giả
Trung Quốc cho rằng, đây là đường biên giới truyền thống trên Biển Đông
và Trung Quốc yêu sách không chỉ các địa vật mà cả vùng nước bên trong
và kế cận.
Theo họ, trước những năm 1960 và 1970, Việt Nam, Philippines,
Malaysia, Brunei và các nước Đông Nam Á khác đều không đưa ra phản đối
yêu sách “đường lưỡi bò”. Điều đó chứng tỏ, các nước này đã công nhận và
mặc nhiên chuẩn y đường này cũng như “tính chất lịch sử” của nó. Điều
đó cũng chứng tỏ, các quốc gia này đã công nhận cả 4 quần đảo thuộc chủ
quyền Trung Quốc.
Nhưng sự thật lại không phải như vậy.
Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, kể từ khi xuất bản bản đồ có “đường lưỡi bò” năm 1948 đến năm 2009, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra yêu sách chính thức vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò”.
Đại diện của Trung Quốc tham gia Hội nghị của Liện Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã không có tuyên bố gì về “đường lưỡi bò”.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng và công bố các văn bản quy phạm pháp
luật về biển của mình, Trung Quốc cũng không hề đề cập đến “đừng lưỡi bò”.
Chẳng hạn như Tuyên bố quy định lãnh hải 12 hải lý năm 1958; Luật về
Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992; Luật về Đường Cơ sở lãnh
hải năm 1996; Luật về vùng Đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa năm
1998; Luật về quản lý và sử dụng biển năm 2001; Luật về nghề cá năm
2004,…
Thượng nghị sỹ Mỹ Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề của Chính phủ Mỹ: “Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông quá rộng" |
Theo
luật pháp quốc tế, một yêu sách có liên quan đến biên giới lãnh thổ
quốc gia hợp pháp phải thể hiện rõ ràng, công khai ý chí về chủ quyền
trên lãnh thổ mà quốc gia đó yêu sách. Những hành vi bí mật không thể
tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử; ít nhất các quốc gia khác phải có cơ
hội biết được cái gì đang diễn ra.
Theo TS. Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TP. HCM, việc cho
xuất bản bản đồ của một cá nhân mà không công bố rõ ràng trước cộng
đồng quốc tế thì không thể gọi là một yêu sách lãnh thổ của một quốc gia
được.
Trung Quốc chưa bao giờ công bố chính thức yêu sách về vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”,
tính đến năm 2009, nên các quốc gia khác không đưa ra phản ứng chính
thức gì cũng là một điều dễ hiểu. Sự im lặng đó không thể hiểu là “mặc nhiên thừa nhận” được. Chưa nói đến, trong thực tế, cộng đồng khu vực và quốc tế đã không hề im lặng mỗi khi nhìn thấy “đường lưỡi bò” xuất hiện trong các tài liệu, bản đồ, sơ đồ,… do Trung Quốc phát tán trong các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Liên quan đến “4 quần đảo” giữa Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định rằng, họ có “chủ quyền lịch sử”,đã được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế, nên họ có quyền vạch ra“đường lưỡi bò” để xác định các“vùng biển liên quan”, “vùng biển liền kề”. Chúng
ta hãy xem xét luận điểm này thông qua một số sự kiện chủ yếu có liên
quan đến phản ứng của các nước trước những tuyên bố chủ quyền đối với
các quần đảo này.
Sự kiện đáng chú ý liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
không thể không nhắc đến là, theo yêu cầu của ông Gromyko (đại diện của
Liên Xô), trong phiên họp toàn thể ngày 5/9/1951 tại Hội nghị San
Francisco, Nhật Bản phải thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung
Hoa đối với một loạt lãnh thổ, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Nhưng đề xuất này đã bị 46 nước trong tổng số 51 nước có mặt
ngày hôm đó bác bỏ.
Ông Đinh Kim Phúc:
Ông Đinh Kim Phúc, giảng viên khoa Đông Nam Á, Đại học Mở TP.HCM cho
biết: “Chính Thủ tướng của Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu, lúc bấy giờ,
đã trịnh trọng tuyên bố trước Hội nghị ở San Francisco rằng, để xóa tan
những nghi ngờ, những mầm mống xung đột về sau thì Việt Nam tuyên bố
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam như nó đã vốn có từ trước. Lời tuyên
bố đó đã được ghi vào biên bản của hội nghị.”
Trong các tuyên bố hay các thỏa thuận đa phương, hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa chưa bao giờ được xem là của Trung Quốc. Nói cách khác,
cộng đồng quốc tế chưa bao giờ công nhận hai quần đảo này thuộc Trung
Quốc. Thực tế này cùng những đòi hỏi chủ quyền của Philippines và
Malaysia đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa
cho thấy, không thể nói “đường đứt khúc 9 đoạn” trên Biển Đông đã được các nước khác công nhận.
Các quốc gia chỉ có thể phản đối một khi quốc gia kia đã nêu yêu sách
chính thức và rõ ràng. Chúng ta đã bàn chi tiết về đặc điểm mập mờ của “đường lưỡi bò” của phía Trung Quốc. Do đó, chỉ có thể phản đối yêu sách này trong trường hợp Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách.
Các học giả quốc tế thống nhất cho rằng, thời điểm Trung Quốc gửi hai
Công hàm ngày 7/5/2009 lên Liên Hợp Quốc, trong đó có kèm bản đồ “đường lưỡi bò” mới là thời điểm đầu tiên bản đồ này xuất hiện công khai trước cộng đồng quốc tế.
Và ngay khi “đường lưỡi bò” chính thức xuất hiện trước cộng đồng quốc tế, ngày 8/5/2009, Việt Nam đã gửi Công hàm để phản đối.
Công hàm này nêu rõ: “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ
phận của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối
với các quần đảo này. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng
biển lân cận ở Biển Đông như được minh hoạ trên bản đồ đính kèm với các
Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử
và thực tế, do đó vô hiệu.”
Ngày 8/7/2010, Indonesia, một quốc gia không hề dính líu đến tranh
chấp Biển Đông, đã chính thức gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối
yêu sách này của Trung Quốc. Công hàm của Indonesia viết: “Cái gọi
là “bản đồ đường đứt đoạn” kèm theo Công hàm số: CML/17/2009, ngày
7/5/2009 nói trên rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại
các quy định của Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.”
Ngày 5/4/2011, Philippines cũng gửi một Công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trong tuyên bố ngày 23/7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã
lên tiếng phản đối những yêu sách biển không tuân thủ Công ước Luật biển
1982 mà “đường lưỡi bò” chính là đối tượng được nhắc đến.
Ông Marvin Ott, Giáo sư Trường Đại học Johns Hopkins:
Ông Marvin Ott, Giáo sư Trường Đại học Johns Hopkins cho rằng: “Bằng
cách tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông thông qua
“đường lưỡi bò”, có nghĩa rằng, toàn bộ khu vực này thuộc về Trung Quốc
thì không có một quốc gia lớn nào trên thế giới có thể ủng hộ đòi hỏi
này. Mỹ không ủng hộ. Ấn Độ không ủng hộ. Cộng đồng châu Âu không ủng
hộ. Australia không ủng hộ. Nhật Bản không ủng hộ. Không có nước nào ủng
hộ tuyên bố này của Trung Quốc.”
GS. Erik Franckx, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và châu Âu, Đại học Brussel, Bỉ phân tích, “những
hành động vừa nêu tuân thủ các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế cần
thiết để tạo nên các hành động phản đối có hiệu lực pháp lý, do đó,
“đường lưỡi bò” không thể được sử dụng chống lại các quốc gia phản đối.
Tiêu chuẩn về mặt thời gian cũng đã được đáp ứng vì các quốc gia đã phản
đối ngay khi có các hành động của Trung Quốc. Yêu cầu về mục đích rõ
ràng cũng được đáp ứng vì các tuyên bố của Việt Nam và các nước khác rõ
ràng nhằm mục đích ngăn chặn việc có hiệu lực các hành vi pháp lý mới
của Trung Quốc ”.
Bà Monique Chemillier Gendreau:
Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư Công pháp và Khoa học Chính trị ở
Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia
châu Âu kết luận: Điều quan trọng là phải có sự đồng ý của các quốc gia
khác thì đó mới có thể coi là quyền hợp pháp. Nếu các nước khác không
đồng ý thì không thể gọi là Trung Quốc có quyền và có tính hợp pháp về
“đường lưỡi bò” được.”
Điều đáng nhấn mạnh ở đây là, “đường lưỡi bò” còn mâu thuẫn với cả quan điểm chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước này.
Chẳng hạn, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải năm 1958 quy định: “Chính
phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tuyên bố: Bề rộng lãnh hải của Cộng hoà
Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho tất cả lãnh
thổ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa và các đảo ven bờ,
cũng như Đài Loan và các đảo phụ cận, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung
Sa, Nam Sa quần đảo và tất cả các đảo thuộc Trung Quốc được tách rời
khỏi lục địa và các đảo ven bờ bởi biển cả.”
Như vậy, Tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc đã xác định rõ ràng, các
đảo bị tách biệt bởi biển cả, tức là vùng biển tự do quốc tế, chứ không
phải là “vùng nước lịch sử” thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Chẳng lẽ lại tồn tại vùng biển cả nằm trong nội thuỷ của Trung Quốc?
Không thể có điều vô lý đó.
Thượng nghị sỹ John McCain:
Thượng nghị sỹ John McCain, một chính khách và từng là ứng cử viên Tổng
thống Mỹ của Đảng Cộng hoà khẳng định: “Trung Quốc đã tuyên bố đường đứt
khúc 9 đoạn. Họ cho rằng, phần lớn khu vực Biển Đông thuộc về lãnh thổ
Trung Quốc. Đó là một tuyên bố không đúng sự thật. Khu vực này là vùng
biển quốc tế”.
Các học giả Trung Quốc còn viện dẫn một số trường hợp yêu sách vùng
nước lịch sử trong thực tiễn quốc tế như yêu sách của Liên Xô cũ ngày
20/7/1957 tại vịnh Pierre Đại đế; yêu sách của Libya ngày 11/10/1973 tại
vịnh Sidra. Theo họ, các ví dụ này chứng tỏ trong thực tiễn quốc tế,
luật về các vịnh lịch sử đã có được một quy chế pháp lý riêng biệt và
như vậy, yêu sách “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc là hợp
pháp. Cần phải khẳng định ngay rằng, lập luận này chỉ dựa trên cơ sở
một số trường hợp yêu sách quá đáng vùng nước lịch sử mà pháp luật quốc
tế luôn phê phán. Các trường hợp này không tạo ra được tiền lệ trong
luật pháp và thực tiễn quốc tế và không được quốc tế công nhận./.
>> Bài 4: “Đường lưỡi bò” vận dụng sai luật quốc tế
>> Bài 4: “Đường lưỡi bò” vận dụng sai luật quốc tế
Trần Công Trục - Lê Phúc - Minh Hiển - Lê Bình - Thu Lan
0 Nhận xét