HIẾN CHƯƠNG CỦA CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ
(Thời sự Thần học - Số 15 - Tháng 3/1999, tr. 13-28)
Phan Tấn
Vào ngày 25 tháng 3 năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã công bố thông điệp
“Tin mừng Sự sống”. Sau khi đã khẳng định những chân lý về sự tôn trọng
và bảo vệ sự sống thánh thiêng của con người từ lúc sinh ra cho đến lúc
chết, ĐTC đã kêu gọi, trong phần thứ bốn của thông điệp (số 78-101), hết
mọi người hãy dấn thân xây dựng một nền văn minh của sự sống. Một vai
trò quan trọng được dành cho các nhân viên y tế (số 89) và các nhà lập
pháp (số 90). Trước đó, hồi tháng 11 năm 1994, Hội đồng Tòa Thánh đặc
trách về Mục vụ cho các nhân viên y tế đã xuất bản một tập sách mang tựa
đề “Hiến chương của những nhân viên y tế” (Carta degli Operatori
Sanitari , Città del Vaticano 1994, 122 pp.), trình bày quan điểm của
Giáo hội về luân lý sự sống. Sau phần nhập đề nói tới thiên chức cao quý
của các nhân viên y tế, văn kiện được chia thành ba phần tương ứng với
ba chủ đề: “sinh - sống - chết” (generare, vivere, morire).
Ngày Quốc tế bệnh nhân (11/2) tại Lộ Đức. ĐCT gửi sứ điệp của ngài nhân sự kiện này hằng năm. => Sứ điệp 2013 |
Từ ngữ “nhân viên y tế” bao gồm tất cả những người săn sóc sức khoẻ của
tha nhân, dù do chức nghiệp hay do thiện nguyện: bác sĩ, dược sĩ, y tá,
tuyên úy bệnh viện, tu sĩ, ban quản đốc, tất cả những người tham gia vào
những công cuộc phòng ngừa, chữa trị hay hồi phục sức khoẻ. Sứ mạng cao
cả của họ là “phục vụ sự sống” (servizio alla vita). Họ cần ý thức rằng
mình không phải chỉ lo giải quyết những trường hợp bệnh lý, nhưng tiên
vàn họ được trao phó việc săn sóc những con người đau khổ đang cần tới
tấm lòng ưu ái thông cảm của đồng loại. Vì vậy vai trò cao quý nhất của
nhân viên y tế là sứ giả của tình thương: họ là hiện thân của Đức Kitô,
người Samaritanô nhân hậu, cúi mình xuống băng bó vết thương của con
người. Đây là một sứ mạng, một ơn gọi. Mặt khác, các nhân viên y tế cũng
cần tạo cho mình một quan điểm toàn diện về sự lành mạnh của con người:
khi đau ốm, con người không những chỉ đau đớn về thể xác, nhưng còn
trải qua những cơn đau khổ về tinh thần. Vì vậy, sự phục hồi sức khoẻ
không những chỉ dựa thuần túy vào kỹ thuật y khoa, song còn đòi hỏi thái
độ thông cảm âu yếm cũng như những phương thế có sức nâng đỡ tinh thần
nữa.
PHẦN MỘT: SINH
Trong phần này, có ba vấn đề:
- Sự vận dụng các gen (manipulation génétique),
- Điều hòa sinh sản,
- Thụ thai nhân tạo.
A. Sự vận dụng các gen (số 12-14)
Vấn đề đầu tiên thuộc lãnh vực của kỹ thuật sinh học (bioengeenering;
biogénétique). Ngày nay khoa học càng ngày càng biết thêm về gia sản các
gen (patrimoine génétique, genoma), cấu trúc của chúng, nhờ đó có thể
di chuyển, sửa đổi và thay thế chúng.
Khi thẩm định tính cách luân lý của việc vận dụng các gen, cần phải phân
biệt hai thứ mục tiêu của nó: trị liệu (thérapeutique) hay biến thái
(altérative).
1) Nếu là nhằm tới sự trị liệu (thérapie génétique, chirurgie génétique)
những bệnh phát sinh do những dị trạng của gen hoặc của nhiễm sắc thể,
thì, trên nguyên tắc, đây là chuyện đáng mong ước, miễn là nó không làm
thương tổn tới sự toàn vẹn của con người cũng như không làm cho điều
kiện sinh sống trở nên tệ hơn trước.
2) Còn nếu nó nhằm tới sự sản xuất những con người được tuyển lọc theo
phái tính hay theo tiêu chuẩn khác đã được xác định trước thì là một
điều phản lại phẩm giá của con người. Vì vậy mà không được phép thực
hiện, cho dù với lý do là để thăng tiến các thế hệ tương lai.
Sự thẩm định tính cách luân lý vừa nói chỉ giới hạn vào phạm vi của phôi
thai (embryo), chứ không đụng tới sự vận dụng các tế bào của động vật
hay thực vật để bào chế dược khoa.
B. Sự điều hòa sinh sản (số 15-20)
Trong việc điều hòa sinh sản, phán đoán luân lý không những chỉ tùy
thuộc vào ý định thành thực của đương sự nhưng còn cần phải xét theo
những tiêu chuẩn khách quan dựa trên chính phẩm giá của con người. Riêng
đối với hành vi giao hợp, chân lý về tình yêu bao hàm vừa sự kết hợp
giữa đôi bạn, vừa sự truyền thụ sức sống mới. Do đó, bất cứ hành vi nào
làm cản trở hiệu quả truyền sinh của việc giao hợp thì đều trái ngược
với bản chất của nó.
Sự khác biệt giữa phương pháp tự nhiên với phương pháp nhân tạo không
phải chỉ có tính cách kỹ thuật nhưng tiên vàn là dựa trên quan điểm về
con người và về phái tính. Phương pháp tự nhiên (tránh sự giao hợp vào
thời kỳ mà người vợ có thể thụ thai) bao hàm việc chấp nhận thời điểm
của con người (tức là của người đàn bà). Điều đó đưa tới sự chấp nhận
đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm, tự chủ. Trong
khung cảnh đó, mối tương giao giữa vợ chồng sẽ được tô điểm với bầu khí
âu yếm, săn sóc. Nếu thiếu những tâm tình đó, sự giao hợp thể lý mất đi ý
nghĩa của nó.
Các nhân viên y tế có thể đóng góp rất nhiều vào việc giúp cho các đôi
vợ chồng ý thức về phẩm giá của phái tính, đặc biệt bằng cách giáo dục
các bạn trẻ.
C. Việc thụ thai nhân tạo (số 21-34)
Sự sinh đẻ ở nơi loài người thì khác với sự sinh đẻ nơi loài động vật ở
chỗ là hậu quả của nó là một con người với đầy đủ phẩm giá. Chính vì
phải tôn trọng phẩm giá của con người mà luân lý không thể cho phép áp
dụng cho con người tất cả các kỹ thuật thụ thai nhân tạo áp dụng cho
động vật.
Sự sinh sản nơi con người phải được đón nhận như là một hồng ân của
Thiên Chúa và như là kết quả của tình yêu trao ban của một đôi vợ chồng.
Các sự can thiệp của y khoa chỉ có thể tiếp tay hỗ trợ cho hành vi kết
hợp giữa vợ chồng, chứ không được phép thay thế cho nó.
Từ những nguyên tắc vừa nói, chúng ta có thể đi vào vài nhận định cụ thể như sau:
1) Được phép dùng những phương thế nhân tạo nhằm giúp cho sự giao hợp
được tiến hành dễ dàng hoặc giúp cho nó đạt tới mục tiêu. Điều này xảy
ra với sự thụ tinh “đồng lứa” (homologuous) trong hôn nhân với tinh
trùng của người phối ngẫu.
2) Không được phép thụ tinh trong ống nghiệm (FIVET: Fecondation In
Vitro - Embryo Transfer), bởi vì sự thụ thai diễn tả ở bên ngoài đời
sống vợ chồng (nơi ống nghiệm). Sự thụ thai biến thành một thứ sản xuất:
đứa con được sinh ra không còn là do tình yêu của cha mẹ trao ban mà là
được sản xuất chế biến từ ống nghiệm.
3) Ngoài ra sự thụ tinh trong ống nghiệm còn mang theo nhiều hậu quả
khác nữa. Để đạt tới kết quả mong muốn, các nhà khảo cứu đã phải loại
trừ nhiều phôi khác (tương đương với sự phá thai), hoặc làm đông lạnh
những phôi thừa thãi (tức là hạn chế sự sống) hay hủy diệt chúng.
4) Không được phép thực hiện việc thụ thai sau khi người chồng đã chết
(post mortem) với tinh trùng đã được ký thác lúc sinh thời.
5) Những nhận định về tính cách luân lý của việc thụ tinh trong ống
nghiệm cho dù với tinh trùng của người chồng (AIH: artificial
insemination husband; homologous) lại càng trở nên nghiêm trọng hơn khi
bước sang việc thụ tinh “khác lứa” (hétérologuous; AID: artificial
insemination donor). Kỹ thuật này đi trái ngược với tình yêu chung thủy
của hôn nhân cũng như ngược với tình yêu trao ban của cha mẹ cho con
cái. Đứa con không còn phải là kết quả của tình yêu của cha mẹ nữa,
nhưng chỉ là con đẻ của giao tử (gamete) của kẻ vô danh. Đó là chưa nói
tới những nguy cơ mà kỹ thuật này đưa tới, chẳng hạn: việc buôn bán các
giao tử; việc tuyển lựa ưu sinh các giao tử.
6) Cũng vì dựa trên sự gắn bó giữa sự sinh sản với tình yêu trao hiến
của hôn nhân, cho nên sự thụ tinh nhân tạo cho những thiếu nữ không lập
gia đình là điều vô luân. Cũng vậy, việc các phụ nữ mang thai mướn
(surrogate mother) cũng vô luân bởi vì nó làm hạ phẩm giá của phụ nữ,
biến đàn bà thành cái máy đẻ.
7) Cần phải kết án những kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đi ngược với phẩm
giá của con người, thí dụ giữa giao tử của con người với thú vật, hoặc
cấy phôi con người trong dạ của thú vật.
Sau cùng, cần phải nhấn mạnh rằng sự sống con người là một hồng ân của
Chúa ban. Sự ước muốn con cái là điều tốt; nhưng từ đó không thể khẳng
định “quyền” của cha mẹ được có con bằng bất cứ giá nào. Tiên vàn phải
tôn trọng “quyền của đứa con": nó có quyền được thụ thai do tình yêu và
được tôn trọng xứng với phẩm giá con người, chứ không phải là được “sản
xuất” (Xem Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 2378).
PHẦN HAI: SỐNG
Trước hết, văn kiện thiết lập vài nguyên tắc căn bản về giá trị của sự
sống và về việc bảo vệ sự sống; tiếp đó là áp dụng vào một vài vấn đề cụ
thể của y khoa chung quanh sự phòng ngừa, chẩn đoán và chữa trị bệnh.
I. Những nguyên tắc
A. Sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Những kết quả của sinh
học hiện đại đã xác nhận rằng trong hợp tử (zygote) phát xuất từ sự thụ
thai thì đã thành hình căn cước sinh học của một cá nhân mới. Do đó
ngay từ lúc thụ thai, hợp tử đã là một cá-thể sinh-học (individualité
biologique), nghĩa là một con người (nature personnelle); vì thế không
thể chấp nhận quan điểm chỉ coi đó như là một “tiền phôi” (pré-embrion)
theo nghĩa là chưa trở thành người. Bởi vậy các nhân viên y tế cần phải
tôn trọng và săn sóc sự sống của bào thai đang phát triển. Sự chào đời
đánh dấu một giai đoạn mới của sự phát triển, từ giai đoạn được cưu mang
trong lòng mẹ sang giai đoạn tự lập sinh lý khỏi bà mẹ và mang một mối
tương quan với thế giới bên ngoài. Trong trường hợp thai nhi lọt lòng mẹ
khi chưa đủ ngày, thì có thể xảy ra là sự tự lập sinh lý chưa đạt được
đầy đủ; vì thế các nhân viên y tế có bổn phận phải tạo những điều kiện
thuận lợi giúp cho hài nhi đạt tới mức tự lập đó. Thản hoặc sinh mạng
của hài nhi trở nên hiểm nghèo thì phải liệu cho em được rửa tội: nếu
không có sẵn linh mục hoặc phó tế, thì chính nhân viên y tế được giáo
luật cấp khả năng để ban bí tích rửa tội (Bộ Giáo luật đ.862 §2).
B. Con người gồm cả hồn lẫn xác. Vì vậy sự tôn trọng phẩm giá con người
đòi hỏi cả việc tôn trọng thân thể của con người nữa. Các sự can thiệp
của y khoa không phải chỉ liên can tới các tế bào và bộ phận cơ thể,
nhưng còn ảnh hưởng đến con người toàn diện, với những chiều kích thân
thể, tình cảm, trí tuệ, thiêng liêng. Mọi sự lạm dụng tới thân thể đều
làm xúc phạm đến nhân phẩm. Mặt khác, sự sống của con người không phải
là một sản phẩm mà con người có toàn quyền định đoạt: con người chỉ là
quản lý chứ không phải là chủ nhân của sự sống. Chính vì nhìn nhận rằng
sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa và tùy thuộc vào Ngài mà chúng ta nói
rằng sự sống mang tính cách thánh thiêng. Thiên chức của các nhân viên y
tế là bảo vệ tính cách thánh thiêng đó. Cũng chính vì có liên hệ tới sự
phẩm giá con người cho nên mọi kỹ thuật và thí nghiệm khoa học trên con
người phải tuân theo các nguyên tắc của luân lý.
C. Mỗi người có quyền được sống: quyền đó được áp dụng cho hết mọi người
trong hết mọi giai đoạn từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, dù
lúc khoẻ hay đau ốm bệnh tật, dù lành mạnh hay tàn tật. Quyền sống của
mỗi người mở ra cho nhân viên y tế hai nhãn giới sau đây.
1/ Nhân viên y tế không được dành cho mình quyền quyết định trên sinh
mạng của bệnh nhân: họ chỉ được hành động trong giới hạn mà bệnh nhân
đồng ý; vả lại, chính bệnh nhân cũng không có quyền định đoạt về sự sống
của mình cho nên cũng không thể nhượng quyền đó cho người khác.
2/ Nhân viên y tế có nhiệm vụ bảo vệ sự sống và phẩm giá của con người,
đặc biệt qua việc phòng ngừa và chữa bệnh cũng như thăng tiến phẩm chất
của sự sống.
II. Vài áp dụng
Những vấn đề cụ thể được sắp xếp theo thứ tự: phòng ngừa, chẩn đoán, chữa trị, phục hồi.
A. Sự phòng ngừa.
Phòng bệnh thì tốt hơn là chữa bệnh, vì nó vừa giúp cho đương sự tránh
khỏi bau nhiêu đau đớn mà bệnh sẽ gây ra, vừa giúp cho xã hội tiết kiệm
được bao nhiêu phí tổn cho việc chữa bệnh.
Sự phòng ngừa đôi khi chỉ có tầm mức cá nhân (thí dụ: tiêm chủng, vệ
sinh) nhưng đôi khi mang tính cách tập thể nhằm phòng ngừa những “bệnh
xã hội”, thí dụ: nghiện ngập, rượu chè, SIDA, hoặc những điều kiện hiểm
nghèo của lối sống hiện đại (ô nhiễm môi sinh). Việc phòng ngừa đòi hỏi
cả một chiến dịch nhằm giáo dục về các giá trị phải bảo vệ, thông tin về
những mối nguy, cũng như ban hành những luật lệ hữu hiệu.
B. Chẩn đoán
Sự chẩn đoán nhằm tới việc nhận định bản chất của bệnh qua những triệu
chứng và căn nguyên của nó, để rồi có thể tìm ra phương thuốc chữa trị.
Dĩ nhiên sự chẩn đoán đòi hỏi khả năng chuyên môn của y sĩ, nhưng đồng
thời không nên bỏ qua những khía cạnh nhân bản của nó: y sĩ phải biết
chia sẻ những ưu tư lo lắng của bệnh nhân. Theo lương tâm nghề nghiệp, y
sĩ phải tránh hai thái cực: một đàng là gửi bệnh nhân đi hết thầy thuốc
này tới thầy thuốc nọ để tìm cho ra chứng bệnh; đối lại là cứ giữ bệnh
nhân lại cho mình tuy rằng mình không biết căn do của chứng bệnh.
Dưới khía cạnh luân lý, có một vấn đề đặc biệt được nêu ra quanh việc
khám thai (diagnostic prénatal). Cần phải cân nhắc hai điểm: sự rủi ro
và chủ đích.
1/ Về mặt rủi ro (risque): cần phải xét xem những kỹ thuật áp dụng có
gây nguy hiểm cho sự an toàn của bà mẹ và thai nhi hay không. (Kỹ thuật
coi như an toàn: ecografia; có rủi ro tương đối: amniocentesi; nhiều rủi
ro: placentocentesi, fetoscopia).
2/ Về chủ đích: Việc khám thai phải nhằm tới thiện ích của hài nhi và bà
mẹ. Do đó nếu chủ đích của việc khám thai là để hủy thai trong trường
hợp khám phá thấy một chứng tật nào đó thì là điều trái luân lý. (Xem
Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 2274-2275).
C. Chữa trị và phục hồi.
Công cuộc chữa trị và phục hồi nhằm giúp cho bệnh nhân lấy lại sức khoẻ,
với sự bình phục của các chức năng cơ thể đã bị suy nhược cũng như trở
về với những chức phận trong cộng đoàn xã hội. Đành rằng không phải lúc
nào y khoa cũng có thể đạt tới mục tiêu đó, nhưng y sĩ góp phần của mình
ít là để làm thuyên giảm những đau đớn của bệnh nhân.
Sự chữa trị tiên vàn là một quyền lợi và bổn phận của chính bệnh nhân.
Nhân viên y tế có bổn phận dùng những phương thuốc cần thiết và hữu ích
để giúp bệnh nhân được chữa trị. Đành rằng sự lành bệnh không hoàn toàn
tùy thuộc vào nhân viên y tế, nhưng điều nằm trong tầm tay của họ là
việc chữa bệnh và săn sóc bệnh nhân.
1) Một vấn đề luân lý được đặt ra cho cả bệnh nhân lẫn cho nhân viên y
tế là: bổn phận phải cứu chữa buộc tới mức độ nào? Để giải quyết, luân
lý cổ truyền đặt ra nguyên tắc tương xứng (debita proportio,
proportionalitas) giữa các phương thế sử dụng và mục tiêu nhắm tới. Sự
tương xứng cần phải thẩm định dưới nhiều mặt: loại trị liệu, những khó
khăn và rủi ro, các phí tổn có thể trang trải, những điều kiện thể lý và
tâm lý của bệnh nhân. Dựa trên nguyên tắc tương xứng, ta có thể rút ra
ba kết luận sau đây:
a/ Khi không còn phương thế nào khác nữa, thì được phép sử dụng tới
những phương tiện mà khoa học còn đang trong vòng thử nghiệm và không
tránh được rủi ro. Tuy nhiên, cần phải có sự đồng ý của bệnh nhân thì
mới được áp dụng.
b/ Được phép ngưng việc áp dụng các phương thế khi mà chúng không mang
lại kết quả mong muốn, lý do vì không có sự tương xứng giữa việc đầu tư
dụng cụ và nhân sự với kết quả dự trù; hoặc vì những dụng cụ ấy gây thêm
phiền toái hơn là thiện ích cho bệnh nhân.
c/ Không ai buộc phải sử dụng những phương thế trị liệu có mang theo sự
rủi ro hoặc quá tốn kém. Sự khước từ những phương thế như vậy không có
nghĩa là tự tử; nhưng phải coi đó hoặc như là chấp nhận thân phận con
người, hoặc như là tránh vận dụng những phương tiện khổng lồ không tương
xứng với kết quả có thể mong muốn, hoặc như là không muốn gây quá tốn
kém cho gia đình và xã hội.
2) Trong tiến trình chữa bệnh, có lúc y sĩ thấy cần phải cắt xén một vài
bộ phận của cơ thể. Dưới khía cạnh luân lý, được phép làm điều đó, dựa
trên nguyên tắc toàn thể (totalitas): một cơ quan phải lệ thuộc vào toàn
bộ thân thể; do đó nhằm cho toàn cơ thể được vận chuyển tốt, một bộ
phận có thể bị hy sinh khi nào sự duy trì nó sẽ gây ra tổn hại đáng kể
cho toàn bộ. Nên lưu ý là nguyên tắc toàn thể được áp dụng khi mà một cơ
quan thực sự là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho toàn cơ thể. Nguyên tắc
đó không được áp dụng khi mà bệnh bắt nguồn từ nguyên do tâm linh; nói
cách khác, không được cắt bỏ một bộ phận cơ thể không có dính dáng chi
tới nguyên do của bệnh lý. Đối lại, nếu một bộ phận gây ra một bệnh tật
và sự đau khổ tâm linh thì được phép can thiệp. Ngoài những lý do chữa
trị vừa nói (dựa theo nguyên tắc toàn thể), việc cắt bỏ hay biến thái
các bộ phận là một điều vi phạm tới sự toàn vẹn của thân thể; do đó trái
với luân lý; thí dụ như việc triệt sản (stérilization procréative),
việc thay đổi giới tính (chirurgie transexuelle).
III. Vài vấn đề liên quan tới việc chữa bệnh
Chung quanh việc phòng ngừa và chữa trị, còn một số vấn đề được đặt lên
mà văn kiện tìm cách giải đáp, đó là: việc sử dụng thuốc mê (số 68-71);
sự thỏa thuận của bệnh nhân (số 72-81); sự hiến và ghép bộ phận cơ thể
(số 83-91); các bệnh nghiện (số 92-103); những phương pháp trị liệu tâm
lý và tinh thần (số 104-113).
A. Việc sử dụng thuốc giảm đau.
Đức tin Kitô giáo đã mở ra những nhãn giới mới về ý nghĩa của sự đau
khổ, khi gán cho nó giá trị đền tội và cứu chuộc. Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là các kitô hữu không được tìm cách làm giảm bớt sự đau
khổ. Trên thực tế, khi sự đau khổ kéo dài hoặc quá sức chịu đựng thì nó
có thể ngăn cản việc đạt tới các mục tiêu cao thượng. Do đó việc dùng
thuốc giảm đau (analgésie) hoặc thuốc mê (anesthésie) là một điều hợp
pháp; thậm chí còn là bổn phận khi mà sự đau đớn vựơt quá mức chịu
đựng.
Đôi khi việc sử dụng các thứ thuốc đó đưa tới việc làm giảm hay làm mất
đi ý thức và các tài năng tinh thần. Nếu chủ đích của nó không phải là
làm mất ý thức và tự do mà chỉ là làm giảm sự đau đớn, thì được phép
làm.
B. Sự thỏa thuận của bệnh nhân.
Sự tôn trọng con người đòi hỏi rằng bệnh nhân phải được đối xử như một
nhân vị có trách nhiệm. Vì vậy các nhân viên y tế cần có sự đồng ý của
bệnh nhân thì mới được can thiệp. Sự đồng ý đó phải có tính cách sáng
suốt, nghĩa là sau khi đã được nghe y sĩ trình bày về chứng bệnh, những
khả năng và rủi ro của phương thế trị liệu với những hậu quả của nó.
Sự thỏa thuận ấy phải được biểu thị minh thị. Sự thỏa thuận chỉ được suy
đoán trong trường hợp mà bệnh nhân không còn khả năng sử dụng được trí
tuệ và tự do. Lúc đó, y sĩ phải hành động dựa theo lương tâm chức nghiệp
của mình cũng như dựa theo trách nhiệm phải chăm sóc bệnh nhân.
Sự thỏa thuận của đương sự cũng được đặt ra khi phải thực hiện một cuộc
thí nghiệm: dĩ nhiên, đương sự phải được thông báo về những rủi ro có
thể xảy đến. Dù sao đi nữa, không được phép đặt một con người vào những
hoàn cảnh rủi ro tương tự như thú vật. Không được phép thử nghiệm trên
cơ thể của con người khi chưa đạt được vài bảo đảm cần thiết sau khi đã
thử nghiệm trên cơ thể thú vật (Xem Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số
2292-2296).
Xét vì các bào thai đã có phẩm giá con người, cho nên cần phải được tôn
trọng như những nhân vị. Không được phép sử dụng các bào thai làm đồ vật
thí nghiệm, nhất là giữ chúng trong ống nghiệm với mục tiêu khảo cứu
hay thương mại (Sách GLHTCG số 2275).
C. Sự hiến và ghép cơ thể.
Có những nguyên tắc sau đây cần lưu ý, tùy theo sự ghép cơ thể trên cùng một người hay là cho một người khác.
1) Việc cắt và gán ghép các bộ phận thuộc cùng một thân thể là điều được phép làm, dựa theo nguyên tắc “toàn thể”.
2) Việc cắt bộ phận của người này và gán sang cơ thể của người khác có những giới hạn do chính bản tính con người đặt ra.
a/ Sự hiến cơ thể của mình để giúp người khác là một nghĩa cử bác ái hào
hiệp đáng ca ngợi. Tuy nhiên chỉ có thể hiến những bộ phận nào không
làm thương tổn tới mạng sống hoặc căn cước của mình. Đây là nói về
trường hợp khi còn sống, và dĩ nhiên là cần có sự thỏa thuận của đương
sự. Nếu sự hiến cơ thể diễn ra sau khi chết thì điều kiện cần thiết là
phải chứng thực rằng đương sự đã chết.
b/ Luân lý không cho phép gán một số bộ phận liên hệ tới căn cước của
một cá nhân, thí dụ như: não óc, (encéphale) và bộ sinh dục (gonade).
c/ Việc gán những bộ phận của động vật sang cơ thể con người có những
giới hạn luân lý của nó tùy theo trường hợp: sự gán tuyến sinh dục là
điều trái luân lý; nhưng việc gán giác mạc thì xem ra không trái luân lý
miễn là có thể thực hiện được theo sinh học.
D. Các bệnh nghiện.
Việc sử dụng ma túy tự nó là điều xấu, bởi vì nó khước từ sử dụng những
quan năng suy nghĩ, ước muốn và hành động như là một chủ thể tự do. Khi
vì lý do trị liệu mà y sĩ thấy cần phải dùng ma túy và những dược học
tâm thần, thì cần phải cân nhắc sự tương xứng giữa phương tiện với mục
tiêu. Bệnh nhân cần được phải được hỏi ý kiến trước.
Các nạn nhân của nạn ma túy, nghiện rượu cần được chữa trị với những
phương tiện thích ứng, đặc biệt nhờ sự giáo dục về các giá trị chân
chính của cuộc đời cũng như nhờ cảm nghiệm về tình liên đới xã hội.
E. Việc phục hồi sức khoẻ toàn diện không thể chỉ dựa trên thuốc thang
nhưng còn cần tới tình thương nữa: qua cách đối xử ân cần với bệnh nhân,
qua những phương pháp tâm lý trị liệu . Dĩ nhiên, Giáo hội có bổn phận
đóng góp vào lãnh vực này qua việc săn sóc tinh thần và thiêng liêng cho
các người bệnh, nhờ sự viếng thăm an ủi, nhờ lời cầu nguyện và các bí
tích.
II. PHẦN BA: CHẾT
Sứ mạng phục vụ sự sống con người bao hàm việc săn sóc bệnh nhân cho tới
hơi thở cuối cùng. Đừng kể những khía cạnh về tâm lý và mục vụ mà chúng
tôi sẽ trở lại khi có dịp trình bày thần học về sự chết, có những vấn
đề sau đây thuộc lãnh vực luân lý sinh học được văn kiện gợi lên trong
phần thứ ba. Nhiều điều nói ở đây có thể tìm thấy trong sách Giáo Lý Hội
thánh Công giáo số 2276-2279.
1) Bệnh nhân có quyền được chết một cách an bình, xứng với phẩm giá của
con người và của Kitô hữu. Điều này không có nghĩa là đương sự có quyền
tự mình hoặc nhờ người khác gây cái chết cho mình; nhưng có nghĩa là họ
có quyền đón nhận cái chết xứng với con người và tín hữu, chứ không trốn
tránh bằng bất cứ giá nào. Vì vậy không cần phải theo đuổi cái gọi là
“kiên trì chữa trị” (acharnement thérapéutique), tức là sử dụng những
phương tiện cầu kỳ để kéo dài thời gian sống chứ không thực sự mang lại
lợi ích cho bệnh nhân. Việc quyết định kéo dài hay chấm dứt sự chữa trị
như vậy cần được cân nhắc dựa theo nguyên tắc tương xứng đã nói trước
đây.
2) Việc sử dụng những thuốc làm giảm đau hay thuốc mê cho người sắp chết
nằm trong việc săn sóc các bệnh nhân nói chung. Tuy nhiên, đối với
người sắp chết thì việc dùng thuốc mê cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng:
a/ Đôi khi thuốc ngủ có thể gây ra hậu quả là làm cái chết đến mau lẹ
hơn. Trong trường hợp này, việc dùng thuốc mê được phép sử dụng như là
phương tiện cân xứng để giảm bớt đau đớn, chứ không phải vì muốn làm cho
mau chết.
b/ Đôi khi thuốc ngủ có thể làm cho bệnh nhân mất ý thức. Cũng phải áp
dụng nguyên tắc cân xứng, nghĩa là với mục tiêu trị liệu nhằm tránh cho
bệnh nhân khỏi cảnh đau đớn quá sức (chứ không phải chỉ vì muốn tránh sự
hãi hùng cho người chung quanh)! Tuy nhiên, trước đó cần phải đảm bảo
cho bệnh nhân được chu toàn các bổn phận luân lý, gia đình và tôn giáo.
3) Việc thông tri tình trạng nguy kịch cho bệnh nhân cần được lồng trong
bầu khí tín nhiệm và chia sẻ: một đàng không thể che giấu sự thực,
nhưng đàng khác cũng không thể thông báo bệnh tình cách cộc lốc. Đương
sự cần được chuẩn bị tinh thần để có thể tiếp nhận tình trạng cách bình
thản, nhờ lời lẽ khôn khéo cũng như tâm tình đùm bọc của tha nhân.
4) Theo y khoa sinh học hiện đại, sự chết xảy đến:
a) do việc ngừng hoạt động của tim và hô hấp;
b) sự ngưng chức năng não bộ.
Trên thực tế, Hàn lâm viện Khoa học của Tòa thánh trong tuyên ngôn ngày
7/12/1985 đã viết: “cái chết não bộ là tiêu chuẩn của sự chết, bởi vì
việc ngưng dứt khoát các chức phận của tim và hô hấp sẽ mau lẹ đưa tới
cái chết não bộ.” Luân lý chấp nhận tiêu chuẩn này. Đối với y khoa, việc
xác nhận sự chết mang hậu quả quan trọng khi xác định lúc nào cho phép
lấy một bộ phận cơ thể để dùng vào việc ghép.
5) Hai vấn đề chót được văn kiện nêu lên là: phá thai và chết êm. Cả hai
đều đi ngược với thiên chức của nhân viên y tế là phục vụ sự sống.
Thông điệp “Tin mừng sự sống” đã nói nhiều về hai vấn đề này, nên chúng
tôi chỉ ghi lại vắn tắt vài nguyên tắc luân lý cổ truyền về việc phá
thai.
a/ Y sĩ không bao giờ được phép trực tiếp phá thai hoặc cho thuốc uống
để phá thai. Tuy nhiên, luân lý chấp nhận việc trị liệu cho bà mẹ tuy
biết trước rằng nó sẽ có hậu quả làm trụy thai: trong trường hợp đó, sự
phá thai không phải là chủ ý trực tiếp mà chỉ là hậu quả bất đắc dĩ.
b/ Nếu bào thai còn sống thì phải được rửa tội, trong tầm mức có thể
được (Giáo luật đ.871). Khi thai chết, cần an táng tử tế trong tầm mức
có thể, và không thể đối xử như rác rưởi.
Lưu ý
Hiến chương trích dẫn rất nhiều văn kiện của Tòa thánh về vấn đề luân lý
sinh học. Ngoài những văn kiện của Bộ Giáo Lý đức tin và Sách Giáo Lý
Hội thánh Công giáo mà chúng tôi đã nói tới trong bài trước, có những
tài liệu sau đây thường được nhắc đến:
- Những diễn văn của các Đức Giáo hoàng Piô XII, Phaolo VI, Gioan Phaolô
XII đọc trong buổi tiếp kiến dành cho nhân viên y tế. Thông điệp
Humanae Vitae của đức Phaolô VI.
- Hội đồng Tòa thánh Đồng Tâm (Cor Unum): Văn kiện về chính sách y tế
11/6/1977 (Enchiridion Vaticanum vol.VI, nn.415-461); Văn kiện về một
vài vấn đề luân lý liên quan tới các người mắc bệnh nặng và sắp chết
27/6/1981 (Ench. Vat. vol VII, nn.1234-1281).
Bibliographia .
G. DURAND, La bioéthique , Cerf, Paris 1989. S. LEONE - S. PRIVITERA
(ed), Dizionario di Bioetica, Dehoniane Bologna 1993. G. RUSSO, La
bioetica e le technologie della vita umana nascente , LDC Leumann,
1994.
0 Nhận xét