Học giả Việt Nam tiếc thông điệp Obama đến muộn
Nam Nguyên
Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Học viện quân sự West Point, New York, ngày 28 tháng 5 năm 2014. |
Hoa Kỳ sẵn sàng đáp trả sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, lời
cảnh báo do Tổng thống Barack Obama đưa ra hôm 28/5 tại Học viện quân
sự West Point (New York) được báo chí Việt Nam nhanh chóng chuyển tải.
Phải chăng Việt Nam trông đợi sự ủng hộ của Hoa Kỳ và liệu việc này có
giúp Việt Nam thoát khỏi hoàn cảnh đơn độc trong cuộc đấu không cân xứng
với kẻ xâm lược phương Bắc.
Một dấu hiệu tốt
Trong câu chuyện với Nam Nguyên vào tối 29/5/2014, Thạc sĩ Hoàng
Việt, giảng viên luật quốc tế trường Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ
nghiên cứu Biển Đông đã trả lời câu hỏi là bản thân ông đón nhận tuyên
bố của Tổng thống Obama như thế nào:
“Cá nhân tôi cho rằng, đó là một tín hiệu rất tốt. Và nếu Hoa Kỳ
đã có những tiếng nói mạnh mẽ hơn như vậy, nếu Hoa Kỳ đưa ra sớm từ đầu
thì có lẽ đã ngăn chặn được sự leo thang của Trung Quốc như thời gian
vừa rồi. Và tôi đã từng nói, trên thế giới này để kiềm chế được tham
vọng của Trung Quốc đối với các vùng biển, trong đó đặc biệt là Biển
Đông thì chỉ có một quốc gia có thể làm được đó là Hoa Kỳ. Vì Hoa Kỳ có
uy tín và khả năng, cũng như kinh nghiệm phát triển cường quốc biển của
mình. Hoa Kỳ đủ sức và chỉ có Hoa Kỳ có thể ngăn chặn tham vọng của
Trung Quốc ở vùng Biển Đông này.”
Trả lời cùng một câu hỏi được chúng tôi nêu ra, TS Phạm Chí Dũng nhà
bình luận độc lập hiện sống và làm việc ở Sài Gòn nhận định:
“Tôi nghĩ là rất nhiều người Việt Nam ủng hộ chuyện này và họ còn
thấy sự thực lòng của Mỹ nữa. Còn về quyền lợi của Mỹ thì rõ ràng Tổng
thống Obama cần hành động như vậy, không thể hành động khác được. Vì nếu
hành động khác thì nó không thuận chính sách xoay trục về Châu Á Thái
Bình Dương của Mỹ. Cho tới lúc này ít nhất một hành động mà Mỹ cần thể
hiện là tăng cường vai trò hạm đội 7 trên khu vực Biển Đông, để ngăn
chặn ảnh hưởng bành trướng mở rộng của Trung Quốc, đó là vấn đề mà hiện
nay người Mỹ đang phải đối mặt. Giàn khoan HD 981 mặc dù là một câu
chuyện rất nhỏ nhưng là một thách thức gián tiếp mà tôi cho là cả trực
tiếp đối với chính quyền Mỹ về tất cả những gì gọi là chính sách bảo vệ
quyền lợi và công dân Mỹ ở ngoài biên giới Mỹ.”
Thông tấn xã Việt Nam cũng nhanh chóng đưa tin về điều gọi là ‘Mỹ ủng
hộ Việt Nam khá mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông. Hãng thông tấn chính
thức này đã trích nhận định của GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên ngành quan
hệ quốc tế của Đại học George Mason tiểu bang Virginia Hoa Kỳ. GS Nguyễn
Mạnh Hùng nói rằng: “Quan điểm của chính quyền Mỹ trước vấn đề Biển
Đông như vậy là rõ ràng và nên được đặt trong bối cảnh chính quyền ông
Obama thời gian qua đã liên tục nêu quan ngại trước các hành động của
Trung Quốc.”
Học giả Hoàng Việt thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông giải thích rõ
hơn về việc tại sao ông lại tiếc về việc thời điểm mà ông cho là khá
chậm khi phía Hoa Kỳ thể hiện quan điểm mạnh mẽ và cụ thể hơn về vấn đề
Biển Đông:
“Trong suốt thời gian vừa rồi chính quyền Hoa Kỳ vẫn có những phản
đối, nhưng là những phản đối ở mức độ vừa phải và chỉ dừng lại ở những
tuyên bố mang tính chất lo ngại thôi. Chính vì vậy Trung Quốc cho là họ
toàn quyền giống như một ông chủ ở một vùng hoang vu ở Châu Á này và
Trung Quốc có thể quyết định muốn làm gì cũng được. Chính vì vậy dẫn tới
hàng loạt những căng thẳng do Trung Quốc gây ra. Cho nên, nếu phía Hoa
Kỳ như Tổng thống Obama phát biểu ở Học viện West Point cho thấy một
tiếng nói phản đối mạnh mẽ từ phiá Hoa Kỳ, thì điều này sẽ làm cho Trung
Quốc phải chùn tay.”
Tuyên bố của Tổng thống Obama về Biển Đông được đưa ra vào ngày 28/5
trong bối cảnh Việt Nam đã chịu trận 28 ngày, đã thất bại trong việc đẩy
giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình. Cùng
ngày 28/5 Trung Quốc đã hoàn tất việc di chuyển giàn khoan chếch lên
phía đông bắc 23 hải lý, gần đảo Tri Tôn hơn nhưng vẫn nằm trong vùng
đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc còn xác nhận họ đã
hoàn tất khoan thăm dò ở vị trí cũ, nay bước sang giai đoạn hai. Với
tình hình này việc Việt Nam mất biển đã thể hiện và không loại trừ việc
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí ở bất cứ chỗ nào trên vùng biển
Việt Nam. TS Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn nhận định:
“Thứ nhất giàn khoan 981 là bước đi đầu tiên trong chiến dịch gây
hấn của Trung Quốc và lấn chiếm từng hải lý một trên vũng lãnh thổ của
Việt Nam. Thứ hai một viên tướng về hưu của Trung Quốc đã từng tuyên bố
rằng Trung Quốc có thể kéo 100 giàn khoan lại sát với HD 981 vào vùng
biển Việt Nam mà không cần phải dè dặt gì. Và thứ ba tôi nghĩ là nhà
nước Việt Nam họ đã quá đuối trong việc này, gần 4 tuần sau khi sự khởi
động dịch chuyển giàn khoan HD 981 từ Hải Nam vào Việt Nam mà không có
một phản ứng gì đáng kể. Cho tới nay tất cả những điều nói ra là kiện
Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines làm thì cũng chưa tới đâu
cả. Tôi không hiểu nhà nước Việt Nam, các hội đồng cố vấn các giáo sư họ
đang tính toán điều gì, đó chính là điều tôi từng viết “nhu nhược là
nguồn cơn của tội lỗi và đớn hèn là căn nguyên của mất nước.”
Việt Nam cứ mãi kiềm chế?
Gần 4 tuần sau khi chủ quyền trên vùng biển duyên hải Việt Nam bị
Trung Quốc xâm phạm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu 3 nhóm giải pháp cụ
thể về biển Đông. Nhưng theo giới quan sát chính trị, thì nó hoàn toàn
không có gì mới so với những gì mà chính quyền Việt Nam đã thể hiện.
Hầu hết báo chí Việt Nam đưa tin này và báo mạng VnEconomy gọi là
thông điệp của Thủ tướng với 3 nhóm giải pháp cụ thể về biển Đông. Tờ
báo tóm gọn lời Thủ tướng: “Kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc trên
biển Đông, nhưng vẫn giữ quan hệ ngoại giao, kinh tế bình thường, tuyệt
đối lên án các hành vi kích động, bài trừ người Hoa.”
Như vậy người Việt Nam kiên trì thực hiện chấp pháp trên vùng biển
của mình và sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực. Điều gì sau cùng sẽ xảy ra,
nếu lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam vẫn mãi chịu trận trước
vành đai bảo vệ giàn khoan của hơn 100 tàu Trung Quốc vũ trang. Nhà
nghiên cứu biển đông Hoàng Việt nhận định:
“Một bên là Việt nam vẫn hết sức kiềm chế để không bị rơi vào cái
bẫy của Trung Quốc đang giăng ra. Trung Quốc muốn Việt Nam sử dụng vũ
lực trước thì Trung Quốc sẽ có cớ để đáp trả ngay, Việt Nam vẫn cố hết
sức để kiềm chế vấn đề đó. Tuy nhiên nếu Việt Nam cứ mãi kiềm chế như
thế này mà không đẩy được cái giàn khoan của Trung Quốc ra thì có nguy
cơ là Việt Nam ở vào thế yếu, Trung Quốc cho rằng họ thành công trong
việc này và nó sẽ tạo thành một tiền lệ để Trung Quốc tiếp tục làm trong
tương lai.
Về lâu về dài, một mặt Việt Nam vẫn lên tiếng kêu gọi cộng đồng
quốc tế ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, cũng giống như buộc Trung
Quốc phải xuống thang trong cuộc gây căng thẳng này. Mặt thứ hai thì làm
sao Việt Nam phải xây dựng được nội lực của mình, trong đó các đội tàu
như cảnh sát biển, kiểm ngư có đủ sức mạnh để mà có thể đương đầu với
các lực lương của Trung Quốc thì lúc đó Việt Nam mới có thể bảo vệ được
vùng biển của mình.”
Đấu tranh trên thực địa là một trong 3 giải pháp bảo vệ chủ quyền ở
biển Đông mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố hôm 29/5/2014 tại Hà Nội,
hai giải pháp còn lại là đấu tranh trên mặt trận ngoại giao và đấu
tranh bằng con đường dư luận.
Đấu tranh trên thực địa thì Thủ tướng chỉ đạo các tàu chấp pháp Việt
Nam phải luôn có mặt tại vị trí mới của giàn khoan Trung Quốc cản phá và
đẩy đuổi tàu trung Quốc hoạt động trái phép. Ông Nguyễn Tấn Dũng cho
biết hơn 30 tàu của lực lượng chấp Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm va,
gây hỏng hóc. Ông Thủ tướng cũng cảnh báo sẽ còn có va chạm nhiều nữa,
nhưng ông chỉ đạo lực lượng chấp pháp Việt Nam phải kiên quyết và cố
gắng kiềm chế.
Khi nói về giải pháp đấu tranh trên thực địa, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng không hề hứa hẹn đóng thêm tàu lớn hơn, mạnh hơn để trang bị cho
lực lượng chấp pháp, cũng như gia tăng ngân sách để tăng cường đội ngũ
tiền phương này. Vậy thì làm thế nào mà lực lượng cảnh sát biển, lực
lượng kiểm ngư Việt Nam có thể đối đầu lực lượng tàu ngư chính, hải
giám, hải sự hùng mạnh của Trung Quốc. Hỏi như thế tất nhiên đã có câu
trả lời.
0 Nhận xét