Bài liên quan:
Bài 1: Biển Đông: Đường lưỡi bò - một yêu sách mập mờ
Bản chất thực sự của yêu sách “đường lưỡi bò”, đến nay, vẫn bị bao phủ
bởi nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, với Công hàm ngày 7/5/2009 gửi lên Tổng Thư
ký Liên Hợp Quốc, có kèm bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”, đã bộc lộ rõ
việc Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch
sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Như vậy,
toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành “ao hồ” của Trung Quốc.
Năm 1962, Uỷ ban Pháp luật quốc tế đã thực hiện một nghiên cứu với tựa đề: “Quy chế pháp lý của vùng nước lịch sử, bao gồm cả vịnh lịch sử”.
Theo đó, một vịnh hay một vùng nước được coi là lịch sử, căn cứ theo
tập quán quốc tế và các phán quyết của toàn án, phải thoả mãn ít nhất
hai điều kiện. Một là, quốc gia ven biển thực thi chủ
quyền của mình đối với vùng được yêu sách một cách thực sự, liên tục và
hoà bình trong thời gian dài. Hai là, có sự chấp nhận
công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia khác, nhất là
các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển này.
Sách Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư năm 1906 ghi nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam |
Trên
cơ sở pháp lý này, chúng ta cùng xem xét xem “đường lưỡi bò” của Trung
Quốc là yêu sách quyền lịch sử hay yêu sách theo kiểu tự hành xử.
Muốn cả Biển Đông trở thành một vịnh lịch sử, vùng nước lịch sử của
riêng Trung Quốc, nước này, trước hết, phải chứng minh được họ đã thực
thi chủ quyền của mình trên toàn bộ vùng biển yêu sách. Điều này có
nghĩa là, chế độ pháp lý của vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” theo chế độ pháp lý của nội thuỷ và lãnh hải.
Ngoài ra, Trung Quốc còn cần chứng minh được quyền chiếm hữu, quản lý và kiểm soát có hiệu quả vùng biển được bao bọc bởi “đường lưỡi bò” một cách thực sự, hoà bình và liên tục trong thời gian dài.
Vùng nước bị bao bọc bởi “đường lưỡi bò” có thể được xem là nội thủy của Trung Quốc không?
Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 quy định quy chế pháp lý
của vùng nội thủy. Theo đó, vùng nước nội thủy về mặt pháp lý được nhất
thể hóa với lãnh thổ đất liền nên có chế độ pháp lý đất liền, nghĩa là
đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển.
Tàu thuyền nước ngoài muốn vào, ra vùng nội thủy phải xin phép nước ven
biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó. Nước ven biển có quyền không
cho phép.
Thực tế cho thấy, kể từ khi “đường lưỡi bò” xuất hiện trên
bản đồ do Trung hoa Dân quốc xuất bản năm 1948, tàu nước ngoài, trong đó
có cả tàu chiến vẫn thực hiện quyền đi lại trên vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò”. Nước này không có hành động nào ngăn cản các tàu nước ngoài qua lại vùng biển này. Do vậy, vùng nước bị bao bọc bởi “đường lưỡi bò” không thể được coi là vùng nội thủy của Trung Quốc.
Vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” có thể được xem là lãnh hải của nước này không?
Lãnh hải của một quốc gia ven biển được coi là lãnh thổ biển của quốc
gia ven biển. Nước ven biển có chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với
lãnh hải của mình; chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh
hải, đến đáy và lòng đất dưới đáy của vùng này. Tuy nhiên, luật pháp
quốc tế trù định quyền của mọi loại tàu, thuyền của các quốc gia được đi
qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển với điều kiện
không gây ảnh hưởng đến hoà bình, trật tự, an ninh và môi trường của
quốc gia ven biển. Trên thực tế, một số quốc gia yêu cầu tàu, thuyền
nước ngoài phải xin phép hoặc thông báo trước mới được vào lãnh hải của
mình, đặc biệt với tàu chiến nước ngoài. Cần lưu ý là, quyền đi qua
không gây hại không được áp dụng đối với vùng trời trên lãnh hải. Phương
tiện bay nước ngoài muốn bay qua vùng trời trên lãnh hải của một nước
ven biển phải xin phép nước ven biển đó.
TS. Hoàng Việt:
Căn cứ vào quy chế pháp lý này, TS. Hoàng Việt, giảng viên Trường đại học Luật TP. HCM cho rằng, vùng nước bên trong “đường lưỡi bò”
cũng không thể coi là lãnh hải của Trung Quốc: “Lãnh hải thì tàu bè có
quyền đi qua không gây hại. Tàu chiến thì phải xin phép. Vùng trời bên
trên lãnh hải khi máy bay đi qua cũng phải xin phép. Nhưng kể từ khi
Trung Quốc chính thức xuất bản bản đồ có “đường lưỡi bò” đến nay, các
tàu quân sự, rồi máy bay đi qua, chưa bao giờ phải xin phép Trung Quốc.
Nó là lãnh hải cũng không phải. Nội thuỷ cũng không phải. Vậy nó tương
ứng với cái gì của luật pháp quốc tế? Trung Quốc không giải thích được
điều này.”
Đáng chú ý, nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và nói rõ, lãnh thổ của
nước này có điểm tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Trong đó, đáng chú ý
là cuốn Địa chí phủ Quỳnh Châu cũng như cuốn Địa chí tỉnh Quảng Đông
năm 1731. Điều này cũng được ghi trong Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ, phát hành năm 1894. Ngoài ra, quyển sách “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư”, phát hành năm 1906 nêu ở trang 241 rằng: “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18o13’ Bắc.”
Ông Phạm Hoàng Quân:
Theo ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ
địa dư Trung Quốc thì: “Từ đời Hán đến đời Thanh đều có những bộ chính
sử của triều đại, các mục địa lý chí đó chưa từng biên chép gì về hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là điểm để người ta nhận ra rằng,
Trung Quốc chưa từng xem nó thuộc về phần đất của họ. Những chỉ dụ của
Hoàng Đế hoặc tấu sớ của các quan trong triều cũng thừa nhận đơn vị
hành chính nước này đến huyện Nhai, phủ Quỳnh Châu, tức là đảo Hải Nam.”
Các bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc do người nước ngoài cùng thời vẽ và
giải thích cũng phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc.
Trong tất cả các tài liệu, Trung Quốc đều nhắc rằng, ngư dân nước này
đã đến các đảo và vùng biển này hàng ngàn năm nhằm khẳng định chủ quyền
từ xa xưa của mình. Nhưng phải khẳng định ngay rằng, đó chỉ là những
hành vi cá nhân, không phải là những hoạt động dưới danh nghĩa nhà nước;
vì thế không phù hợp với nguyên tắc chiếm hữu thật sự theo quy định của
Luật pháp và thực tiễn quốc tế. Hơn nữa, trong cùng thời kỳ này, ngư
dân Việt Nam và đặc biệt là những tổ chức của Nhà nước Viêt Nam, cũng
hay lui tới và tiến hành các hoạt động khai thác và quản lý các quần đảo
đó. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của ngư dân và dân
buôn Ả Rập, Ấn Độ, Malay, Việt, không có một bằng chứng nào cho thấy
Biển Đông hoàn toàn là “ao hồ Trung Quốc”.
Vì cơ sở pháp lý thiếu thuyết phục, đến nay, Trung Quốc không đưa ra
được các toạ độ chính xác đối với yêu sách lịch sử của mình và giữ im
lặng về bản chất của “đường lưỡi bò” và chế độ pháp lý của vùng biển được bao bao bởi đường đó.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang tìm cách hợp thức hóa “đường lưỡi bò”,bằng cả việc lập pháp lẫn tổ chức các hoạt động tại thực địa, nhằm giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý đó.
Chẳng hạn, Trung Quốc trang bị cho lực lượng kiểm ngư của họ không
kém gì lực lượng quân sự để bắt giữ các ngư dân cũng như các tàu cá hoạt
động trong khu vực này. Công ty Dầu khí hải dương CNOOC của nước này đã
mời thầu quốc tế 9 lô nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa
Việt Nam; tuyên bố thiết lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”, gộp cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield cùng vùng biển trong cái gọi “đường đứt khúc 9 đoạn”, với 80% diện tích Biển Đông vào “thành phố” này.
Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer |
Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer:
Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp ở
Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan phân tích về những hành động này của
Trung Quốc: "Hãy nhìn vào vị trí của những nơi diễn ra các vụ việc. Vụ
việc xảy ra đối với tàu Bình Minh 02 là trên đường đứt khúc 9 đoạn. Vụ
đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong)
xảy ra trên đường đứt khúc 9 đoạn,… Họ muốn cụ thể hóa yêu sách của
mình bằng những vụ việc đó.”
Ông Marvin Ott, Giáo sư Trường Đại học Johns Hopkins:
Ông Marvin Ott, Giáo sư Trường Đại học Johns Hopkins: “Tuyên
bố chủ quyền của Trung Quốc chủ yếu dựa vào vào tính lịch sử. Tuy
nhiên, theo luật pháp quốc tế thì điều này không chấp nhận được. Khi đưa
ra bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào, đều phải dựa vào luật pháp quốc tế,
nhưng Trung Quốc thực sự không làm được điều này. Trung Quốc đã chấp
nhận Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc, bằng việc ký thông qua Công
ước. Chính vì vậy, Trung Quốc phải tuân thủ các điều kiện, từ ngữ và các
yêu cầu của Công ước này. Và Công ước này không thừa nhận những kiểu
tuyên bố chủ quyền như vậy. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền bằng cách đưa
các lực lượng đến khu vực Biển Đông, tấn công các tàu cá, đóng căn cứ
quân sự ở đó nhưng lại không chứng minh được đòi hỏi chủ quyền của nước
này theo luật pháp quốc tế”.
Rõ ràng, “danh nghĩa lịch sử”, “chủ quyền lịch sử” mà Trung Quốc thường nêu lên để biện hộ cho “đường lưỡi bò”
không xuất phát từ những căn cứ khoa học, khách quan mà chỉ xuất phát
từ lợi ích và tham vọng độc chiếm Biển Đông. Yêu sách dựa trên “danh nghĩa lịch sử” thực chất chỉ là cách yêu sách theo kiểu tự hành xử, bất chấp luật pháp quốc tế./.
>> Mời quý vị theo dõi tiếp bài 3: Quốc tế chưa bao giờ công nhận “đường lưỡi bò”
>> Mời quý vị theo dõi tiếp bài 3: Quốc tế chưa bao giờ công nhận “đường lưỡi bò”
Trần Công Trục- Lê Phúc- Minh Hiển- Lê Bình- Thu Lan
0 Nhận xét