Cải cách giáo dục phải gắn liền với cải thiện môi trường tuyển dụng
theo chumonglong
Chu Mộng Long – Thú thật, đang hào hứng với công cuộc đổi mới giáo dục, nhưng đọc bài viết này trên trang Giaoduc.net, từ cách giật tít đến trích những ý kiến của đại biểu Quốc hội qua báo cáo giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bỗng dưng trở nên mất hứng.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội là hoàn toàn thỏa đáng, nhưng bản giải trình của ngành giáo dục cũng không hẳn đáng phải nghi ngờ.
Quan điểm
của tôi, đổi mới là tất yếu, không thể duy trì và kéo dài tình trạng như
hiện nay. Nhưng 2 lí do gọi là bất cập trong bản giải trình lại không
thuyết phục các đại biểu cũng như dư luận, vì lẽ, đó cũng chỉ là điệp
khúc từng được vang lên trong các lần đổi mới trước đây. Điều đó chứng
tỏ, niềm tin vào đổi mới đã bị xói mòn nghiêm trọng, các lần đổi mới quá
tốn kém mà không mang lại hiệu quả tương ứng!
Những bất
cập không hẳn xoay quanh các đề án, dự án hay công việc nội bộ của Bộ
Giáo dục và Đào tạo mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh xã hội khác.
Tôi nghĩ,
trước mắt, lãnh đạo Bộ cần phải làm gì để khôi phục lòng tin đã bị xói
mòn ấy. Chắc chắn không phải chỉ 2 lí do kia, mà quan trọng hơn, nên
đánh giá lại một cách nghiêm túc, trung thực về thành bại của những lần
cải cách trước, kể cả phải nói thẳng cái gánh nặng của những tiêu cực xã
hội mà ngành giáo dục chúng ta đang phải è lưng ra gánh chịu.
Thành bại ấy
là gì? Đôi khi chỉ vì dư luận mà những giá trị bị đánh tráo. 1) Trao
vai trò tự chủ cho các trường là chủ trương đúng và có những chuyển biến
tích cực thật sự sau giai đoạn bao cấp. 2) Dân chủ hóa trong quản lí và
đào tạo, nhờ đó đẩy lùi được nạn độc tài, tham nhũng, tiêu cực trong
ngành, bằng chứng là nhiều vụ việc tại nhiều trường gần đây bị phanh
phui để lãnh đạo Bộ ra tay chấn chỉnh. 3) Tích cực hóa vai trò của người
học dẫn đến những phản hồi thẳng thắn từ phía người học về những bất
cập trong chương trình, sách giáo khoa, kiểm định chất lượng, kể cả vấn
đề tuyển dụng giúp Bộ nhận diện sự thật để tiến đến công cuộc đổi mới
căn bản và toàn diện hơn.
Có điều cả 3
thành tựu quan trọng trên lại bị dư luận khuếch đại, đánh tráo thành
thất bại, tiêu cực, dẫn đến những người lãnh đạo e ngại, né tránh khi
nêu ra trong các bản báo cáo, giải trình!
Điều này
chẳng khác gì các cơ quan đơn vị hàng quý viết báo cáo thành tích chống
tham nhũng lại che giấu tham nhũng với kết luận tròn vo rằng: không có sự vụ tham nhũng nào!
Họ không chịu nghĩ rằng, thành tích chống tham nhũng là phải phanh phui
ít nhất vài vụ tham nhũng điển hình để răn đe giáo dục, và quan trọng
hơn, lấy lại lòng tin của mọi người!
Những sự
kiện xấu gần đây bị phanh phui trong ngành giáo dục gần như quy tội hết
cho ngành giáo dục là chưa thỏa đáng. Sao không nghĩ, đó chính là tiến
bộ vượt bậc của ngành khi dám đối mặt với thực trạng để cùng nhau tìm ra
những giải pháp hiệu quả ngay trong cuộc đổi mới lần này?
Thế lực thù
địch không đáng sợ bằng né tránh sự thật rồi khuếch đại những thành tích
ảo. Hình như nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nghĩ đến điều
ấy khi bắt đầu bằng hành động chống bệnh thành tích. Bây giờ là lúc nên
rà soát lại các lỗ hỏng hoặc chưa hoàn thiện trong các lần cải cách
trước để khắc phục, sửa lỗi, cũng là chống bệnh thành tích, căn bệnh tồn
tại ngay trong não trạng trung ương của ngành. Nhận diện lỗi và sửa sai
nghiêm túc đã là một thành tích lớn khởi động cho công cuộc cải cách
lần này. Tạm chỉ ra một số lỗi hệ thống dẫn đến những biểu hiện cực đoan
như sau:
1) Quyền tự
chủ không triệt để dẫn đến tàn dư của cơ chế xin cho là nguyên nhân của
nhiều tiêu cực phát sinh: chạy chọt mở ngành đào tạo tùy tiện, thu thêm,
dạy thêm, học thêm tràn lan…
2) Dân chủ ở
trình độ dân trí thấp (dù là thành phần giáo sư, tiến sĩ) dẫn đến kéo
bè kéo cánh đấu đá nội bộ gây rối loạn hơn là đấu tranh lành mạnh, văn
minh.
3) Vai trò
tích cực của người học, đặc biệt thể hiện trong phương pháp dạy học, còn
nặng tính hình thức, máy móc kéo theo những phản ứng cực đoan, bên lề
hơn là phản hồi ngay tại trung tâm của hoạt động dạy và học.
Tất nhiên,
bản thân ngành giáo dục không thể đương đầu với những cực đoan khác của
xã hội, đặc biệt là các tệ nạn tham nhũng, chạy đua bằng cấp đang gây
sức ép lên ngành giáo dục.
Không thể
chỉ bắt ngành giáo dục một mình gồng lên chịu đựng áp lực của cả một hệ
thống bất cập. Ít nhất, cùng với giáo dục là toàn xã hội cùng nhau cải
thiện cơ chế, trong đó cốt yếu là tạo ra một môi trường tuyển dụng trong
sáng, lành mạnh. Không thể có một nền giáo dục với động cơ dạy học chân
chính nếu vẫn duy trì một môi trường tuyển dụng lao động bất minh.
Người ta chỉ
trích ngành giáo dục quá nhiều mà lại quên rằng, cải cách giáo dục phải
gắn liền với cải thiện môi trường tuyển dụng. Như một nguyên tắc ai
cũng hiểu: cầu thế nào thì cung thế ấy. Cầu lành mạnh ắt tạo ra một cơ
chế tự động thúc đẩy cung. Thử hình dung, nếu vẫn tồn tại một môi trường
tuyển dụng, hoặc chỉ có chạy chọt, hoặc chỉ vì bằng cấp, bất cần năng
lực, thì những người làm cải cách giáo dục có thiên tài đến cỡ nào cũng
đành bó tay!
Một môi
trường sử dụng và tuyển dụng nhân lực bất minh, kéo theo việc mở ngành
tùy tiện, hợp thức hóa bằng cấp, dạy thêm, học thêm, thu thêm tràn lan,
kể cả việc tranh chấp nội bộ, chia chác lợi nhuận đang là một chuỗi liên
kết hệ thống gây nhức nhối xã hội đến lúc cần giải quyết một cách đồng
bộ.
Tôi không
bàn đến số tiền thay sách bao nhiêu là vừa, mà băn khoăn vì sao lại chỉ
có thay sách giáo khoa? Chỉ mong đại biểu Quốc hội lưu ý đến lời trăn
trở của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, rằng, bằng giả chỉ có thể lọt vào… cơ quan Nhà nước để
nhận thấy cái lỗi khởi nguồn từ đâu mà chia sẻ với gánh nặng của ngành.
Điều đó, tôi nghĩ, có giá trị hơn nhiều so với bản giải trình 2,5 trang
kia!
—————————-
Bộ giáo dục bị “mắng” té tát vì xin 34 nghìn tỷ đổi mới sách
Ngọc Quang
(GDVN) – Từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng cho tới Chủ nhiệm các ủy ban đều đặt ra nghi vấn về
tính khả thi của đề án đổi mới SGK.
Sách kém, người dạy cũng kém
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội (UBTVQH) khai mạc sáng nay (14/4), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện
hành có 2 bất cập lớn.
Một là nội dung của các môn học chưa đảm
bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và
thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ” nhẹ
“dạy người”. Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân
tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn…
Hai là nội dung chương trình, SGK bị
“cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội
dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt
giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để
góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau trung học cơ sở và
sau trung học phổ thông. Hình thức tổ chức “phân ban kết hợp với tự
chọn” ở cấp THPT còn cứng nhắc, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện
vọng và khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh, chưa đáp ứng được yêu cầu
phân luồng đa dạng.
Sau khi nghe báo cáo này, ông Ksor Phước –
Chủ tịch Hội đồng Dân nói thẳng: “Làm 14 năm rồi mà vẫn cãi
nhau mãi về sách giáo khoa. 10 năm nữa mà thay đổi toàn diện thì sẽ như
thế nào? Giáo viên thay đổi như thế nào? Không đơn giản đâu. Thứ hai là
thời gian học đưa vào an ninh quốc phòng, an toàn giao thông vào, liệu
tích hợp có loại trừ nhiều bộ môn đưa vào không? Tôi thấy cần tính
toán cân nhắc cho đầy đủ hơn”.
Ở một góc nhìn khác, Trưởng ban Dân
nguyện của Quốc hội – ông Nguyễn Đức Hiền cho rằng, đề án lớn, nhưng báo
cáo tác động của đề án chưa rõ. Chỉ có 2,5 trang nhưng trong đó đa phần
là thuận lợi, mà không nêu khó khăn.
“Vậy chương trình sách giáo khoa phổ
thông tác động tới các chương trình khác như: Đại học, dạy nghề, cuộc
sống như thế nào? Có quá ít đánh giá phân tích cơ sở vật chất kỹ
thuật, nguồn lực để bảo đảm, ông Hiền đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội –
ông Phan Trung Lý cũng đặt vấn đề: “Ai viết báo cáo tác động chỉ có
2,5 trang? Chúng ta cứ đổi mới mãi. Làm gì phải tương xứng vì 2 tỷ USD
không phải là nhỏ, chứ không phải lần nào trình ra Quốc hội xin đổi mới
rồi cứ loay hoay, mà cần làm đầy đủ hơn”.
Phân tích sâu thêm, bà Trương Thị Mai –
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của xã hội nói: “Nghị quyết đổi mới
chương trình, SGK phổ thông căn cứ theo báo cáo giám sát là chưa đúng
tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, bởi báo cáo giám sát không phải là
căn cứ để đổi mới… Vậy đầu ra của Nghị quyết này là như thế nào? Phải
làm sao chỉ rõ được lần đổi mới này khác với những lần trước như thế
nào? Tức là phải đạt cao hơn về chất, phải được lượng hóa, chứ không thể
định tính”.
Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và
môi trường Phan Xuân Dũng thẳng thắn: “Báo cáo đánh giá tác động quá
ngắn, đọc mà tưởng báo cáo tóm tắt!”.
Sau khi chỉ ra, chương trình phổ thông là
bước đầu trang bị kiến thức, nhân cách để các em bước vào đời, ông Dũng
chỉ ra những “yếu điểm” của đề án, đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và đào
tạo phải chính là việc: “Chương trình ảnh hưởng đến nhân cách của nhiều
thế hệ học trò ra sao? Tác động đến phát triển kinh tế xã hội thế
nào?”.
Học sinh Việt Nam không biết Phidel là ai?
Sau khi đề cập tới tính khả thi của
đề án, ông Ksor Phước kể một câu chuyện khiến nhiều người giật
mình: “Tôi đi tháp tùng Thủ tướng, chụp ảnh với ông Phidel về khoe
cháu thì không ai biết cả. Ở Cuba ai cũng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, và
hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng con cháu của chúng ta 30 tuổi mà
không biết Phidel là ai? Thế thì chết rồi. Đây là sản phẩm của giáo dục.
Không khéo về sau con cháu không biết là ai, mà chỉ quan tâm đến những
cái đương thời thôi. Vì thế, tôi hoang mang chưa thấy cái mới là cái
gì? Nói nhiều về SGK rồi, giờ quyết tâm đột phá là cái gì? Khó mới yêu
cầu Bộ giáo dục làm, dễ thì không cần”.
Ngay trong báo cáo của Bộ Giáo dục cũng đang loay hoay với một số bất cập như:
Hội đồng chỉ đạo xây dựng chương trình
giáo dục phổ thông được thành lập sau các ban soạn thảo chương trình ở
mỗi cấp học; không có tổng chủ biên chương trình, SGK chung của giáo dục
phổ thông.
Còn thiếu một số công trình nghiên cứu
cần thiết cho việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Việc xin ý
kiến góp ý của các đối tượng trong và ngoài ngành giáo dục cho dự thảo
chương trình, SGK chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả; chưa đáp ứng tốt
yêu cầu về tập huấn, điều kiện làm việc, cung cấp thông tin… cho các tác
giả chương trình và tác giả SGK.
Không bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới
chương trình giáo dục phổ thông với việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và
cán bộ quản lý giáo dục. Chưa nhận thức và thực hiện đúng vai trò quyết
định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Nhìn chung, đội ngũ giáo viên và cán bộ
quản lý giáo dục không bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình, SGK,
yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông, chưa khắc
phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”, chưa vận dụng có hiệu quả
các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học
sinh. Phương thức đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu.
Thiếu quy hoạch phát triển nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục, do đó, đội ngũ này vừa thừa, vừa thiếu. Phương
thức đào tạo trong các nhà trường sư phạm chậm đổi mới, chất lượng đào
tạo còn thấp.
Quản lý, chỉ đạo việc thực hiện chương
trình, SGK ở địa phương còn mang nặng tính hành chính, thiếu các giải
pháp quản lý hữu hiệu phù hợp với từng địa phương. Việc hướng dẫn, tạo
điều kiện vận dụng chương trình theo đặc điểm vùng miền và từng loại đối
tượng chưa cụ thể, rõ ràng.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn
Văn Giàu băn khoăn về mục tiêu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam có
đạt được mốc tiên tiến khu vực hay không?
Ông Phan Trung Lý đặt thẳng câu hỏi:
“Năm 2000 ban hành Nghị quyết 40 về đổi mới sách giáo khoa phổ thông.
Vậy kết quả thực hiện Nghị quyết 40 được gì? Giờ sửa mới thì ra sao? Nếu
không luôn đổi mới mà không ổn định. Chúng ta cứ loay hoay từ năm 2000
đến giờ. Những gì cần sửa đã đưa vào trong Luật giáo dục đại học rồi.
Giờ phải lấy ý kiến chuyên gia. Đánh giá không phải là đánh giá về tác
động tâm lý học sinh, mà phải đánh giá tác động của phương án quy định”.
Trước những khó khăn chất đầy như
núi với đề án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo lắng
về tiến độ thực hiện nếu đề án được thông qua.
“Còn có 1,5 năm nữa thôi, từ nay dựng
xong chương trình – SGK, nâng cao năng lực trình độ, đáp ứng của đội
ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để triển khai. Hai điều kiện này có
khả thi không, có làm được không? 10 năm đổi mới chương trình, bổ sung
SGK thì hay dở phải tiếp tục. Đổi mới có kế thừa chứ không phải cái gì
cũng mới cả. Mới mà không kế thừa thì gay go. Từ đó mới ra quan điểm,
mục tiêu yêu cầu đối vói chương trình, sách, tiếp tục thì như thế nào?
Viết thế này chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. Bây giờ là cải cách
hành chính, vậy chương trình sách mới phải thế nào? Ba lô giờ to hơn
là không được. Thủ tục phải công khai minh bạch, cái gì có lợi cho
dân thì áp dụng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nguồn:
0 Nhận xét