Án mạng bởi cảnh sát và nguyên lý nhà nước pháp quyền
theo DDXHDS
Nguyễn Sỹ Phương
Công luận bất bình khi đầu tháng này Toà
án Tuy Hòa, Phú Yên tuyên phạt 5 sĩ quan công an thành phố can tội
“dùng nhục hình khiến nghi can tử vong“, với mức án 1,5-5 năm tù giam
cho 3 bị cáo, và 1-1 năm 3 tháng tù treo cho 2 bị cáo còn lại.
Ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa,
vừa trưởng ban chuyên án, vừa có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật,
Toà cho miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, với lý do không chỉ đạo
dùng nhục hình. Trước đó, công tố viện đề nghị phạt 1 bị cáo từ 5 năm –
5,5 năm tù giam, 4 bị cáo còn lại hưởng án treo, với lý do “các bị cáo
nôn nóng điều tra, không nhằm mục đích gây thương tích chết người“.
Vụ án liên quan trực tiếp tới mạng sống
con người, nhưng xảy ra qúa đơn giản; nạn nhân Ngô Thanh Kiều, 32 tuổi
nghi can trong 1 vụ trộm cắp, bị cảnh sát đưa về đồn dùng nhục hình từ 8
giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút, gây thương tích trên 70 chỗ, chấn
thương sọ não, rồi chết.
Từ vụ án ở Đức
Cùng thời gian trên vụ án một người tỵ
nạn ở Đức bị chết cháy trong trại giam cảnh sát xảy ra cách đây 9 năm
được tái thẩm, chấn động công luận không kém. Vụ án mạng khởi nguồn lúc
8 giờ sáng, ngày 06.01.2005, khi đồn cảnh sát Dessau nhận được một cú
điện thoại từ một nữ lao công đường phố cho biết bị một người đàn ông
xỉn tới quấy rầy lảm nhảm đòi mượn điện thoại di động. Đó chính là Oury
Jalloh, 37 tuổi, người Sierra Leoner, Phi châu, sang Đức xin tỵ nạn từ 4
năm trước, có 1 con với người Đức nhưng người mẹ đã cho làm con nuôi,
nằm trong diện chờ trục xuất với bản án 3 năm rưỡi tù giam tội buôn bán
ma túy tòa tuyên trước đó vài tuần. Cảnh sát tới, Oury Jalloh cự tuyệt
xuất trình giấy tờ, còn kháng cự, liền bị bắt đưa về đồn. Tại đồn, cảnh
sát đo được 2,98 phần nghìn độ cồn, cả ma túy trong máu. Không thể trả
lời bằng tiếng Đức, không có giấy tờ tùy thân, lại chống đối, bị cảnh
sát lập biên bản, lục soát người, thu giữ đồ đạc, rồi tống vào phòng tạm
giam số 5, chờ điều tra. Phòng này chuyên giam giữ nghi can có dấu hiệu
tự tử, thiết kế như phòng vệ sinh có thêm một bệ xi măng sát tường thay
cho giường, 2 bên có 2 vòng sắt để còng tay, cuối bệ cũng 2 vòng để
còng chân, trên trải một nệm xốp bọc loại da chống cháy; được trang bị
hệ thống giám thanh nối với trực ban, còi cứu hoả, và theo quy trình cứ
30 phút cảnh sát tới kiểm tra 1 lần. Oury Jalloh đang trong cơn xỉn
rượu, phê ma túy, tức tối ra sức gào thét, tới mức cảnh sát trưởng nhóm
Andreas S, trực ban phải vặn nhỏ hệ thống giám thanh để trực điện thoại.
Khoảng 24 giờ, còi cứu hỏa tại phòng
giam phát tín hiệu, nhưng bị Andreas S tắt 2 lần, tới khi còi báo động
tại cửa thông gió rú lên không thể tắt mới chịu đi kiểm tra, nhưng lại
lần chần, bỏ thời gian tìm cộng sự, gọi điện báo cấp trên; tới được
phòng giam thì Oury Jalloh đã chết cháy. Tất cả diễn ra chỉ trong chừng
10 phút.
Sau vụ án mạng, chính quyền ra thông cáo
ngắn như tin vắn tai nạn giao thông, một kẻ tỵ nạn sàm sỡ với phụ nữ bị
cảnh sát bắt, rồi tự tử trong phòng giam. Nếu mặc định cảnh sát luôn
trung thành, thanh kiếm bảo vệ chế độ và nhân dân, còn Oury Jalloh là kẻ
xấu cần loại ra khỏi xã hội như thời Hitler, thì tin trên chỉ mang tính
thời sự, chẳng mấy ai bận tâm.
Nhưng cảnh sát cũng như bất kỳ chức
danh nghề nghiệp cao cả nào đều là người, chẳng phải thánh, không phải
cứ nêu mục đích tốt đẹp là làm được thế, thực tế thậm chí còn ngược lại;
còn Oury Jalloh dù bất hảo vẫn là người, bất kể tính mạng ai đều trên
hết được hiến định, cảnh sát phải bảo đảm khi nằm trong tay họ bất luận
hoàn cảnh nào, không thể cứ báo chết là chết! Không thể như loài vật
quay lưng lại nỗi đau của đồng loại, Hiệp hội „Sáng kiến vì Oury Jalloh“
lập tức được thành lập, tổ chức biểu tình chống nhà nước phân biệt
chủng tộc, che dấu, không trừng phạt tội phạm, thu hút hàng ngàn người
tham dự. Sáu tuần sau, cảnh sát bị điều trần trước Nghị viện tiểu bang,
bởi cơ quan dân cử phải có trách nhiệm pháp lý giám sát cơ quan nhà
nước, một khi lợi ích người dân mà họ đại biểu bị phương hại bởi nhà
nước. Đài truyền hình nhà nước ARD có trách nhiệm phản ảnh mọi tiếng
nói người dân, về tận bản quán gia đình Oury Jalloh mời nhân thân sang
Đức đấu tranh, và làm phóng sự điều tra với chủ đề, „Tại sao Oury Jalloh
chết trong phòng giam“, đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn, thu hút công
luận quan tâm.
Tới tháng 5.2005, cảnh sát viên
Hans-Ulrich M., 48 tuổi, trực tiếp khám xét, bị Viện Kiểm sát cho điều
tra tội cẩu thả gây chết người, còn cảnh sát trưởng nhóm Andreas S., 46
tuổi, tội vi phạm thân thể dẫn tới tử vong. Nhưng không vì thế người dân
nguôi ngoai, chừng nào án mạng bởi cơ quan công lực chưa sáng tỏ, thì
chừng đó họ vẫn theo đuổi. Một năm sau, nhân ngày mất Oury Jalloh, dân
chúng lại tổ chức mít tinh tưởng niệm, biểu tình với khẩu hiệu „công
luận có quyền đòi được giải thích“. Bất bình chuyển sang cả bạo lực lẻ
tẻ, tháng 12.2006, tường nhà của viên cảnh sát trưởng nhóm gây ra vụ án
mạng bị tạt mầu bôi bẩn, ga ra ô tô của bác sỹ khám nghiệm tử thi Oury
Jalloh bị phóng hoả.
Sau 2 năm điều tra, tháng 3.2007, hai
cảnh sát liên quan bị truy tố trước toà án Dessau-Roßlau. Qua 59 phiên
xét xử, có mặt cả mẹ Oury Jallohs, từ Guinea tới ở tư cách đồng nguyên
cáo, với 5 lần giám định hiện trường từng chi tiết, tới tháng 12.2008,
toà tuyên tha bổng bị cáo. Theo bản án, nạn nhân đã sử dụng bật lửa ga
giấu trong túi quần chọc thủng vỏ nệm đốt lớp xốp bên trong gây ra hoả
hoạn. Không có một dấu hiệu nào có thể kết luận bị người khác đốt. Tuy
nhiên bao chứng cứ ngờ vực không thể giải toả; biên bản khám người liệt
kê đồ vật tịch thu, sau vụ án mạng được bổ sung có bật lửa nhưng cảnh
sát để sót. Nệm chống cháy được giám định do đã dùng nên có thể chọc
thủng để đốt. Chân tay nạn nhân bị còng, nhưng thực nghiệm cho thấy vẫn
có thể cầm được bật lửa. Nghĩa là tất cả đều „có thể“, tức không thể
loại trừ nạn nhân tự thiêu. Chỉ vì không tìm được chứng cứ ngờ vực thủ
phạm khác, nên Toà kết luận nạn nhân chính là thủ phạm. Toà đứng về phiá
bị cáo lý giải, theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, toà phải tuyên
trắng án, bởi đơn giản không đủ chứng cứ kết luận bị cáo là thủ phạm, và
chỉ trích công tác điều tra không đạt kết qủa, để mất đi mọi cơ hội làm
sáng tỏ mọi câu hỏi đối với vụ án.
Trước đó, Viện Kiểm sát đọc cáo trạng,
kết luận Oury Jalloh dùng bật lửa gây hoả hoạn có phần lỗi của cảnh sát
khám người để sót nó trong túi quần nạn nhân, còn cảnh sát trưởng nhóm
không kịp thời cứu hoả.
Bản luận tội chánh án đọc bị gián đoạn
tới nửa tiếng do Tổ chức Sáng kiến vì Oury Jalloh có mặt chật cứng tại
phiên toà chửi ruả, thoá mạ, gào thét: bọn lừa dối ! Bọn giết người. Họ
xông cả lên bàn chủ toạ phiên toà, buộc cảnh sát phải can thiệp.
Còn chính trường Đức thì sôi sục, bởi
họ đại diện cho lợi ích người dân, không thể không lên tiếng khi cảnh
sát là cơ quan chuyên môn độc lập được trao chức trách bảo vệ dân lại
gây thiệt mạng dân. Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang phát biểu, thật đáng xấu
hổ, khi một người trong tay cảnh sát đã phải chết khủng khiếp. Thống đốc
tiểu bang tuyên bố trước nghị viện, vụ án làm xấu hổ tất cả chúng ta,
và gửi tới nhân thân người bị hại lời xin lỗi. Tổ chức Sáng kiến vì Oury
Jalloh ra lời kêu gọi toàn Liên bang biểu tình phản đối phán quyết toà
án.
Cả Viện Kiểm sát lẫn đồng nguyên cáo
đều kiện lên phúc thẩm. Tháng 1.2010, bản án sơ thẩm bị Tòa án Tối cao
Liên bang tuyên hủy. Theo toà, bản án sơ thẩm có nhiều lỗ hổng chứng
cứ, không chỉ ra được, tại sao nạn nhân bị còng vẫn có thể dùng bật lửa
ga đốt, trong khi tay không bị cháy và không gào lên vì đau. Và nếu gào
thì lẽ ra cảnh sát phải nghe được qua hệ thống giám thanh. Vụ án được
chuyển cho tòa án Magdeburg tái thẩm.
Vụ xử tái thẩm được mở từ tháng 1.2011.
Sang tháng 1.2012, nhân ngày tưởng niệm 7 năm Oury Jalloh thiệt mạng,
hơn 200 người lại biểu tình với biểu ngữ „Vụ án Oury Jalloh là vụ giết
người“. Cảnh sát tới giằng xé những khẩu hiệu bị luật pháp cấm làm 2
người bị thương nặng. Sang tháng 2.2012, hàng chục người biểu tình chiếm
trụ sở ủy ban Dessau đòi công bố đoạn băng cảnh sát đàn áp biểu tình
tháng trước. Tới tháng 12.2012 kết thúc xét xử, rốt cuộc Toà cũng chỉ
tuyên phạt tiền cảnh sát trưởng nhóm 10.800 Euro, do can tội chậm trễ
cứu nạn nhân. Lần này, bản báo cáo của chuyên gia giám định độc lập do
Viện Kiểm sát ủy quyền tái dựng diễn tiến vụ cháy, công bố tháng 1.2012,
vẫn kết luận nạn nhân tự đốt, nhưng lại không tái lập hiện trạng xác
nạn nhân cháy để củng cố kết luận. Luật sư bên nguyên đệ đơn đòi giám
định lại, bị toà từ chối cho rằng, tất cả mọi chứng cứ tới giờ đều khẳng
định thủ phạm đốt không ai khác ngoài nạn nhân.
Để bác bỏ giả thiết nạn nhân tự đốt,
sau khi vận động quyên góp được 30.000 Euro, Tổ chức Sáng kiến vì Oury
Jalloh thuê giám định lại, vốn là quyền độc lập của người dân. Chuyên
gia người Anh, Maksim Smirnou từng điều tra hơn 300 vụ phóng hoả trong
10 năm, được ủy quyền thực hiện 10 tháng ròng. Tái dựng lại đúng hiện
trường, với nhiều lần thử nghiệm dùng lợn vốn có mô bì gần người, đốt ở
mức bỏng như Oury Jalloh, cho kết qủa: Để đốt cháy tấm nệm trong vòng 10
phút và cơ thể nạn nhân cháy hết lớp da như đã xảy ra phải dùng từ 2-5
lít xăng. Nếu không, cả nệm lẫn cơ thể chỉ để lại vết sém, bỏng nhẹ.
Mặt khác khám nghiệm tử thi có dấu vết hợp chất do xăng cháy tạo ra. Từ
đó kết luận nạn nhân chết cháy không thể đốt bằng bật lửa, mà chắc chắn
do một người nào đó đổ xăng đốt. Tháng 11.2013, bản tái giám định được
gửi tới Viện Kiểm sát tối cao đòi điều tra lại và công bố ra truyền
thông, làm chấn động dư luận trong ngoài nước cùng mọi giới chức liên
quan. Báo Anh, tờ The Guardian cho rằng vụ án được thế giới chú ý hơn cả
vụ giết người nước ngoài bởi bọn Đức Quốc xã mới. Báo Taz với bài „sự
bất lực của cơ quan tư pháp“, mỉa mai, việc mổ tử thi lần 2, cùng chứng
cứ qua thực nghiệm, đã phản ảnh bộ mặt thực của một nhà nước được gọi là
pháp quyền.
Tới đầu tháng 4.2014, Viện Kiểm sát cho
thụ lý lại hồ sơ điều tra tiếp và tuyên bố vụ án cực kỳ nghiêm trọng,
khủng khiếp. Bởi đổ xăng, đốt chết cháy nạn nhân thuộc tội giết người
cấp độ nặng, hình phạt còn thêm tình tiết tăng nặng bởi thủ phạm là cảnh
sát bị xét thêm tội lợi dụng quyền lực nhà nước trao.
Hình phạt tăng nặng áp dụng cho người
thi hành công vụ ở Đức đã trở thành án lệ, nhằm ngăn ngừa tội phạm người
nhà nước, nếu không người dân sẽ trút bất bình lên chính chế độ, vốn là
quyền tự do của họ được Hiến pháp bảo đảm. Như trường hợp xảy ra cách
năm trước, 2 cảnh sát Udo R, 42 tuổi, đội trưởng, Michael A, 27 tuổi,
đội phó, bị toà án Berlin tuyên phạt tới 3 năm 9 tháng và 4 năm 9 tháng
tù giam, can tội nhận tiền bảo kê tổng cộng chỉ 663 Euro từ 12 lượt
người Việt bán thuốc lá lậu. Trong phần luận tội, chánh án lý giải, tính
chất hành vi của 2 bị cáo cực kỳ nghiêm trọng: sử dụng quyền lực mưu
lợi. Hay như năm trước, Viện Kiểm sát cáo buộc cựu Tổng thống Wulff nhận
quà 770 Euro và đòi nộp phạt tới 20.000 Euro để được đình chỉ điều tra.
Thẩm phán trong nhà nước pháp quyền
Khoa học chính trị ngày nay không còn
bàn cãi về khái niệm nhà nước pháp quyền với chức năng phân định: 1- lập
pháp, 2- hành pháp, 3- tư pháp; được xây dựng trên nền tảng: a-kinh tế
thị trường, b- xã hội dân sự, c- tự do truyền thông được coi là quyền
lực thứ 4. Quyền cơ bản con người đạt được tới đâu đều tùy thuộc vào
tính chất mức độ pháp quyền của nhà nước đó đạt được cùng nền tảng kinh
tế và xã hội tạo nên. Sở dĩ nạn nhân bất hảo Oury Jalloh thân cô thế
cùng nơi xứ người, chết cháy trong trại giam cảnh sát, đã không bị bỏ
mặc, chấn động nước Đức kéo dài 9 năm nay để tìm bằng được công lý chính
nhờ thiết chế nhà nước pháp quyền của họ; cùng xã hội dân sự họ ý thức
được phải tự bảo vệ lấy đồng loại, chống mọi bất công; truyền thông bảo
đảm là thời hàn biểu đo lường nhiệt độ bức xúc của xã hội; mọi đảng phái
ý thức được mình đại diện cho lợi ích người dân; nghị sỹ ý thức được
trách nhiệm đại biểu thay mặt dân. Và điều cốt lõi trực tiếp bảo đảm
công lý chính là Toà án đóng vai trò cán cân, được hiến định hoàn toàn
độc lập chỉ tuân theo pháp luật (Điều 97, Hiến pháp Đức).
Tuy nhiên thẩm phán không phải vua, một
khi đã độc lập thì phải chịu trách nhiệm cá nhân với phán quyết của
mình, như bất kỳ thể nhân nào. Cách năm trước, ông Helmut Knöner, thẩm
phán toà án điạ phương Herford, Westfallen, Đức, đã phán miễn phạt cho
tất cả 42 lái xe quá tốc độ bị ra đa chụp, gửi đơn chống lên toà. Ông
cho rằng cơ sở pháp lý để chụp lái xe quá tốc độ là Luật Chống khủng bố
bị lạm dụng, hoàn toàn sai khi áp dụng các điều khoản luật đó vào giao
thông, và đòi thành phố không được phép chụp tới chừng nào có luật mới
sửa đổi, đưa ra được những quy định bắt buộc, chụp lúc nào ở đâu với
thiết bị gì. Chính quyền đặt thiết bị ra đa chụp qúa tốc độ phải vì tính
mạng người dân chứ không thể để kiếm tiền phạt ẩn náu đằng sau việc đặt
máy chụp. Để phản đối, chính quyền điạ phương viện dẫn danh sách địa
điểm đặt máy chụp tốc độ đã được Hội đồng nhân dân chuẩn thuận, tiếp đó
trình Chính phủ vùng theo quy định trong luật đường bộ. 50% máy chụp lưu
động được đặt ở những khu vực cần bảo vệ đặc biệt, như trường học, nhà
trẻ, viện dưỡng lão; 30% đặt ở những vị trí do các hiệp hội hoặc công
dân hoặc đảng phái đòi hỏi yêu cầu. Viện Kiểm sát tuyên bố cho điều tra
Knöner với cáo buộc xử sai luật.
Còn ở ta, khác với vụ Oury Jalloh chánh
án lúc xét xử không đủ chứng cứ buộc tội cảnh sát giết người làm công
luận bất bình bởi không giải toả được ngờ vực ngược lại, thẩm phán Lương
Quang đã khép tội cảnh sát „dùng nhục hình khiến nghi can tử vong“.
Nghĩa là: 1- Sử dụng dụng cụ và cách thức biết chắc gây chết người, tức
có động cơ, (chính vì vậy hiện nay luật hình sự ta và các nước đều cấm
dùng nhục hình); 2- Nạn nhân chết bởi hệ quả đó. Hai dấu hiệu trên, theo
luật hình sự hầu hết các nước đều cấu thành tội danh „giết người“.
Nhưng hình phạt, thẩm phán Lương Quang đã không áp dụng cho tội danh
giết người, với lý giải (trích phỏng vấn trên báo Người Lao Động):
1- „Vụ án này hết sức phức tạp, nhạy
cảm, cả trung ương cũng rất quan tâm. Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực.
Phải biết chọn giải pháp nào cho an toàn… để bảo đảm mối quan hệ cho
tốt. Tại tòa có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên
nói, phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt“. Nghĩa là thẩm phán
đã: 1.1- không xét xử độc lập, 1.2- không theo pháp luật, 1.3- mà chỉ vì
động cơ cá nhân mình sao cho an toàn, tránh dư luận.
2- “Ôm rơm nặng bụng. Bỏ lọt tội phạm,
cũng đành vậy. Chứ chuyện gì phải căng thẳng. Có nguyên tắc là làm việc
mà không hài lòng thì kiến nghị lên cấp trên để xử lý“. Thể hiện thẩm
phán thiếu trách nhiệm cá nhân đối với thẩm quyền được giao, trong khi
công lý tính mạng con người được pháp luật đặt trong tay ông.
3- ” (Đánh chết người mà chỉ chịu từ án
treo đến 5 năm tù), tôi thấy không nhẹ, công an mất bao nhiêu lực lượng
đó là quá đau. Tôi thấy đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Xét xử tức
là dùng các chuẩn mực thước đo quy tắc xử sử trong văn bản luật để đo
lường các hành vi phạm pháp của bị cáo, trong luật học gọi là áp dụng
luật. Nhưng thẩm phán đã lấy thiệt hại của bị cáo “mất bao nhiêu lực
lượng đó là quá đau“ làm thước đo luận tội.
Chắc chẳng một người dân nào không bất
bình trước một thẩm phán trách nhiệm trình độ, xử sai như vậy. Liệu nhà
nước có buộc họ phải chịu trách nhiệm pháp lý hay để mặc nỗi bất bình
lòng dân trút lên nhà nước?
0 Nhận xét