HM Blog vừa nhận được bài viết của một luật sư đang tập sự,
Nguyễn Đăng Thái. Trong tình hình căng thẳng hiện nay, những ý kiến góp ý
như thế này là rất cần. Cảm ơn bạn trẻ Nguyễn Đăng Thái (sinh năm
1987).
Vị trí giàn khoan của Trung Quốc ở biển Đông. |
Sau một thời gian dài im lặng, Chính quyền Trung Quốc bất ngờ điều
dàn khoan dầu H981 tới vùng biển Đông Nam Á và tuyên bố khoan thăm dò
tại khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách
đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý. Đây là vùng đặc quyền kinh tế
mà theo Công ước Quốc tế về Luật Biển, trong đó Trung Quốc cũng là một
thành viên đã phê chuẩn là thuộc về Việt Nam.
Hành động ngang ngược của Chính quyền Trung Quốc đã bị quốc tế lên
án. Tại Việt Nam, tất cả người dân đều hết sức bất bình với hành xử của
Chính quyền Trung Quốc, thậm chí, đã có những ý nghĩ và lời kêu gọi
chiến tranh.
Là một người Việt Nam, tôi thực sự tự hào về tinh thần chống giặc
ngoại xâm của cha ông từ hàng ngàn năm qua, và hôm nay, tinh thần này đã
được thể hiện lại một lần nữa.
Tuy nhiên, tôi hoàn toàn phản đối bất kỳ lời kêu gọi chiến tranh nào
vào thời điểm này. Tất nhiên, nếu đó là điều không thể tránh khỏi, tôi
vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, vì người thân, vì mảnh đất tôi đang sinh
sống chứ không vì bất kỳ lý tưởng viển vông hay tổ chức hoặc vị lãnh tụ
vĩ đại nào.
Vì sao tôi phản đối chiến tranh với Trung Quốc
Một là, dường như tất cả chúng ta đang bị rơi vào bẫy đánh tráo khái niệm của Chính quyền Trung Quốc:
Nói tới Trung Quốc, là nói tới một quốc gia lớn, một dân tộc lớn, và
cũng như mọi quốc gia khác, luôn có người tốt, kẻ xấu, luôn có tới 99%
người dân mong muốn hòa bình, nhưng sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo
vệ quê hương, đất nước.
Chính quyền Trung Quốc lại là một thành phần khác, đây là một cỗ máy
luôn luôn hoạt động theo ý chí của một số nhỏ những kẻ quyền lực nhất.
Lịch sử hàng ngàn năm đã minh chứng rằng những kẻ này luôn luôn có xu
hướng bành trướng bá quyền. Chúng lợi dụng sức mạnh của một dân tộc lớn
để đạt được mục đích của mình.
Chính vì vậy, nếu chúng ta hô hào đả đảo Trung Quốc, phản đối Trung
Quốc, bài trừ Trung Quốc….thì chắc chắn sẽ bị Chính quyền Trung Quốc
xuyên tạc để thu hút sự ủng hộ của người dân.
Hai là, lịch sử đã để lại cho chúng ta quá
nhiều bài học về chiến tranh. Hầu hết các cuộc chiến tranh trong lịch
sử, người dân, người lính đều chỉ là công cụ của một số nhỏ những kẻ nắm
quyền. Chưa bao giờ người dân, người lính được đền đáp xứng đáng với
những mất mát, hy sinh của họ trong cuộc chiến. Chỉ có những kẻ “lãnh
đạo” là được hưởng hết những lợi ích sau cùng.
Ngay cả với những cuộc chiến tranh vệ quốc, cho dù lý tưởng có cao
đẹp đến đâu, thì chỉ sau một vài thế hệ với truyền thống “con vua thì
lại làm vua”, những kẻ thừa hưởng thành quả từ xương máu của cha ông sẽ
lại quay lại bòn rút xương máu của chính đồng bào mình. Và điều này, chưa bao giờ sai trong lịch sử Việt Nam.
Từ phía quốc gia gây chiến, những kẻ thực sự hưởng lợi luôn luôn ở
nơi an toàn. Máu xương đã đổ xuống của người lính, người dân Trung Quốc
chưa bao giờ mang lại lợi ích thực sự cho họ và người thân.
Ba là, người dân Trung Quốc có rất ít cơ
hội tiếp cận những thông tin đa chiều, khách quan. Hệ thống kiểm soát
báo chí, tuyên truyền một chiều của Chính quyền Trung Quốc luôn cung cấp
các thông tin sai lệch, không có kiểm chứng và áp đặt tư duy tới người
dân, vì vậy, phần lớn người dân Trung Quốc đang tin tưởng rằng các hành
động của Chính quyền Trung Quốc là đúng đắn, và họ sẽ ủng hộ hành động
đó hết mình.
Chúng ta vẫn tự hào đánh thắng hai cường quốc là Pháp và Hoa Kỳ,
nhưng nên nhớ, đó là hai quốc gia dân chủ. Và khi người dân nhận thấy
các cuộc chiến đó là phi nghĩa và gây sức ép lên chính quyền, hai cường
quốc này mới buộc phải rút lui khỏi Việt Nam.
Vậy, chúng ta cần hành động như thế nào để không xảy ra chiến tranh:
Một là, trong mọi bài viết vạch mặt, lên án
âm mưu, hành động của Chính quyền Trung Quốc, chúng ta nên phê phán
đích danh “Chính quyền Trung Quốc”, “những kẻ nắm quyền”, không nên sử
dụng từ “Trung Quốc” nói chung. Đó là cách chỉ đích danh kẻ thù của
chúng ta và không cho chúng cơ hội xuyên tạc, đánh đồng khái niệm.
Hai là, thể hiện thái độ không khoan nhượng
đối với Chính quyền Trung Quốc: Người Việt Nam, trong và ngoài nước,
cần tiến hành các cuộc tuần hành (hay biểu tình, tùy cách gọi) phản đối
các hành động của Chính quyền Trung Quốc. Các cuộc tuần hành này cần
diễn ra trong trật tự, tránh mọi hành vi kích động. Mục đích của chúng
ta là thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế đối với vấn đề, và gửi
thông điệp tới Chính quyền Trung Quốc: “Chúng tôi chưa và không bao giờ
sợ các ông”.
Ba là, bày tỏ mong muốn
hòa bình, tôn trọng tới người dân Trung Quốc: Chấm dứt mọi hành vi bài
trừ, phân biệt đối xử đối với người Trung Quốc ở Việt Nam, tôn trọng các
giá trị văn hóa Trung Hoa. Cần phân biệt rõ và không đánh đồng, tẩy
chay các sản phẩm hàng hóa (không độc hại) có xuất xứ Trung Quốc. Chính
người dân Trung Quốc cũng sợ hãi những sản phẩm độc hại như vậy. Muốn
người khác tôn trọng mình, ta phải tôn trọng họ trước.
Bốn là, tăng cường giao lưu, đối thoại và
cung cấp thông tin tới người dân Trung Quốc qua nhiều kênh khác nhau,
đặc biệt là thông qua hệ thống mạng xã hội. Cho dù Chính quyền Trung
Quốc kiểm soát gắt gao tới đâu, internet vẫn luôn có cách truyền đạt
thông tin của nó. Số người có thể sử dụng tiếng Trung ở Việt Nam là
không ít, nếu chúng ta kiên trì dịch những bài viết từ tiếng Việt hoặc
tiếng Anh với những phân tích đúng đắn, khách quan và đăng lên các trang
mạng xã hội ở Trung Quốc, chắc chắn, chúng ta sẽ giúp không ít người
Trung Quốc có được cái nhìn khách quan, chính xác hơn về các hành động
phi pháp của Chính quyền Trung Quốc .
Năm là, chúng ta cần thể hiện mong muốn hòa
bình, đoàn kết tới người dân Trung Quốc. Trong các lễ kỷ niệm chiến
tranh với Trung Quốc, hãy dành cho những người lính của phía bên kia một
nén nhang, bởi họ chỉ làm theo mệnh lệnh của những kẻ cầm quyền. Đó là
thông điệp sâu sắc để thể hiện mong muốn hòa bình và sẵn sàng gạt bỏ
những sai lầm trong quá khứ của chúng ta gửi tới những người lính, người
dân Trung Quốc.
Sáu là, bày tỏ sự ủng hộ đối với các hành
động đấu tranh vì dân chủ, vì chính nghĩa của người dân Trung Quốc. Nếu
chúng ta có thể tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn sắp tới,
chúng ta có thể nhắc nhở người dân Trung Quốc rằng, một chính quyền sử
dụng bạo lực để đàn áp đẫm máu người dân thì chính quyền đó không phải
là chính quyền của dân, do dân, vì dân và không xứng đáng, không thể là
đại diện cho nhân dân Trung Quốc.
Do những hạn chế về thể chế và ngoại giao, Chính quyền Việt Nam sẽ
không thể có được những phản ứng mạnh mẽ, đúng đắn nhất. Nhưng chúng ta,
những người dân, người chủ của đất nước có thể và sẽ có những phản ứng
đúng đắn nhất, mạnh mẽ nhất gửi tới kẻ thù phương Bắc: Chính quyền Trung
Quốc.
Luật sư tập sự Nguyễn Đăng Thái.
0 Nhận xét