Dương Đình Giao
1. Năm 1962, tốt nghiệp Phổ
thông, tôi nộp đơn thi vào trường Sư phạm một cách hoàn toàn tự nguyện.
Ngay từ khi còn quàng khăn đỏ, tham gia các phong trào Bình dân học vụ
đi xóa nạn mù chữ cho bà con ở các khu lao động Phúc Tân, Phúc Xá ngoài
đê sông Hồng, rồi Bổ túc văn hóa, dạy lớp 5, lớp 6 cho y tá, hộ lý ở
Bệnh viện Mắt phố Bà Triệu, thanh niên trong làng, …đã khiến tôi yêu
thích nghề này.
(Những năm ấy, cũng như tất cả
các ngành nghề khác, học hết lớp 7 đã có thể thi vào trường Trung cấp y,
sau 2 năm học đã có bằng y sĩ, có quyền khám bệnh, cho đơn thuốc; học
hết lớp 4, theo học sơ cấp một năm đã có thể làm y tá, còn hộ lý hình
như chỉ yêu cầu đọc thông viết thạo. Không biết trình độ chuyên môn của
những y sĩ, y tá, hộ lý thời ấy so với những người có bằng cấp tương
đương giờ đây ra sao, nhưng chắc chắn ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề
nghiệp của họ hơn hẳn những người làm trong các cơ sở y tế ngày nay cho
dù lúc ấy, chưa hề có khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”).
Bước chân vào trường Sư phạm,
mỗi khi lên Hội trường lớn (đủ chỗ ngồi cho khoảng nghìn người mà toàn
bằng tranh tre nứa lá) nghe giảng các môn học chung cho mọi khoa như
Chính trị, Tâm lý, Giáo dục, … luôn thấy một câu khẩu hiệu đập vào mắt:
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Đây vốn là
một câu trích ra trong bài nói chuyện của ông Phạm Văn Đồng khi tới thăm
trường. Tuổi còn trẻ, lại có cái hồ hởi, háo hức vì mới trúng tuyển một
cuộc thi lớn, anh nào cũng thấy âm ỉ sung sướng vì được cao quý hơn
thiên hạ. Nhưng chỉ cần ra trường được vài ba năm, thực tế cuộc sống
khắc nghiệt, những gian khổ trong nghề nghiệp ở những nơi xa xôi đã
khiến bọn tôi tỉnh ngộ. Đơn giản chỉ là, có “nghề cao quý nhất” vậy
nghề nào là cao quý thứ hai? Và nghề nào là không cao quý?
Tác giả của câu nói chắc do ngẫu
hứng trong chốc lát, để động viên các chàng trai cô gái sinh viên mới
bước vào đời còn trẻ người non dạ. Chả là thời kỳ này, trong giới thanh
niên học sinh còn lan truyền câu thành ngữ mới trong việc chọn trường,
chọn nghề: “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm thông qua, Nông
lâm bỏ xó”, hay “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm. Câu nói như một
lời khích lệ nhất thời, sau đó lẽ ra nên để “lời nói gió bay”. Không ngờ
tới hơn nửa thế kỷ sau, mỗi khi vào tháng 9, dịp khai giảng và nhất là
tháng 11, có ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy cô giáo được đồng loạt đưa
lên mây xanh. Thường ngày gian nan với cuộc sống thiếu thốn, bị lên án
vì “dạy thêm học thêm”, bị “buộc tội” vì bệnh thành tích tạo nên bao sản
phẩm “ngồi nhầm lớp”, “học giả bằng thật”, thoáng chốc, họ “đổi đời”
thành những người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”,
thành “kỹ sư tâm hồn” và được nhận biết bao những lời đẹp đẽ. Chưa có
một cuộc điều tra để xem bao nhiêu phần trăm những người làm nghề dạy
học thấy vinh dự, tự hào khi nghe những “lời nói có cánh” này, nhưng
chắc chắn có một tỷ lệ không nhỏ những người đang đứng trên bục giảng
cảm thấy ngượng ngùng (nếu chưa nói là xấu hổ) khi hàng năm vẫn phải
nghe những lời tôn vinh rỗng tuếch đó.
Ngượng ngùng vì xuất thân từ
những gia đình tử tế, người ta từ nhỏ đã được dạy không được phép coi
mình được xếp ở bậc cao hơn những người khác. Họ hiểu rằng, dạy học cũng
chỉ là một nghề như biết bao nghề nghiệp khác theo sự phân công của xã
hội. Mà:
Mỗi người thì có một nghề,
Con phượng thì múa, con nghê thì chầu.
Vinh quang không phụ thuộc vào
nghề nghiệp, nó chỉ được quyết định bởi thái độ, ý thức của con người
khi thực hiện trách nhiệm của mình.
2. Cái lối “nói lấy được” bất
chấp thực tế cuộc sống đã cố quên đi một thực trạng đau lòng: được coi
là nghề cao quý nhưng các trường Sư phạm hiện nay đang không thu hút
được những học sinh giỏi sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học. Một
hồi, nhờ chính sách miễn học phí, chất lượng đầu vào cho các trường Sư
phạm đã phần nào được giải quyết, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cái
thực tế khắc nghiệt của đời sống đã khiến cho những học trò khi làm hồ
sơ thi vào đại học chẳng mấy mặn mà với nghề “gõ đầu trẻ” trong tương
lai. Học phí trong 4 năm học là số tiền lớn nhưng cũng chỉ là một phần
nhỏ trong biết bao tốn kém của những năm tháng, và lựa chọn vượt khó
khăn trong 4 năm hay suốt cả cuộc đời đã khiến nhiều người quay lưng với
sự ưu đãi. Nhiều năm bài toán vẫn chưa tìm được lời giải, thì mới đây,
theo một điều tra của PGS. TS. Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục) “Một
nửa giáo viên hối hận vì nghề đã chọn”. Có nghĩa là các trường học ở
nước ta đang được dạy bởi một nửa các thầy “bất đắc dĩ”. Người ta chỉ có
thể làm một việc gì miễn cưỡng, “bất đắc dĩ” ở một thời điểm hay trong
một thời gian ngắn. Khi ấy, ý chí, nghị lực, tinh thần trách nhiệm, …
có thể khiến công việc được hoàn thành chứ mấy ai “gồng” được mình lên
trong suốt cả cuộc đời? Được những người thầy như thế dạy dỗ, sao học
trò được “dạy chữ, rèn người” chu đáo, tận tụy như cha mẹ họ kỳ vọng. Và
hậu quả, chất lượng giáo dục hiện nay luôn trong tình trạng báo động
và luôn luôn đi xuống.
Một vị vốn là Hiệu trưởng trường
Đại học Sư phạm, sau đó đã từng là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã than phiền: “Giáo
viên cũ chuyển ngành, thế hệ trẻ thì quay lưng lại với nghề giáo. Một xã
hội mà người thầy không ai muốn làm thì sẽ đi đến đâu?”. Làm sao cứ tự
lừa mình bằng những cái huyễn hoặc mà cố tình quên đi câu hỏi nhức nhối
này. Nó không chỉ liên quan đến hiện tại và tương lai của giáo dục, mà
còn quyết định đến cả vận mệnh của dân tộc.
3. Nhớ lại các thầy tôi các đây
nửa thế kỷ, ngoài sự mực thước về nhân cách, tận tụy với nghề nghiệp,
bằng cấp của các thầy không cao. Thầy dạy cấp 2 cũng chỉ học hết lớp 7
(tương đương THCS bây giờ) sau đó học Trung cấp Sư phạm 2 năm. Thầy dạy
cấp 3, nhiều người chưa có bằng đại học, ai có cũng chỉ học có 2 năm sau
khi tốt nghiệp Phổ thông. Nhưng các thầy đều là những người uyên bác,
“biết mười dạy một” vì với các thầy, sự học không chỉ dừng lại sau khi
dời ghế nhà trường. Giờ đây, khi đã bước vào những năm tháng cuối đời,
tôi không chỉ biết ơn các thầy vì những tri thức được truyền thụ, vì
những thói quen
tốt được rèn cặp mà trên hết là vì ngọn lửa ham học hỏi, ham hiểu biết
các thầy đã nhen lên trong tôi từ những năm tháng niên thiếu đến nay vẫn
chưa tàn lụi. Chính nó đã giúp tôi luôn luôn học ở mọi nơi, mọi lúc để
mở rộng tầm hiểu biết, từ đó đủ bản lĩnh để sống theo cách riêng.
Từ nhiều năm nay, các thầy cô
giáo mang tiếng được đào tạo rất bài bản, dạy tiểu học cũng có thể có
bằng cao đẳng, đại học; dạy cấp THCS hay THPT cũng có thể có bằng Thạc
sĩ, Tiến sĩ, nhưng những bằng cấp ấy đều có vấn đề. Khi đi học thì điểm
được xin, được mua kết cục là cái mảnh bằng thì thật nhưng tri thức của
người sở hữu thì giả.. Rồi khi ra trường, bước lên bục giảng, bằng lòng
với những tri thức “đầu Ngô mình Sở” chẳng bao giờ thấy mua, thấy đọc
một cuốn sách (trong khi cái xe máy, cái điện thoại lại vô cùng “sành
điệu”). Vì đầu óc rỗng tuếch nên dạy học chỉ bằng phương pháp “đọc
chép”. Hiểu biết hạn hẹp tất sẽ dẫn tới nhân cách bị băng hoại, người
làm nghề dạy học, được tôn làm “thầy” nhưng tầm mắt không vượt nổi cái
mối lợi trước mắt của bản thân sao có thể dạy chữ, rèn người cho xứng
với sự kỳ vọng của học sinh và cha mẹ họ?
Tôi cho rằng đây mới chính là
chuyện đáng quan tâm trước hết nếu muốn nói tới cải cách hay đổi mới
giáo dục. Những người thầy có nhân cách và có tri thức phong phú (do học
trong nhà trường và hơn hết do tự học suốt cuộc đời) sẽ tự biết cần
phải dạy những gì, dạy như thế nào để giúp thế hệ trẻ đủ hành trang
trước khi vào đời cho dù chương trình, sách giáo khoa hay mọi sự chỉ đạo
của cấp trên chẳng bao giờ tránh hết được những khiếm khuyết.
0 Nhận xét