Học Hỏi Hay Đố Kỵ!

16:04 |
 Trang Hạ

Năm kia tôi mời một bạn trẻ năng động và khá sáng tạo vào tham gia một dự án truyền thông của tôi cho một nhãn hàng trong Sài Gòn, bạn ấy từ chối và nói, bạn ấy cần dành một năm trước mắt để trở thành triệu phú đô la.


Tôi ngạc nhiên hỏi, em vừa bỏ học đại học, em cũng từ chối đi kiếm tiền, thế thì làm triệu phú ra sao? Bạn ấy nói, thế giới đã thống kê rồi, các triệu phú trẻ trên Internet và Youtube đều trở thành triệu phú đô la trước 21,5 tuổi. Vì thế em chỉ còn 1 năm nữa để tranh thủ tìm cách thành triệu phú trên mạng, nếu không sẽ trôi qua "tuổi hoàng kim" - cơ hội để thành triệu phú đô la của em. Nếu không thành triệu phú đô la, thì từ 22 tuổi em sẽ tính kế hoạch khác! Tuổi hoàng kim để trở thành triệu phú bằng cách thông thường trong đời thực như kinh doanh, làm tổng giám đốc... sẽ kéo dài tới 40 tuổi.
Làm tôi nhớ lại mình hình như đã từng trải qua cảm giác này, như bạn.

Năm 1987, nữ ca sĩ trẻ Vanessa Paradis hát ca khúc "Joe le taxi" làm điên đảo làng nhạc nhẹ thế giới, lúc đó cô 15 tuổi. Nhưng phải đến đầu những năm 90, qua chương trình VKT của anh Lại Văn Sâm, tôi mới biết đến ca khúc này. Tôi thực sự thích "Joe le taxi" nhưng đi cùng với niềm yêu thích là những dằn vặt triền miên theo tôi từng ngày: 15 tuổi cô ấy đã nổi tiếng toàn thế giới, còn tuổi 15 của tôi đã làm được điều gì có giá trị?

Đến hồi học đại học, gần như những bạn bè quanh tôi đều lên cơn sốt vì tấm gương những sinh viên kiếm ra tiền nhiều trong các "Câu lạc bộ sinh viên thành đạt" được thành lập ở vài trường đại học lớn. Tiêu chuẩn của các câu lạc bộ này, là sinh viên năng động làm thêm, kiếm nhiều tiền, đạt được chức vụ nào đó ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi ấy, thu nhập làm thêm được coi là chuẩn thành đạt của sinh viên. Những tin tức như, sinh viên 21 tuổi làm trưởng phòng, sinh viên vừa tốt nghiệp nửa năm đã là giám đốc kinh doanh, phó tổng giám đốc trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 24 v.v... khiến nhiều bạn bè tôi dù nghề chẳng liên quan gì tới kinh tế, nhưng cũng cảm thấy bản thân thật thiếu chuẩn và thua kém xã hội.

Đứa em tôi vào đại học, nằng nặc đòi bố mẹ mua cho xe máy, không phải vì học xa mà vì không thể thua kém bạn bè. 

Có đứa cháu suốt ngày bị bố mẹ dằn hắt. Bố mẹ nói, con nhà người ta 25 tuổi đã là chức này chức kia, mua được cả ô tô, con mình đi làm cả tháng không để dành được đồng nào. Thế này đến bao giờ mới ổn định được sự nghiệp, liệu có nên ông nên bà, hay chỉ là thằng là con?

Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là ngày tháng, là bạn bao nhiêu tuổi, bạn tài giỏi hay bạn vô dụng. Mà là cái đầu và suy nghĩ của chúng ta đã luôn bị thôi miên bởi thành công của người khác!

Giả dụ ở tuổi 15, bạn thèm muốn giọng hát hay của người khác. Nhưng giá như được trời phú cho giọng hát hay rồi, bạn sẽ thèm muốn nhan sắc của người khác.

Nếu bạn đã xinh đẹp hát hay rồi, nhưng bạn sẽ vẫn đố kị với những người được nâng đỡ nào đó. Nếu bạn đã có ông bầu nghệ thuật rồi, thì bạn bắt đầu dằn vặt vì sao mình chưa giàu, chưa sang như người nào đó.

Hoặc giả nếu thời sinh viên, tôi lọt được vào câu lạc bộ sinh viên thành đạt, thì chắc tôi cũng vẫn đau khổ như cũ, khi tôi nhận ra mình thua kém tất thảy mọi loại con ông cháu cha được lót sẵn ổ, trải thảm đỏ vào đời.

Sẽ luôn có một ai đó hơn chúng ta, và chúng ta bị thôi miên chạy theo những gì người khác có, vĩnh viễn, chúng ta cứ vượt được người này, rồi sẽ xuất hiện kẻ khác hơn hẳn mọi mặt!

Bạn có nhận ra rằng, không phải ta đang cầu tiến, mà ta đang bị dục vọng và thèm khát chỉ huy đời ta?

Ta không học hỏi, mà là ta đố kị.

Ta không chạy đua với một người giỏi hơn, mà là ta đang chạy đua với cả thế giới. Nói đúng hơn, ta để cả thế giới này đều là địch thủ, và ta chống lại cả thế giới.

Nếu bạn nghĩ, thực ra người duy nhất ta cần chiến thắng là bản thân mình. Và người duy nhất mà ta luôn cần giỏi hơn, là ta luôn phải giỏi hơn ta của ngày hôm qua. Thì thế đã đủ!

Bạn nhìn đời mình bằng tấm gương nào, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu qua hình hài đó. Bạn nuôi dưỡng con người thiện tâm bao dung, bạn sẽ nhìn thấy sự hài hòa cuộc đời từ đó. Bạn nuôi dưỡng con người đố kị và thèm khát, đời trả lại cho ta biết bao nhiêu cơn hờn ghen gặm nhấm.

Nếu năm nay bạn giỏi hơn năm ngoái, người bạn gặp ngày càng thú vị và giỏi giang hơn, bạn chưa phải nói lại một câu nói nào cũ kỹ, bạn không cần phải liên tục đổi bạn thân cũ lấy bạn thân mới, bạn không thấy cuộc đời u ám vì tại sao kẻ khác luôn hơn ta, luôn may mắn, luôn giàu có, luôn được yêu thương... Thì tôi tin, bạn đã là một người tuyệt vời rồi. Dù bố mẹ và người thân vẫn lấy cả thế gian này ra để so sánh với bạn!

Thành đạt của bạn, nó nằm ở trong lòng mình, nó không nằm trên môi kẻ khác! Nhớ giùm tôi thế nhé!


--------------------------
Tựa đề do TMSS đặt
Xem thêm…

Nạn phá thai của giới trẻ Việt Nam lên báo nước ngoài

15:09 |
AFP vừa có bài viết về tình trạng phá thai của giới trẻ Việt Nam, kể rằng một nhóm tình nguyện viên một ngày tiếp nhận đến 30 bào thai để đem chôn!
Ảnh AFP

Đây không phải là lần đầu tiên thực trạng nhức nhối này bị chỉ mặt điểm tên. Báo cáo mới nhất của Guttmacher Institute cho biết Việt nam nằm đầu trong danh sách những nước có mức độ phá thai cao nhất, với khoảng 2 triệu lần phá thai trong một năm.
Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á. Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi này, trong đó đáng lưu ý là nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần. Trong tổng số các vụ nạo phá thai của cả nước, lứa tuổi vị thành niên - thanh niên chiếm đến 22%. 
Một báo cáo của Bệnh viện phụ sản Trung ương Hà Nội cho biết khoảng 40% phụ nữ mang thai đã chọn giải pháp phá bỏ thai nhi. Viện Guttmacher Alan ước tính cứ khoảng 1,000 phụ nữ ở độ tuổi sinh nở tại Việt Nam thì có 83 ca phá thai, so với khu vực Tây Âu hoặc Mỹ vào khỏang 10-23 trường hợp. 
Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc- Arthur Erken- cho rằng tỷ lệ nạo phá thai thực tế có thể cao hơn thống kê chính thức, do chúng diễn ra ở những phòng khám tư nhân và thiếu sự kiểm soát. Một số nơi còn nhận phá thai dù đã 22 tuần tuổi!
Tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng sau mỗi năm. Nếu năm 2010 tỷ lệ nữ vị thành niên phá thai là 2%, thì năm 2013 con số này đã tăng gấp đôi. Có lẽ qua những dữ kiện trên, ta có thể thấy không có gì quá đáng khi xem vấn đề này là một vấn nạn.
Các chuyên gia nêu lên những nguyên nhân chính của tình trạng phá thai, như chương trình giáo dục giới tính sơ sài trong trường học, giới trẻ thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản. Họ cũng không được tiếp cận miễn phí các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. (Thanh Lan)
Xem thêm…

5 hành vi xâm phạm đời tư phổ biến ở Việt Nam

07:56 |

Trịnh Hữu Long 

 Vụ việc Công Phượng làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư của cầu thủ này trong khi ngay cả những quy định pháp luật cụ thể về quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư vẫn đang còn thiếu vắng ở Việt Nam. Xuất phát từ một nền văn hóa xem nhẹ cá nhân hơn cộng đồng, lại trải qua nhiều cuộc xung đột lãnh thổ lẫn xung đột ý thức hệ đòi hỏi sự hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích giai cấp, người Việt Nam ngày nay chưa đặt quyền riêng tư của các cá nhân ở vị trí xứng đáng của nó. Điều đó dẫn đến những vi phạm xảy ra hàng ngày mà chính người vi phạm lẫn người bị vi phạm có thể cũng không biết. 
Luật Khoa tạp chí lựa chọn năm hành vi sau đây để mở đầu cho tuyến đề tài về quyền riêng tư (privacy rights). Dĩ nhiên, không có gì là tuyệt đối. Trong một số trường hợp, các hành vi dưới đây có thể được chấp nhận ở một mức độ nào đó bởi các bên liên quan. 
1. Đăng hồ sơ cá nhân của người khác lên mạng
Ngày 18/11/2014, trang chuyên đề Thể Thao của báo Thanh Niên điện tử (thethao.thanhnien.com.vn) đăng tải bài viết “Phòng tư pháp huyện Đô Lương đã kiểm tra hồ sơ của Công Phượng” của tác giả Khánh Hoan với hình chụp giấy khai sinh của cầu thủ Nguyễn Công Phượng. Trong nhiều bài viết, phóng sự khác cùng khai thác đề tài tương tự, đặc biệt là của chương trình Chuyển động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), các thông tin cá nhân khác của Công Phượng cũng bị khai thác một cách triệt để bất chấp một thực tế là quyền riêng tư của cầu thủ này đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. 
Bản thân cơ quan tư pháp địa phương ở huyện Đô Lương (Nghệ An) cũng vi phạm quyền riêng tư của Công Phượng khi tự ý cung cấp giấy khai sinh của cầu thủ này cho giới báo chí. 
Trong một diễn biến khác, sau khi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) phát biểu tại Quốc hội ngày 28/10 rằng cần phải đặt tên “thuần Việt” cho con cái, nhiều người dùng mạng xã hội đã đăng tải các hình chụp chứng minh nhân dân của người khác kèm theo những bình luận về cái tên của họ. Vô hình trung, không những thông tin riêng tư của một người được đăng tải công khai, mà còn trở thành đề tài đàm tiếu có tính xúc phạm của người khác. 
Những vụ việc tương tự cũng xảy ra phổ biến trong đời sống thường nhật của người Việt Nam, đặc biệt trên hệ thống báo chí và Internet. Không chỉ giấy khai sinh và chứng minh nhân dân, mà hộ chiếu, bằng đại học và nhiều thông tin cá nhân khác trong hồ sơ của các cá nhân cũng bị chia sẻ công khai. 
2. Dán bảng điểm công khai ở trường học
Thí sinh xem điểm thi được dán công khai tại một trường học. Ảnh: baophapluat.vn


Điều tưởng như hiển nhiên tại tất cả các trường học Việt Nam này lại là một ví dụ điển hình cho sự vi phạm quyền riêng tư.  
Không chỉ dán bảng điểm của học sinh, sinh viên (HSSV) ở những nơi công cộng, các trường học Việt Nam còn đăng tải chúng trên Internet hay đọc điểm của từng người ngay tại lớp học. Rất dễ dàng để bất kỳ ai cũng có thể biết được điểm số của người khác. Tệ hơn nữa, để phân biệt các HSSV trùng họ, tên, các trường học thường đăng kèm các thông tin cá nhân của họ, như ngày sinh, quê quán, số thẻ sinh viên hay lớp học. 
Với những HSSV đạt điểm cao, có thể điều đó không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của họ, nhưng rắc rối sẽ xảy ra với những HSSV điểm thấp hay thi trượt môn. Nhưng bất luận hậu quả tâm lý là tốt hay xấu với HSSV, việc đăng tải thông tin cá nhân là hoàn toàn vi phạm quyền riêng tư của họ. 
Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để thông báo cho HSSV biết điểm của họ nếu không dán công khai như thế? 
Ở nhiều quốc gia, điểm số được phát riêng cho từng người, không ai biết điểm của ai. Nếu phải dán công khai thì thông tin được công bố chỉ bao gồm điểm và mã số của từng người, và mã số này cũng là bí mật của họ, không ai biết mã số của ai. Khi Internet ra đời, mỗi HSSV được cấp một tài khoản riêng để tra cứu điểm thi của mình và những thông tin này hoàn toàn được bảo mật. 
Gần như tất cả các trường học ở Mỹ đều phải áp dụng Đạo luật Quyền giáo dục gia đình và Quyền riêng tư năm 1974 (FERPA), với những quy định ngặt nghèo về các thông tin của HSSV (student records). Đạo luật này nghiêm cấm tất cả các hành vi để lộ bất cứ thông tin nào về điểm số hay thành tích và những thông tin riêng tư khác của HSSV với bất cứ ai ngoại trừ HSSV đó và chính cha mẹ của họ (nếu HSSV dưới 18 tuổi). Giáo viên cũng không được phép thảo luận về năng lực học tập của bất cứ sinh viên đại học nào với bất cứ ai khác mà không được phép của sinh viên đó. 
3. Đăng ảnh riêng tư của con cái lên mạng
Ảnh: Mimi Haddon/Getty Images
Ảnh: Mimi Haddon/Getty Images
Hầu hết mọi người đều thích xem ảnh, video về trẻ con. Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận họ không thể kiềm chế được ham muốn đăng ảnh chúng lên Facebook mỗi ngày. Mọi người đều vui vẻ vì những đứa trẻ cũng chưa đủ lớn để đưa ra bất kỳ phản ứng đáng kể nào. 
Đây không phải là chuyện chỉ xảy ra với người Việt Nam mà còn ở mọi nơi trên thế giới có kết nối với Internet. Cuộc tranh cãi về quyền riêng tư của trẻ em trong thời đại số vẫn chưa chấm dứt, nhưng trong khi chờ có một đạo luật hay quy tắc ứng xử chung ra đời, một số câu hỏi nên được các bậc cha mẹ cân nhắc. 
Liệu khi con cái lớn lên, chúng có thoải mái với việc những bức ảnh khỏa thân, hay ảnh mặc bỉm, mặc đồ tắm của chúng lan truyền trên mạng và tất cả bạn bè của chúng đều xem được hay không? 
Hoặc đơn giản hơn là khi lớn lên, chúng có muốn những hình ảnh riêng tư khi chúng mới ra đời, khi chúng nằm nôi, khi chúng bú sữa mẹ được lan truyền trên Internet hay không? 
Nếu như chúng ta không được phép sang nhà người khác để chụp ảnh đứa trẻ của họ và đăng lên mạng, tại sao chúng ta lại có quyền đó với con mình trong ngôi nhà của mình? Phải chăng chúng ta có quyền sở hữu đối với con cái của mình và không có quyền tương tự với con của người khác? 
Nếu như chúng ta không được phép đăng ảnh riêng tư của một người trưởng thành lên mạng thì tại sao chúng ta lại có quyền làm như thế với con mình? Phải chăng một đứa trẻ thì có ít quyền riêng tư hơn một người lớn? 
Hay câu hỏi có thể chỉ đơn giản là: có phải vì trẻ con không có khả năng nhận thức và tự vệ trước sự vi phạm quyền riêng tư, nên chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn? 
Sau cùng, vấn đề không chỉ là bạn có quyền đăng ảnh con bạn lên mạng hay không, mà là sự an toàn và sự riêng tư của chúng được bảo vệ như thế nào, nhất là khi chúng lớn lên. 
4. Tự ý chụp và đăng tải ảnh đám tang
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Mỗi khi có đám tang của một người nổi tiếng, công chúng lại có dịp xem những bức hình nhiều nước mắt được đăng tải trên hầu hết các báo, tạp chí ở Việt Nam. Để có được những tấm hình đó, các phóng viên ảnh phải tới tận nhà tang lễ hay tận gia đình của người quá cố để chụp. 
Câu hỏi đặt ra là: tại sao bạn lại có quyền đến đám tang của một người không quen biết để chụp hình và đăng lên báo? Việc gia quyến mở cửa đón khách để khách đến phúng viếng, chia buồn hay là để chụp ảnh và đăng tải cho tất cả mọi người xem? Gia quyến có cho phép bạn đăng những giờ phút đau thương đó của họ lên mặt báo hay không? Tại sao sổ tang của gia đình lại có thể bị chụp và đăng tải một cách tự do như vậy? 
Trong hầu hết các trường hợp, bạn đều khó có thể tìm được lý do biện minh cho việc làm của mình. Rõ ràng, gia quyến có quyền riêng tư của họ và trong thời điểm họ không thể kiểm soát được lượng người ra vào đám tang, quyền riêng tư đó đã bị nhiều người vô tư xâm phạm. 
5. Công bố chuyện riêng tư của người khác
Khai thác các câu chuyện riêng tư, đặc biệt là chuyện tình yêu, tình dục và tài chính của người khác, là một trong những công việc chính của nhiều tờ báo và trang mạng hiện nay. Các câu chuyện đó, nếu không bị đăng báo thì cũng bị lan truyền trong cộng đồng bởi những người “hay chuyện”. Bí mật cá nhân của nhiều người, vì thế, trở thành đề tài đàm tiếu của cả một cộng đồng. 
Một số phóng viên, khi nắm bắt được câu chuyện của một gia đình, liền đổi tên các nhân vật và cho đăng báo. Nhưng các tình tiết trong bài báo dễ dàng khiến cho một số độc giả nhận ra ngay nhân vật mà bài báo nói đến là ai. Đó có thể là người hàng xóm, đồng nghiệp hoặc bạn học cũ của họ. 
Vì những bài báo đó, việc một người chồng bị bất lực, một người vợ ngoại tình có thể bị công khai cho cả xã hội biết và họ không còn có thể kiểm soát được hậu quả nữa. Gánh nặng tâm lý có thể tác động rất lớn đến cuộc sống của họ và những người thân của họ. Uy tín và danh dự của họ bị tổn thương nghiêm trọng và rất khó để họ thoát ra được khỏi những áp lực xã hội đó.
Trong một vụ án xảy ra cách đây nhiều năm, một tòa án cấp tỉnh ở Việt Nam còn bày tỏ quan điểm xét xử cho rằng, việc nhà báo đăng tải chuyện đời tư của người khác được trình bày tại tòa án cũng là hành vi xâm phạm bí mật đời tư. 
Xem thêm…

Phép cứu trường sinh

17:23 |
Phép cứu trường sinh


Lương y THÁI HƯ

1. Tuổi trời và Thọ mệnh

"Phản lão hoàn đồng" hoặc "trường sinh bất lão", chỉ là những truyền thuyết mang tính thần thoại, trái quy luật tự nhiên, trên thực tế không có khả năng. Tuy nhiên, ước mong sống đến cực hạn của thọ mệnh, thì lại là ước vọng có thể thực hiện.

Những năm gần đây, các nghiên cứu hiện đại về lão khoa đã tiến triển nhanh chóng. Quá trình lão hóa đã được khảo sát trên rất nhiều phương diện và đã đạt được nhiều thành quả.

Y học hiện đại đã xây dựng nên những lý thuyết có tính thuyết phục, dựa trên những luận cứ khoa học vững chắc. Tuy nhiên hiện tại khoa học vẫn chưa có được một quan điểm thống nhất về quá trình lão hóa và điều đáng tiếc nhất là những luận thuyết hiện đại đó, vẫn còn ít giá trị thực tiễn.

Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra được biện pháp hoặc loại thuốc đặc hiệu, có khả năng kiềm chế sự lão hóa, kéo dài tuổi xuân và tuổi thọ.

Trong khi đó, từ ngàn năm xưa, y học cổ truyền phương Đông đã có những kiến giải độc đáo về cực hạn của thọ mệnh (giới hạn của tuổi thọ), lịch trình sinh mệnh và quá trình lão suy của con người. Và đặc biệt nhất là, đi kèm với những lý thuyết đó là một hệ thống các phương pháp dưỡng sinh hữu hiệu, mà mỗi người có thể thực hành ngay trong sinh hoạt thường ngày.

Trước hết là cực hạn thọ mệnh. Con người cuối cùng có thể sống được bao nhiêu lâu, đó là vấn đề cho đến nay khoa học vẫn chưa có kết luận chính xác.

Đối với vấn đề này, 2000 năm trước, "Nội kinh" - bộ sách kinh điển của Đông y đã đưa ra nhận định: "Chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ" (Hết tuổi trời, qua trăm năm là đi); cho rằng, cực hạn của thọ mệnh - giới hạn của tuổi thọ bình quân là 100.

Sách "Nội kinh" còn nói tới những trường hợp thượng thọ, có tính đột phá, vượt qua cực hạn đó, gọi là "Thiên thọ quá độ", nghĩa là có thể vượt qua tuổi trời, sống tới ngoài trăm tuổi. Trên thực tế, những trường hợp thượng thọ như vậy, từ xưa đến nay không phải hiếm gặp.

Đông y quan niệm, tiến trình sinh mệnh của con người diễn ra theo quy luật cơ bản: "Sinh, trưởng, tráng, lão, tử" - Sinh ra, trưởng thành, tráng thịnh, lão suy và tử vong.

Tiến trình sinh mệnh của mỗi một con người, đều phải trải qua 5 giai đoạn cơ bản như vậy. Lão suy là một giai đoạn tất yếu trong tiến trình sinh mệnh đó. Giai đoạn lão suy nói chung thường bắt đầu từ 50 tuổi. Cho dù mọi người đều không muốn lão hóa, nhưng đó là một hiện tượng, quy luật phổ biến. Tất cả các cá thể sống, đều sẽ phải dần dần lão hóa, suy lão và tử vong.

Tuy tất cả mọi người đều sẽ bị lão suy, nhưng ở từng cá thể quá trình đó bắt đầu sớm hay muộn, thì không giống nhau. Sự khác biệt đó, tuy được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, như giới tính, đặc điểm di truyền và thể chất, cũng như hàng loạt nhân tố khác, nhưng yếu tố chủ yếu, đóng vai trò quyết định, đó là dưỡng sinh.

Đông y cho cho rằng, người thực hành tốt đạo dưỡng sinh thì, như "Nội kinh" viết: "Xuân thu giai độ bách tuế nhi động tác bất suy" - nghĩa là sống đến 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, không có những biểu hiện của sự lão suy. Còn người không biết dưỡng sinh thì "Niên bán bách nhi động tác giai suy" - nghĩa là mới 50 tuổi, đã có những biểu hiện lão suy rất nặng, mắc nhiều bệnh, thậm chí tử vong.

Như vậy, bí quyết để có thể hưởng hết tuổi trời mà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, không có gì khác hơn là thực hành cho tốt đạo dưỡng sinh.

Đối với các lý luận và phương pháp dưỡng sinh của y học cổ truyền phương Đông, tất nhiên còn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh, kiểm định. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, đó là một hệ thống lý luận có giá trị thực tiễn rất cao. Các tư liệu lịch sử cho thấy, các nhà dưỡng sinh học và những người tu tập theo "Đạo dưỡng sinh" của y học cổ truyền, nói chung thường khỏe mạnh và đạt tới tuổi thọ rất cao.

Trong phạm vi bài viêt này, "Thuốc vườn nhà" không thể liệt kê hết tất cả các quan niệm, biện pháp và phương pháp dưỡng sinh trường thọ, mà các nhà dưỡng sinh đã sáng tạo ra trong suốt cả quá trình lịch sử lâu dài. Chỉ xin nói đến một phương pháp tương đối đơn giản, nhưng là một phương pháp kinh điển, dễ thực hiện, ít tốn kém, mà có thể mang lại hiệu quả rất cao, đó là "Phép cứu trường sinh", theo cách đặt tên của người Nhật.

2. Phép cứu trường sinh


"Cứu" là một phương pháp chữa bệnh rất quen thuộc, dân gian thường dùng chữa trị nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên, đối với tác dụng tăng cường sức khỏe và tuổi thọ của phép cứu, thì không phải mọi người đều biết rõ.

Xét về ngữ nghĩa: "Cứu" là "hơ nóng". Để hơ nóng huyệt vị, có thể dùng nhiều loại nhiên liệu (chất đốt) khác nhau, nhưng lá ngải cứu là thứ được sử dụng nhiều nhất, nên khi nói đến "phép cứu", người ta thường gọi là "cứu ngải". "Phép cứu" là biện pháp dùng sức nóng tác động lên "huyệt vị", nhằm khai thông kinh mạch, điều hòa khí huyết, cân bằng Âm Dương, nâng cao sức khỏe và phòng trị bệnh tật.

Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã phát hiện, trên cơ thể con người có 34 huyệt, được mệnh danh là những "Huyệt trường thọ". Thường xuyên cứu ngải, hoặc xoa ấn các huyệt vị đó, có tác dụng tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Kết quả nghiên cứu hiện đại đã cho thấy, cứu ngải trên các huyệt trường thọ, có tác dụng xúc tiến quá trình tạo máu, cải thiện vi tuần hoàn, thúc đẩy huyết dịch lưu thông, điều hòa huyết áp, tăng cường khả năng chống lạnh của cơ thể, tăng cường miễn dịch, kháng viêm, giảm đau và chống dị ứng, ...

Kết quả nghiên cứu gần đây còn cho thấy, cứu ngải còn có tác dụng cải thiện chức năng của màng tế bào, thúc đẩy quá trình phục hồi hệ thống men trong nội bào.

Như vậy, cứu ngải có khả năng tăng cường sức khỏe, sức chống bệnh và kéo dài tuổi thọ, đúng như Đông y đã phát hiện từ ngàn năm trước. 



Thực tế lâm sàng cho thấy, trong số 34 huyệt đề cập ở trên, có 8 huyệt quan trọng nhất là: "Quan nguyên", "Khí hải", "Thần khuyết", "Trung quản", "Túc tam lý", "Nội quan", "Dũng tuyền" và "Bách hội".

Trong số 8 huyệt này, "Túc tam lý" là huyệt được người Nhật hết sức hâm mộ. Tại Nhật, cứu huyệt "Túc tam lý" đã trở thành thói quen phổ biến, ở những người từ ba bốn mươi tuổi.

Hiện tại, phép "Cứu Túc tam lý" được người Nhật gọi là "Phép cứu trường sinh". Nguyên do là, trong một lần tiến hành điều tra về chất lượng dân số, người ta đã phát hiện, trong một gia tộc, tổng cộng có tới 20 người có tuổi thọ trên 100 tuổi; bí quyết trường thọ của gia tộc đó là, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đều đặn thực hành "Phép cứu túc tam lý".

Sách "Văn khố danh gia mạn bút" (Nhật), có ghi lại sự việc: Năm Bảo Nguyên thứ 15, tháng 9, ngày 11, trong buổi lễ mừng thọ các "Thọ tinh", người ta đã hỏi cụ Mãn Bình, người cao tuổi nhất trong số đó, về bí quyết trường thọ, đã được trả lời "Thực ra không có bí quyết gì kỳ lạ, chỉ cần đều đặn cứu huyệt "Túc tam lý"; hàng tháng, chỉ cứu từ ngày sóc (mồng một) tới ngày mồng 8, tháng này sang tháng khác, suốt năm không nghỉ".

Số lần cứu thay đổi cụ thể như sau:

- Bên phải: Ngày sóc cứu 8 mồi; mồng hai 9 mồi; mồng ba 11 mồi; mồng bốn 11 mồi; mồng năm 9 mồi; mồng sáu 9 mồi; mồng bẩy 8 mồi; mồng tám 8 mồi.

- Bên trái: Ngày sóc 9 mồi; mồng hai 11 mồi; mồng ba 11 mồi; mồng bốn 11 mồi; mồng năm 10 mồi; mồng sáu 9 mồi; mồng bẩy 9 mồi; mồng tám 8 mồi.

Trên cơ thể mỗi người, có 2 huyệt "túc tam lý", ở trên 2 chân, trái và phải, đối xứng với nhau. Vị trí của huyệt "túc tam lý" nằm ở dưới đầu gối, dưới xương bánh chè 3 tấc và cách sống chân ra phía ngoài 1 tấc.

Theo thuyết Kinh lạc, "Túc tam lý" là huyệt vị nằm trên kinh Túc dương minh vị, có tác dụng điều lý Tỳ Vị, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, phù bản cố nguyên, bổ hư cường thân, ...

Từ xưa dân gian đã lưu truyền câu tục ngữ về tác dụng của huyệt vị này như sau: "Nhược yếu an, Tam lý mạc yếu can" - nghĩa là, muốn khỏe mạnh bình an, thì huyệt Túc tam lý không được khô; ý là phải cứu liên tục, khiến da ở huyệt vị bị bỏng lở liên tục, không bao giờ khô.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy: Cứu ngải trên huyệt Túc tam lý có tác dụng chống lão hóa rõ rệt. Thông qua việc cải thiện hàng loạt các chỉ tiêu về tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, nội tiết, miễn dịch và vận động ở người độ tuổi 50 và lão niên.

Trên thực tế, để tăng cường sức khỏe, tăng sức chống bệnh, kéo dài tuổi thọ và tuổi xuân, người xưa thường tiến hành cứu huyệt Túc tam lý theo cách như sau:

- Chuẩn bị sẵn một số mồi ngải. Mồi ngải được chế từ lá ngải cứu khô, bằng cách loại bỏ gân và cuống lá, vò thật mịn, sờ vào mềm như nhung, nên gọi là "ngải nhung". Dùng 3 ngón tay nhúm một ít ngải nhung, đặt lên khay men, ép thành hình chóp nón, kích thước cỡ bằng hạt ngô.

- Cắt gừng thành từng lát, đường kính 2-3cm, dầy 2-3mm, lấy kim châm một số lỗ ở giữa, sau đó đặt lên trên huyệt Túc tam lý.

- Đặt mồi ngải lên lát gừng, đốt cháy, khi cháy hết thay mồi thứ hai, rồi thứ ba. Mỗi huyệt (bên phải và bên trái) 3 mồi; ngày cứu 1 lần, liên tục 3 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

Cũng có thể thay mồi ngải bằng điếu ngải. Điếu ngải có thể tự chế bằng cách cuốn ngải nhung thành điếu, hoặc mua tại các hiệu thuốc Đông y. Châm điếu ngải, rồi hơ trên huyệt Túc tam lý mỗi bên. Mỗi huyệt hơ nóng khoảng 10-15 phút, thấy da hồng lên là được.



Cứu ngải tuy là một phương pháp dưỡng sinh đơn giản, an toàn và dễ thực hiện. Tuy nhiên, cứu ngải cũng có một số chống chỉ định nhất định. Vì vậy, khi ứng dụng tốt nhất cần được sự tư vấn, hoặc tiến hành dưới sự giám sát của thầy thuốc Đông y.

Xem thêm…

Giá Trị Của Khổ Đau

23:03 |
Giá  Trị Của Khổ Đau

Lời Chúa trong thư thánh Gia-cô-bê  tông đồ (Gc1, 2-8)
Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như  anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.
Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm.

Suy niệm

Đau khổ!
Khi nhắc tới hai từ này, mỗi người cảm thấy cần phải tránh xa. Theo lẽ tự nhiên, con người không ai muốn đau khổ xảy đến với mình mà luôn muốn mình vui vẻ hạnh phúc. Nhưng thật nghịch lý, đau khổ vẫn là một phần của cuộc sống. Vậy đau khổ có ích gì cho con người chúng ta!
Trong đoạn thư vừa rồi, thánh Gia-cô-bê cho chúng ta thấy giá trị của đau khổ. Theo cách trình bày của ngài thì đau khổ chính là những thử thách để tôi luyện đức tin của chúng ta. Nhờ thử thách mà đức tin của chúng ta ngày thêm lớn mạnh và trở nên kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh. Nhờ kiên nhẫn và tin tưởng mà chúng ta dẫn tiến tới sự toàn hảo trong Thiên Chúa. Vậy, phải chăng, theo thánh nhân, Ki-tô giáo là một tôn giáo yêu mến đau khổ.
Không hẳn thế! Thánh nhân nói thêm: chúng ta cần phải cầu xin để có đủ khôn ngoan vì đó là ân ban rộng rãi của Thiên Chúa. Khôn ngoan để phân định và nhìn sự việc một cách tích cực trong đức tin và lòng mến, như Việt Nam ta có câu:
“Lửa thử vàng gian nan thử đức”
Những khó khăn  nghịch cảnh là cơ hội để tôi luyện và làm cho chúng ta trở nên lớn mạnh về mặt tinh thần cũng như đức tin. Song không phải nghịch cảnh và đau khổ là cùng đích vì đau khổ là con dao hai lưỡi. Đau khổ có thể giúp ta thêm vững mạnh và cũng có thể giết chết chính ta. Vì vậy, cần lắm lời cầu xin để biết đâu là điều cần giúp cho mình trên con đường đức tin và đâu là tuỳ phụ theo sức Đức tin và tình trạng của mình. Vì như thánh Phao lô nói:
Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.
Người lại thêm: anh em hãy tránh xa mội tỗi lỗi và tất cả những gì phạm đến thân xác vì:
Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em
Vậy, đau khổ là điều hữu ích nhưng không là cùng đích vì tất cả thân xác và tâm hồn chúng ta được dựng nên là do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Vậy, chúng ta cần thường xuyên trò chuyện với Thiên Chúa để người dạy ta biết điều gì cần làm và điều gì nên tránh.
Nhìn vào gương sống thánh Martino, chúng ta nhận thấy nơi Ngài một tâm hồn khiêm tốn và phó thác, chấp nhận mọi đau khổ trong đức tin với một sự lạc quan. Đối với người, mọi đau khổ đều có giá trị đền bù tội lỗi và thông phần với những đau khổ của Đức Ki-tô. Vì vậy, thánh nhân đã không ngừng lao mình vào cuộc đời để sẻ chia và nâng đỡ tất cả những ai đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Người muốn đem niềm vui và bình an đến cho mọi thọ tạo của Thiên Chúa. Người không chỉ trợ giúp khi còn sống mà, đến tận hôm nay, người vẫn không ngừng nài xin Thiên Chúa xoa dịu nỗi đau của tất cả những ai chạy đến với mình. Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta người bạn da đen Martino và dâng lên người những ý nguyện của mình hiệp với ý xin sau

Lời cầu
Lạy thánh Martino, đau khổ là điều có trong cuộc đời. Xin cho chúng con được như ngài, biết lợi dụng mọi hoàn cảnh của cuộc sống để tôi luyện bản thân và làm cho đức tin ngày một thêm lớn mạnh
Xin hãy cầu cùng Chúa ban Đức Khôn Ngoan cảu Người để dạy chúng con biết điều gì cần làm và điều gì không nên làm.
Xin cho chúng con biết đón nhận và tôn trọng tất cả những gì Chúa dựng nên để sử dụng đúng mục đích và giữ cho thế giới luôn an bình trật tự.
Xưa người đã tìm đủ mọi cách để xoa dịu nỗi đau của những ai chạy đến với người. Xin hãy xoa dịu những vết thương hồn xác chúng con.
Xin cầu cùng Chúa ban cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu của chúng con cũng như chính chúng con đây bình an đích thực của Chúa Phục Sinh.
Lạy Thánh Martino, xin cầu cho chúng con.Amen
Xem thêm…

Chương V: Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐƠN ĐỘC NGUYÊN THỦY CỦA CON NGƯỜI

22:39 |
Chương V:





Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐƠN ĐỘC

NGUYÊN THỦY CỦA CON NGƯỜI






 1. Trong những suy tư trước chúng ta đã đi đến một kết luận sơ khởi được rút ra từ những lời trong sách Sáng thế thuật lại cuộc tạo dựng con người, nam và nữ. Những lời ấy hay chính xác hơn, thành ngữ «thuở ban đầu» đã được Chúa Giêsu viện dẫn trong cuộc đối thoại về tính bất khả phân li của hôn nhân (Mt 19,3-9; Mc 10,1-12). Nhưng kết luận đó chưa kết thúc những phân tích của chúng ta. Thật vậy chúng ta phải đọc lại những chuyện kể trong chương một và chương hai của sách Sáng thế trong một bối cảnh rộng lớn hơn để có thể xác định được những ý nghĩa của bản văn cổ, bản văn mà Đức Kitô đã trưng dẫn. Vì thế, hôm nay chúng ta sẽ suy tư về ý nghĩa của sự đơn độc nguyên thủy của con người.


2. Điểm khởi đầu cho suy tư này xuất phát trực tiếp từ những lời sau đây của sách Sáng thế: «Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó» (St 2,18). Chính Giavê Thiên Chúa đã phán những lời đó. Những lời đó thuộc về trình thuật thứ hai về tạo dựng con người và do đó chúng phát xuất từ truyền thống yahvit. Như chúng tôi đã nhắc đến trước đây về bản văn truyền thống yahvit, thật là ý nghĩa vì trình thuật tạo con người được viết thành một đoạn riêng biệt (St 2,7) được kể trước đoạn tạo dựng người nữ đầu tiên (St 2,21-22). Và cũng thật ý nghĩa vì con người đầu tiên (’adam), vốn được tạo dựng từ «bụi đất», chỉ sau khi tạo dựng người đàn bà đầu tiên mới được xác định là «đàn ông» (’ish). Bởi thế, khi Thiên Chúa Giavê nói đến sự cô đơn, Ngài muốn nói về sự cô đơn của «con người», chứ không phải chỉ sự cô đơn của người đàn ông [1].


Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sự kiện này thôi thì cũng khó mà rút ra những kết luận nào xa hơn nữa. Nhưng dẫu sao, toàn bối cảnh về sự cô đơn mà St 2,18 nói tới cho phép chúng ta tin rằng đó là sự cô đơn của «con người» nói chung (cả nam và nữ) chứ không phải chỉ là sự cô đơn của người đàn ông vì thiếu vắng người phụ nữ. Căn cứ trên toàn bối cảnh đó, xem ra sự cô đơn ấy mang hai ý nghĩa: một là vì nó xuất phát từ chính bản tính con người, tức là bởi nhân tính của mình (điều này được thấy rõ trong trinh thuật St 2), hai là xuất phát từ tương quan nam-nữ, điều này cũng hiển nhiên về một mặt nào đó vì căn cứ trên nghĩa thứ nhất. Phân tích chi tiết hơn sự mô tả có lẽ sẽ giúp ta khẳng định điều đó.


3. Vấn đề cô đơn chỉ được diễn tả trong trình thuật thứ hai về tạo dựng con người. Trình thuật thứ nhất không biết đến vấn đề này. Ở đó con người được tạo dựng, «có nam có nữ», chỉ trong một động tác («Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài… Ngài đã tạo dựng họ có nam có nữ»: St 1,27). Trình thuật thứ hai, như đã nói, kể cuộc tạo dựng con người trước, và chỉ sau đó mới kể việc tạo dựng người đàn bà từ chiếc «xương sườn» của người đàn ông. Trình thuật này hướng sự chú ý của chúng ta vào sự kiện “con người cô đơn”, và điều này xem ra như là vấn đề nhân học nền tảng, được đặt ra trước cả vấn đề giới tính nam nữ của con người ấy. Vấn đề được đặt ra trước không phải theo nghĩa thời gian cho bằng theo nghĩa hiện sinh: nó được đặt ra trước “bởi bản chất của nó” vốn như thế. Vấn đề cô đơn của con người cũng sẽ được hiển lộ ra như thế từ quan điểm thần học thân xác, nếu chúng ta phân tích thật sâu xa trình thuật tạo dựng thứ hai ở St 2.


4. Giavê Thiên Chúa xác định «con người ở một mình thì không tốt». Lời này không chỉ ở trong ngữ cảnh trực tiếp tạo dựng người đàn bà («Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó»), mà còn trong một ngữ cảnh rộng hơn với những lí do và hoàn cảnh, bối cảnh ấy giải thích sâu hơn ý nghĩa của sự cô đơn nguyên thủy của con người. Bản văn yahvit nối kết trước hết việc tạo dựng con người với nhu cầu «canh tác đất đai» (St 2,5), và điều đó tương ứng với ơn gọi chinh phục và cai quản trái đất trong trình thuật thứ nhất (x. St 1,28). Kế đến, bản văn thứ hai về tạo dựng nói đến việc đặt con người vào trong «vườn Êđen», và như thế hé mở cho chúng ta thấy tình trạng hạnh phúc nguyên thủy của con người. Cho tới lúc ấy, con người là đối tượng của hành động tạo dựng của Giavê Thiên Chúa, Đấng, đồng thời cũng là Nhà Làm Luật, đã thiết lập những điều kiện của Giao ước đầu tiên với con người. Cũng nhờ đó người ta thấy rõ con người còn là một chủ thể. Tính chủ thể ấy còn được biểu lộ xa hơn nữa khi Đức Chúa là Thiên Chúa «đã lấy đất nặn ra mọi thứ dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, để xem con người gọi chúng là gì» (St 2,19). Như vậy, ý nghĩa đầu tiên của sự cô đơn nguyên thủy được xác định trên cơ sở một “trắc nghiệm” («test») hay khảo hạch con người trước mặt Thiên Chúa (và một cách nào đó cũng đồng thời là trước mặt chính mình). Nhờ “trắc nghiệm” đó, con người mới ý thức sự ưu việt của mình, nghĩa là con người không thể để mình ngang bằng với bất kì một loài sinh vật nào khác trên trái đất.


Thật vậy, như bản văn ấy nói, «hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế» (St 2,19). «Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú», và tác giả kết: «nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng» (St 2,19-20).


5. Toàn phần văn bản này chắc chắn là để chuẩn bị cho trình thuật tạo dựng người đàn bà. Tuy nhiên, tự thân bản văn cũng có ý nghĩa rất sâu xa mà không phụ thuộc vào chuyện tạo dựng người đàn bà. Thế đó, từ giây phút đầu tiên, con người thọ tạo đứng trước mặt Thiên Chúa như thể đang đi tìm chính mình; người ta có thể nói rằng con người đi tìm một định nghĩa cho chính bản thân mình. Và cũng có thể nói như con người thời nay: con người đi tìm «căn tính» của mình. Nhận xét con người «cô đơn» giữa thế giới hữu hình và nhất là, giữa các sinh vật, có một ý nghĩa tiêu cực trong cuộc tìm kiếm ấy, bởi lẽ nhận xét ấy diễn tả cái con người còn thiếu («không là»). Thế nhưng, sự kiện con người tự thấy mình không thể đồng nhất về yếu tính với thế giới hữu hình của những sinh vật khác (animalia) lại có mặt tích cực cho cuộc tìm kiếm nguyên sơ này. Dẫu cho sự kiện đó vẫn chưa là một định nghĩa đầy đủ, nhưng nó là một trong những yếu tố của định nghĩa ấy. Nếu chấp nhận truyền thống luận lí và nhân học của Arixtốt thì chúng ta phải định nghĩa yếu tố này như một thứ “cận loại” (genus proximum) [2].


6. Tuy nhiên bản văn yahvit còn cho phép chúng ta khám phá ra những yếu tố khác nữa trong đoạn sách tuyệt vời này. Ở đó con người thấy mình cô đơn trước mặt Thiên Chúa chủ yếu là để diễn tả, qua một sự tự định nghĩa đầu tiên về bản thân, việc con người tự nhận biết mình, đó là sự biểu lộ sơ thủy và nền tảng về nhân tính. Nhận biết mình xảy ra cùng một lúc với nhận biết thế giới, nhận biết mọi thụ tạo hữu hình, mọi sinh vật mà con người đã đặt tên để khẳng định mình khác biệt chúng. Và như thế, con người ý thức mình là kẻ có khả năng nhận thức thế giới hữu hình. Với tri thức đó, trí thức đã giúp con người thoát ra khỏi chính bản thân mình một cách nào đó, con người đồng thời cũng vén tỏ bản thân với mọi đặc thù của con người cho chính mình. Con người không chỉ đơn độc tại yếu tính mà còn tại chủ thể. Thật vậy, sự cô độc còn nói lên chủ thể tính của con người vốn được cấu thành nhờ con người tự nhận thức về bản thân. Con người đơn độc bởi vì mình «khác biệt» thế giới hữu hình, khác biệt thế giới các sinh vật. Khi phân tích đoạn sách Sáng thế này, một cách nào đó, chúng ta thấy con người trước mặt Thiên Chúa Giavê «khác biệt» toàn thể thế giới các sinh vật (animalia) bởi hành động tự nhận thức đầu tiên như thế nào, và do đó cũng thấy mình tự tỏ cho mình biết về mình và tự khẳng định mình trong thế giới hữu hình như là một «ngã vị» như thế nào. Tiến trình mà đoạn St 2,19-20 mô tả sâu sắc như thế đó, cũng là tiến trình con người đi tìm định nghĩa về chính mình, chỉ cho ta thấy – qua việc nối kết lại với truyền thống triết học Arixtốt – cái cận loại (genus proximum) được diễn tả trong chương 2 sách Sáng thế bằng những lời: «con người đã đặt tên». Cận loại ấy lại liên hệ tới biệt loại (differentia specifica) mà Arixtốt đã định nghĩa như noûs, zoon noetikón (trí khôn, sinh vật có trí khôn). Nhưng không chỉ như thế, tiến trình ấy còn dẫn tới phác họa đầu tiên về con người như là một nhân vị có chủ thể tính riêng, là đặc trưng cho mình.


Chúng tôi tạm dừng phân tích ý nghĩa của sự cô đơn nguyên thủy của con người ở đây. Chúng ta sẽ tiếp tục trong các chương tiếp theo.



[1] Bản văn Do thái vẫn thường gọi con người đầu tiên là ha’adam, trong khi đó chữ «’ish» (đàn ông) chỉ được dùng khi có sự đối chiếu với «’ishshah» (đàn bà). Như thế, «con người» vốn cô đơn và điều ấy không liên hệ gì đến phái tính.


Trong một số ngôn ngữ châu âu, ý niệm của sách Sáng thế này rất khó diễn tả, bởi vì «con người» và «đàn ông» thường chỉ có một từ chung để gọi: homo, uomo, homme, hombre, man.


[2] «Một định nghĩa về yếu tính (quidditive) là một lời phát biểu giải thích yếu tính hay bản tính của sự vật.


Để xác định yếu tính một sự vật chúng ta có thể định nghĩa nó bằng cận loại (proximate genus) cùng với biệt loại (specific differentia) của nó.


Cận loại bao gồm trong nội hàm của nó mọi yếu tố cốt yếu của loài trên nó và như thế bao gồm mọi hữu thể về bản tính là cùng một gốc hay tương tự với vật đang được định nghĩa. Còn biệt loại bao gồm yếu tố khác biệt giúp phân biệt vật này với tất cả các vật khác cùng bản tính, bằng cách cho thấy nó khác với các vật khác như thế nào, những vật mà người ta có thể ngộ nhận là nó.


“Con người” được định nghĩa là một “con vật có lí trí”. “Con vật” là cận loại của “con người”, “có lí trí” là biệt loại của “con người”. Cận loại “con vật” bao gồm trong nội hàm của nó tất cả những yếu tố cốt yếu của loài trên nó, bởi vì con vật là một “thực thể vật chất, có sự sống, có cảm giác” (…). Biệt loại “có lí trí” là một yếu tố cốt yếu đặc biệt phân biệt “con người” với mọi “con vật” khác. Như thế, con người tạo thành một loài riêng và tách biệt tất cả các con vật khác và cũng tách biệt khỏi tất cả những loài trên con vật, gồm cỏ cây, những cơ thể và vật thể vô tri vô giác.


Hơn nữa, bởi vì biệt loại là yếu tố đặc biệt trong yếu tính của con người, do đó biệt loại gồm tất cả các “thuộc tính” đặc trưng nằm trong bản tính con người xét như là người, chẳng hạn như: khả năng nói, luân lí tính, biết cai quản, tôn giáo tính, sự bất tử v.v… là những thực tại không có mặt trong các hữu thể khác trong thế giới vật chất này» (C. N. Bittle, The Science of Correct Thinking, Logic, Milwaukee 197412, t. 73-74).

********************

[1] Tiền sử thần học (preistoria teologica) biết được là do mạc khải, nghĩa là nó tuyệt đối không thể được suy diễn nhờ sự phân tích kinh nghiệm lịch sử của con người. Tuy nhiên, có một sự tương ứng kì lạ và nhưng không giữa mạc khải và kinh nghiệm trên bình diện nền tảng nhất của cuộc sống con người. Điều đó dựa trên cơ sở con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy tạo ra sự liên tục giữa tình trạng bản tính nguyên tuyền (tình trạng nguyên thủy) và tình trạng lịch sử của mỗi con người (tình trạng bản tính sa ngã và được cứu chuộc).


Xem thêm…

Chương trình tháng 1/2014 - chuyến từ thiện Cà Mau

22:53 |


CHƯƠNG TRÌNH
KHÁM BỆNH, NHỔ RĂNG, PHÁT THUỐC VÀ CẮT TÓC MIỄN PHÍ
TẠI HỌ ĐẠO S 6 LA CUA ;AP QUYEN THIEN,XA BIEN BACH DONG HUYEN U MIMH , TỈNH CÀ MAU (Linh mục 

Phêrô Trịnh Quốc Việt),

                                           
™– X —™
1.      THÀNH PHẦN PHỤC VỤ
              i.      Y Bác sĩ và các anh chị cộng tác viên của nhóm “Phục vụ Martin”.
            ii.      Một số y bác sĩ tình nguyện khác.
          iii.      Nhóm cắt tóc thiện nguyện thuộc tiệm tóc Uyên (Số 15N và 20F Cư Xá Ngân Hàng, đường 11N, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, T.p HCM).
2.      THỜI GIAN VÀ CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC

Chương trình làm việc từ sáng Thứ Sáu , ngày 23  đến sáng Chúa Nhật, ngày 25/01/2015,
cụ thể như sau:

Thứ Sáu, ngày 23 01 2015:
19h00                : tập trung tại GB1, Thất Sơn, phường 15, quận 10, T/p HCM                                     20h00                     : xuất phát.
4h30                 : Dự kiến tham dự thánh lễ ở Nhà Thờ Cha Bửu Diệp rồi ăn sang tại đó

Thứ Bảy, ngày 03/03/2012:
06h00 – 06h30 : điểm tâm.
07h00               : Đi vào Giáo Điểm   khám chữa bệnh
07h30               : khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc và cắt tóc cho khoảng 300 người dân.

11h30 – 12h00 : (dự kiến) ăn trưa nghỉ ngơi

13h30               : Tiếp tục làm việc đến khoảng 16h khám tiếp cho 150 người
17h30                : (dự kiến) Lên xe về Sài Gòn có ghé qua nhà anh Thọ hoặc nghỉ chân tại thị xã Cà Mau
20h00               : (dự kiến) có mặt tại Sài Gòn vào sang Chúa Nhật ngày 25/01/2015


Lưu ý: Xin mọi người cố gắng cộng tác TẬP TRUNG ĐỦ TRƯỚC GIỜ XE KHỞI HÀNH.



XIN THIÊN CHÚA CHÚC LÀNH CHO CÔNG VIỆC CỦA CHÚNG CON,
TỪ KHỞI SỰ CHO ĐẾN HOÀN THÀNH ĐỀU NHỜ BỞI ƠN CHÚA.

Ngày 27 tháng 11 năm 2014
Đại diện Nhóm “Phục vụ Martin”





Phaolô Lê Quang Vũ                            Antôn Nguyễn Đát Lý           
Xem thêm…

Copyright ©THT - Được biên soạn và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau - Ghi rõ nguồn:quatangsusong.blogspot.com/ - Khi phát hành thông tin trên trang này
Gx Đaminh | Namkna | Trung Tâm Học Vấn Đaminh | Kho tài liệu hay |