Vụ giàn khoan Trung Quốc: Việt Nam phản công ngoại giao
Theo Boxitvn
Giữa lúc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tuyên bố dõng dạc ở Manila, rằng Trung Quốc «đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông», và kêu gọi cộng đồng quốc tế «lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế»; cũng giữa lúc Thủ tướng trả lời phỏng vấn của Reuters, khẳng định: «Việt
Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì
chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng», và Việt Nam «nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó», được hãng RFI
của Pháp bình luận: “Với tuyên bố này, Thủ tướng Việt Nam bác bỏ thẳng
thừng chủ trương quan hệ với Trung Quốc bằng mọi giá, không mơ hồ với «tinh thần 4 tốt» và phương châm «16 chữ vàng»
mà các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam trước đây đã đề ra”, thì không
hiểu sao có một người là ông Vũ Mão – vâng chính là ông Vũ Mão cựu Chánh
văn phòng Quốc hội, mới được báo Pháp luật phong thêm một danh hiệu cao quý: nhạc sĩ Vũ Mão – ngay bên lề cuộc họp Quốc hội chiều qua 21-5-2014, lại có những lời thánh thót với báo chí nghe đến lạ tai. Ông nói: “Chúng
ta nên nói với nhân dân thế nào về phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt
trong quan hệ đối ngoại hai nước. Tôi cho rằng, 16 chữ ấy có thể có lúc
không đạt được nhưng nó vẫn là cái mong muốn muôn thuở”.
Bày
tỏ lòng hòa hiếu đành rằng là rất cần nhưng vào lúc cả nước đang sôi
lên sùng sục vì hiểm họa Trung Quốc đã cận kề ngay cửa ngõ mà lại cứ
nhấn mạnh đến “hòa hiếu” thì có phải là nhịn nhục đến quỵ lụy mất rồi
hay không? Muôn thuở mong muốn được làm “bạn bè tốt, láng giềng tốt,
đồng chí tốt” với cái kẻ lúc nào cũng xấu chơi, hễ mình hở cơ là vội
ngoạm ngay thêm một miếng da miếng thịt trên thân thể Tổ quốc mình sao?
Thế thì có khác gì mong muốn cả dân tộc trở thành một cô bé quàng khăn
đỏ tội nghiệp mừng rú lên sung sướng trước con sói già ghê tởm đã nhảy
vào nhà ăn thịt bà bé rồi còn mặc áo của bà lên giường trùm chăn làm bộ
hiền từ để đón lõng bé nữa?
Ông Vũ Mão cũng làm cách hồn nhiên kêu gọi mọi người nhớ lại quá khứ: “Mối
bang giao với Trung Quốc đã có thời kỳ rất tốt đẹp mà Bác Hồ góp công
xây dựng nên. Chúng ta cần giữ và phát huy điều đó. Có lúc mối quan hệ
hai bên trục trặc, lúc thăng lúc trầm thì có thể coi đó là sự việc cụ
thể nhưng không đến nỗi ngỡ ngàng. Chúng ta không đến nỗi bi quan để xử
lý tình hình. Tôi mong muốn nhanh chóng có sự ổn định trở về với mối
quan hệ hai nước láng giềng tốt để cùng nhau phát triển".
Thậm chí ông Vũ Mão dẫn cả câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước lúc đi Pháp năm 1946: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”
để làm phương châm cho ứng xử hôm nay với bọn giặc xâm lược Tàu. Rõ quá
rồi. “Bất biến” là “4 tốt” và “16 chữ”, còn “vạn biến” là những chuyện
“tằm ăn rỗi” trong đường đi nước bước của “ông anh”, tạm tính từ việc
ông cho quân nhanh tay chiếm một phần Hoàng Sa ngay từ năm 1958, cho đến
cái giàn khoan khủng HD 981 của ông cắm thẳng xuống lãnh hải của nước
ta đã 15 ngày nay. Đấy quả là “vạn biến”, mà cứ mỗi một lần “biến” thì
một phần lãnh thổ lãnh hải lại biến khỏi chủ quyền Việt Nam. Nhưng dù có
“biến” thế chứ “biến” nhiều hơn nữa thì theo như cách nói của ông Mão,
ta có thể diễn giải ra là: Việt Nam vẫn phải lấy “bất biến” mà đối đãi
với “ông anh” cho phải đạo, đó mới gọi là “nhanh chóng có sự ổn định trở về với mối quan hệ hai nước láng giềng tốt” (xem ở đây).
Ông Vũ Mão và TBT Nguyễn Phú Trọng bên lề cuộc họp Quốc hội 21-5-2014
Nghe
mà sướng cái lỗ tai, như được nghe những nốt nhạc trầm bổng của một ông
nhạc sĩ thực thụ tài danh. Nhưng hình như ông Mão đang mớm lời cho ai
đấy chứ không phải nói riêng cho ông. Hay đúng hơn, có thể xem những
phát ngôn du dương này là một việc “dọn đường” để không chóng thì chầy,
khúc ca “4 tốt” và “16 chữ” lại được Đảng ta cất lên hào hứng trong một
buổi đại nhạc hội nào đấy, cũng chẳng xa xôi gì đâu, khi mà bầu không
khí sôi sục trên Biển Đông có cơ dịu xuống.
Để rồi xem!
Bauxite Việt Nam
|
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. REUTERS/Adnan Abidi
Thủ
tướng nêu khả năng kiện Trung Quốc, công khai tố cáo Bắc Kinh đe dọa
hòa bình và kêu gọi quốc tế lên tiếng, Ngoại trưởng điện đàm với đồng
nhiệm Hoa Kỳ về tình hình Biển Đông, cho gửi thông báo lên Liên Hiệp
Quốc. Việt Nam mở chiến dịch phản công ngoại giao chống lại Trung Quốc
trong vụ Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Nhân
chuyến công du Philippines, tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á,
tại Manila, ngày hôm qua 21/05/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
khai hỏa. Lần đầu tiên, kể từ chiến tranh biên giới Trung – Việt 1979,
một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam công khai tố cáo hành động của Trung
Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam với nhiều tàu, kể cả tàu quân
sự, đi hộ tống, «đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông». Thủ tướng Việt Nam còn kêu gọi cộng đồng quốc tế «lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế».
Tối qua, từ Manila, trả lời Reuters, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam có thể có «các hành động pháp lý», tức là kiện Trung Quốc.
Như
có một sự phối hợp, cũng trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm
Bình Minh đã điện đàm với đồng nhiệm Mỹ John Kerry, thông báo tình hình
rất căng thẳng do việc Trung Quốc gia tăng số lượng tàu, kể cả tàu hộ
vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ đến khu vực Bắc
Kinh hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Tại
diễn đàn đa phương Liên Hiệp Quốc, ngay từ ngày 07/05, Việt Nam đã cho
lưu hành công hàm phản đối Trung Quốc. Ngày 20/05, phái đoàn thường trực
Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc ở Genève, đã ra thông cáo về những
diễn biến gần đây ở Biển Đông và văn bản này được gửi đến Văn phòng Liên
Hiệp Quốc.
Cuộc phản công ngoại giao mạnh mẽ
của Việt Nam nhắm vào láng giềng khổng lồ phương Bắc dường như chỉ bắt
đầu khi Trung Quốc tận dụng một số vụ biểu tình bạo động bài Trung Quốc ở
một số tỉnh của Việt Nam để bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam, đẩy chính
quyền Hà Nội vào thế bị động. Trong khi đó, trên biển, các tàu của Trung
Quốc, với số lượng áp đảo, tỏ ra rất hung hăng, ngăn chặn các tàu của
Việt Nam, gây ra tình hình cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến xung đột vũ
trang. Mặt khác, Bắc Kinh dồn Hà Nội vào thế đường cùng. Các cuộc tiếp
xúc và liên lạc giữa hai bên, khoảng hơn hai chục lần, không mang lại
kết quả, mà ngược lại, Trung Quốc càng tỏ ra cứng rắn hơn, đe dọa hơn.
Theo báo chí quốc tế, dường như Việt Nam muốn có gặp gỡ ở cấp cao nhất
để thảo luận vấn đề giàn khoan, nhưng Trung Quốc từ chối.
Về
đối nội, cuộc phản công ngoại giao của Việt Nam nhắm vào Trung Quốc
giúp giải tỏa phần nào sự bức xúc của người dân, vốn bất mãn trước các
phản ứng yếu ớt của chính quyền, mà lại bị cấm biểu tình bày tỏ lòng yêu
nước (hay nói cho đúng là chỉ được phép bày tỏ lòng yêu nước trong các
cuộc mít tinh do Nhà nước tổ chức). Trong những ngày qua, báo chí chính
thức và trên internet, có nhiều bài viết kêu gọi chính quyền phải kiện
Trung Quốc. Chưa thể khẳng định được là Hà Nội sẽ đi tới cùng, kiện Bắc
Kinh, nhưng việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam đang xem xét «các hành động pháp lý», cũng phần nào đáp ứng đòi hỏi của công luận trong nước.
Trong bài trả lời phỏng vấn Reuters, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: «Việt
Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì
chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng» và Việt Nam «nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó». Với tuyên bố này, Thủ tướng Việt Nam bác bỏ thẳng thừng chủ trương quan hệ với Trung Quốc bằng mọi giá, không mơ hồ với «tinh thần 4 tốt» và phương châm « 16 chữ vàng » mà các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam trước đây đã đề ra.
Đ.T.
Nguồn: Viet.rfi.fr
TRUNG QUỐC LÀ GÌ CỦA VIỆT NAM?
Giáp Văn Dương
Từ
xưa đến nay, quan hệ Việt-Trung luôn phức tạp. Để có chiến lược ứng xử
thích hợp, đã đến lúc phải thẳng thắn trả lời câu hỏi: Trung Quốc là gì
của Việt Nam?
Định vị lại Trung Quốc
Khi
xem xét chiến lược ứng xử với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, với Việt
Nam, Trung Quốc đồng thời là: người thầy vĩ đại, người bạn thân thiết và
đối thủ nguy hiểm.
Nhìn vào lịch sử quan hệ và
những ảnh hưởng qua lại giữa hai nước, thì thấy rằng Trung Quốc đã từng
đóng tất cả các vai ấy trong mối quan hệ thăng trầm với Việt Nam.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, nếu coi đây là xuất phát điểm cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc thì cần phải xem xét lại.
Nếu
coi Trung Quốc là người thầy vĩ đại, thì sẽ có xu hướng bắt chước thầy,
chịu sự chỉ dẫn của thầy với tư cách học trò. Khi xảy ra tranh chấp,
điều đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, thì trò khó lòng có thể
thắng được thầy.
Còn nếu coi Trung Quốc vừa là
người bạn thân thiết, vừa là đối thủ nguy hiểm thì lại tự mâu thuẫn
nhau. Đã là bạn thì không thể là kẻ thù, vì cơ sở của tình bạn là sự tin
tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Còn đã coi nhau là kẻ thù thì không thể là
bạn.
Nếu coi Trung Quốc vừa là thầy, vừa là
bạn, vừa là đối thủ của Việt Nam, tất yếu dẫn đến những lúng túng và yếu
thế trong chiến lược ứng xử với Trung Quốc. Nói cách khác là gây ra bối
rối ngay từ khâu lên kế hoạch, nên thua thiệt là điều khó tránh khỏi.
Một
nhận định khác cũng thường được nói đến nhiều: Trung Quốc và Việt Nam
là anh em "môi hở răng lạnh". Việc tự coi mình là em đã đặt Việt Nam vào
thế bất lợi toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc, tất yếu sẽ rất đến
những thua thiệt trong ngoại giao, trao đổi văn hóa, thương mại, thậm
chí cả trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước, v.v.
Vậy Trung Quốc là gì của Việt Nam?
Đối tác bình đẳng
Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết rằng:
"Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương."
Qua
đó có thể thấy, Nguyễn Trãi không coi Trung Quốc là thầy, bạn, hay kẻ
thù hoặc kết hợp của cả ba thứ này. Nguyễn Trãi cũng không coi Trung
Quốc là anh em với Việt Nam. Ông chủ trương Trung Quốc là một đối tác
độc lập, bình đẳng trong quan hệ với Việt Nam về mọi mặt.
Đây
là chiến lược sáng suốt của Nguyễn Trãi, dù ra đời đã gần 600 năm. Chủ
trương này vẫn còn là kim chỉ nam cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc
ngày nay, không chỉ trong quan hệ ngoại giao, mà còn cả trong trao đổi
văn hóa, thương mại, v.v.
Trong ngoại giao, việc
xác định Trung Quốc là đối tác bình đẳng sẽ giúp định ra các chính sách
và thái độ đối ngoại đúng đắn, góp phần củng cố vị thế Việt Nam trên
trường quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước, nhất là khi
tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những diễn biến
phức tạp.
Trong văn hóa, việc coi Trung Quốc là
đối tác chứ không phải là người thầy, bạn bè, đối thủ hay bậc đàn anh sẽ
giúp Việt Nam giữ được bản sắc văn hóa của mình trong khi vẫn sàng lọc
được những điều hay cần học hỏi.
Trong mậu dịch,
Việt Nam đang yếu thế so với Trung Quốc: cán cân thương mại Trung Quốc -
Việt Nam đang có những mất cân đối nghiêm trọng. Nhập siêu từ Trung
Quốc đang ở mức đáng lo ngại và tăng liên tục: ước tính khoảng 11 tỷ USD
năm 2008, so với 200 triệu USD năm 2001. Cơ cấu mậu dịch cho thấy Việt
Nam chủ yếu xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô, ước tính khoảng 80%
tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi nhập về chủ yếu hàng
công nghiệp. Do đó cần phải có chiến lược điều chỉnh thích hợp, phấn đấu
đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ngang hàng với Việt Nam.
Tất
cả những điều đó chỉ có thể thực hiện từ xuất phát điểm: coi Trung Quốc
là đối tác bình đẳng, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em của
Việt Nam.
Việc coi Trung Quốc là đối tác bình
đẳng còn giúp Việt Nam tận dụng được sức mạnh của hệ thống pháp lý và sự
ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì một lẽ đơn giản, tất cả các nước đều
bình đẳng trước các cam kết và hệ thống pháp lý quốc tế. Và cộng đồng
thế giới ủng hộ sự bình đẳng này.
Do đó, Việt
Nam cần phải nương vào nguyên tắc bình đẳng và sự hỗ trợ này để vươn lên
vị trí bình đẳng toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc.
Bước
vào thập kỉ mới - thập kỉ bản lề ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho
sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc - câu
hỏi Trung Quốc là gì của Việt Nam cần phải được trả lời dứt khoát: Trung
Quốc là đối tác bình đẳng với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, chứ không
phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em như nhiều người đã và đang nghĩ.
G.V.D.
Bài đăng trên Tuần Việt Nam 1-2010, đã bị rút sau đó.
Nguồn: dzungm86.blogspot.com
0 Nhận xét