TMSS: Vẫn còn tia hy vọng cho nền giáo dục Việt nếu thực sự biết giáo dục nhân cách như thế này!
Theo tuoitre
06/05/2014 04:25 (GMT + 7)
TT - Hôm nọ khi dạy lớp 8A Trường THCS
Đồng Khởi (Tây Hòa, Phú Yên), khoảng năm phút cuối đang hưng phấn tổng
kết bài thì tôi nghe tiếng rẹt phía sau. Tôi quay người nhìn. Một vật to
đùng không biết từ hướng nào đang bay vèo về phía em Lâm.
Nguyễn Tấn Lâm, học sinh lớp 8A Trường THCS Đồng Khởi (Tây Hòa, Phú Yên) - Ảnh: N.T. |
Người tôi nóng ran. Tôi nghiêm mặt bước xuống. Đôi tay Lâm còn run run cầm cái vật ấy chưa kịp giấu vào gầm bàn. Tôi ngạc nhiên khi thấy đó là một chiếc áo sơmi trắng mới nguyên còn nằm trong túi nilông. “Sao lại mang áo vào lớp đùa như thế này, của em hả?” - tôi nghiêm mặt hỏi Lâm.
- Dạ không ạ.
- Vậy của ai?
Cả lớp im lặng.
- Nếu không em nào chịu nhận thì thầy giữ lại, để giao cho cô giáo chủ nhiệm.
- Thưa thầy cho bọn em xin lại - em lớp trưởng đứng dậy lí nhí - Bọn em mua tặng bạn Lâm thầy ạ.
Tôi lặng người hết mấy phút. Hoàn cảnh đáng thương của Lâm thì cả trường ai cũng biết. Và hành động đầy nghĩa tình của các em thật đáng trân trọng. Tôi cố nén giọng bảo: “Tặng áo cho bạn là một việc tốt, nhưng làm việc tốt mà ảnh hưởng đến giờ học là không nên. Cái này gọi là đẹp mà không đẹp ấy. Hơn nữa có một câu ngạn ngữ: “Cách cho quý hơn của cho”. Giá trị chiếc áo nằm ở cách các em tặng bạn đó”.
- Dạ, chúng em biết lỗi rồi thầy - em lớp trưởng thanh minh - Chỉ vì tiết học sau có đoàn quay phim mà bạn Lâm mặc áo cũ quá nên bọn em không còn thời gian thầy ạ.
Tôi sực nhớ hôm nay nhà trường hẹn với Đài VTV Phú Yên thực hiện chương trình Thắp sáng ước mơ mà Lâm là nhân vật chính. Tôi lặng người nhìn Lâm. Chiếc áo sơmi trắng đã ngả màu cháo lòng làm mắt tôi cay sè. Tôi cố gắng kìm nhưng giọng mình vẫn cứ chùng xuống. Tôi định nói: “Cũ hay mới không quan trọng, miễn sạch là được rồi”. Nhưng không hiểu sao tôi chỉ thốt được mấy lời: “Các em đáng khen lắm! Lâm hãy vào văn phòng để thay áo...”.
Giờ ra chơi nhìn đoàn quay phim vào lớp làm phóng sự, tôi chợt nhớ cách đây ba năm lúc thầy cô và các em đang sắp xếp đội hình để chuẩn bị thể dục giữa giờ thì từ ngoài cổng trường chị Lâm đầu quấn khăn tang hớt hải chạy vào mếu máo: “Lâm ơi! Mẹ mất rồi...”. Sân trường lặng đi, rồi những tiếng khóc vỡ òa khi Lâm lảo đảo trong vòng tay chị.
Nỗi đau nối tiếp nỗi đau! Cha mới mất chưa đầy tuần thì mẹ lại nằm xuống. Đó là nỗi bất hạnh tột cùng. Một nỗi bất hạnh hiếm có trong số phận, cuộc đời mỗi người mà Lâm đang gánh chịu. Những ngày ấy, Lâm dường như bị suy sụp hoàn toàn. Ai ra thăm nhà, thấy hoàn cảnh Lâm cũng đều rơi nước mắt và buông dòng suy nghĩ: Rồi cuộc đời chị em Lâm sẽ ra sao? Thương em, chị Lâm phải nghỉ học để đi làm thuê, ông bà ngoại trên 70 tuổi vẫn phải vào tận Sài Gòn bán vé số để lo cho Lâm ăn học.
Thương chị, thương ông bà bao nhiêu thì Lâm càng chăm học bấy nhiêu. Năm lớp 6 và lớp 7 Lâm đều là học sinh giỏi của trường và năm nay Lâm thuộc đội tuyển học sinh giỏi đi thi huyện. Em tâm sự: “Dù khó khăn em vẫn cố gắng học, em muốn đền ơn ông bà bằng cách học giỏi, muốn thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo khổ. Em không muốn người dân nơi đây phải chết như cha mẹ em”...
Chính nghị lực vượt khó vươn lên của Lâm mà bạn bè xem Lâm như tấm gương sáng cần noi theo. Lê Bảo Trâm, học sinh cùng lớp, nói: “Trong lớp ai cũng yêu quý bạn Lâm, Lâm chính là tấm gương để chúng em học tập”.
Đoàn phim thực hiện phóng sự trong đó có đoạn người dẫn chương trình nói: Mồ côi tội lắm ai ơi. Đói cơm khát nước biết người nào lo... Lời bài hát cứ day dứt, ám ảnh mãi trong tâm trí tôi khi nghĩ về số phận mồ côi đơn độc, thui thủi của chị em Lâm ở miền quê nghèo khổ này.
ĐỖ NHẤT TRÍ
(Trường THCS Đồng Khởi, Hòa Thịnh, Tây Hòa, Phú Yên)
0 Nhận xét