Theo boxitvn
Chúng
tôi xin đăng dưới đây 2 bài, đều nói về đời sống công nhân ở các công
ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà họ được thuê mướn. Nhưng bài thứ
hai, ngoài việc tường thuật tình cảnh công nhân người Việt ở khu công
nghiệp Vũng Áng thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh, còn nêu lên một cảnh báo đáng sợ:
vùng đất hiểm yếu dễ dàng cắt đôi đất nước tại vị trí ấy đã được chính
quyền các cấp bán không tính toán cho người Đài Loan và đuổi dân đi, nay
nghe nói Đài Loan đã nhượng hết cho Tàu.
Có
luật pháp nào quy định cho các “quan” được phép tự tung tự tác làm
những việc dẫn đến hậu quả khôn lường mà với độ nóng của quan hệ hai
nước Tàu-Việt tăng theo thời gian, càng ngày càng trở thành một nguy cơ
kề cận? Nếu không lấy lợi ích đất nước làm tiêu điểm để tìm cách khắc
phục sớm thì rồi đây khi hữu sự, chắc chắn lịch sử sẽ nguyền rủa các ông
(xem thêm ở đây).
Bauxite Việt Nam
|
1. Công nhân, như tôi được biết
Nguyễn Thúy Ái
Tuy
viết văn, viết báo nhưng tôi ít biết về giới công nhân, bởi tôi lớn lên
từ một làng quê thuần nông ở miền Trung, khi ra trường, tôi sống quanh
quẩn ở thành phố nên chỉ tìm hiểu về nông dân, thị dân… Cho đến cách đây
vài năm tôi được một công ty truyền thông mời đi nói chuyện với công
nhân với tư cách là một người tư vấn tâm lý, nói nôm na là “gỡ rối tơ
lòng”. Tôi được đến khá nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn có rất
nhiều công nhân. Từ khu chế xuất Tân Thuận đến Linh Trung, Khu công
nghiệp Củ Chi, Tân Bình… ở Sài Gòn và các khu công nghiệp ở các tỉnh lân
cận ở Bình Dương, Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An… Nhờ đó
tôi được dịp tiếp xúc, lắng nghe những lời tâm sự, quan sát và hiểu phần
nào về cuộc sống của công nhân, đa số là còn trẻ, tuổi trên dưới 20 cho
đến ngoài 30…
Công nhân có đủ ăn không ?
Sau
phần nói chuyện và tư vấn về tình yêu – hôn nhân – gia đình mà các bạn
trẻ rất quan tâm, tôi rời sân khấu để cho các bác sĩ, ca sĩ tiếp tục
chương trình. Tìm một chỗ ngồi để nghỉ ngơi chờ xe đưa về cùng với những
người làm chương trình. Nhưng tôi thường được các công nhân trẻ vây
quanh để tiếp tục tâm sự, nhờ tôi tư vấn những chuyện riêng tư mà họ
không thể cầm micro nói oang oang trước mặt mọi người. Nhân đó tôi cũng
hỏi thăm họ về quê quán, thu nhập, điều kiện ăn ở và biết được khá
nhiều… Nhìn chung, hầu hết họ không phải là dân tại chỗ mà thường từ
những miền xa xôi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa hay Quảng Nam, Quảng
Ngãi. Có lần nói chuyện xong với một nhóm công nhân ở một khu công
nghiệp tại Tây Ninh, tôi lên xe ra về, chồng tôi nãy giờ ngồi chờ liền
hỏi “Em vừa trò chuyện với ai vậy?” Tôi trả lời “Em nói chuyện với công
nhân chứ ai”. Anh liền bảo “ Sao công nhân gì nhỏ xíu như trẻ con vậy?”
Đúng là đa số thấp bé, gầy ốm… Cô bác sĩ chuyên về dinh dưỡng cùng đi
nhận xét “Công nhân mình bị suy dinh dưỡng”.
Bế tắc
Tất
cả những khu công nghiệp tôi đến, chỉ có khu chế xuất Tân Thuận ở quận
7, TP HCM là tỏ ra khá hài lòng với thu nhập của mình, họ cũng tỏ ra tự
tin, vui vẻ khi hợp tác, giao lưu với các diễn giả và các ca sĩ… Còn hầu
hết các nơi, công nhân không mấy vui, họ u buồn, bế tắc…
Công
nhân hầu hết là người ngoại tỉnh nên phải ở nhà thuê, không phải khu
công nghiệp nào cũng có nhà ở cho công nhân. Tiền thuê nhà, tiền gởi về
quê để nuôi con hay giúp đỡ gia đình, rồi mới đến tiền ăn… Với mức thu
nhập thấp, luôn là một bài toán khó với họ. Ước mơ của họ là có một gia
đình êm ấm, dành dụm mua một chiếc xe gắn máy, mua một căn hộ bình dân
trả góp hay về quê xây một căn nhà nho nhỏ… Nhưng chuyện ấy với họ quả
là xa xôi… Vì không thể dành dụm cho tương lại nên hầu hết chỉ sống qua
ngày, tiêu xài hiện tại, tuổi trẻ một cách phung phí theo một nghĩa nào
đó.
Bi kịch ly hương
Chấp
nhận xa gia đình để đi làm kiếm tiền là một hy sinh rất lớn với những
con người mộc mạc này, khi họ phải xa cha mẹ, anh em, vợ hoặc chồng hay
con cái, bà con, làng xóm… Đâu chỉ thiếu hụt tình cảm, nhớ thương, đi
lại khó khăn, tốn kém vào những dịp lễ tết muốn về thăm nhà mà sau đó
còn ẩn chứa hoặc hiển hiện nhiều bi kịch cá nhân. Nhiều người vợ hay
người chồng kể vì xa nhà lâu, chồng hoặc vợ họ ở nhà ngoại tình, cờ bạc
hoặc nghiện ma túy… Con cái gởi cho ông bà chăm sóc không phải đứa nào
cũng ngoan, lo học mà vì thiếu cha hụt mẹ chúng đâm ra mất thăng bằng và
hư hỏng. Vào đây dù đủ đôi chưa chắc đã yên, có người đua đòi nhậu nhẹt
có kẻ chạy theo ai đó có tiền phụ rẫy vợ con.
Đạo đức dễ bị kéo xuống
Ở
tỉnh nhỏ hay làng quê và ngay các thành phố ở Việt Nam có một thứ luật
pháp bất thành văn mà người ta sợ hơn cả pháp luật chính thức, đó là dư
luận. Một khi ai đó ngoại tình, chửa hoang, bất hiếu với cha mẹ, trộm
cướp, bán dâm hay những cư xử vô đạo khác… liền bị dư luận lên án. Anh
ta, chị ta đi đâu, cái án bám theo đó, dư luận biết anh là ai, con ông
nào bà nào, nên không chỉ anh chịu nhục khi làm điều sai quấy mà cả gia
đình, giòng họ cũng bị tai tiếng, bị vạ lây. Nhưng khi từ một làng quê
xa xôi vào đây, không ai biết ai. Nếu anh làm sai, pháp luật không sờ
gáy được thì không ai quan tâm. Vì thế không hiếm những bạn gái “tung
hê” theo kiểu quan hệ tình dục bừa bãi, bán dâm, nạo phá thai, đã thành
chuyện thường ngày ở những khu nhà trọ công nhân. Chưa kể nhiều nơi tăng
ca liên tục khiến họ rất căng thẳng, nhiều công ty nợ lương công nhân,
một số công ty nước ngoài bỏ trốn, quịt lương… Không hiếm những cuộc
đình công, biểu tình nho nhỏ đòi tăng lương, đòi nợ… hoặc lơ láo thất
nghiệp. Nông dân khi mùa màng thất bát, thiên tai… họ vẫn còn ruộng đất,
công nhân mất việc, họ còn gì?
Bị dồn nén về tâm lý…
Không
khó khăn gì để giới công nhân nhận ra mình thiệt thòi, khổ cực, bế tắc…
Một khu công nghiệp mở ra, ai hưởng lợi to lợi nhỏ, còn công nhân chỉ
có đồng lương còm… Chính bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo quá lớn
giữa giới chủ, giới cán bộ và công nhân là nguyên nhân của những dồn
nén, uất ức mà có dịp là nó bung ra, như cái lò xo… Việc đập phá, cướp
bóc trong một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua ở Thủ Đức, Bình
Dương, Hà Tĩnh…. Tất nhiên việc làm ấy là sai, phải bị trừng phạt,
những kẻ phá hoại thật đáng giận, nhưng cũng đáng thương.
Nhưng
lẽ nào các cấp lãnh đạo không biết được công nhân sống ra sao? Không
còn hiểu gì về công nhân? Không tiên liệu được sự việc?
Trung
Quốc xâm lược giúp ta biết được ai là kẻ thù, công nhân lợi dụng biểu
tình chống Trung Quốc để đập phá, hôi của khiến giới lãnh đạo cần phải
tìm hiểu về công nhân và cần có một định nghĩa mới về giai cấp này.
16-5-14
N.T.A.
Nguồn: viet-studies.info
2. Vũng Áng: Đâu là nguyên nhân của bạo lực đẫm máu
Song Hà
Đêm
14/5/2014, trên các điễn dàn mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh bạo
lực đau thương từ Vũng Áng, Hà Tĩnh. Những máu me, người nằm la liệt,
cảnh khói cháy ngút trời kèm theo những lời kêu gọi từ thinh không: Hãy
dừng lại bạo lực, bạo lực không thể là cách hành động của những người
yêu nước.
Thế nhưng, những tiếng kêu kia dường
như đã quá muộn và quá ít ỏi, nhỏ bé đối với cuộc bạo động đang diễn ra.
Liên tiếp trên mạng xuất hiện những hình ảnh nhìn đã thấy rùng mình và
không khỏi đau xót. Những nạn nhân nằm la liệt dưới đất, có người còn
tay ôm đầu, nhưng có người như đã không đủ sức ôm cả chỗ hiểm yếu nhất
để bảo vệ mạng sống của mình. Rồi sau đó là những tin tức về xe cứu
thương liên tục vận chuyển bệnh nhân về các bệnh viện huyện, tỉnh và số
thương vong.
Điều gì đã xảy ra vậy?
Vũng Áng và Formosa
Những
năm gần đây, cùng với nhiều tiếng cảnh báo vấn nạn cho thuê đất rừng
đặc dụng, đất quốc phòng, đầu nguồn là cảnh báo về các dự án lớn. Đã có
một dự án Bauxite đầy cạm bẫy, nguy hiểm được dư luận cảnh báo mạnh mẽ
bởi các trí thức, người dân và những người hiểu biết, trăn trở với vận
mệnh của đất nước với lời cảnh báo: Hãy dừng tay. Đã có những cảnh báo
về dự án Điện hạt nhân, Đường cao tốc về các mặt lợi, hại của nó.
Nhưng,
phớt lờ những tiếng nói đầy tâm huyết kia, là “Chủ trương lớn của Đảng”
vẫn phải được thực hiện. Câu trả lời nhanh chóng của cái chủ trương lớn
kia là mỗi năm đất nước bỏ ra cả trăm triệu đô la để bù lỗ cho bauxite.
Dự án điện hạt nhân, đường cao tốc vẫn cứ âm ỉ gây quan ngại trong lòng
người dân.
Đặc biệt, ngoài những hậu quả kinh
tế không thể chấp nhận khi khai thác tài nguyên đi bán vẫn chịu lỗ, thì
một hậu họa vô cùng to lớn, đó là an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm
trọng. Vũng Áng là một Dự án như vậy.
Vũng
Áng là nơi có cảng nước sâu và các điều kiện tự nhiên tốt hàng đầu của
Việt Nam, rất phù hợp cho mô hình tổ hợp công nghiệp – cảng biển hiện
đại. Ngoài ra, Vũng Áng có vị trí địa lý hết sức nhạy cảm và trọng yếu
đối với đất nước. Từ đây, có thể khống chế tàu thuyền ra vào cảng Hải
Phòng cũng như giao thông đường biển với toàn miền Bắc, tiếp cận thuận
lợi các mục tiêu phòng thủ chiến lược trên Biển Đông như đảo Cồn Cỏ, Hòn
Mê, Hòn Khói… Vị trí này nằm ở chân núi Hoành Sơn dọc Quốc lộ 1, vị trí
yết hầu của cả nước, có thể chia cắt giao thông Bắc – Nam.
Một tài liệu tiết lộ rằng: “Năm
2007, “tập đoàn” Formosa quốc tịch Đài Loan (hiện đã sang nhượng toàn
bộ cổ phần cho Trung Quốc) tiếp cận các quan đầu tỉnh của Hà Tĩnh nhằm
thôn tính vị trí đắc địa này phục vụ mưu đồ chiến lược lâu dài. Họ vẽ ra
1 dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài lên đến 23 tỉ USD, cộng với khoản
lót tay hậu hĩnh nhằm làm mờ mắt các quan to. Ngày 16/1/2008, UBND tỉnh
Hà Tĩnh gửi Tờ trình 102/UBND-CN2 lên Thủ tướng Chính phủ xin Chính phủ
cho phép Hà Tĩnh thực hiện dự án khủng này. Trong khi “nhà đầu tư” chưa
thực hiện các thủ tục theo Luật Đầu tư để có tư cách pháp nhân thì ông
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhanh chóng được Thủ tướng phân công ký
thay cả Chính phủ và Thủ tướng cho phép Hà Tĩnh thực hiện dự án trên
(Quyết định 323/Ttg-QHQT ngày 4/3/2008). Lưu ý là chỉ trong vòng 1 tháng
rưỡi từ 16/1 đến 4/3/2008 (trừ thời gian nghỉ Tết gần nửa tháng), các
Bộ, Ban Ngành chức năng của Việt Nam đã nhanh nhảu hoàn tất mọi đánh
giá, báo cáo khả thi, kể cả đánh giá môi trường, đánh giá an ninh quốc
phòng, thẩm định dự án để “phụ họa” thuyết phục Thủ tướng đồng ý cho
phép Hà Tĩnh thực hiện ngay dự án trên. Tư cách pháp nhân của “nhà đầu
tư” cũng được các cơ quan trung ương và địa phương thần tốc hoàn thiện
“giúp”. Nhiều thủ tục pháp lý của “nhà đầu tư” còn chưa thực hiện sau
khi PTT Hoàng Trung Hải ký quyết định phê duyệt “dự án đầu tư”.
Cần
nói rõ rằng quyết định do PTT Hoàng Trung Hải ký, mọi văn bản thẩm định
của các Bộ, Ngành liên quan “phụ họa” cho dự án này là hoàn toàn trái
pháp luật và làm khống vì đều được ký khi “nhà đầu tư” chưa có tư cách
pháp nhân.
Có được sự bảo kê nói trên, Võ
Kim Cự (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh) đã hào phóng ra quyết
định cấp ngay 33km2 đất chiến lược an ninh quốc phòng khu vực cảng Vũng
Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho “tập đoàn” Formosa thuê trong 70 năm. Ngay
lập tức, hàng chục nghìn công nhân Trung Quốc được “nhà đầu tư” đưa ùn
ùn sang Vũng Áng”. (Xem ở đây).
Mâu thuẫn khó dung hòa
Trong
khi 33.000 dân Hà Tĩnh sinh sống nhờ vào ít đồng ruộng và bám biển tồn
tại bao đời bỗng dưng bị đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn bằng những
biện pháp không thể nói gì hơn là sự man rợ, bạo lực. Những cuộc cưỡng
chế người dân bằng công an, côn đồ, máy xúc đã hất tung những người còn
ngồi trong nhà mình trên tầng 2, trên nóc nhà đã làm kinh sợ những người
dân lành vốn bao đời nay không quen với sự diễu võ dương oai bạo lực
của nhà cầm quyền.
Họ đã bị đẩy đi bằng đội quân
đến phá nhà họ, bằng những biện pháp lén lút khủng bố các cá nhân không
chịu di dời, bằng những người đến phun thuốc vào ruộng làm chết hết lúa
của dân buộc họ từ bỏ ruộng đồng.
Kết quả là
dân bị đẩy lên những vùng đồi núi sạn sỏi heo hút và chết chóc trơ cằn
bao đời đến cây mua móc còn không sống nổi. Những người còn sức trẻ thì
lưu lạc kiếm ăn xa xôi tận miền Nam, miền Bắc thậm chí vượt sang tận
Angola làm công nhân xây dựng. Những người già sức yếu, kiếm chiếc gậy
và cái bị học một nghề mới: Ăn xin. Và khu vực Kỳ Anh vốn đã nổi tiếng
bởi nạn cave, gái điếm thì nay đội quân này càng được bổ sung đông đúc.
Bên
cạnh đó, với sự nuông chiều bằng nhiều cách, cả trong thái độ và thậm
chí bằng văn bản, Trung ương và địa phương còn ra nhiều chính sách trái
pháp luật khác nhằm ưu đãi về thuế, về chính sách nhập khẩu hàng hóa cho
“nhà đầu tư” để họ gần như hưởng tự do tuyệt đối trên mảnh đất mà nay
đã thành Vương quốc Vũng Áng của riêng họ. Một số lượng lớn các công
nhân người Trung Quốc đã đến Vũng Áng bất hợp pháp và chui vào đó lao
động.
Ngoài các lao động chui, thì ở đó là hàng ngàn lao động hợp pháp do các nhà thầu đưa đến.
Những
người Trung Quốc này đến đây tự coi đây như vùng đất của riêng mình. Họ
có thế vô tư kết hôn với con gái địa phương, mua hoặc thuê đất làm nhà
ngay tại chỗ và sinh sôi nảy nở vô tội vạ chẳng ai kiểm soát, chẳng phải
bị điều chỉnh bởi chính sách một con ở quê hương họ hay chính sách hai
con của Việt Nam. Các nhà hàng, hàng quán, cơ sở dịch vụ đều được thay
tấm biển tiếng Việt bằng tiếng Tàu.
Trong
sinh hoạt, họ tập trung thành các băng đảng, phe nhóm trấn giữ từng khu
vực, từng lĩnh vực mà công an Việt Nam không dám động tới họ.
Đến
Kỳ Anh, người ta có cảm giác đang lạc giữa một thị trấn nào đó của
Trung Quốc là điều không còn lạ. Những khu dân cư Trung Quốc đã mọc lên
nhan nhản tại đây mà không bị chi phối bởi những quy định luật pháp
thông thường.
Nếu một người dân Kỳ Anh không đội
mũ bảo hiểm chạy xe máy, cảnh sát Kỳ Anh có thể đuổi theo, đạp ngã vào ô
tô chết mà cảnh sát vẫn vô sự, thì đối với người Trung Quốc, cảnh sát
Việt Nam chỉ dám đứng từ xa ngắm họ biểu diễn.
Và
vì vậy, người dân bản xứ ngày càng bị o ép, càng bị lép vế, càng bị chà
đạp không chỉ bởi những người Trung Quốc đến nhập cư, lao động mà chính
bởi nhà cầm quyền Việt Nam.
Với vùng đất Hà
Tĩnh, người dân vốn chịu khó, khắc khổ làm ăn nhưng chứa trong mình đầy
niềm tự hào dân tộc, đầy tinh thần yêu nước, thương nòi. Chính cuộc sống
khô cằn, khó khăn của họ đã dạy họ biết yêu quý đất nước, non sông gấm
vóc, và nhất là thà chấp nhận chế mà không chịu nhục. Với họ, thà bị gãy
chứ không chịu cong.
Và những điều trông thấy ở
Kỳ Anh hôm nay khi biến thành khu Tàu, biến họ thành kẻ vong bản trên
quê hương chính là sự sỉ nhục đối với họ.
Vỡ bờ
Ngày
14/5/3014, báo chí Việt Nam đưa tin hơn 1.000 công nhân Vũng Áng biểu
tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối Dàn khoan Hải Dương 981 cắm sâu
vào thềm lục địa Việt Nam. Thông tin này được nhiều người chú ý bởi sự
nhạy cảm của địa thế và bố cục con người tại Vũng Áng. Tuy nhiên, cuộc
biểu tình đã được mô tả là ôn hòa.
Thế nhưng,
chiều và tối hôm đó, bạo loạn đã xảy ra đẫm máu tại đây. Thông tin ngày
hôm nay của Hà Tĩnh đưa ra, là do mâu thuẫn cá nhân. Điều đó đúng nhưng
chưa đủ. Cái mâu thuẫn cá nhân này thực chất là một khối mâu thuẫn khó
có thể dung hòa tại đây, khi mà lòng tự hào dân tộc của người dân xứ
Nghệ đã bị đụng chạm và sỉ nhục. Đó là sự dồn đuổi người dân bản xứ tại
đây đến bước đường cùng sinh tử trong cuộc mưu sinh kể từ khi dự án
Formosa xuất hiện.
Rõ
ràng, việc bạo loạn không liên quan đến vấn đề yêu nước hay phản đối
Trung Quốc xâm lược đã cắm giàn khoan trên biển Đông của Việt Nam.
Nhưng, đó cũng là cái cớ cho những mâu thuẫn bùng phát.
Những điều họ được học bởi đảng cộng sản về “bạo lực cách mạng” đã được áp dụng triệt để với kẻ thù của họ.
Và
nguyên nhân chính, thủ phạm chính vẫn là hệ thống quan chức Hà Tĩnh và
Chính phủ đã có “công” trong việc rước người Trung Quốc về điểm trọng
yếu này và giao cho họ quản lý 70 năm – nghĩa là hơn 3 đời người.
15/5/2014
S.H.
Tác giả gửi BVN
0 Nhận xét