Theo thoisucongnghe
Cửa kính phòng bảo vệ KCX Linh Trung 2 bị đập nát
Phần 1 – Mây đen
Ngày
13/05/2014, lúc 13h30, trong khi mọi người đang mải mê với công việc,
công ty nhận được tin từ bên an ninh báo cho biết đang có nhóm biểu tình
chống Trung Quốc rất lớn, lợi dụng tình hình rối ren đập phá, cướp bóc…
đang tiến về Linh Trung.
Ngay lập tức, chúng
tôi triệu tập ngay cuộc họp với các quản lý các bộ phận để lên kế hoạch
ứng phó bảo vệ cho nhà máy và công nhân (công ty chúng tôi có hơn 2000
nhân viên). Trong khi chờ các quản lý đến phòng họp, tôi liền chạy ra
ngoài quan sát tình hình. Những âm thanh gào thét, la lối, giận dữ vang
vọng từ xa tới… Phía trước mặt là Công ty Freetrend của Đài Loan (có hơn
6000 công nhân) đang rất hỗn loạn, cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ chống
Trung Quốc rợp trời, những tiếng la hét “đả đảo Trung Quốc”, “Việt Nam,
Việt Nam” vang rền. Tình hình như ong vỡ tổ, một số công nhân của chính
Công ty này kêu gọi đình công, nhiều công nhân tìm cách thoát ra ngoài
để lánh nạn, mặt khác hàng trăm người kích động biểu tình từ bên ngoài
chen lấn giẫm đạp nhau để vào phá Công ty Freetrend.
Không
còn nhiều thời gian để quan sát, thấy có vài chiếc ô tô của công ty
mình đậu ngay sát cổng ra vào, tôi vội cho lùi vào sâu trong Công ty.
Một mặt, điều động các nhân viên bảo vệ Yuki đang làm nhiệm vụ tại Công
ty khóa chặt tất cả các cổng chính và cổng phụ, gọi điện cho Công ty bảo
vệ tăng cường lực lượng, triệu tập nhân viên bảo vệ từ ca tối lên Công
ty ngay. Đốc thúc kiểm tra bình cứu hỏa, vòi rồng… trong tình trạng sẵn
sàng. Khi quay về phòng họp, các quản lý đã ở đó, mọi người còn ngơ ngác
chưa hiểu vì sao có cuộc họp bất thường này. Tôi liền triển khai một số
việc cơ bản:
- Tình hình biểu tình diễn ra hết sức nguy cấp, nhiều kẻ lợi dụng cơ hội vào phá công ty.
- Các quản lý chuẩn bị ngay mỗi nhóm 20 công nhân tin cẩn để ứng phó trong trường hợp công ty bị tấn công.
- Ngăn cản không cho công nhân trong nhóm của mình rời khỏi vị trí.
- Tuyệt đối bất bạo động và không phản kháng người biểu tình.
- Chuẩn bị ngay việc chữa cháy cho công ty.
Vừa
chưa dứt lời, một nhân viên văn phòng tung cửa phòng họp chạy vào la
lên cho biết cổng chính Công ty đã bị xô đổ rồi và đám biểu tình đã tràn
vào trước sảnh của Công ty. Lúc này là 14 giờ 10 phút.
Tôi
vội vàng chạy ra, thì hỡi ôi, cánh cổng sắt rộng chừng 10 mét, cao 2
mét đã bị xô đổ và bị kéo đi cách vị trí của nó 10 mét, đám đông tràn
vào trước Công ty chừng 200 người, còn ngoài cổng Công ty, ngoài đường
chính số lượng người biểu tình lên đến cả ngàn người. Họ phóng thẳng xe
máy vào trong Công ty, thường thì một nam chở 1 nữ. Trên tay họ cầm đủ
thứ các loại hung khí như búa tạ, xẻng, cuốc, thanh kim loại, một nhóm
khác với nồi niêu xoong chảo trên tay, bình nước rỗng, trên vai họ quấn
cờ Tổ quốc… họ gõ và la hét um sùm. Một cây bonsai cổ thụ trong chậu
lớn bị 1 đám thanh niên nhổ phăng đi. Một tên đi đầu cầm búa giáng 1
phát vào cửa kính cường lực nhưng may mắn không bể. Một nhóm khác phá
tung cửa phòng họp nơi đang huấn luyện nhân viên mới và la hét yêu cầu
mọi người phải ra ngoài.
Thật hú hồn, nếu không dời xe đi thì đã bị cổng đổ đè lên và xe cộ đã bị đập phá mất rồi.
10
thanh niên bảo vệ Yuki ở cổng chính này đang làm nhiệm vụ vẫn trụ vững
lại không bỏ chạy nhưng không biết phải ứng phó thế nào. Thấy tình hình
quá căng thẳng, tôi quay lại báo cho các quản lý phải chạy về ngay bộ
phận mình và hạ cửa cuốn xuống ngay lập tức để ngăn ngừa họ tấn công vào
các phân xưởng. Mọi người liền túa đi các nơi bảo nhau đóng cửa lại.
Tiếp
đó tôi vội quay lại bên đám biểu tình để xem yêu sách họ là gì, lúc đó
các bảo vệ Yuki lao theo ngăn lại, họ không cho tôi đến và nói anh để đó
cho tụi em lo.
Tiếp theo họ chạy lại trước đoàn
biểu tình, chắp tay lạy liên tục để xin họ đừng đập phá. Lúc này nhân
viên nữ trong văn phòng, nhân viên công đoàn trong Công ty… chạy ra tiếp
ứng. Đoàn biểu tình liên tục quát mắng “chúng mày là công ty nước nào”,
“tại sao công cho công nhân về để đi biểu tình”?
Nhân
viên của Công ty liên tục chỉ lên cờ Mỹ và cờ Việt Nam treo trước Công
ty, giải thích đây là Công ty Mỹ liên doanh với Việt Nam, không liên
quan gì đến Trung Quốc. Thái độ của đám đông có vẻ hớt hung hăng hơn,
nhưng họ vẫn quát “tụi bay chứa bất kỳ 1 thằng Trung Quốc nào thì tao sẽ
giết chết”. Tiếp đến 1 nhóm hơn 50 người cầm cờ quạt tiến đến phân
xưởng ST, đây là phân xưởng sản xuất đồ điện tử có hơn 200 công nhân
đang làm việc.
Lúc này cửa cuốn đã đóng kín mít,
một nhóm thanh niên dùng thanh sắt to nạy cửa lên, rồi họ cùng nhau
nâng được cánh cửa lên chừng 1 mét và chuẩn bị tiến vào. Tuy nhiên lực
lượng nhân viên nữ của văn phòng tiếp tục bài năn nỉ khóc lóc, sau một
hồi chửi bới và răn đe, cả bọn lên xe máy gào rú phóng đi.
Trong
lúc cực kỳ nguy khó này, chúng tôi tìm mọi cách liên lạc kêu cứu để
được giúp đỡ: công an phường, cảnh sát, ủy ban phường, ban quản lý các
khu công nghiệp và chế xuất (Hepza)… nhưng không cách nào liên lạc được…
Sau
hơn 20 phút kể từ lúc họ phá cổng chính và rút đi, tưởng đã được yên
ổn, nhưng trên đường đi phá phách họ ghé vào cổng phụ của Công ty cách
đó chừng 100 mét so với cổng chính và tiếp tục la hét đòi vào trong nhà
máy thứ 2 của Công ty, có lẽ họ nghĩ đây là một công ty khác. Những tên
cầm búa thì đập phá cổng và định xô đổ cổng lần thứ 2, thành phần khác
thì hè nhau bẻ cong các thanh sắt của hàng rào, biển đăng tuyển dụng của
Công ty bị họ xé phăng đi. Lần này nhân viên của Công ty lại ra năn nỉ
và lạy lục, giải thích là phía bên này và bên kia cùng chung một Công
ty. Sau chừng 10 phút đôi co, bọn họ bỏ đi nhưng không quên hù dọa là
ngày mai không được làm việc và quay sang tấn công Công ty QMI của Trung
Quốc bên cạnh.
Ngay sau khi đám biểu tình rút
đi khỏi Công ty, nhân viên quản lý của khu chế xuất đến ngay trước công
ty và liên tục áp lực để chúng tôi cho nhân viên ra về, nếu không họ lo
sợ đám biểu tình sẽ tiếp tục sẽ quay lại phá Công ty.
Đúng
15h, CEO của Công ty đã đến và chúng tôi triệu tập cuộc họp với các
quản lý lần thứ 2 để tìm cách ứng phó. Đến lúc này chúng tôi đã có thêm
nhiều thông tin mới, tình hình ở khu công nghiệp Việt Nam-Singapore
(VSIP), Mỹ Phước, Đồng An… rất nghiêm trọng, nhiều công ty bị đập phá,
bị đốt… Bên phía Công ty bảo vệ Yuki cũng cho biết họ phải rút lui khỏi
một vài nhà máy để bảo toàn tính mạng cho nhân viên, sự việc rất rối
ren.
Được sự tư vấn của của nhiều người, trong cuộc họp chúng tôi thống nhất như sau:
- Công ty phải in nhiều khẩu hiện lên án hành động Trung Quốc tại biển Đông và treo trước cổng.
- Giăng nhiều cờ của Việt Nam và cờ của quốc gia đầu tư phía trước.
- Thành lập lực lượng phản ứng nhanh và trong đêm nay phải trực ở Công ty.
- Chuẩn bị việc phòng cháy chữa cháy.
-
Chuẩn bị cờ quạt sẽ cấp cho 1 bộ phận chừng 100 người, nội trong ngày
mai nếu đoàn biểu tình quay lại, sẽ cho bộ phận này tham gia đoàn biểu
tình.
- Lực lượng hậu cần chuẩn bị cơm nước cho những người ở lại.
- Tuyệt đối bất bạo động và không dùng vũ lực chống đoàn biểu tình.
Việc
treo khẩu hiệu chống Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam đặc biệt quan tâm và
cấp bách, tuy nhiên khi đi in thì mất rất nhiều thời gian. Nhân viên phụ
trách việc này phải xếp hàng chờ từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối mới mang
được khẩu hiệu về vì có quá nhiều công ty cũng có nhu cầu tương tự.
Đến
18 giờ, tình hình tạm lắng dịu, tôi rời Công ty ra về. Ngoài cổng khu
chế xuất, lác đác vài công an mặc áo vàng, dân phòng vài người đang đứng
gác, lực lượng bảo vệ khu chế xuất đứng túm tụm… Tuy nhiên khi ra đường
chính thì rất nhiều người tụ tập rất đông, nét mặt rất hung hãn, họ
đứng nhóm này nhóm nọ trên đường kéo dài cả cây số… trên đường về nhà
thấy nhiều tốp thanh niên cầm cờ diễu hành như hồi kỳ Việt Nam đá banh
thắng trận ở Seagame… Không ngờ đây là dấu hiệu của một cuộc bạo loạn
kinh hoàng sẽ xảy ra trong vài giờ sắp đến.
Phần 2 – Bão lửa
Về
đến nhà, lo cơm nước cho mấy đứa nhỏ xong thì tôi lại nhận được điện
thoại báo về tình hình bên trong và bên ngoài Linh Trung đang diễn biến
rất xấu. Đã có hàng ngàn người tụ tập trước cổng khu chế xuất. Dự đoán
đêm nay sẽ có bạo động. Chúng tôi suy tính, nếu không có người đại diện
có mặt, nhân viên và bảo vệ ca đêm có nguy cơ bỏ chạy hết mặc dù kẻ xấu
chưa vào Công ty, thì lúc đó nguy cơ đổ vỡ rất cao.
19h tôi dắt xe máy chạy tiếp vào Công ty xem tình hình thế nào và động viên anh em.
Trên
đoạn đường từ tỉnh lộ 43 vào khu chế xuất, các nhóm tụ tập nhỏ lẻ lúc
chiều đã gom thành bè lũ dương oai diễu võ trên đường như bọn kiêu binh.
Một màu đỏ chói kéo dài hàng cây số. Họ phóng xe bạt mạng, tay cầm
những thanh sắt dài cho cạ xuống đường tạo ra những âm thanh ghê rợn,
mặt đường tóe lửa. Có xe chở cả phụ nữ và trẻ em, dường như họ trong
cùng một gia đình để tuần hành và la hét. Quang cảnh loạn lạc như không
có sự tồn tại của pháp luật ở đây. Quản lý ca đêm có gọi cho tôi báo là
cảnh sát cơ động đã được triển khai ở các cổng khu chế xuất, không cho
ai ra vào, anh ta có nói chắc là tôi sẽ không vào được bên trong đâu và
tình hình chắc sẽ ổn thôi.
19h20 thì tôi đến gần
cổng khu chế xuất, nhưng không thể vào bên trong ngay. Trước cổng
khoảng 200 cảnh sát cơ động đầu đội mũ sắt, tay cầm khiên và dùi cui
đứng xếp thẳng hàng. Phía đối diện là đám đông rần rần la hét chửi bới
muốn vào bên trong. Đôi co khoảng 20 phút, đoàn biểu tình có dãn ra đôi
chút và rút ra xa hơn một chút. Nhưng sau đó tôi thấy nhiều đám đông từ
xa đến tiếp viện cho nhóm đang tụ tập trước cổng, càng lúc càng đông
nhập thành 1 nhóm. Tay họ cầm theo ống sắt, gạch đá, xẻng, cuốc… có
những cô gái tuổi chừng đôi mươi liên tục chửi thề và ôm từng bó các
thanh sắt để tiếp ứng cho đám đông. Lợi dụng thời gian này, tôi chạy về
phía cổng nhưng cảnh sát họ không cho vào. May mắn anh K là tổ trưởng
bảo vệ khu nhận ra tôi nên chạy ra bảo lãnh, thế là tôi vào được bên
trong.
19h40 tôi đã vào trong Công ty. Gặp mặt
các anh em ở lại, ai cũng mừng và lo lắng. Một vài quản lý do lo lắng
với tình hình chung nên có người ở lại từ chiều, có người mới đến, IT
cũng có người vô để trực, bộ phận bảo trì, xây dựng đều có mặt đủ cả.
Lúc này là đang giờ làm việc của ca 2, trong cả khu chế xuất hình như
chỉ còn mỗi Công ty này hoạt động, đèn đuốc sáng choang. Tôi nghĩ nếu họ
lọt vào đây, chắc thế nào Công ty cũng là nơi họ chú ý nhất. Chúng tôi
vội vàng phân chia nhau chạy đi kêu công nhân tắt bớt một nửa số đèn và
kéo rèm che lại hết. Mặt khác, cử một nhân viên lanh lẹ ra gần cổng để
báo tình hình cho bên trong.
20h: Điện thoại cho biết đám đông đang đánh nhau dữ dội với cảnh sát, gạch đá bay ngút trời.
20h15: Điện thoại cho biết hàng rào cảnh sát chắc không trụ nổi.
20h20: Điện thoại cho biết cảnh sát không ngăn nổi đám đông bạo loạn và đã rút lui. Mọi người trong công ty cần phải bảo trọng.
Anh
chỉ huy bảo vệ của Công ty tôi đang là 1 đại úy dự bị của quân khu 7,
thỉnh thoảng anh vẫn xin nghỉ vài tuần để trở lại quân ngũ luyện tập,
anh gốc người Củ Chi gan lì nhưng đến lúc này cũng thật sự hốt hoảng khi
nghe những tiếng bước chân rầm rập, tiếng gào thét và chửi bới của đoàn
người hung hãn. Anh hét lên “tụi nó đã tràn vào khu rồi anh ơi”. Nhìn
ra ngoài đường bên hông Công ty, đi đầu là cả ngàn xe máy gầm rú, bên lề
đường chạy theo lúp xúp là đám trai tráng cầm gậy sắt kéo lê trên mặt
đường, đoàn người đi kéo dài gần 1 km kín cả mặt đường. Quá sợ hãi,
chúng tôi quyết định phải tắt điện toàn Công ty ngay lập tức, các cửa
cuốn đóng xuống hoàn toàn. Toàn bộ công nhân không được ra ngoài. Họ
đứng trong bóng tối nhìn qua khe cửa quan sát lấm lét. Lúc này chỉ còn
chừng 20 người có trách nhiệm đứng trước sân Công ty giả vờ như mọi
chuyện đang bình thường. Như một con rắn khổng lồ trườn mình, đoàn người
di chuyển dọc bên hông của Công ty, rồi đến trước mặt Công ty, cái đuôi
của đoàn người còn dài ra mãi. Chúng tôi hồi hộp nín thở. Liệu họ có
ghé vào Công ty như hồi chiều?
Căng thẳng tột
cùng, nhìn đám người như đàn kiến lửa này tôi ước lượng Công ty sẽ ra
cám ra tương. Vài giây sắp đến, có thể mọi thứ sẽ thành tro bụi. Thôi
thế là hết.
Quay sang một quản lý đứng gần, tôi
nói “không ai có thể cứu Công ty mình được nữa rồi, ngoại trừ ông trời
có che chở hay không mà thôi”.
1 giây, 2 giây, 3 giây… toán đầu tiên phóng xe máy vụt qua cổng chính, đầu thứ 2, nhưng mục tiêu của nhóm này là công ty nào?
1
phút sau, chúng tôi nghe tiếng kính bể như mưa rào, tiếng cổng bị đổ
sập, tiếng bờ tường bị đục phá, tiếng đám đông la hét, tiếng đả đảo
Trung Quốc… vang lên hỗn loạn. Thì ra họ đập phá công ty QMI của Trung
Quốc ngay sát vách.
QMI là một công ty may gia
công rất lớn có trụ sở ở nhiều khu công nghiệp. Trước kia có lẽ do khu
vực Linh Trung này hay bị đình công, họ rút về Tân Tạo hoạt động, gần
đây thấy họ sửa chữa, thay mới toàn bộ kiếng ở trước công ty, sơn phết
lại đẹp đẽ lắm. Bề rộng khoảng chừng hơn 500 mét, nhà xưởng chừng 2 héc
ta, nhìn vào rất sáng sủa, khang trang. Tuần trước tôi nhận được điện
thoại của một phụ nữ xưng tên là H, là tổng vụ của công ty. Chị vui vẻ
cho biết công ty sẽ khôi phục lại hoạt động ở Linh Trung, sắp về làm
hàng xóm với chúng tôi và có hẹn mời đi uống cà phê để giao lưu và hỏi
thăm một số thủ tục, vậy mà giờ đây đã đổ bể tan tành.
Vừa
lúc nãy, có 4 anh bảo vệ cho QMI sang bên chúng tôi xin nước, các anh
nói lúc chiều đoàn biểu tình đã ghé qua đe dọa, các anh đã lạy lục van
nài nói tránh đây không phải là công ty Trung Quốc và họ đã bỏ qua. Giờ
đây khi đám đông điên cuồng phá phách, trong cơn sợ hãi tột độ, bảo vệ
QMI đã vùng ra leo rào chạy mất tăm.
Chúng tôi
đứng lặng im chứng kiến cảnh phá phách kinh hoàng này. Hoàn toàn bất lực
và hoảng sợ, giống như đàn sói đang tấn công từng con cừu trong đàn,
đàn cừu co rúm lại mà không thể phản kháng được gì. Chúng ta hoàn toàn
bất lực, không thể kêu cứu ai, không thể cậy nhờ vào chính quyền, khi
không thấy bóng dáng một cảnh sát, một người thi hành pháp luật…. Vài
ngày sau khi bình tĩnh lại, chúng tôi mới biết nhóm biểu tình lúc chiều
đi phá phách nhưng có nhiệm vụ nhận diện các công ty, còn buổi tối là
đòn đánh tổng lực để hạ gục các con mồi mà họ đã chọn.
Lúc
21 giờ, sau khi đã đập phá QMI tan tành, biển người quay đầu lại do QMI
nằm ở cuối đường, nghĩa là họ lại qua Công ty chúng tôi lần thứ 2. Thần
kinh chúng tôi căng ra vì bị thử thách.
Đám dẫn
đầu lại vượt ngang qua cổng phụ, rồi qua cổng chính, chúng tôi tin mình
đã thoát nạn ít nhất vào lúc này. Nhưng không, một nhóm 20 người thuộc
tốp giữa tách đoàn ghé vào cổng của Công ty, bên ngoài cả đám đông dừng
lại. Nhóm này tiến đến bẻ lá cờ Việt Nam và cờ Mỹ đang treo trước cổng
và quăng đi.
Bảo vệ nhận diện đây là nhóm công
nhân trước kia từng làm ở Công ty và bị kỷ luật, nay họ quay lại muốn
thanh toán mọi ân oán chăng? Một anh bảo vệ lớn tuổi leo lên cổng nói
“các em là nhân viên cũ của Công ty, các em biết đây không phải là Công
ty Trung Quốc mà, các em hãy bỏ qua đi”. Nhóm này gườm gườm một lúc, đám
đông phía sau có vẻ thăm dò. Đột nhiên một người trong nhóm nhân viên
cũ quay lại khoát tay ra dấu bỏ qua, thế là cả nhóm lại hòa vào dòng
người và trở ra.
Sau này khi nói chuyện với các
công ty khác, tôi được biết thêm nhiều công ty bị nhân viên cũ quay về
cướp phá, họ biết hàng hóa, vật tư, tiền bạc… để ở đâu và lục lọi rất
nhanh, vì thế thiệt hại càng nặng nề hơn.
10
phút sau khi rời khỏi QMI và băng qua Công ty chúng tôi, họ quay sang
tấn công Freetrend lần thứ 2 trong ngày. Lúc này là 21 giờ 15 phút.
Freetrend
là công ty chuyên may gia công giày cho Nike, cơ ngơi rất đồ sộ, riêng
nhà để xe đã cao mấy tầng lầu. Số lượng chuyên gia từ Đài Loan – Trung
Quốc có hàng trăm người làm việc trực tiếp với nhân viên người Việt. Có
lẽ vì thế họ bị đám đông bạo loạn để ý hơn các công ty khác trong khu
Linh Trung.
Do Freetrend nằm cách Công ty chúng
tôi chừng 150 mét nên những gì xảy được quan sát rất rõ. Freetrend nằm
cách các xe bít bùng là nơi đóng quân của cảnh sát cơ động chừng 500 mét
nhưng mặc nhiên bị đánh phá rất ác liệt. Hàng ngàn người chiếm giữ công
ty trong hàng giờ liền và tha hồ vơ vét. Đám đông cướp phá rất nhiều
giày dép và chuyển ra ngoài rất công khai. Có kẻ vừa mang giày mới vào
chân, trên tay cầm vài đôi, còn trên vai thì tròng thêm vài đôi nữa. Bọn
họ rất hả hê với chiến lợi phẩm được khuân đi. Sau khi lớp này mang ra
khỏi cổng thì lớp khác quay lại hành sự tiếp.
Khoảng
21 giờ 45, chúng tôi thấy 3 xe cảnh sát cơ động được đến tiếp ứng cho
Linh Trung và chạy qua Freetrend nhưng không thấy dừng lại, có lẽ họ
chạy ra cổng sau của khu chế xuất và chốt lại ở đó.
Sau
này trong cuộc họp với các doanh nghiệp, tôi được biết thời điểm đó
cảnh sát phải ưu tiên giải cứu người nước ngoài và mang họ đem đi giấu
hơn là bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Đến gần 3 giờ sáng mới giải cứu
hết số người này. Dĩ nhiên đó là một giải pháp hợp lý khi lực lượng quá
mỏng không thể trấn áp nổi đoàn người bạo loạn.
Khoảng 22 giờ, sau khi đã đập phá cướp bóc chán chê, Freetrend bị đốt cháy, khói đen cuộn lên cao ngút trời…
10
phút sau xuất hiện 1 xe cứu hỏa của Linh Trung vào dập lửa. Liền sau đó
3 xe cứu hỏa tiếp theo gào rú lao vào rồi tiếp nữa nhiều xe cứu hỏa
tiếp ứng. Do công ty bị đốt cháy, nên nhóm bạo loạn tạm thời rút ra, trở
ngược ra cổng chính của Linh Trung.
Trên đường
rút ra, nhóm này càng lúc càng say máu và họ họp với một nhóm mới hình
thành từ ngoài cổng tiến vào và đập phá công ty Sprinta Vina chuyên về
gia công hàng may mặc xuất khẩu sát ngay bên hông Công ty chúng tôi. Bảo
vệ và nhân viên chạy trốn tan tác, từng đoàn thanh niên tay cầm ống
tuýp nước quật thẳng vào cửa kiếng, rồi họ quay sang bãi xe ô tô đập phá
tan tành, tiếp theo từng nhóm xông vào bên trong khiêng ra nhiều bao
quần áo và khuân đi.
22h30 nhiều xe chở cảnh sát cơ động được tăng cường và tụ tập tại Freetrend.
Lúc
này, sau nhiều giờ để cho đám bạo loạn hoành hành và không can thiệp,
có lẽ cảnh sát cơ động đã tập hợp được lực lượng, họ xếp thành hàng
ngang giăng kín con đường và bắt đầu phản công.
Chúng
tôi nghe nhiều loạt đạn vang lên, đám đông bắt đầu hỗn loạn và quay đầu
bỏ chạy. Ở ngoài cổng, một số lực lượng khác đã bắt đầu giữ một vài tên
côn đồ và lôi vào góc khuất đấm đá.
Lực lượng
cơ động lên đến gần 1000 người và họ giơ khiên lên áp sát đám phiến
loạn, dồn họ từ phía Freetrend đi ngang qua Công ty chúng tôi và dồn đám
người này đẩy ra khỏi cổng chính khu chế xuất. Đám đông ô hợp giờ đã
suy yếu sau nhiều giờ tác oai tác quoái và chính thức bỏ chạy rồi tan
rã.
11h30 tình hình tạm lắng dịu. Tôi đi ra
ngoài cổng chính của Công ty, rất nhiều chiến sĩ nằm la liệt trên đường,
họ đã quá mệt mỏi và mang nhiều thương tích. Ngoài kia 2 xe cứu thương
đang đến và mang đi những người cần được cứu chữa.
Biểu ngữ chống Trung Quốc được căng lên trong đêm để xoa dịu người biểu tình và để bảo vệ công ty.
Phần 3 – Những câu chuyện bên lề
Ngày
hôm sau khi vào Công ty đi làm, hầu hết mọi người không hề biết tối qua
Công ty đã trải qua những giờ phút đứng trên bờ sống chết và toàn khu
Linh Trung đã rùng mình chao đảo. Họ xôn xao bàn tán về những công ty bị
đốt cháy ở phía Bình Dương như Công ty giày Duy Hưng của Trung Quốc,
Công ty sản xuất xe đạp Asama của Đài Loan và rất nhiều công ty khác bị
cướp phá đã phải tạm thời đóng cửa.
Tôi đã thấy
nhiều công nhân than khóc trên đường đi làm vì không còn việc làm cho họ
nữa, họ phải quay về nhà trọ. Chỉ có vài công ty trên tổng số hàng trăm
công ty trong khu chế xuất này làm việc này hôm nay.
Đến
10 giờ sáng chúng tôi tiếp tục bị một nhóm côn đồ chừng 100 người đến
trước công ty đòi chúng tôi cho công nhân nghỉ làm việc mặc dù khi đó
hàng trăm cảnh sát cơ động còn đóng quân trước cổng khu chế xuất.
Đến
14 giờ, chúng tôi được triệu tập tham dự một cuộc họp do Hepza (ban
quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức
với sự có mặt của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Mạnh Hà để
trấn an các doanh nghiệp.
Đại ý ông Hà cho biết
các doanh nghiệp phải quay về hoạt động ngay lập tức, có như thế các
phần tử cơ hội khó có thể rủ rê và gây ra biểu tình lần nữa. Mặt khác,
thành phố cam kết bảo vệ hoạt động cho các doanh nghiệp, bảo vệ phẩm
chất, danh dự của con người cũng như tài sản của công ty. Ông cũng kêu
gọi doanh nghiệp nào có video clip về các hoạt động phá hoại thì cung
cấp cho các cơ quan chức năng để xử lý những kẻ gây rối đến nơi đến
chốn.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đặt vấn đề
khi nào tình hình ổn định trở lại thì ông cho biết sẽ cố gắng hết sức
và không thể trả lời cụ thể được.
Và tại đây,
đại diện của Freetrend đã khóc ngon lành khi phát biểu và tôi đã nghe
các câu chuyện thật thương tâm từ các doanh nghiệp khác. Họ đã quá sợ
hãi và không biết khi nào có thể trở lại sản xuất bình thường được.
Trí Vũ
Chú thích:
(*)
Tên bài viết lấy từ tên truyện của tiểu thuyết “Ngày dài bất tận” kể về
D-day, ngày lịch sử mà quân đội Đồng minh đổ bộ vào Normandy.
0 Nhận xét