Xã
hội hôm nay thật lắm chuyện thị phi! Cuộc đời cứ như: “Vàng thau lẫn
lộn”. Hàng thật – hàng già đã khó phân biệt mà người tốt, người xấu càng
khó phân biệt hơn. Có những mặt hàng giả mà như thật. Có người phải
ngậm đắng nuốt cay khi bỏ tiền mua hàng thật nhưng lại phải lấy đồ giả.
Có người vì cả tin nghe người nên bị lừa đến thân bại danh liệt. Kẻ bị
lừa tình mà ôm hận suốt đời. Kẻ bị lừa tiền mà tan hoang cửa nhà. Có kẻ
giả nhân giả nghĩa để đánh lừa đồng loại và vun quén cho bản thân. Kẻ
thất đức lại sống trên nhung lụa. Người công chính phải tù tội lầm than
vẫn còn đó trong kiếp người hôm nay. Đó là kết quả tất yếu của chủ nghĩa
thực dụng. Đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Con người
lấy mình làm trung tâm nên mọi sự đều quy về mình. Tìm hạnh phúc cho
mình. Tìm vinh danh cho mình. Vì hạnh phúc của mình nên sẵn sàng bỏ rơi
đồng loại, cho dù đó là cha, là mẹ, cho dù đó là vợ chồng hay con cái.
Sự thật phũ phàng đó đang là căn bệnh trầm kha của xã hội hôm nay.
Có
biết bao cha mẹ đã đang tâm giết các thai nhi vì sợ đứa con sinh ra sẽ
thêm phần ăn, thêm gánh nặng cho gia đình. Có biết bao vợ chồng đã đứt
gánh giữa đường chỉ vì một mối tình riêng, một quan hệ bất chính. Có
biết bao người con đã bỏ rơi cha mẹ trong đói khổ, già yếu, bệnh tật vì
còn phải lo cho chính bản thân mình.
Xem
ra thế giới hôm nay đang thiếu dần hai chữ hy sinh. Không có hy sinh
làm sao có ân nghĩa. Không có ân tình, ân nghĩa nên người ta đâu cần hy
sinh và đối xử tốt với nhau. Câu chuyện “Anh phải sống” của Khái Hưng
không còn là văn học phản ánh hiện thực xã hội hôm nay nữa! Nó chỉ còn
là huyền thoại, một dĩ vãng đã qua.
Chuyện
kể rằng: có hai vợ chồng trẻ đi đốn củi vào mùa nước lũ. Chiều tối, khi
trở về họ đặt củi trên chiếc thuyền lan mong manh, nhỏ bé để xuôi theo
dòng nước trở về. Thình lình một dòng lũ từ những sườn núi ồ ạt tuôn
xuống dòng sông, tạo thành một dòng xoáy mỗi lúc một mạnh khiến chiếc
thuyền lan nhỏ bé của họ bể vỡ tan tành. Người chồng cố níu kéo vợ khỏi
bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng dòng nước xoáy mỗi phút giây trôi qua lại ồ
ạt và mạnh mẽ. Sức lực của chồng xem ra càng đuối dần khi phải gồng mình
để thoát thân và cứu vợ. Người vợ thấy sức chịu đựng của chồng đã cạn
kiệt, nên đành buông tay ra để mặc cho dòng nước lũ cuốn trôi, chỉ kịp
gào thét trong mưa giông và nước lũ: “anh phải sống để nuôi dạy đàn
con”.
Tác
phẩm “Anh phải sống” đã một thời đi vào lòng người, vì nó phản ánh quá
trung thực về tình yêu của những con người dám hy sinh cho gia đình, cho
xóm ngõ, cho dân tộc. Nhưng xem ra, tác phẩm này không còn chỗ đứng
trong xã hội hôm nay. Vì giá trị con người hôm qua được đo bằng tấm lòng
biết xả thân vì đồng loại, biết quên mình vì gia đình, vì dân tộc, còn
giá trị của con người hôm nay được cân nhắc bằng tiền bạc và địa vị.
Người càng có lắm tiền nhiều của càng được kính trọng, nể vì. Người càng
có địa vị cao càng có nhiều kẻ hầu người hạ. Có mấy ai dùng quyền để
phục vụ vô vị lợi cho tha nhân? Có mấy ai dùng tiền để mua lấy tình bạn?
Thế giới đã đổi thay! Cách sống cũng đổi thay. Con người chạy theo lợi
nhuận. Mọi quan hệ, mọi việc làm đều được cân nhắc thiệt hơn. Vì quyền
lợi của mình mà bỏ rơi đồng loại. Vì lợi ích của mình mà chà đạp lên
danh dự, nhân phẩm người khác. Lòng đại nghĩa hy sinh đã bị chôn vùi khi
đặt quyền lợi mình trên lợi ích của anh em.
Lời
Chúa hôm nay cho chúng ta cái nhìn tương phản của hai loại mục tử. Mục
tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử
giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên.
Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn
nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm
hạnh phúc cho chính bản thân mình. Họ sống hưởng thụ, lười biếng và
thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên. Chúa Giêsu đưa ra khuôn
mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho
bản thân. Ngài dong duổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn.
Vì sự sống của đàn chiên, Ngài sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn
chiên. Ngài đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống.
Đó
cũng là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều là mục
tử của Chúa khi chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ anh em mình. Mỗi
người chúng ta đều phải có trách nhiệm trước sự an nguy của đồng loại.
Mỗi người chúng ta đều có bổn phận đẩy lùi sự dữ đang hoành hành trong
môi trường sống của chúng ta. Không ai được phép bàng quan trước sự dữ
đang bủa vây gia đình, xóm làng của mình. Không ai được phép vô trách
nhiệm trước bữa no bữa đói của cha mẹ, con cái hay hàng xóm láng giềng.
Nếu mỗi người chúng ta đều biết sống có trách nhiệm với anh em thì dòng
đời này sẽ bớt đi những trái ngang, sẽ vơi đi những giọt nước mắt buồn
đau, tủi hờn. Nếu mỗi người chúng ta đều biết đưa vai gánh đỡ gánh nặng
cho anh em, và biết dùng đôi vai làm điểm tựa nâng đỡ anh em, thì cuộc
đời này sẽ là một thiên đàng mà con người đang hưởng nếm những giây phút
ngọt ngào nhất của tình người, của hạnh phúc yêu thương.
Đây
cũng là điều kiện để có được sự sống trường sinh. Vì “ai giữ mạng sống
mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sống
muôn đời.
Nguyện xin Chúa Giêsu mục tử luôn phù hộ nâng đỡ và giúp chúng ta biết sống hiến thân mạng sống vì anh em. Amen.
0 Nhận xét