Những chuyện nóng hơn cả phiên xử bầu Kiên
-Những
sự kiện xảy ra trong tuần tiếp tục cho thấy ngành Y lại ghi điểm liệt
về quản lý. Còn ở những nơi khác, các vị quan chức "nghèo lương tâm" vẫn
tiếp tục ăn chặn tiền dân.
I-Trong
tuần này, diễn ra phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) cùng 08
đồng phạm bị truy tố bởi nhiều tội. Tuy nhiên sức nóng của phiên tòa
hình sự về kinh tế với nhiều nhân vật “nổi tiếng” giờ thành “tai tiếng”,
từng làm điên đảo cả giới tài chính ngân hàng và xã hội, hóa ra không
làm “điên đầu” xã hội bằng cái con virus gây bệnh sởi trẻ em đang hoành
hành. Đến thời điểm này, đã có 112 ca tử vong, một con số đau đớn, với
hơn 8500 ca mắc sốt nghi sởi
Sởi không phải là căn bệnh quá phức
tạp. Hầu như đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Và văcxin ngừa bệnh sởi đã
từng đem lại những kết quả hữu hiệu cho các bé thơ tránh được căn bệnh
này.
Nhưng sự phát triển của một xã hội công nghiệp, trong đó có
môi trường sống đầy biến thái phức tạp, rủi ro, đã dẫn đến những biến
chứng mới mà bản thân ngành y tế chưa thể tiên liệu hết. Trong đó, bệnh
sởi là một ví dụ. Có tới 4,2% trẻ (của gần 2.500 bệnh nhi mắc bệnh sởi)
tiêm đủ 02 mũi vẫn mắc sởi.
Chưa tiên liệu hết thì đừng vội chủ
quan, cho là kiểm soát hết bệnh này, bằng những… con số báo cáo trên
giấy tờ của các địa phương.
Phải nói vậy, vì đến thời điểm này,
khi bệnh sởi lan nhanh, vẫn có một sự nhìn nhận trái ngược nhau giữa các
bệnh viện với cơ quan quản lý Nhà nước- ở đây là Bộ Y tế theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Khiến người dân nghe mà… sái cổ!
Đó là, điểm đặc biệt của bệnh sởi hiện nay, theo PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, diễn
biến khá đặc biệt, có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng.
Khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, nhiều trẻ chưa xác định có bị sởi hay
không đã biến chứng viêm phổi. Dù các bác sĩ đã dùng kháng sinh ngay từ
đầu để điều trị cho trẻ mắc sởi nhưng trẻ vẫn tử vong (VTC News, ngày 14/4).
Trong
khi đó, ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế), ông
Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) đều lại nhận
định, bệnh sởi năm nay không bất thường. Vì để xem xét có bất thường
hay không, cần dựa vào các yếu tố tác nhân gây bệnh có những sự biến
đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gien, thay đổi về độc lực hay
không.
Nỗi đau của gia đình mất con vì bệnh phổi và sởi. Ảnh: Nguyễn Khánh/ TTO
|
Nhưng
liệu có thể coi là bình thường không nếu lượng bệnh nhi tăng nhanh
khủng khiếp. Nhất là số trẻ mắc sởi dưới 09 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao,
khoảng 30-40%. Đây là đối tượng chưa kịp đến độ tuổi tiêm chủng theo quy
định Bộ Y tế, thì bệnh sởi đã kịp… quy định (!) Thậm chí có em bé mới
24 ngày tuổi đã mắc?
Cũng không nên trách gia đình bệnh nhi dồn
hết vào BV Nhi TƯ để có thể gây bội nhiễm. Tâm lý bậc cha mẹ nào cũng
chỉ hy vọng khi đứa con bé bỏng của mình mắc bệnh, có thể được chữa trị ở
những BV điều kiện y tế tốt nhất. Chả lẽ, họ có lỗi trong cái sự tử
vong của con mình?
Có thể coi là bình thường không, trước sinh tử
của trẻ thơ, nếu số liệu của BV Nhi TƯ cho thấy, vụ dịch sởi năm
2009-2010 kéo dài gần 1,5 năm chỉ có hơn 100 trường hợp mắc bệnh, không
có bé nào tử vong. Còn năm nay, bệnh mới phát 04 tháng, đã có 1000 em
phải điều trị nội trú, và 25 trẻ tử vong? Trong khi cũng chính Cục Y tế
dự phòng cho biết, đợt dịch năm 2009, số trẻ dưới 01 tuổi mắc bệnh chỉ
khoảng 8% (so với tổng số trẻ mắc bệnh), năm nay 2014, tăng gấp đôi
(16%).
Và bệnh sởi, một căn bệnh truyền nhiễm, trong bối cảnh bệnh
viện đông đúc, giường bệnh chen chúc, các điều kiện sinh hoạt, vệ sinh
môi trường cực kỳ hạn chế, mà không lan nhanh, mới là sự lạ. Cái khoảng
cách từ bệnh sởi, đến dịch sởi rất gần. Mặc dù đến thời điểm này Bộ Y tế
vẫn chưa công bố có dịch, nhưng trên báo chí, nghiễm nhiên gọi là “dịch
sởi”. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói thẳng “Quy mô bệnh sởi đã ở mức độ
“dịch” (Tuần Việt Nam, ngày 17/4).
Còn theo ông Takeshi Kasai,
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) thế giới tại VN, chỉ cần có 03 ca
bệnh thì theo WHO đã có thể công bố thành dịch. Với tình hình dịch sởi ở
VN, ông Kasai khuyến nghị Bộ Y tế nên đặt tình trạng sởi hiện nay vào
tình huống khẩn cấp và cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình
hình (VietNamNet, ngày 18/4).
Trong khi đó, vẫn ông Trần Đắc Phu trả lời báo CAND onlin, ngày 13/4, “Chưa công bố dịch sởi vì vẫn trong tầm kiểm soát”:
Qua thống kê báo cáo, thấy các trường hợp mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn
so với số người mắc sởi năm 2009-2010. Việc công bố dịch sởi cần căn cứ
vào tình hình dịch bệnh, công bố bệnh truyền nhiễm, trong đó có một tiêu
chí là “bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả….”.
Xin hỏi, 112 ca bệnh, trong đó hầu hết là trẻ em bị tử vong đã là tỷ lệ cao chưa, thưa ông Trần Đắc Phu?
Ngược
lại, bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa (BV Phụ sản HN) cho rằng, việc ngành y tế
khăng khăng nói rằng số lượng năm nay cũng chỉ như năm trước là không
thỏa đáng. Có 03 con số cực kỳ đáng chú ý, mặc dù nó chỉ là phần nổi của
tảng băng, do chúng ta chưa có hệ thống báo cáo chính xác.
Thứ
nhất, số ca mắc sởi hiện lên tới hơn 3000. Thứ hai, đã có hơn hơn 100
trường hợp trẻ tử vong. Tuy Bộ Y tế nói tử vong do sởi chỉ có 25 ca,
nhưng thực tế tất cả những ca bệnh khác có bệnh lý liên quan đến sởi,
đều phải được tính là do sởi. Thứ ba, số ca sởi ngày càng tăng, đây là
tiêu chí quan trọng nhất để công bố có dịch sởi hay chưa.
Nhìn ra
thế giới, có thể thấy, tháng 01/ 2014, chỉ có 37 trường hợp mắc sởi và
01 trẻ em chết tại Guinea, nhưng nước này đã công bố dịch sởi bùng phát.
Và họ yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc
(UNICEF) hỗ trợ lập tức để điều trị, cùng với kế hoạch tiêm văcxin cho
1,6 triệu trẻ em.
Trước đó, tháng 08/2013, với 57 trường hợp sởi
tại Uganda, và 02 trường hợp bị chết do sởi, Bộ Y tế Uganda đã công bố
dịch và hành động tương tự, kêu gọi cả WHO, UNICEF trợ giúp, tiêm văcxin
cho 01 triệu trẻ em. Sau gần 02 tháng, số ca sởi tổng cộng có 129 em,
nhưng không em bé nào bị tử vong. Đó là một thành công về sự khẩn trương
kịp thời đối phó, mang lại hiệu quả, cho dù cả Guinea lẫn Uganda chưa
phải là những quốc gia phát triển.
Ở cả hai nước chậm phát triển
như Guinea và Uganda, họ đã ứng phó rất nhanh, và kịp thời dập tắt dịch
sởi. Trong khi VN phát triển hơn thì ngành y tế vẫn hát ca khúc Đợi
(sởi) một cách ngập ngừng: Anh đến, anh không đến (Huy Thục).
Đáng
chú ý, ngày 15/4 mới đây, Phó TT Vũ Đức Đam xuống thị sát tình hình
bệnh sởi ở BV Nhi TƯ. Người được Chính phủ phân công phụ trách lĩnh vực y
tế lại không được Bộ Y tế báo cáo lên, mà ông chỉ biết và ông cảm ơn,
nhờ có một bác sĩ BV này viết về tình trạng quá nhiều trẻ tử vong do
sởi, đưa lên Facebook. Chỉ khi đó, Bộ Y tế mới báo cáo con số tử vong
của trẻ là 108. Nhiều tờ báo đã phải đặt câu hỏi: “108 trẻ chết do sởi
và biến chứng: Bộ Y tế giấu dịch”? Có “dịch sởi” mà không công bố, gọi
là gì?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhi mắc sởi tại khoa Truyền nhiễm - BV Nhi Trung ương chiều 15/4. Ảnh: V.Đ.T
|
Giấu
hay không giấu, Bộ Y tế biết rõ nhất. Chỉ có hai tình huống đặt ra:
Hoặc bộ này quá quan liêu, bất lực, tư duy quá cứng nhắc kiểu công chức,
quen điều hành trong phòng máy lạnh. Trong khi HN là điểm nóng của dịch
sởi, cũng là nơi đầu não ngành y tọa lạc, thì việc để xảy ra tới hơn
100 bệnh nhi tử vong, có trách nhiệm quản lý nào của Bộ không?
Hoặc “bệnh thành tích” của ngành y cũng quá nặng, mà chưa có thuốc chữa. Có câu cứu bệnh như cứu hỏa,
nhưng sau rất nhiều những vụ việc xảy ra: Tiêm văcxin 5 trong 1 cho
trẻ, tắc mạch ối sản phụ, nhân bản xét nghiệm máu ở BV Hoài Đức, thay
đục thủy tinh thể ở Viện Mắt HN, với việc để tỷ lệ trẻ tử vong cao vì
sởi và biến chứng, ngành y tế tiếp tục ghi điểm… liệt về quản lý trong
con mắt xã hội.
***********
II-
Tuần qua, cũng có một vụ việc, không phải của trẻ em, mà của người lớn,
không liên quan đến sởi và nghi vấn “biến chứng” sởi, mà liên quan đến…
“biến chủng”, nhưng là thứ “biến chủng lương tâm”.
Đó là vụ việc
nhiều quan chức các xã Tiên Thắng, Tiên Cường, Bắc Hưng, Quang Phục…
(huyện Tiên Lãng- Hải Phòng) ăn chặn tiền hỗ trợ của 900 hộ dân. Số tiền
các vị ăn chặn thuộc kinh phí hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông, do UBND
t/p Hải Phòng đã phê duyệt.
Cái sự ăn chặn vừa liều, vừa trắng
trợn, vừa thất đức, mà cũng chả ra khôn ngoan. Trắng trợn, bởi nhiều xã
các vị làm giả hồ sơ, quyết toán khống số tiền được hỗ trợ và không chi
trả cho người dân.
Thất đức bởi số tiền hỗ trợ cho các gia đình
nông dân đâu có lớn, mỗi nhà vài trăm ngàn, vậy mà cũng bị “chặn” đứng
từ … ngoài cửa. Nhưng hài nhất, là một số người dân như ông Phạm Văn
Đãi, ông Ngô Văn Vu ở khu 04, xã Tiên Thắng đều đã mất cách đây chục
năm, vẫn có tên trong danh sách hỗ trợ và đã… ký nhận tiền. Chả lẽ, họ
cũng phải cấy cầy, trồng trọt dưới âm gian?
Vụ việc vỡ lở, hóa ra,
toàn bộ gần 200 chữ ký của người dân trong danh sách đã nhận tiền (của
xã Tiên Thắng) đều là giả mạo, do HTX Tiên Thắng tự lập hồ sơ, giả chữ
ký gửi lên huyện để quyết toán tiền 100 triệu đồng, từ năm 2013. Ngượng
ơi là ngượng! Dân thì bức xúc- các ông ấy liều quá!
Cảnh nghèo của lớp học lưng trời tại Hà Giang. Ảnh: Tiin.vn
|
Cũng
chả biết ông Ngô Ngọc Thuân- Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng có ngượng
không, khi ông thản nhiên thừa nhận đã đồng ý cho HTX Tiên Thắng làm giả
mạo hồ sơ, chữ ký để nhận tiền hỗ trợ. Ông Thuân cũng là người đóng
dấu, ký cọt, để HTX đưa danh sách lên huyện nộp.
Chỉ biết, các quan chức xã Tiên Thắng đã nghiêm túc thực hiện đúng thành ngữ dân gian- dối trên, lừa dưới.
Không
chỉ có Tiên Thắng, cùng chung chí … lớn, còn có các xã Bắc Hưng, Tiên
Cường, Quang Phục, với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng của hơn 700 hộ
dân, cũng với kiểu “nhân bản chữ ký” y sì.
Tuy nhiên, chữ ký giả
nhưng cơ quan chức năng điều tra thật. Được biết mới đây, ông Phạm Văn
Với, chủ nhiệm HTX Tiên Thắng đã bị đình chỉ công việc.
Nhìn ra cả
nước, chuyện cán bộ xã “ăn chặn” của dân hóa ra không phải cá biệt.
Tháng 12 năm 2013, ông Lê Khả Nguyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (Thọ
Xuân- Thanh Hóa) bị bắt tạm giam về hành vi “ăn chặn” tiền chính sách
của dân. Lúc thì nhận hối lộ 200 triệu đồng, lúc trục lợi 569 triệu đồng
đều từ chuyện đất đai, lúc ‘ăn chặn” 129 triệu đồng tiền hỗ trợ người
dân bị thiên tai, bão lụt. Nghĩa là ông tuần chay nào cũng có nước mắt, chỗ nào ăn được là ăn!
Trước
đó, tháng 3/2013, hàng loạt cán bộ xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa- Thanh
Hóa) bị kỷ luật, cách chức, do ăn chặn tiền của dân nghèo với mức từ vài
trăm nghìn đến 3,6 triệu đồng/hộ dân được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà.
Thậm chí mới đây, tháng 4/2014, hàng chục hộ gia đình người có
công với cách mạng ở xã Quảng Phương (Quảng Trạch- Quảng Bình) khiếu nại
vì bị cán bộ xã ăn chặn cả tiền trợ cấp mai táng. Nghe mà thấy còn tệ
hơn cả giới … giang hồ. Mới nhớ câu của một vị quan chức cấp cao của Nhà
nước: Người ta ăn của dân không từ một thứ gì!
Theo báo
Tuổi trẻ, ngày 16/01/2013, nước ta còn còn 2,4 triệu hộ nghèo với
khoảng 10 triệu người đang sống trong cảnh khó khăn. Đương nhiên những
hộ này vẫn còn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền các cấp, và những
nhà hảo tâm với các mức độ khác nhau, giúp họ thoát nghèo.
Thế
nhưng, ở các địa phương, những gia đình nghèo lại còn bị chính các vị
quan chức “ăn chặn”. Dân thì nghèo khổ, các quan chức thì “nghèo” lương
tâm.
Họ cũng là đại diện cho Nhà nước ở cấp cơ sở. Người dân tin
tưởng hay thất vọng với Nhà nước, không phải đi lên tận đẩu tận đâu, mà
nhiều khi chỉ cần nhìn vào hành xử của đội ngũ này với dân ra sao. Tiếc
thay, qua những hành vi chứa mầm bệnh “biến chủng lương tâm” của một số
quan chức, chỉ đem lại cho người dân sự coi thường và bất bình, mất thêm
niềm tin.
Trẻ em và người nông dân nghèo khó hiện vẫn là hai tầng
lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Bệnh sởi và những biến chứng
của nó không biết có được công bố là “dịch” không, nhưng xin đừng để
hiện tượng “ăn chặn” của các quan xã thành một cái “dịch” đáng hổ thẹn
và thảm hại. Một thứ “dịch” của sự “biến chủng lương tâm”, trong thời
kim tiền đang nhảy múa.
Nó nói được rất nhiều- cái sự “vì dân” của quản lý ngành y, và quản lý chính quyền một số cơ sở- ra sao!
Kỳ Duyên
0 Nhận xét