Ai là người đầu tiên đưa ra định nghĩa về sức khoẻ?
Theo nguyenvantuan
Nhân dịp một vị giáo sư khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên trên thế giới đưa ra định nghĩa về sức khoẻ, tôi muốn bàn thêm vài điểm chung quanh phát kiến này. Nói ngắn gọn, rất khó nâng một câu phát biểu đơn giản thành một tư tưởng và khái niệm được. Khái niệm về sức khoẻ có lẽ phức tạp hơn những gì cụ Hồ nói.
Lời
tuyên thệ khi tốt nghiệp của các sinh viên y khoa Việt Nam có phần khác
với sinh viên y khoa nước ngoài. Ở Việt Nam, trong lời tuyên thệ có câu
“Dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, dưới chân dung của Hồ chủ tịch
muôn vàn kính yêu”. Ở nước ngoài, phần lớn trường y dựa vào lời Tuyên
thệ Geneva của Hiệp hội Y khoa Thế giới năm 1948 và những bản được chỉnh
sửa sau đó. Vài năm gần đây thì nhiều trường y khuyến khích sinh viên
tự soạn lời tuyên thệ. Bản Tuyên thệ Geneva và tất cả các bản tuyên thệ
của các trường y của các nước phương Tây không có đề cập đến lãnh tụ
chính trị, nhưng vài bản tuyên thệ có đề cập đến các tổ nghiệp ngành y
(nhưng dần dần cũng không còn).
Sự
xuất hiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản tuyên thệ tốt nghiệp y
khoa có lẽ do nhận thức rằng ông là người đầu tiên đưa ra một định nghĩa
về sức khoẻ. Viết trên báo trực tuyến VNMedia, GS TSKH Phạm Mạnh Hùng
phát hiện rằng Hồ Chí Minh là người “đầu tiên đưa ra định nghĩa về về sức khỏe” (1). Trong bài viết, GS Phạm Mạnh Hùng cho biết năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về sức khỏe như sau: “ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”, và ông cho biết “Đến năm 1976, Tổ chức Y tế lần đầu tiên mới đưa ra định nghĩa về sức khỏe”, và khái niệm về sức khỏe của cụ Hồ “trước Tuyên ngôn Alma Ata gần nửa thế kỷ”
(2). Nếu quả đúng như phát biểu của GS Phạm Mạnh Hùng thì đây quả là
một phát kiến quan trọng, và cần công bố trên các tập san y học thế giới
như New England Journal of Medicine, Lancet, BMJ, v.v. để thế giới ghi nhận đóng góp của cụ Hồ về khái niệm sức khỏe.
Tuy nhiên, tôi e rằng phát kiến trên có vài điều phải bàn thêm. Một câu nói đơn giản của các lãnh tụ trong
một dịp hội thảo hay gặp mặt người dân có thể (hoặc không thể) là tiền
đề cho một học thuyết. Bài nói chuyện của GS Samuel Huntington ở
American Enterprise Institute năm 1992, sau này được khai triển thành
một cuốn sách trên 400 trang và trở thành một học thuyết ngoại giao.
Nhưng cũng có nhiều bài nói chuyện không bao giờ trở thành một học
thuyết, vì có lẽ người phát biểu không có điều kiện hay không có ý định
để nghiên cứu thêm, nên không bao giờ phát triển thành một học thuyết.
Trong
quá khứ, rất nhiều nhà hiền triết từ Đông sang Tây đều có những phát
biểu về sức khoẻ theo cảm nhận của họ. Sức khoẻ là một khía cạnh sống dễ
được cảm nhận vì nó gần gũi với cá nhân. Hàng ngàn năm trước, các danh y
Đông phương đã nghĩ đến sức khoẻ như là một tình trạng lành mạnh về thể
chất và tinh thần. Nhưng đó chỉ là những nhận xét, những cảm nhận trực
tiếp, chứ chưa có cơ sở khoa học và chưa được triển khai thành học
thuyết hay khái niệm (concept). Để trở thành một khái niệm, tác giả cần
phải triển khai ý tưởng một cách chi tiết, dựa trên cơ sở lí thuyết và
khoa học, và có khả năng phản nghiệm, chứ không chỉ đơn giản vài lời
nói.
Định
nghĩa về sức khoẻ mà thế giới công nhận được “thai nghén” bởi Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO) từ năm 1946. Nhưng đến năm 1948 thì mới được công bố
(3). Theo định nghĩa của WHO, sức khoẻ (health) là trạng thái hoàn toàn
lành mạnh về thể chất, tinh thần, và quan hệ xã hội, chứ không phải đơn
thuần không mắc bệnh hay ốm yếu (“a state of complete physical, mental, and social well-being and not merely the absence of disease or infirmity”).
Tuyên ngôn về sức khoẻ của WHO là một công trình lí thuyết được nghiên
cứu rất kĩ, soạn thảo rất cẩn thận, sau khi đã tham khảo rất nhiều các
chuyên gia về y tế, các nhà xã hội học, và lấy ý kiến của công chúng.
Định nghĩa này dài gần 20 trang, và đã trải qua 45 lần chỉnh sửa.
Dù
đã được chỉnh sửa rất nhiều lần nhưng nhiều chuyên gia vẫn chưa xem
định nghĩa về sức khoẻ của WHO là hoàn chỉnh. Một trong những vấn đề của
định nghĩa của WHO là chữ “complete” (hiểu theo nghĩa “hoàn toàn” –
hoàn toàn lành mạnh) (4). Trong thực tế thì không một ai mà không có vấn
đề về sức khoẻ, hoặc về thể chất, hoặc tinh thần, hoặc căng thẳng ngoài
xã hội. Định nghĩa về sức khoẻ của WHO vô hình chung làm cho đại đa số
chúng ta đều … có bệnh hay không khoẻ mạnh. Định nghĩa của WHO cũng vô
tình y khoa hoá xã hội, biến xã hội phụ thuộc vào thuốc, và đó
là một khía cạnh tiêu cực. Do đó, định nghĩa này không thể thực hiện
được và cũng không thể đo lường hay đánh giá được.
Một
trong những định nghĩa (hay khái niệm) về sức khoẻ được nhiều chuyên
gia bàn luận nhiều là khả năng thích ứng (5). Theo khái niệm mới, sức
khoẻ nên được hiểu là khả năng thích ứng và tự quản trước những thách
thức về thể chất, tinh thần, và quan hệ xã hội. Thay vì định nghĩa “hoàn
toàn lành mạnh”, định nghĩa mới nhấn mạnh đến “khả năng thích ứng và tự
quản”. Khả năng thích ứng với thách thức về thể chất là duy trì một
tình trạng quân bình sinh lí trong điều kiện môi trường bị thay đổi.
Đối với khía cạnh tâm thần, khả năng thích ứng đề cập đến năng lực đối
phó, phục hồi, và ngăn ngừa các tổn hại và căng thẳng về tâm lí và rối
loạn tâm lí. Về khía cạnh xã hội, khái niệm mới về sức khoẻ đề cập đến
khả năng quản lí cuộc sống với một mức độ độc lập nào đó, và qua thích
ứng tốt với bệnh tật, cá nhân có thể tham gia vào các hoạt động xã hội
và cảm thấy khoẻ mạnh. Kết quả của khái niệm mới về sức khoẻ có thể định
lượng.
Câu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nói là khá chung chung, rất khó xem đó là một triết lí hay khái niệm được. Những ý như “Khí huyết lưu thông và tinh thần thoải mái”
có thể hiểu một cách hẹp (vd: “khí huyết” là không tính đến sức khoẻ
của xương?), nhưng cũng có thể hiểu rộng hơn (vd: “khí huyết” là ám chỉ
thể chất). Vả lại, câu đó không nói gì đến khía cạnh xã hội, vốn là một
phần trong định nghĩa về sức khoẻ của WHO. Do đó, nếu không có triển
khai gì thêm câu văn đó, rất khó mà hiểu đó có phải là một định nghĩa
hoàn chỉnh. Như đề cập trên, các nhà hiền triết ở Hi Lạp, Tàu, Ấn Độ,
và VN (Hải Thượng Lãn Ông) đã viết về sức khỏe như thế, nhưng đó không
phải là những khái niệm hay định nghĩa, mà chỉ là cảm nhận. Do đó, cho
rằng cụ Hồ là người đầu tiên đưa ra khái niệm về sức khỏe thì tôi e rằng
ngay cả ông cụ nếu còn sống cũng không dám nhận.
Chi chú:
(1) “Ai là người đưa ra định nghĩa về sức khoẻ” của GS TSKH Phạm Mạnh Hùng:
(2)
Thật ra, Tổ chức Y tế Thế giới công bố định nghĩa về sức khoẻ năm 1948,
chứ không phải năm 1976. Còn Tuyên bố Alma-Ata được công bố vào tháng
12/1978, chứ không phải sau gần nửa thế kỉ bài báo của Chủ tịch Hồ Chí
Minh (năm 1946). Thật ra, cụ Hồ chỉ nói đến thể chất (?) và tinh thần,
chứ chưa nói đến xã hội như tác giả viết.
(3) Có thể xem nguyên văn tuyên ngôn của WHO về sức khỏe ở đây: http://www.who.int/governance/eb/who_constitution_en.pdf
(4) Xem bài phê bình định nghĩa của WHO trên BMJ ở đây:
How should we define health? BMJ 2011; 343 doi: http://dx.doi.org/10.1136/bmj.d4163
(5) What is health? The ability to adapt. Lancet 7/3/2009 (page 781).
0 Nhận xét