Thụy My
Một sĩ quan cảnh sát biển Việt Nam trên tàu tuần duyên
gần khu vực giàn khoan trái phép HD-981 của Trung Quốc, ngày
14/05/2014. REUTERS/Reuters T
|
Chỉ trong vài ngày, lá thư yêu cầu lãnh đạo Việt Nam đưa vấn đề giàn
khoan HD-981 của Trung Quốc và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa ra trước tòa
án quốc tế đến hôm nay 17/05/2014 đã thu thập được trên 3.000 chữ ký từ
khắp nơi, trong đó có nhiều nhân vật tên tuổi.
Lá thư đề ngày 14/05/2014 gởi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan HD-981 trên Biển Đông ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã chà đạp lên các luật lệ, quy định quốc tế. Cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên Biển Đông năm 2002, và Thỏa thuận Việt-Trung về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển năm 2011.
Những người ký tên đòi hỏi Việt Nam cần phải đưa vấn đề giàn khoan HD-981 ra cơ chế tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trọng tài sẽ yêu cầu Trung Quốc không được đơn phương khoan dầu, và phải giải quyết tranh chấp với Việt Nam.
Song song đó, Việt Nam nên chính thức yêu cầu Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa án Công lý Quốc tế. Nếu chính quyền Bắc Kinh đồng ý, Việt Nam có nhiều hy vọng đòi lại Hoàng Sa. Còn nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối, vấn đề quần đảo Hoàng Sa mặc nhiên được quốc tế biết đến nhiều hơn, và sẽ thấy rõ Trung Quốc trốn tránh các giá trị văn minh của nhân loại.
Lá thư kết luận, quyết định chính thức nộp đơn kiện và đưa ra tòa án quốc tế sẽ ngăn chận được Bắc Kinh lấn tới trên Biển Đông. Trung Quốc không thể đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt, không thể ngang ngược khoan dầu trong vùng biển Việt Nam. Quyết định này vì những thế hệ cha ông đã đổi mồ hôi nước mắt và cả máu cho Hoàng Sa, những chiến sĩ hy sinh năm 1974, và những thủy thủ đang dấn thân bảo vệ vùng biển Việt Nam ngay trong giờ phút này.
0 Nhận xét