Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae)
của Ðức Thánh Cha Phaolô VI
25 Tháng 7 Năm 1968
(tiếp theo)
III. Những Hướng Dẫn Mục Vụ
Giáo Hội Là "Mẹ Và Là Thầy"
19. Lời nói của Ta sẽ không bộc lộ chân thành tư
tưởng và lòng thiết tha của Giáo hội là Mẹ và là Thầy dạy các dân nước, nếu Ta
chỉ nhắc nhở con người tôn trọng và tuân giữ lề luật của Thiên Chúa về vấn đề
hôn nhân, mà không khuyến khích họ cố gắng noi theo phương pháp điều hòa sinh
sản một cách chân chính, dầu gặp phải những trở ngại đang gây nhiều khó khăn
cho các gia đình và các dân tộc. Quả vậy, đối với con người, Giáo hội không có
quyền có một thái độ khác với thái độ của Chúa Cứu chuộc: Giáo hội thấu hiểu sự
yếu hèn, thông cảm tình trạng của đám đông và sẵn sàng tiếp rước người tội lỗi;
song Giáo hội không thể từ bỏ việc rao giảng lề luật, thứ luật của đời sống
nhân loại đã khôi phục lại được nền chân lý nguyên thủy và tiến bước trong tinh
thần Thiên Chúa (Rm 8).
Lề luật Chúa có
thể tuân giữ được
20. Nhiều người sẽ cho học thuyết Giáo hội về vấn đề
điều hòa sinh sản là một việc khó khăn không tuân giữ nổi. Ta công nhận rằng lề
luật trên đây, cũng như hết mọi thực tại lớn lao và hữu ích, thường đòi hỏi cá
nhân, gia đình và xã hội phải tận tâm cố gắng trong việc thi hành. Hơn thế nữa,
Ta còn có thể nói rằng, nếu không có ơn Thiên Chúa nâng đỡ, thêm sức mạnh cho,
con người sẽ không sao tuân hành được. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, ta sẽ thấy rằng,
sự cố gắng của con người trong lãnh vực này sẽ làm cho họ trở thành cao quý và
phong phú hóa thực sự cho cộng đồng nhân loại.
Làm chủ lòng
mình
21. Muốn điều hòa sinh sản của một cách đúng đắn,
trước hết các người phối ngẫu phải tin tưởng mạnh mẽ vào chân giá trị của đời
sống, của gia đình và phải tập luyện thế nào để có thể hoàn toàn làm chủ lòng
mình. Việc dùng lý trí và ý muốn tự do để làm chủ bản năng lẽ tất nhiên đòi hỏi
phải có một đời sống thiêng liêng đặc biệt, vì chỉ có thế đôi vợ chồng mới có
thể biểu lộ một cách tốt đẹp tình thương yêu trong hôn nhân, đặc biệt trong
việc hạn chế sử dụng tình yêu trong từng thời kỳ.
Kỷ luật của đời
sống thanh tịnh giữa hai người phối ngẫu không hề làm suy giảm tình yêu trong
hôn nhân, trái lại, còn làm cho hôn nhân ấy tăng thêm giá trị nhân bản. Kỷ luật
này đòi hỏi bậc vợ chồng phải luôn luôn cố gắng, nhưng nó có một ảnh hưởng tốt
đẹp và giúp cho hai người phối ngẫu phát triển toàn diện nhân vị mình và được
phong phú hóa bằng các giá trị siêu nhiên. Chính nhờ đó, đời sống gia đình sẽ
trở nên thanh tao, hòa hiệp giúp vợ chồng giải quyết dễ dàng các vấn đề khác.
Cũng chính nhờ đó, người bạn sẽ lưu tâm đến người phối ngẫu của mình và cả đôi
bên sẽ tránh được tính ích kỷ là một yếu tố làm hại tình yêu chân chính, đồng
thời tinh thần trách nhiệm của hai người sẽ có dịp tăng thêm. Bậc cha mẹ nhờ
tuân giữ kỷ luật này, sẽ tạo được một ảnh hưởng tốt đẹp mỹ mãn hơn trong việc
giáo dục con cái: vì các trẻ em và thiếu niên lớn lên trong tinh thần tôn trọng
các giá trị nhân bản, và có hoàn cảnh thuận tiện để phát triển các khả năng
thiêng liêng và cảm xúc của mình.
Việc tạo ra một
bầu không khí thuận tiện cho Ðức Thanh Khiết
22. Ta muốn nhân dịp này nhắc nhở các nhà giáo dục
và những người có trách nhiệm đối với lợi ích công cộng lưu tâm một bầu không
khí thuận tiện cho việc giáo dục về đức thanh khiết, nghĩa là giúp cho mọi
người tôn trọng trật tự luân lý để sự tự do, một thứ tự do chân chính, chiến
thắng sự buông tuồng trụy lạc.
Tất cả những
phương tiện truyền thống xã hội nào có ý kích thích tình dục, suy đồi phong
hóa, cũng như tất cả mọi hình thức trụy lạc, những hình ảnh, trình diễn khiêu
dâm đều không thể chấp nhận, và những ai còn tha thiết với nền văn minh tiến bộ
đều có nhiệm vụ chống đối để bảo vệ những lợi ích tối thượng của tinh thần con
người. Tìm cách bào chữa cho những sự kiện, hiện tượng sa đọa ấy với những lý
do nghệ thuật khoa học (Inter Mirifica của Công đồng Vatican II) hoặc vịn cớ
Chính phủ tự do chứ không cấm đoán là một việc làm, một luận cứ vô vọng, vô ý
thức.
Lời kêu gọi các
nhà cầm quyền
23. Với các nhà cầm quyền, với những người có trách
nhiệm chính yếu và có khả năng bảo vệ giá trị luân lý, Ta lên tiếng kêu gọi:
xin quý vị đừng để nền luân lý của dân tộc mình trở thành đồi trụy; xin quý vị
đừng để những tập quán sa đọa, ngược với luật thiên nhiên và luật Chúa, xâm
nhập vào các gia đình là thành phần cấu tạo cốt yếu của xã hội. Các cơ quan
chính quyền có thể và có nhiệm vụ cộng tác tham dự vào giải quyết vấn đề dân số
bằng những phương pháp và đường lối chính đáng, bằng cách ấn định một chính
sách gia đình được dự tính hóa từ trước, bằng cách ấn định một chương trình
công dân giáo dục thật khôn ngoan, bằng cách tôn trọng lề luật luân lý cũng như
quyền tự do của các công dân.
Ta cũng nhận thức
rõ ràng những khó khăn gai góc mà các chính quyền gặp phải trong lãnh vực này,
nhất là trong trường hợp của những quốc gia đang đi trên đà phát triển. Vì thế
Ta đã dành riêng bức thông điệp Populorum Progressio để bình luận về những
trường hợp ấy. Tuy nhiên, Ta cần nhắc lại nơi đây lời nhắn nhủ của Ðức Gioan
XXIII, vị tiền nhiệm của Ta: "Không thể giải quyết khó khăn trở ngại bằng
những phương pháp và đường lối bất xứng với nhân phẩm, vì chúng thường căn cứ
trên một quan niệm hoàn toàn vật chất về bản thể và đời sống con người. Phương
pháp duy nhất để giải quyết vấn đề trong chính sự phát triển kinh tế, tiến hóa
xã hội và căn cứ trên tinh thần tôn trọng các giá trị nhân bản chân chính, về
cá nhân cũng như về xã hội" (Thông điệp Mater et Magistra). Thật không có
gì vô lý và bất công hơn là quy trách nhiệm cho Thiên Chúa quan phòng những sự
việc xảy ra hoàn toàn do một nền cai trị thiếu khôn ngoan, chiếm hữu ích kỷ
hoặc thái độ ươn hèn, ngại khó khăn hy sinh, không chịu cố gắng nâng cao mức
sống của dân tộc và các công dân (Thông điệp Populorum Progressio).
Ta thiết tha mong
ước các chính quyền hữu trách nhiệt thành và rộng rãi tăng gia nỗ lực, như một
số các cơ quan công quyền đã làm một cách rất đáng khâm phục, Ta cũng mong ước
các thành phần của đại gia đình nhân loại thêm phần trợ lực lẫn nhau; và đây là
một lãnh vực hoạt động hết sức rộng rãi đang chờ đợi sự tham gia của các cơ cấu
tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.
Lời kêu gọi các
nhà bác học
24. Tới đây Ta muốn lên tiếng khuyến khích các nhà
bác học, là những người vốn "dồi dào khả năng để cộng tác nghiên cứu, khám
phá thêm những điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa một cách chính đáng vấn đề
sinh sản hầu giúp cho hôn nhân trở thành tốt đẹp, cho các gia đình được yên
vui, cho các lương tâm đỡ khắc khoải" (Hiến chế Mục vụ "Vui Mừng Và
Hy Vọng" - Gaudium et Spes, số 52). Ðặc biệt, như Ðức Piô XII đã có lần
biểu lộ, Ta mong ước cho y khoa thành công trong việc khám phá, ấn định được
những tiêu chuẩn chắc chắn về các chu kỳ tự nhiên của con người, hầu giúp cho
các đôi vợ chồng có thể căn cứ vào đó và vững tâm tuân giữ để điều hòa sinh
sản. Và với công tác đó, các nhà bác học, đặc biệt là các nhà bác học Công
giáo, có thể chứng minh bằng những sự việc rõ ràng lời giáo huấn sau đây của
Giáo hội là: "giữa những lề luật do Thiên Chúa ấn định để lưu truyền đời
sống và các lề luật bảo vệ tình yêu trong hôn nhân, không gì mâu thuẫn cả"
(Hiến chế mục vụ "Vui Mừng Và Hy Vọng" - Gaudium et Spes, số 51).
Lời kêu gọi các
đôi vợ chồng Kitô giáo
25. Tới đây, Ta lên tiếng kêu gọi thẳng các con cái
của Giáo hội, đặc biệt là những người Thiên Chúa đã chọn sống trong bậc vợ
chồng. Các con nên nhớ rằng, Giáo hội không phải chỉ trình bày những đòi hỏi
của lề luật Thiên Chúa, mà còn tuyên bố ơn cứu rỗi, dùng các phép bí tích để mở
rộng con đường của ơn thánh, là ơn làm cho con người đã trở nên một tạo vật mới
đủ khả năng thực hiện trong tinh thần tự do và yêu mến ý định của Ðấng Tạo hóa,
đồng thời cũng là Ðấng Cứu chuộc, và nhận thấy ách của Chúa Kitô thật là êm ái
nhẹ nhàng. (Mt 11,30).
Chớ gì các đôi vợ
chồng Kitô giáo tuân theo tiếng Chúa gọi, nhớ kỹ rằng thiên chức Kitô hữu của
mình bắt đầu từ ngày chịu phép Rửa tội, để rồi được xác nhận rõ ràng thêm khi
chịu Bí tích hôn phối. Nhờ phép Bí tích này các người phối ngẫu trở thành vững
mạnh để chu toàn nhiệm vụ của mình, để thực hiện sứ mạng của mình một cách hoàn
hảo, để trở thành người chứng nhân xứng đáng về Kitô giáo trước mặt thế gian
(Hiến chế mục vụ "Vui Mừng Và Hy Vọng" - Gaudium et Spes, số 18, Hiến
chế tín lý "Ánh Sáng muôn Dân" - Lumen Gentium, số 35). Họ chính là
những người đã được Thiên Chúa giao cho trách vụ biểu lộ tính chất thánh thiện
và sự êm dịu của lề luật liên kết hai sự việc tình yêu giữa hai người phối ngẫu
và việc họ cộng tác với Thiên Chúa tình yêu tạo dựng đời sống con người.
Ta không có ý che
giấu các khó khăn, nhiều khi hết sức gai góc, mà các đôi vợ chồng Kitô hữu
thường xuyên gặp phải: đối với họ, cũng như đối với mọi người. Ta muốn nói:
"Cửa dẫn vào sự sống thì chật, đường đưa tới sự sống thì hẹp" (Mt
7,14; Dt 12,11). Nhưng Ta tin rằng viễn ảnh của sự sống đó sẽ chiếu sáng đường
lối, và nếu họ nhớ rằng "Thế gian này sẽ qua đi" (I C 7,31), họ sẽ đủ
can đảm vượt mọi khó khăn để sống một cách khôn ngoan, công chính và sốt sắng
trong thời gian hiện tại (Tt 2,12).
Chớ gì các đôi vợ
chồng cố gắng mỗi khi cần thiết, đồng thời trông cậy vào sức mạnh của Ðức Tin,
Ðức Cậy là những nhân đức "không hề lừa dối ai, vì Thiên Chúa đã ban cho
chúng ta Chúa Thánh Thần là Ðấng tràn đầy tình yêu Chúa vào tâm hồn chúng
ta" (Rm 5,5). Chớ gì họ kiên trì cầu xin Chúa ban ơn hộ giúp; nhất là chớ
gì họ tìm kiếm trong Phép Thánh Thể nguồn mạch ơn Thánh và đức bác ái. Và nếu
tội lỗi vẫn đè nén trên họ, họ đừng có thất vọng, hãy nhẫn nại khiêm tốn xin
Chúa mở lòng từ bi thương xót tha thứ bằng phép Bí tích giải tội. Chỉ có thế,
họ mới thực hiện nổi trọn vẹn đời sống hôn nhân đúng như Thánh Phaolô đã viết
trong thư gửi dân thành Êphêsô (5,25.28-29.32-33), "Hỡi các người chồng,
hãy yêu vợ mình như Chúa Kitô đã yêu Giáo hội. Các người chồng phải yêu vợ như
chính thân xác mình. Vì yêu thương vợ là yêu thương chính mình. Mà ta thấy rằng
không ai ghét thân xác mình bao giờ; họ nuôi dưỡng, coi sóc, gìn giữ y như Chúa
Kitô đã làm đối với Giáo hội... Nhiệm tích này thật là vĩ đại so sánh với Chúa
Kitô và Giáo hội. Nhưng về phần anh em, chớ gì mỗi người hãy yêu vợ như yêu
chính mình và chớ gì người vợ hãy kính trọng chồng mình!"
Việc Tông đồ
giữa các gia đình
25. Trong số các hậu quả tốt đẹp của việc trung
thành với lề luật Thiên Chúa, hậu quả quý báu nhất chính là việc thường khi
chính các người phối ngẫu cảm thấy nên truyền thông kinh nghiệm của mình cho
người khác. Do đó, trong lãnh vực tông đồ giáo dân, ta thấy phát hiện một hình
thức mới mẻ và đặc biệt: Ở đây chính các gia đình trở thành Tông đồ và đứng ra
hướng dẫn các gia đình khác. Và không ai phủ nhận rằng, đây là một hình thức Tông
đồ thích thời nhất hiện nay (Hiến chế tín lý "Ánh Sáng Muôn Dân" -
Lumen Gentium, số 35 và 41; Hiến chế Mục vụ "Vui Mừng Và Hy Vọng" -
Gaudium et Spes, số 48-49).
Lời kêu gọi các
Bác sĩ và nhân viên Y tế
27. Ta thành thật ngưỡng mộ các bác sĩ và các nhân
viên ngành y tế đã biết tuân theo các yêu sách của thiên chức người Kitô hữu
trong khi thi hành chức vụ, và đặt quyền lợi loài người dưới quyền lợi siêu
nhiên. Chớ gì họ tiếp tục đưa ra mỗi khi cần thiết những biện pháp căn cứ trên
Ðức Tin, lý trí chân chính và hãy tìm cách tuyên truyền giải thích cho giới của
mình tin tưởng và tôn trọng các biện pháp ấy. Ta cũng mong ước họ sẽ dùng hết
lương tâm chức nghiệp, phát minh những sự kiện mới về khoa học liên quan đến
lãnh vực tế nhị này và giúp các đôi vợ chồng tới thăm bệnh những ý kiến khôn
ngoan và ngay chính.
Lời kêu gọi các
Linh mục
28. Hỡi các Linh mục, đoàn con yêu dấu của Ta, thiên
chức đã đặt chúng con làm cố vấn và làm người hướng dẫn thiêng liêng của cá
nhân cũng như của các gia đình. Giờ đây, Ta đặt tất cả lòng tin tưởng nơi chúng
con. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng con, nhất là những người phụ trách giảng dạy
khoa luân lý thần học, là thẳng thắn trình bày nền giáo huấn của Giáo hội liên
quan đến hôn nhân. Trong khi thi hành giáo vụ, chúng con hãy xung phong nêu
gương chứng tỏ mình hoàn toàn chấp nhận, trong tâm trí cũng như bên ngoài, lời
chỉ dẫn của giáo quyền. Chúng con cũng biết rằng, tinh thần chấp nhận ấy không
phải chỉ vì những lý do, luận cứ dã nêu ra riêng đây, mà vì chúng con đã được
ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, dành riêng cho các vị chủ chiên trong việc trình
bày và giải thích chân lý (Hiến chế tín lý "Ánh Sáng Muôn Dân" -
Lumen Gentium, số 25). Chúng con cũng biết rằng, muốn cho các lương tâm được
yên ổn, muốn bảo vệ tính chất thống nhất của dân Kitô giáo, chúng con cần phải
hoàn toàn vâng phục lời chỉ dẫn của giáo quyền, không phải chỉ trong lãnh vực
Tín lý mà cả trong lãnh vực Luân lý nữa; chúng con cần phải cùng chung một ý
kiến, cùng nói một tiếng nói. Vì thế, Ta dùng lời của Thánh Cả Tông đồ Phao lô
để thiết tha kêu gọi chúng con: "Hỡi anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô
Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy cùng có một tình cảm; chớ gì anh em đừng
chia rẽ, trái lại, hãy hợp nhất trong cùng một tinh thần và một tư tưởng"
(1C 1,10).
29. Một hình thức bác ái cao siêu hơn cả là đừng tìm
cách dấu diếm giáo lý của Chúa Kitô. Nhưng trong việc này, ta cần phải giữ đức
nhẫn nại và nhân từ như chính Chúa đã làm gương trong cách đối xử với người
đồng thời. Chúa đã đến không phải để xét đoán, nhưng để cứu rỗi (Ga 3,17): Chúa
đã giữ thái độ quyết liệt đối với sự dữ, nhưng trái lại, đã tỏ lòng nhân từ đối
với con người. Khi gặp các gian nan thử thách, chớ gì các đôi vợ chồng luôn tìm
được nơi tâm hồn và tiếng nói của Linh mục, hình ảnh và tiếng vang của tình yêu
cũng như lời nói của Chúa Cứu Chuộc.
Hỡi đoàn con yêu
dấu, chúng con hãy nói lên một cách tin tưởng, hãy vững tin nơi Chúa Thánh
Linh, vì không những Người chỉ soi sáng giáo quyền trong công tác trình bày
Giáo lý, mà đồng thời cũng soi sáng nội tâm người Kitô hữu để giúp họ sốt sắng
chấp nhận giáo lý đó. Chúng con hãy dạy cho các đôi vợ chồng con đường thiết
yếu của lời cầu nguyện, hãy chuẩn bị tập luyện giúp họ thường xuyên và tin
tưởng tìm đến các Phép Bí tích Thánh thể và Giải tội, và đừng có bao giờ thất
vọng trước sự yếu đuối của con người.
Lời kêu gọi các
vị Giám mục
30. Chư huynh đáng kính trong hàng Giám mục, các vị
là những người cùng mang như Ta niềm lo âu đối với lợi ích thiêng liêng của dân
Chúa; tới đây là phần kết luận của bức Thông điệp; và Ta đặc biệt nghĩ tới các
vị với tất cả tấm lòng thương mến quý trọng. Ta khẩn thiết kêu gọi Quý vị hãy
hướng dẫn các Linh mục (là cộng tác viên của mình) và giáo dân, hăng hái và
không ngừng hoạt động để bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân, để nó luôn luôn
giữ được trọn vẹn tính chất nhân bản và Kitô giáo của mình. Các vị hãy coi đó
là một trong những trách vụ khẩn thiết của giai đoạn hiện tại. Các vị tất nhiên
cũng biết rằng: trách vụ đó bao gồm việc hoạt động mục vụ trong tất cả mọi lãnh
vực sinh hoạt của con người: kinh tế, văn hóa và xã hội; quả vậy phương pháp
duy nhất là phải đồng loạt cải thiện các lãnh vực trên đây để giúp cho đời sống
của cha mẹ, con cái trong gia đình, không những dễ thở, mà còn hạnh phúc, sung
sướng hơn, để giúp cho cuộc sống chung trong xã hội trở nên thân hữu và an bình
hơn, và tất cả đều sẵn sàng theo ý định chương trình của Thiên Chúa đối với
trần gian.
Lời kêu gọi cuối
cùng
Chư huynh đáng
kính. Các con yêu dấu,
31. Những người thiện tâm thiện chí, Ta kêu gọi tất
cả hãy tham dự vào một công cuộc giáo dục, tiến bộ và tình yêu vĩ đại, căn cứ
trên nền tảng lời giáo huấn của Giáo hội mà người kế vị Thánh Phêrô và các anh
em trong hàng Giám mục là người có nhiệm vụ giữ gìn và giải thích. Quả vậy, Ta
tin chắc rằng, đây là một công cuộc vĩ đại đối với thế giới cũng như đối với
Giáo hội, lý do vì con người chỉ có thể tìm được chân hạnh phúc mà họ luôn luôn
thiết tha mong muốn bằng cách tôn trọng các lề luật Thiên Chúa đã ghi khắc
trong bản tính con người và có nhiệm vụ phải tuân hành với tất cả lý trí và
tình yêu, Ta nguyện xin ơn Chúa xuống tràn đầy công cuộc này và trên anh em,
đặc biệt là trên các đôi vợ chồng; và để chứng tỏ lòng từ bi Thiên Chúa, Ta ban
cho tất cả Phép lành Tòa Thánh.
Ðền Thánh Phêrô,
Rôma ngày 25 tháng 7, lễ Thánh Giacôbê Tông Ðồ, năm 1968, năm thứ sáu triều
Giáo hoàng của Ta.
* Bản
dịch của Lm. Phan Du Sinh, Senatus Saigon xuất bản năm 1969 )
* Bản dịch do Senatus Saigon xuất
bản năm 1969 trong tập Công Ðồng Chung Vatican II, có chỉnh sửa một vài từ)
0 Nhận xét