Theo phamdoantrang
New York Times: Về tình hình phức tạp trên Biển Đông
Ngày
9/5/2014, tờ New York Times đã có một bài xã luận (editorial) nêu quan điểm của
tòa soạn về tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông (nguyên văn tiếng Anh
là South China Sea – biển Hoa Nam). Bạn đọc lưu ý bài viết có xu hướng phê phán
Trung Quốc, chẳng hạn, Ban Biên tập New York Times nhận định rằng: “Nếu Trung
Quốc thật sự tin rằng họ có quyền khoan dầu gần Việt Nam, thì họ việc gì phải sợ
bảo vệ yêu sách của mình trong khuôn khổ cơ chế giải quyết tranh chấp đã được quốc
tế công nhận này”.
Trung
Quốc đã làm căng thẳng trên Biển Đông gia tăng một cách nguy hiểm, bằng việc
triển khai dàn khoan đầu tiên đến khu vực tranh chấp mà Việt Nam cũng tuyên bố
chủ quyền. Động thái này của Trung Quốc chắc chắn làm cho các nước trong khu vực
cảm thấy càng bị đe dọa hơn trước những yêu sách chủ quyền bành trướng của Bắc
Kinh. Dàn khoan thuộc sở hữu của một công ty dầu khí quốc doanh, và nó được đặt
ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 2/5. Sau khi bị Việt Nam phản
đối, Trung Quốc liền điều động 80 tàu đến khu vực; Hà Nội đáp trả bằng cách đưa
35 tàu tới để ngăn dàn khoan vận hành.
Tình
hình leo thang vào hôm thứ năm, 8/5, khi Việt Nam lên án Trung Quốc đâm và phun
vòi rồng vào một số tàu của Việt Nam. Cùng ngày, một quan chức Bộ Ngoại giao
Trung Quốc buộc tội Việt Nam đụng tàu Trung Quốc tổng cộng 171 lần trong bốn
ngày. Quan chức nọ cũng lý luận rằng việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước
cho thấy họ đã kiềm chế tới mức tối đa, và hành động đó của họ là chính đáng bởi
vì dàn khoan nằm trong “vùng nước lịch sử cố hữu” của Trung Quốc. Ngày hôm sau,
Bắc Kinh phê phán Mỹ, cho là Mỹ khuyến khích lối hành xử của Việt Nam.
Lập
luận phản bác của Trung Quốc không thuyết phục, bởi vì nếu họ không triển khai
dàn khoan thì đã chẳng có xung đột. Việt Nam cho biết dàn khoan được đặt trên
vùng thềm lục địa mà tại đó Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đảm bảo cho Việt
Nam độc quyền khai thác các mỏ hydro-cacbon và khoáng chất. Trung Quốc phản đối
luận điểm của Việt Nam, và họ vốn vẫn đòi chủ quyền trên phần lớn Biển Đông,
con đường mậu dịch quan trọng sống còn của thế giới. Kết cục là, Trung Quốc hiện
cũng đang có tranh chấp với Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan, tất cả đều
có lợi ích đối kháng trong vùng biển, đảo và đá này.
Một số
chuyên gia cho rằng Trung Quốc triển khai dàn khoan bởi vì mới đây người ta đã
phát hiện những mỏ dầu và khí tự nhiên ở gần đó. Nhưng động thái của Trung Quốc
cũng có thể gây một phản ứng ngược từ Tổng thống Mỹ Obama, khi mà ông Obama
đang chú trọng nhiều hơn đến châu Á. Trong một chuyến thăm châu Á gần đây,
Obama nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ các quần đảo đang bị tranh chấp ở biển Hoa Đông căn
cứ vào hiệp ước an ninh của Washington với Nhật Bản, và Mỹ đã củng cố một cam kết
khác với Philippines. Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp hàng hải,
song luôn khẳng định rằng xung đột phải được giải quyết một cách hòa bình.
Hôm
thứ năm, Trung Quốc ngỏ ý đàm phán với Việt Nam nhưng chỉ là sau khi các tàu đã
được rút hết (bài viết không nói rõ là bên nào phải rút tàu đi – ND). Hồi tháng
3, Philippines – quốc gia vốn vẫn thường xuyên va chạm với Trung Quốc xung
quanh vấn đề tranh chấp biển đảo trên Biển Đông – đã đưa đơn kiện Trung Quốc ra
tòa trọng tài quốc tế The Hague, căn cứ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển,
trong vụ Trung Quốc tranh chấp một đảo san hô nhỏ xíu với Philippines. Việt Nam
cũng nên theo đuổi một giải pháp tương tự. Mặc dù là nước tham gia ký Công ước,
nhưng Trung Quốc luôn tránh đưa các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ra tài
phán quốc tế. Nếu Trung Quốc thật sự tin rằng họ có quyền khoan dầu gần Việt
Nam, thì họ việc gì phải sợ bảo vệ yêu sách của mình trong khuôn khổ cơ chế giải
quyết tranh chấp đã được quốc tế công nhận này.
Trong
bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng, Việt Nam và các nước láng giềng
cần có một phản ứng đoàn kết, thống nhất. Mội phiên hội nghị thượng đỉnh của
các nước Đông Nam Á, tổ chức tại Myanmar cuối tuần này, sẽ là dịp để khối ASEAN
đưa ra một phản ứng như thế. Họ nên ủng hộ cả việc sử dụng tòa án The Hague để
phân xử các yêu sách về biển đảo, trong khi vẫn giữ khả năng có các dự án khai
thác dầu và khí đốt chung với Trung Quốc.
Chú thích ảnh của AP: |
Hình ảnh
này lấy từ một video do cảnh sát biển Việt Nam cung cấp: Thành viên đội tàu kiểm
ngư của Việt Nam đứng bên mạn con tàu với dấu vết thiệt hại do bị một tàu Trung
Quốc đâm vào, thứ tư, 7/5/2014.
0 Nhận xét