Tâm lý 'kẻ xấu phải chết' của người Việt
TMSS: Sự sống cao quý. Xin đừng loại bỏ nó đi vì bất cứ lý do gì. Dù là chính người đó xin ta giúp họ dưới bất kể hình thức nào. Nhưng có lẽ trước tiên, chúng ta cần sửa lại các câu chuyện và nhắc nhở nhau rằng: đừng ai nuôi ý nghĩ kẻ xấu thì phải chết!!!
Tâm lý “kẻ xấu phải chết” đã tồn tại trong xã hội ta một cách
đầy khó hiểu, từ những câu chuyện cổ tích cho đến các làng quê, nơi cả
làng xúm vào giết một tên ăn trộm.
Người Indonesia có một truyện cổ tích gần giống với truyện “Cây khế” của nước ta, tên là truyện “Dưa hấu vàng” (Semangka Emas).Trong truyện “Dưa hấu vàng”, cũng có hai anh em, người anh thì tham lam và keo kiệt, còn người em có tấm lòng thơm thảo, hay giúp đỡ người nghèo. Có một lần, người em cứu được một chú chim gãy cánh, chú chim trả ơn cho anh bằng một hạt giống dưa hấu. Những quả dưa hấu trồng từ hạt giống ấy, về sau bổ ra, bên trong toàn vàng cám.
Người anh nghe thấy thế bèn sai gia nhân đi bẫy chim rồi giả vờ cứu. Anh ta cũng được “trả ơn” bằng một hạt giống dưa, nhưng bên trong chỉ toàn bùn và phân, bốc mùi hôi thối khắp nhà.
Hai câu chuyện gần giống nhau, chỉ khác ở một điểm quan trọng nhất, chính là kết cục của người anh. Cái giá mà anh ta phải trả cho sự tham lam, trong truyện “Cây khế”, là cái chết. Còn trong “Dưa hấu vàng” của người Indonesia, chỉ là một bài học nhẹ nhàng.
Đó là một tinh thần chủ lưu vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay trong dân gian, khi những kẻ trộm chó thường xuyên phải chết.
Sự phẫn nộ được đề cao hơn tính nguyên tắc của pháp luật. Khắp nơi người ta kêu gọi sự “xử lý mạnh tay” dành cho tội phạm. Cụm từ “xử lý mạnh tay” này cho ra nửa triệu kết quả trên Google. Nó đã được dùng nhiều đến mức quen miệng và không ai nhận ra sự bất hợp lý của nó nữa. Tại sao lại phải là “mạnh tay” trong khi sự nặng nhẹ đã được luật pháp quy định?
Tội lỗi của người anh không hề đáng chết. Tất nhiên, anh ta tự hại chết mình với việc ních đầy vàng vào túi mười hai gang chứ cũng không thể trách được chim thần. Nhưng đặt cạnh cái kết của “Dưa hấu vàng”, nhận ra rõ ràng rằng anh ta phải chết vì người kể chuyện muốn anh ta chết. Thông điệp đọng lại rất đơn giản: tham lam thì chết. Cái tội chết được phán rất đơn giản.
Những nhân vật phản diện trong truyện cổ tích Việt Nam, dù chỉ hơi ác thôi, rất hay phải trả giá bằng cái chết. Tham lam, chết. Không chung thủy, chết. Ngay cả cô Cám, không phải chủ mưu trong các vụ âm mưu sát hại Tấm, cũng phải chết một cách đau đớn (cô hẳn sẽ rất ghen tỵ với chị kế của Lọ Lem). Nếu phải viết lại cái kết cho nhiều câu chuyện để nó nhân văn hơn, để cảm hóa cái nhân vật “hơi ác” kia theo kiểu “Dưa hấu vàng” của người Indo, thì có rất nhiều.
Người ta kêu gọi xử tử những tên sát thủ mà khung luật pháp chưa cho phép xử tử. Người ta đồng lòng với việc chụp và lan truyền ảnh của những nghi can chưa bị tuyên án (các cô bảo mẫu, cave, ăn trộm, cướp giật) cho dù như thế cũng là “giết” người nghi can kia và sai luật. Người ta đánh chết kẻ trộm chó.
Và ở một tờ báo mạng nào đó, bạn có thể đọc được những bình luận kêu gọi hãy chặt tay những kẻ cướp chặt tay nạn nhân đi – những lời kêu gọi đầy sự phẫn nộ và dễ nhận được sự đồng tình. Nhưng nó cũng giống như chuyện những nhân vật như “người anh” hay “Cám” phải chết, nó chỉ xoa dịu được sự uất ức theo một cách cảm tính, chứ ở đó chẳng có sự công bằng nào được thiết lập.
Tất nhiên, ở đây, trong cả câu chuyện của đời sống hôm nay và của những câu chuyện cổ tích, vấn đề còn là niềm tin vào pháp luật. Cái tâm lý “giết kẻ phản diện” được đưa ra khi công lý không được thực thi hoàn chỉnh.
Nhưng việc tuyên những bản án tử hình một cách dễ dàng và cảm tính như thế có làm xã hội sạch trong hơn thật không? Hay cái đích hướng tới vẫn nên là cái kết kiểu Indonesia, kẻ phản diện nhận được bài học của mình và bị buộc phải từ bỏ ý đồ xấu?
Hoàng Anh (Depplus.vn)
0 Nhận xét