Lm Nguyễn Trọng Viễn, OP
Quả thật, chính trị là một lãnh vực thách thức nhất đối với nhà đạo
đức, đối với tôn giáo nói chung và đặc biệt là đối đức tin Kitô giáo.
Bước vào “sân khách” của thế giới chính trị, niềm tin Kitô giáo có còn
đủ khả năng để chơi theo phong cách đức Tin của mình không? Chẳng những
các nhà chính trị chuyên nghiệp dễ dàng bán mình cho Satan, nhưng tính
cách chính trị còn dễ dàng biến những con người thành tâm thiện chí trở
thành những kẻ vô tình tăng thêm sức mạnh cho những thế lực mưu mẹo gian
manh.
Giáo Hội Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, khó khăn
trong lòng tin của người tín hữu đối với tình trạng chia rẽ trong lòng
Giáo Hội nói chung, và khó khăn trong việc bổ nhiệm các đấng bậc trong
hàng giáo phẩm… Điều cần ghi nhận là cơn khủng hoảng này xẩy ra đúng vào
thời điểm mừng Năm Thánh 2010, dịp kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội
tại Việt Nam, và 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm. Ghi nhận một sự trùng
hợp như thế có lẽ có thể giúp chúng ta dễ dàng hơn để nhận ra một ý
nghĩa nào đó trong bình diện đức Tin.
Phải chăng những khủng hoảng hiện nay, trước tiên, cho thấy những lỗ
hổng vốn có trong lòng Giáo Hội Việt Nam? Phải chăng những khó khăn
trước mắt chính là một thử thách cần thiết để Giáo Hội Việt Nam trưởng
thành hơn? Phải chăng những khủng hoảng trong niềm tin và trong sự hiệp
nhất như hiện nay lại chính là cơ may để Giáo Hội Việt Nam có thể lột bỏ
một thái độ sống đức tin còn quá nặng hình thức và lễ nghĩa? Phải chăng
để có thể bước vào một khởi đầu mới của giai đoạn trưởng thành, Giáo
Hội Việt Nam cần nhận ra những đòi hỏi mãnh liệt hơn, những thôi thúc
toàn diện hơn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, trong sự dẫn dắt của Chúa
Thánh Thần?
Chúng ta có thể chấp nhận lối nhìn của đức Tin như thế trước những
vấn đề sôi bỏng trong hiện tình của Giáo Hội Việt Nam, vì chính thánh
Phaolô cũng đã nói: “Chúng ta biết
rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến
Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).
Nhưng đâu là những đầu mối để chúng ta có thể nhận ra đây là một sự
khủng hoảng để trưởng thành? Đâu là một chút ánh sáng để chúng ta có thể
thuận theo sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa, để thánh ý Chúa được thực
hiện một cách tốt đẹp hơn?
Hình như Giáo Hội Việt Nam hiện nay đang phải đối diện trước những
tình huống mà trò đời của chính trị, cách này cách khác, đã len lỏi vào.
Tính cách ít nhiều có tính chính trị trong các biến cố hiện nay đã làm
cho Giáo Hội Việt Nam, xưa nay vốn sống êm ả trong thế giới linh thiêng,
trở nên lúng túng. Những giá trị Tin Mừng, xưa nay được suy diễn theo
những ý nghĩa đạo đức thiêng liêng, bây giờ hình như không giúp gì được
mấy cho người tín hữu để phân định phải trái. Cuộc chiến đấu chống lại
Satan không còn minh bạch trắng đen rõ ràng. Đây là lúc người tín hữu
không phải chỉ sống sự đơn sơ như chim bồ câu, nhưng còn phải tìm thấy
một sự khôn ngoan của con rắn: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).
Quả thật, đời sống đức Tin của Giáo Hội Việt Nam nói chung lâu nay
thường bị gói gọn trong những vấn đề thuần túy thiêng liêng; người giáo
dân ít nhận ra “sứ mệnh trần thế” như một thúc bách của chính niềm tin;
các giáo sĩ thường không có khả năng hướng dẫn giáo dân sống đức tin,
thể hiện đức tin trong lãnh vực trần thế. Do đó, khi bước ra khỏi “nhà
thờ”, khi đụng vào những chuyện trần thế, cả giáo sĩ và giáo dân đều dễ
dàng rơi vào những thái độ, những lập trường hoàn toàn trần tục như một
người không có đức tin. Trong những biến động hiện nay, có lẽ có nhiều
lập trường, thật ra, chỉ là bộc lộ một khiếm khuyết của một đời sống đức
tin vốn bị tách rời khỏi môi trường sinh hoạt trần thế.
1. Ý nghĩa đích thực của niềm tin
Đức tin Kitô giáo không phải là chuyện trên mây, nhưng là một sự dấn
thân vào lịch sử trần thế, để biến lịch sử ấy thành lịch sử ơn cứu độ.
Do Thái Kitô giáo là tôn giáo mặc khải, nghĩa là đón nhận giáo lý từ
trời cao; nhưng giáo huấn ấy lại cần được thể hiện trong cuộc sống đời
thường, làm nên một thứ hoa trái riêng biệt của Kinh Thánh, đó là “lịch
sử ơn cứu độ”. Truyền thống Kinh Thánh vốn mang nét căn bản là tính lịch
sử, nghĩa là một thái độ của niềm tin được thể hiện, được minh chứng
một cách cụ thể trong chính chiều kích lịch sử, trong những bước thăng
trầm của cuộc đời. Bởi vì Thiên Chúa cứu độ của Ngài không phải bằng
đường lối kéo lôi con người ra khỏi đời sống thường ngày, Thiên Chúa
không đưa con người vào việc kết hiệp với Ngài như một huyền nhiệm cao
xa, trong một thứ xuất thần nào đó; nhưng Thiên Chúa đã thực hiện lời
hứa cứu độ, một cách chính yếu, bằng cách đi vào lịch sử, đồng hành với
con người trong dòng đời, và giúp con người hoàn thành cuộc đời trần thế
của mình trên bình diện siêu nhiên. Nếu Thiên Chúa có ban cho ai đó
những hồng ân cao cả trong việc kết hiệp xuất thần với Ngài; nếu ai đó,
được hân hoan nhìn thấy tỏ tường vinh quang Thiên Chúa trên “núi Tabor”,
thì mục tiêu của hồng ân ấy cũng là để người ấy “xuống núi”, đi vào
hành trình trần gian, giống như Phêrô, Giacôbê và Gioan được mời gọi
xuống núi để đi lên Giêrusalem, chịu khổ nạn cùng với Chúa Giêsu.
“Lời hứa cứu độ” của Thiên Chúa chính là một bảo đảm để con người có
thể sống thái độ “trung tín” với Chúa trên hành trình cuộc đời. Hai
chiều kích ấy luôn gắn liền mật thiết với nhau. Lời hứa cứu độ từ trời
cao là nguồn mạch giúp con trung thành với “mặt đất”; và chính lòng
trung tín với Chúa trong hành trình cuộc đời biểu lộ một cách chính xác
nhất lòng tin tưởng của người tín hữu vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.
Do đó, đức tin, theo Kinh Thánh, thiết yếu là tin vào sự can thiệp
của Chúa vào lich sử đời mình, và biến đời mình thành một lịch sử ơn cứu
độ. Thái độ căn bản của người Dân Chúa, không phải là một lòng đạo đức
tự nó là tốt, cũng không phải là một tư cách hay một trình độ tôn giáo
cao vời, nhưng trước tiên và căn bản hơn hết chính là lòng trung tín với
Chúa, trung tín với giới luật của Chúa trong đời sống thường ngày và
trung tín với các giải pháp của Chúa trong những lựa chọn quyết định của
lịch sử. Người ta có thể thấy một sự trung tín của Hôsê ngay trong
những giải pháp của đời sống vợ chồng, một lòng tin được thể hiện “trên
giường ngủ”; hoặc một thứ “chính trị của niềm tin” nơi Isaia.
Sách Thánh nói Dân Do Thái là một dân cứng lòng. Điều đó có lẽ không
phải chỉ do tâm tính của một dân tộc vốn thích ngang ngạnh, nhưng đúng
hơn là do họ đứng trước một sứ mệnh “không giống ai”, sứ mệnh sống niềm
tin, đón nhận những chỉ dẫn của niềm tin nhiều khi trái ngược với lối
suy nghĩ khôn ngoan đời thường. Chính vì vậy mà Dân đã thường giết các
ngôn sứ... Sống đức tin tức là đón nhận sự hiện diện của Chúa, nhận ra
Thiên Chúa đang đồng hành trong lịch sử đời mình. Đời sống đức tin là
một lịch sử ơn cứu độ, điều đó có cũng có nghĩa là niềm tin chân chính
luôn phải là một niềm tin được thể hiện cụ thể trong “hành động”, trong
dòng đời, trong ý nghĩa toàn vẹn của một cuộc đời.
Sứ mệnh của Giáo Hội hiện nay cũng thế, đó không phải chỉ là gìn giữ
một thế giới tôn giáo, nhưng chính là trở nên men để biến lịch sử nhân
loại trở thành lịch sử ơn cứu độ toàn vẹn của Thiên Chúa. Giáo Hội cũng
cần phải dấn thân vào thế giới chính trị, nhưng dĩ nhiên là không phải
với tư cách một thế lực chính trị, mà như một kẻ mang nặng sứ mệnh với
cuộc đời.
2. Thế giới chính trị
Quả thật, thế giới chính trị là môi trường khó khăn nhất trong việc
phân định được một thái độ của Tin Mừng. Từ thời Machiavelli
(1469-1527), người được coi như nhà sáng lập môn chính trị học, cho đến
nay, càng ngày người ta càng nhận ra rằng con đường của thứ “chính trị
kiểu Machiavelli” là điều mà gần như không nhà chính trị nào có thể
tránh được. Ngay trong tư tưởng của Machiavelli, người ta đã thấy có một
sự giằng co không thể hóa giải. Tác phẩm làm cho tên tuổi của ông trở
thành “bất tử” chính là tác phẩm “Ông Hoàng” (xuất bản 1532,
sau khi ông qua đời) trong đó tác giả đề cao một thứ chính trị, nói nhẹ
là một thứ chủ trương phi đạo đức trong chính trị, nói nặng ra là một
thứ chính trị mưu mô, thủ đoạn, dối trá, bất nhân, tàn bạo… Thế nhưng
người ta quên rằng tác phẩm lớn nhất của Machiavelli lại chính là cuốn “Những Bài Nói Chuyện”
(Discourses), được xuất bản cùng năm với cuốn Ông Hoàng. Trong tác phẩm
“Những Bài Nói Chuyện”, Machiavelli lại trình bầy một quan điểm chính
trị khác hẳn: ông tin tưởng vào lý tưởng cộng hoà; ông cho rằng một
chính phủ tốt là chính phủ hoà hợp được các nguyên tắc cai trị của hai
thể chế, dân chủ và quân chủ. Không nhà cầm quyền nào được an ổn nếu
không giành được sự ủng hộ của dân chúng. Quốc gia vững bền hơn hết là
những quốc gia có vua cai trị những lại có hiến pháp hạn chế nhà vua;
Ông không đồng ý câu phương ngôn cổ “Xây dựng trên dân chúng là xây dựng
trên cát”… Nhận định về hai lập trường khác biệt trong hai tác phẩm ấy,
người ta cho rằng tác phẩm “Những Bài Nói Chuyện” diễn tả những điều
ông mong ước, còn tác phẩm “Ông Hoàng” lại là những suy tính về một giải
pháp hữu hiệu cho điều đang diễn ra trong thực tế. Nếu những suy luận
ấy là đúng, thì chúng ta cũng hiểu ra nỗi khó khăn thực sự trong việc
hòa hợp giữa chính trị và đạo đức, hoặc giữa chính trị và tôn giáo. Vì
thế, ông tổ của ngành chính trị đã phải gác lại mơ ước của mình, dù là
mơ ước lớn, để chiều theo một đường lối chính trị hữu hiệu trước mắt.
Mặc dù người ta nhận thấy tấm lòng thật sự của Machiavelli là một con
người yêu nước, nhưng chính ông cũng đành phải chọn đường lối của Satan
(Ở Anh quốc, vào thế kỷ XVII, thuật ngữ “Gìa Nick” thường được dùng lẫn
lộn để bổ nghĩa cho hai danh tử riêng là Machiavelli và Satan).
Quả thật, chính trị là một lãnh vực thách thức nhất đối với nhà đạo
đức, đối với tôn giáo nói chung, và đặc biệt là đối đức tin Kitô giáo.
Bước vào “sân khách” của thế giới chính trị, niềm tin Kitô giáo có còn
đủ khả năng để chơi theo phong cách đức Tin của mình không? Chẳng những
các nhà chính trị chuyên nghiệp dễ dàng bán mình cho Satan, nhưng tính
cách chính trị còn dễ dàng biến những con người thành tâm thiện chí trở
thành những kẻ vô tình tăng thêm sức mạnh cho những thế lực mưu mẹo gian
manh. Bước vào những sinh hoạt ít nhiều có tính chính trị, người nào
“non tay” sẽ thường bị giật giây, bị lèo lái, bị lợi dụng. Khi đó, đang
khi người ấy tưởng rằng mình đấu tranh cho mục tiêu chân chính này, thì
thực sự ra người đó lại trở thành tay sai cho một thế lực nào khác để
phục vụ cho một mục tiêu khác. Trong tình hình ấy, thường chính đám đông
là những con mồi, những con dê tế thần, những người dễ bị xúi dục nhất,
bởi vì đám đông thường có những phản ứng bộc phát tức thời; trong khi
những con “cáo già” trong chính trị lại là những người đã có sẵn những
mưu lược và họ điều khiển người khác như những con bài trong bàn cờ
chính trị.
3. Đức Giêsu hiền hậu
Chúa Giêsu tự nhận Ngài có lòng hiền hậu: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường"
(Mt 11, 29). Thế nhưng, ta có thể thấy ngay trong Tin Mừng, hình như
Đức Giêsu không phải là mẫu người hiền lành như người ta tưởng. Ngôn từ
của Ngài mạnh mẽ như Đấng có uy quyền: “Khi
Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời
giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ
không như các kinh sư của họ” (Mt 7, 28-29); Đức Giêsu la mắng
những người Biệt Phái và các Kinh sư nặng lời (Xc. Mt. 23, 13-36); Đức
Giêsu vào Đền Thờ, Ngài và xô đẩy, đánh đuổi những con buôn trong đền
thờ (Xc. Ga 2,13-17); rồi trong cuộc tử nạn, khi quân lính đánh Chúa vì
câu trả lời của Chúa với vị thượng tế, Ngài cũng thẳng thắn chất vấn: “… sao anh lại đánh tôi” (Ga 18,23).
Có lẽ chúng ta thấy Chúa Giêsu không phải là một con người hiền từ
theo nghĩa tâm lý, Ngài không phải là một người để mặc cho người khác
làm sao cũng được; Ngài cũng không phải là một nhân vật siêu thoát, quân
tử, theo kiểu không thèm đếm xỉa đến những điều người ta xúc phạm, hoặc
đối xử bất công với mình. Chúa Giêsu dấn thân vào cuộc đấu tranh, Chúa
Giêsu mạnh mẽ tố cáo những điều sai lạc, Chúa Giêsu không “hiền lành”
như một cục bột, hoặc như một người nhẫn nhịn, chịu đựng giỏi. Sự hiền
lành của Chúa Giêsu, một cách căn bản, cũng không phải là một phẩm tính
luân lý do tu luyện, như khả năng nhẫn nhịn và chịu đựng, để làm đẹp
thêm cho nhân cách một con người.
Sự hiền hậu của Chúa Giêsu nằm ở một bình diện khác, bình diện thực
chất của ơn cứu độ. Khi Isaia tiên báo về Người Tôi Trung của Giavê với
những phẩm tính như: “Nó không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường”
(Is 42,2), thì chắc chắn đó không phải là một hình ảnh hiểu theo nghĩa
đen, nhưng là một cách thức đấu tranh cho công lý không bằng sức mạnh
của nhân loại: “Nó sẽ làm sáng tỏ công
lý trước muôn dân (…). Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không
yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu” (Is, 42,1.2-3).
Chúa Giêsu hiền hậu, vì sau khi đã tức giận đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, Ngài lại nói: "Các
ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại"; và “…
Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga
2,19.21). Chúa Giêsu hiền hậu, vì Ngài không muốn dùng phương thức bạo
lực để chống lại bạo lực, Ngài không muốn tiêu diệt những kẻ chống lại
Ngài, nhưng lại muốn mời gọi họ trở về đường ngay nẻo chính, và dùng sự
hy sinh chính bản thân mình để mang lại ơn cứu độ cho con người: “Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?"
(Ga 18,11). Chúa Giêsu hiền hậu, Ngài đã trở nên như con chiên, không
phải vì con chiên không mở miệng kêu ca, nhưng chính vì Ngài là Chiên
Thiên Chúa, con chiên dám tự nguyện chấp nhận cái chết, dám hiến mình là
của lễ mang lại ơn cứu độ cho con người. Chính trên thập giá, Chúa
Giêsu thực sự tỏ mình ra “Đây là Vua Dân Do Thái” (Ga 23,38).
Có lẽ đường lối của Chúa Giêsu có thể giúp cho người Kitô hữu Việt
Nam nói chung biết tìm ra cách ứng xử trong bóng tối đầy tính chính trị
hiện nay. Cuộc đấu tranh cho công lý, theo đường lối của Chúa Giêsu,
không phải chỉ là một cuộc tranh cãi, hay đấu tranh trên bề mặt của
những sự kiện. Cũng như Chúa Giêsu, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có thể
và cần phải lên tiếng, cần phải đấu tranh, và cần phải trách mắng nữa…
Thế nhưng, thực chất của ơn cứu độ lại diễn ra ở tầng sâu hơn, nơi đó
Giáo Hội không thể nào chỉ muốn thấy những chiến thắng và vinh quang,
nhưng phải dám chấp nhận trở thành hy lễ. Để thiết lập được công lý,
không thể nào không có hy sinh, không thể nào không có những con người
dám chấp nhận chết đi, đánh mất mình đi vì yêu thương người khác. Trong
“bàn cờ chính trị của Nước Trời”, một Đức Giêsu bị kết án theo luật
pháp, lại chính là vua, là thẩm phán để xét xử thế giới theo tiêu chuẩn
của tình yêu. Đó là phương cách đấu tranh của sức mạnh cứu độ đối với sự
gian manh của chính trị.
Kết
Quả thật, bước vào thế giới chính trị, thế giới chính trị như một thế
lực lớn nhất của nước thế gian, người ta thấy rằng những đức tính luân
lý, những giá trị nhân sinh, những thứ chân lý của lý luận, những suy
tính chiến thuật khôn ngoan, hợp lý, những đòi hỏi công bằng và công lý
chính đáng nhất của con người… hình như không còn đủ đẳng cấp để đấu
tranh nữa. Thế giới chính trị ma manh, quỉ quyệt có thể lợi dụng tất cả,
hóa giải tất cả, làm biến chất tất cả… Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công
khai trong một bầu khí chính trị đặc biệt của vùng đất Palestin, và Ngài
bị kết án như một kẻ có nguy cơ làm xoay chuyển tình hình chính trị:
“Vậy các thượng tế và các người
Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây?
Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi
người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của
ta lẫn dân tộc ta." Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm
thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng
chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân
còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11, 47-50).
Tình hình chính trị như thế chắc chắn sẽ xô đẩy Chúa Giêsu đến cái
chết. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài không rút lui, không né
tránh; Ngài lao mình vào bằng cả sự sống của bản thân Ngài. Đức Giêsu đi
vào tình hình chính trị bằng một sức mạnh quá chênh lệch, xét theo tiêu
chuẩn trần gian. Nhưng thật ra, Ngài đã đương đầu với mâu thuẫn chính
trị bằng thực tại cứu độ. Chỉ có tôn giáo cứu độ mới có thể hóa giải
được mâu thuẫn chính trị.
Chỉ có Nước Thiên Chúa mới có thể đương đầu với thế giới chính trị
như kẻ cầm đầu Nước thế gian. Nếu Kitô giáo đánh mất mình trong sinh
hoạt chính trị, nghĩa là chơi trên sân khách theo phong cách của đội
khách, thì phần thua sẽ là phần chắc. Ngược lại, nếu trung tín với Chúa
Giêsu, ta hiểu rằng, sự chiến thắng của Nước Chúa, như lời Chúa khẳng
định: “Thầy nói với anh em những điều
ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải
gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga
16,33); sự chiến thắng ấy không nằm trong bình diện những sự việc trần
thế, nhưng chính là vận hành của ơn cứu độ đang lớn lên trên quê hương
đất Nước Việt Nam.
Nguồn: daminhvn.net
0 Nhận xét