Trịnh Hữu Long
Vụ việc Công Phượng làm dấy lên nhiều lo ngại
về quyền riêng tư của cầu thủ này trong khi ngay cả những quy định pháp
luật cụ thể về quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư vẫn đang còn thiếu
vắng ở Việt Nam. Xuất phát từ một nền văn hóa xem nhẹ cá nhân hơn cộng
đồng, lại trải qua nhiều cuộc xung đột lãnh thổ lẫn xung đột ý thức hệ
đòi hỏi sự hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi
ích giai cấp, người Việt Nam ngày nay chưa đặt quyền riêng tư của các cá
nhân ở vị trí xứng đáng của nó. Điều đó dẫn đến những vi phạm xảy ra
hàng ngày mà chính người vi phạm lẫn người bị vi phạm có thể cũng không
biết.
Luật
Khoa tạp chí lựa chọn năm hành vi sau đây để mở đầu cho tuyến
đề tài về quyền riêng tư (privacy rights). Dĩ nhiên, không có gì là
tuyệt đối. Trong một số trường hợp, các hành vi dưới đây có thể được
chấp nhận ở một mức độ nào đó bởi các bên liên quan.
1. Đăng hồ sơ cá nhân của người khác lên mạng
Ngày 18/11/2014, trang chuyên đề Thể Thao của báo Thanh Niên điện tử (thethao.thanhnien.com.vn) đăng tải bài viết “Phòng tư pháp huyện Đô Lương đã kiểm tra hồ sơ của Công Phượng” của
tác giả Khánh Hoan với hình chụp giấy khai sinh của cầu thủ
Nguyễn Công Phượng. Trong nhiều bài viết, phóng sự khác cùng
khai thác đề tài tương tự, đặc biệt là của chương trình Chuyển
động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), các thông tin cá
nhân khác của Công Phượng cũng bị khai thác một cách triệt để
bất chấp một thực tế là quyền riêng tư của cầu thủ này đang bị
xâm phạm một cách nghiêm trọng.
Bản
thân cơ quan tư pháp địa phương ở huyện Đô Lương (Nghệ An) cũng
vi phạm quyền riêng tư của Công Phượng khi tự ý cung cấp giấy
khai sinh của cầu thủ này cho giới báo chí.
Trong
một diễn biến khác, sau khi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị
Nhung (Khánh Hòa) phát biểu tại Quốc hội ngày 28/10 rằng cần
phải đặt tên “thuần Việt” cho con cái, nhiều người dùng mạng
xã hội đã đăng tải các hình chụp chứng minh nhân dân của người
khác kèm theo những bình luận về cái tên của họ. Vô hình
trung, không những thông tin riêng tư của một người được đăng tải
công khai, mà còn trở thành đề tài đàm tiếu có tính xúc phạm
của người khác.
Những
vụ việc tương tự cũng xảy ra phổ biến trong đời sống thường
nhật của người Việt Nam, đặc biệt trên hệ thống báo chí và
Internet. Không chỉ giấy khai sinh và chứng minh nhân dân, mà hộ
chiếu, bằng đại học và nhiều thông tin cá nhân khác trong hồ sơ
của các cá nhân cũng bị chia sẻ công khai.
2. Dán bảng điểm công khai ở trường học
Thí sinh xem điểm thi được dán công khai tại một trường học. Ảnh: baophapluat.vn |
Điều
tưởng như hiển nhiên tại tất cả các trường học Việt Nam này
lại là một ví dụ điển hình cho sự vi phạm quyền riêng tư.
Không
chỉ dán bảng điểm của học sinh, sinh viên (HSSV) ở những nơi
công cộng, các trường học Việt Nam còn đăng tải chúng trên
Internet hay đọc điểm của từng người ngay tại lớp học. Rất dễ
dàng để bất kỳ ai cũng có thể biết được điểm số của người
khác. Tệ hơn nữa, để phân biệt các HSSV trùng họ, tên, các
trường học thường đăng kèm các thông tin cá nhân của họ, như
ngày sinh, quê quán, số thẻ sinh viên hay lớp học.
Với
những HSSV đạt điểm cao, có thể điều đó không ảnh hưởng nhiều
tới tâm lý của họ, nhưng rắc rối sẽ xảy ra với những HSSV
điểm thấp hay thi trượt môn. Nhưng bất luận hậu quả tâm lý là
tốt hay xấu với HSSV, việc đăng tải thông tin cá nhân là hoàn
toàn vi phạm quyền riêng tư của họ.
Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để thông báo cho HSSV biết điểm của họ nếu không dán công khai như thế?
Ở
nhiều quốc gia, điểm số được phát riêng cho từng người, không ai
biết điểm của ai. Nếu phải dán công khai thì thông tin được công
bố chỉ bao gồm điểm và mã số của từng người, và mã số này
cũng là bí mật của họ, không ai biết mã số của ai. Khi
Internet ra đời, mỗi HSSV được cấp một tài khoản riêng để tra
cứu điểm thi của mình và những thông tin này hoàn toàn được
bảo mật.
Gần
như tất cả các trường học ở Mỹ đều phải áp dụng Đạo luật
Quyền giáo dục gia đình và Quyền riêng tư năm 1974 (FERPA), với
những quy định ngặt nghèo về các thông tin của HSSV (student
records). Đạo luật này nghiêm cấm tất cả các hành vi để lộ
bất cứ thông tin nào về điểm số hay thành tích và những thông
tin riêng tư khác của HSSV với bất cứ ai ngoại trừ HSSV đó và
chính cha mẹ của họ (nếu HSSV dưới 18 tuổi). Giáo viên cũng
không được phép thảo luận về năng lực học tập của bất cứ sinh
viên đại học nào với bất cứ ai khác mà không được phép của
sinh viên đó.
3. Đăng ảnh riêng tư của con cái lên mạng
Hầu
hết mọi người đều thích xem ảnh, video về trẻ con. Nhiều bậc
cha mẹ thừa nhận họ không thể kiềm chế được ham muốn đăng ảnh
chúng lên Facebook mỗi ngày. Mọi người đều vui vẻ vì những đứa
trẻ cũng chưa đủ lớn để đưa ra bất kỳ phản ứng đáng kể
nào.
Đây
không phải là chuyện chỉ xảy ra với người Việt Nam mà còn ở
mọi nơi trên thế giới có kết nối với Internet. Cuộc tranh cãi
về quyền riêng tư của trẻ em trong thời đại số vẫn chưa chấm
dứt, nhưng trong khi chờ có một đạo luật hay quy tắc ứng xử
chung ra đời, một số câu hỏi nên được các bậc cha mẹ cân nhắc.
Liệu
khi con cái lớn lên, chúng có thoải mái với việc những bức
ảnh khỏa thân, hay ảnh mặc bỉm, mặc đồ tắm của chúng lan
truyền trên mạng và tất cả bạn bè của chúng đều xem được hay
không?
Hoặc
đơn giản hơn là khi lớn lên, chúng có muốn những hình ảnh
riêng tư khi chúng mới ra đời, khi chúng nằm nôi, khi chúng bú
sữa mẹ được lan truyền trên Internet hay không?
Nếu
như chúng ta không được phép sang nhà người khác để chụp ảnh
đứa trẻ của họ và đăng lên mạng, tại sao chúng ta lại có
quyền đó với con mình trong ngôi nhà của mình? Phải chăng chúng
ta có quyền sở hữu đối với con cái của mình và không có
quyền tương tự với con của người khác?
Nếu
như chúng ta không được phép đăng ảnh riêng tư của một người
trưởng thành lên mạng thì tại sao chúng ta lại có quyền làm
như thế với con mình? Phải chăng một đứa trẻ thì có ít quyền
riêng tư hơn một người lớn?
Hay
câu hỏi có thể chỉ đơn giản là: có phải vì trẻ con không có
khả năng nhận thức và tự vệ trước sự vi phạm quyền riêng tư,
nên chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn?
Sau
cùng, vấn đề không chỉ là bạn có quyền đăng ảnh con bạn lên
mạng hay không, mà là sự an toàn và sự riêng tư của chúng được
bảo vệ như thế nào, nhất là khi chúng lớn lên.
4. Tự ý chụp và đăng tải ảnh đám tang
Mỗi
khi có đám tang của một người nổi tiếng, công chúng lại có
dịp xem những bức hình nhiều nước mắt được đăng tải trên hầu
hết các báo, tạp chí ở Việt Nam. Để có được những tấm hình
đó, các phóng viên ảnh phải tới tận nhà tang lễ hay tận gia
đình của người quá cố để chụp.
Câu
hỏi đặt ra là: tại sao bạn lại có quyền đến đám tang của
một người không quen biết để chụp hình và đăng lên báo? Việc
gia quyến mở cửa đón khách để khách đến phúng viếng, chia
buồn hay là để chụp ảnh và đăng tải cho tất cả mọi người xem?
Gia quyến có cho phép bạn đăng những giờ phút đau thương đó của
họ lên mặt báo hay không? Tại sao sổ tang của gia đình lại có
thể bị chụp và đăng tải một cách tự do như vậy?
Trong
hầu hết các trường hợp, bạn đều khó có thể tìm được lý do
biện minh cho việc làm của mình. Rõ ràng, gia quyến có quyền
riêng tư của họ và trong thời điểm họ không thể kiểm soát được
lượng người ra vào đám tang, quyền riêng tư đó đã bị nhiều
người vô tư xâm phạm.
5. Công bố chuyện riêng tư của người khác
Khai
thác các câu chuyện riêng tư, đặc biệt là chuyện tình yêu,
tình dục và tài chính của người khác, là một trong những công
việc chính của nhiều tờ báo và trang mạng hiện nay. Các câu
chuyện đó, nếu không bị đăng báo thì cũng bị lan truyền trong
cộng đồng bởi những người “hay chuyện”. Bí mật cá nhân của
nhiều người, vì thế, trở thành đề tài đàm tiếu của cả một
cộng đồng.
Một
số phóng viên, khi nắm bắt được câu chuyện của một gia đình,
liền đổi tên các nhân vật và cho đăng báo. Nhưng các tình tiết
trong bài báo dễ dàng khiến cho một số độc giả nhận ra ngay
nhân vật mà bài báo nói đến là ai. Đó có thể là người hàng
xóm, đồng nghiệp hoặc bạn học cũ của họ.
Vì
những bài báo đó, việc một người chồng bị bất lực, một
người vợ ngoại tình có thể bị công khai cho cả xã hội biết
và họ không còn có thể kiểm soát được hậu quả nữa. Gánh
nặng tâm lý có thể tác động rất lớn đến cuộc sống của họ
và những người thân của họ. Uy tín và danh dự của họ bị tổn
thương nghiêm trọng và rất khó để họ thoát ra được khỏi những
áp lực xã hội đó.
Trong
một vụ án xảy ra cách đây nhiều năm, một tòa án cấp tỉnh ở Việt Nam còn
bày tỏ quan điểm xét xử cho rằng, việc nhà báo đăng tải chuyện đời tư
của người khác được trình bày tại tòa án cũng là hành vi xâm phạm bí mật
đời tư.
0 Nhận xét