Theo boxitvn
Nguyễn Ngọc Dương
Dân
tộc ta tự hào vì suốt tiến trình lịch sử dựng nước đồng thời luôn luôn
phải giữ nước, nhưng chưa bao giờ chúng ta thất bại. Nguyên nhân chính
bởi chúng ta có sức mạnh.
Sức mạnh truyền thống
lịch sử là sức mạnh nào? Đó là sức mạnh của chính nghĩa – của sự bảo vệ
chủ quyền độc lập dân tộc chính đáng của mình, bảo vệ bờ cõi thiêng
liêng của giang sơn do tiền nhân để lại. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, thì
truyền thống đoàn kết triệu người như một bỗng dưng được khơi dậy. Những
mâu thuẫn nội bộ dường như được dẹp lại, tất cả đều hướng về Tổ quốc
thân yêu, sẵn sàng hy sinh cho Đất Mẹ Tổ quốc. Khi giặc đến nhà là đàn
bà cũng đánh (điển hình là Hai Bà Trưng...), trẻ con cũng đánh (Điển
hình là Trần Quốc Toản...), v.v.
Nhưng
đó là sức mạnh truyền thống, là giá trị của lịch sử. Khi cần đến sức
mạnh chống quân xâm lược ở một giai đoạn nhất định, chúng ta không thể
cứ mang lịch sử ra khoe mà đủ. Trong mỗi thời đại, mỗi thời kỳ lịch sử,
dân tộc lại có sức mạnh khác nhau. Sức mạnh ấy, nhất thiết không thể từ
trên trời rơi xuống, mà do chính chúng ta làm nên, do những nhà cầm
quyền biết quy tụ lòng người...
Thời đại ngày nay người ta nói đến sức mạnh của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc bao gồm Sức mạnh cứng và Sức mạnh mềm.
Trong mỗi con người cũng có sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Sức mạnh
cứng là sự to khỏe, là xương, cơ, gân, bắp... Sức mạnh mềm là trí khôn,
là sự hiểu biết, là đạo đức, là sự thu phục... khiến người khác phải vị
nể.
Ngày 8/5, trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi trẻ với chủ đề “Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, tác giả Thế giới phẳng,
ông Thomas L.Friedman (người Mỹ) cho rằng, “Sức mạnh cứng rõ ràng là sự
kết hợp kinh tế và quân sự, và chúng được đo bằng số lượng vũ khí cũng
như tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sức mạnh mềm là khả năng bạn xây dựng đất nước của mình khiến các quốc gia khác muốn học hỏi. Đó là cách tôi quan niệm về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm”.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật sức mạnh của chúng ta hiện nay như thế nào?
Về
sức mạnh cứng, chúng ta có khá nhiều tiềm năng: Diện tích đất đai tuy
nhỏ nhưng cũng không đến nỗi nào. Dân số nay có đến 90 triệu, hơn khối
nước khác. Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, rừng biển... vẫn luôn là
niềm tự hào của dân tộc. Nhưng chúng ta đã khai thác, sử dụng những thế
mạnh ấy ra sao? Và kết quả đến nay ra sao? Thiết nghĩ không cần phải nói
nhiều, mọi người đã hiểu... Theo tôi nghĩ, muốn phát huy được sức mạnh
cứng lại chính là do khả năng của sức mạnh mềm. Nhưng cái rõ ràng nhất
của chúng ta là sự tụt hậu so với những nước trong khu vực thì không thể
chối cãi.
Còn sức mạnh mềm thì cứ nhìn vào sự
xuống cấp của Văn hóa, Giáo dục, Đạo đức, các yếu tố xã hội... trong
những năm gần đây hẳn ai cũng rõ cả...
Để trả
lời câu hỏi, ông quan niệm thế nào về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của
Việt Nam thì Thomas L.Friedman đặt Việt Nam vào một thì tương lai của
Sức mạnh mềm và đặc biệt là trước chữ “Nếu”. Ông đã khéo léo, tế nhị trả
lời bạn đọc báo Tuổi trẻ rằng: “Việt Nam sẽ có sức mạnh mềm nếu các nước láng giềng của Việt Nam muốn học theo mô hình của Việt Nam”.
Vâng,
liệu nước láng giềng nào sẽ muốn học theo mô hình của chúng ta? Cũng có
nghĩa là họ tâm phục, khẩu phục, họ ngưỡng mộ chúng ta? Thái Lan,
Singapore, Myanmar, Philipin, Campuchia, Nhật Bản... hay thậm chí là
Trung Quốc, một nước có cùng chế độ chính trị? Chắc ai cũng có thể trả
lời được câu hỏi này?...
Đến đây, tôi nhớ có một
học giả nào đó ở Châu Âu đã nói, chỉ cần một chữ “Nếu”, tôi có thể đút
túi cả thành phố Paris! Phải chăng, ông Thomas L.Friedman đã đánh đố
chúng ta bằng một chữ “Nếu”?... Tuy nhiên, muốn thực hiện được chữ nếu
ấy, ông cũng rất thật thà chỉ ra cho chúng ta bước đi để có Sức mạnh
mềm. Ông nói thẳng ra là Sức mạnh mềm của một quốc gia nhất thiết phải
thực hiện được 3 yếu tố:
(I) Nhà nước pháp quyền;
(II) Hệ thống giáo dục tốt để người dân tiếp cận công nghệ mới;
(III) Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, gồm internet băng thông rộng, sân bay, đường sá tốt.
Theo
ông, Nhà nước pháp quyền có vai trò hết sức quan trọng đối với việc
phát huy sự sáng tạo. Người dân sẽ cảm thấy tự tin để sáng tạo nếu họ
cảm thấy an toàn và nhận được lợi ích từ sáng tạo của họ.
Đối
với chúng ta hiện thời, nhà nước pháp quyền là rất xa vời, mặc dù nó đã
được áp dụng ở những nước tư bản cách đây hàng trăm năm. Rất nhiều nước
tiên tiến ở Tây Âu, Bắc Âu, châu Mỹ, châu Á... cho đến nay vẫn không
tìm ra được một mô hình nhà nước nào tốt đẹp hơn (dân chủ hơn, bình đẳng
hơn) cái mô hình mà họ áp dụng tưởng chừng đã quá quen thuộc. Vì sao?
Bởi cốt lõi của nó là tam quyền phân lập, là đất nước phải hình thành một hệ thống Xã hội dân sự
để nhân dân thực sự được làm chủ... Nhưng, những cái đó, xưa nay lại là
điều kiêng kị, là dị ứng của lãnh đạo đất nước mình, chỉ vì nó không
phải là... Chủ nghĩa xã hội mà đảng cầm quyền từ lâu đã định hướng cho
dân!
Bao nhiêu năm mò mẫm đi lên con đường chủ
nghĩa xã hội, chúng ta cứ đi lại vấp, tránh chỗ này, né chỗ kia, lại vấp
nữa... Nay sửa thế này một tí, mai sửa thế kia một tị, song bế tắc vẫn
hoàn bế tắc. Sự mò mẫm trên con đường không rõ ràng đã tạo ra biết bao
bi kịch cho cuộc sống của nhân dân. Cả dân tộc trở thành một lò thí
nghiệm. Một ví dụ điển hình trong kinh tế: đã một thời chúng ta dị ứng
kịch liệt với kinh tế thị trường, bởi cho rằng nó là sản phẩm của Chủ
nghĩa tư bản. Nhưng loanh quanh mãi không tránh được nó, bởi tránh nó
trong thời đại ngày nay thì không một nền kinh tế nào có thể phát triển.
Cho nên rốt cục phải chấp nhận. Nhưng để thể hiện “quan điểm lập trường
vững vàng, kiên định...” nên phải chấp nhận kinh tế thị trường, song
“sáng tạo” thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vào cho nó khác
Tư bản. Nhưng chính cái đuôi ấy mù mờ, không rõ hình thù gì, bao nhiêu
năm cũng không ai chỉ ra được cụ thể mặt ngang mũi dọc nó ra sao...
Thành thử nó trở thành một cái bung xung, khó hiểu khi áp dụng trong
thực tiễn. Đây là một trong những ví dụ khiến các nhà khoa học và cả
nhiều người trong giới lãnh đạo của đảng, nhà nước tốn không biết bao
nhiêu giấy mực! Đại hội đảng XI đã có nhiều ý kiến đề nghị cắt cái đuôi
ấy đi, nhưng cuối cùng vẫn còn nguyên... Và, còn nhiều, còn nhiều lắm
những tranh cãi về đường lối cho đến nay vẫn chưa chịu đổi thay để cứu
vãn những yếu kém khiến đất nước mất cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm.
Phép
biện chứng duy vật – linh hồn của Chủ nghĩa Mác đã chỉ rõ: Không có
chân lý tuyệt đối, không có gì bất biến... Thế mà có những cái đã trở
thành bóng ma ám ảnh loài người, mình vẫn không dám loại bỏ? Thế thì làm
gì có cách mạng và tiến hóa?
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của tác giả Thế giới phẳng Thomas L.Friedman khuyên chúng ta:
“Để
làm được việc này (Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình), Việt Nam cần
tiến hành cải cách sâu rộng hơn để giúp giải phóng sức lao động của
người dân, đặc biệt là sự sáng tạo.
Điều này đòi hỏi phải tiến hành tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống giáo dục một cách thực sự.
Tôi
phải nói rằng Việt Nam nên tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống luật
pháp và tư pháp để bảo đảm sự rõ ràng của hệ thống cũng như cải cách hệ
thống chính trị, tự do báo chí, tự do ngôn luận, và bầu cử thường xuyên
để chọn ra bộ máy lãnh đạo. (Xin xem ở đây)
Ngày 16/5/2014
N.N.D.
Tác giả gửi BVN
0 Nhận xét