Hôm nay, 11/05/2014, hàng ngàn người, đặc biệt là ở Hà Nội và
Sài Gòn, đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc về vụ đặt giàn
khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển
Đông. Ngoài các trang mạng độc lập, báo chí chính thức của Việt Nam hôm
nay cũng đã đồng loạt đưa tin về các cuộc biểu tình này, nhưng chủ yếu
để nhấn mạnh sự ủng hộ của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông, Hà Nội, 11/05/2014.
REUTERS/Kham
|
Tại Hà Nội, đoàn người biểu tình, bao gồm nhân sĩ trí thức,
sinh viên, cựu chiến binh, dân thường, đã tập trung trước Đại sứ quán
Trung Quốc với các khẩu hiệu phản đối Bắc Kinh xâm lấn chủ quyền Việt
Nam. Lực lượng an ninh đã dựng các hàng rào để ngăn cản người biểu tình
tiến đến gần Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng không can thiệp để giải tán.
Tại Sài Gòn, cuộc biểu tình hôm nay cũng đã thu hút hàng ngàn người,
thế nhưng, trên thực tế có nhiều đoàn khác nhau. Ngoài các đoàn biểu
tình độc lập, còn có đoàn tuần hành do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
huy động, một phần là để trà trộn vào nhằm lái các cuộc biểu tình theo
hướng có lợi cho chính quyền. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ hôm nay,
blogger Hoàng Vi, một trong những người tham gia biểu tình theo lời kêu
gọi của 20 tổ chức xã hội dân sự, cho biết chính quyền đã tìm cách phá
rối các cuộc biểu tình độc lập, nhất là ngăn chận những biểu ngữ ngữ đòi
trả tự do cho những nhà hoạt động, các blogger đang bị giam.
Blogger Hoàng Vi : Lần
này ở Sài Gòn có sự tham gia của ba nhóm. Nhóm do 20 tổ chức dân sự kêu
gọi, một nhóm của giáo sư Tương Lai từ nhà hát thành phố, và một nhóm
do Thành đoàn tổ chức nhằm để phá biểu tình, cho người trà trộn vào các
nhóm biểu tình, để đưa những thông điệp, khẩu hiệu ca ngợi Đảng và Bác,
và nhà nước này kia.
Riêng với nhóm mình tham gia ở Nhà văn hóa thanh niên, thì thấy
họ rất mất trật tự, luôn luôn họ đi đầu, cầm cờ đỏ sao vàng và cầm biểu
ngữ của họ đi đầu để cố tình che đi biểu ngữ của những người đi sau, đòi
tự do cho những người yêu nước, như Điếu Cày, Bùi Hằng, Trần Huỳnh Duy
Thức… Những biểu ngữ đó họ cố tình cho người che lại để nhóm làm truyền
thông không có thấy để chụp hình. Lúc đầu, một số biểu ngữ yêu cầu trả
tự do cho những người yêu nước bị họ cho người giựt đi rất là nhiều.
Nhưng bên nhóm biểu tình chuẩn bị rất nhiều biểu ngữ, nên vẫn xuất hiện
được trong cuộc biểu tình.
Một điều nữa là những thông điệp trong lời kêu gọi của 20 tổ chức
dân sự độc lập bao gồm 3 mục tiêu : thứ nhất chống sự xâm lược của
Trung Quốc, thứ hai là phản đối hành vi của hèn nhát của chính quyền
trước việc Trung Quốc xâm lược và thứ ba là đòi trả tự do cho những
người yêu nước. Tất cả những thông điệp đó đều được người biểu tình thể
hiện được trong cuộc biểu tình sáng nay.
Thực sự là họ không thể nào giải tán được các cuộc biểu tình, vì
có tới ba nhóm biểu tình, từ ba nơi khác nhau, và họ không thể tập
trung, không thể điều động được quân cho bên nào là chính, bên nào là
phụ, họ chỉ có cách cho người vào họ phá bằng cách giựt băng rôn, điều
khiến nhóm biểu tình đi theo hướng của họ. Tuy nhiên, họ hoàn toàn thất
bại với những trò đó.
Cũng như ở Sài Gòn, tại Hà Nội, rất nhiều thành phần tham gia vào
cuộc biểu tình hôm nay, từ các hội nhóm đã từng tổ chức nhiều cuộc biểu
tình phản đối Trung Quốc lần trước, cho đến các đoàn viên, đảng viên
cộng sản, hay cán bộ nhà nước… Anh Lê Dũng, thành viên câu lạc bộ bóng
đá No-U Hà Nội (tức nhóm phản đối yêu sách "lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông), cho biết anh rất vui mừng khi thấy các hội nhóm dân sự hòa chung với các thành viên thuộc « các cơ quan đoàn thể » trong cuộc biểu tình hôm nay, nhưng cũng ghi nhận một số hành vi từ phía nhân viên an ninh.
Anh Lê Dũng : «
Thực ra chưa có cuộc biểu tình nào đông như hôm nay, kể từ khi tôi tham
gia năm 2011. Tinh thần mọi người rất nóng, từ trẻ em, đến người già,
không phân biệt. Các lực lượng bảo vệ tỏ ra rất ủng hộ, dẹp, dẫn, ngăn
đường… Có rất nhiều nhóm, nhiều cơ quan, đoàn thể, trong đó các đảng
viên thì phải, vì họ mang cả cờ búa liềm. Mọi người đi chung với nhau.
Nói chung không có sự phân biệt gì giữa các nhóm biểu tình mấy năm trước
và các nhóm mới. Thậm chí tôi phát hiện ra, tôi nhìn thấy mấy nhóm của
đoàn viên, áo xanh, những anh em rất mới của phía các cơ quan, rất nhiều
gương mặt mới. Rất nhiều tôi được biết là họ lần đầu xuống đường và họ
rất nhiệt tình. Cũng không phải vì chính quyền mời họ đi, hay giục họ
đi, mà họ tự đi thôi. Thông qua các mạng, báo chí truyền thông, thì họ
tự giác xuống đường.
Bản thân tôi, họ không ngăn cản, nhưng có những động thái hơi
buồn cười, ví dụ như họ cử ra một vài ba bốn an ninh, gác cửa nhà mình
từ đêm chẳng hạn. Sáng ra, ra ngõ mình gặp, thì họ cũng đi theo. Cũng có
nhiều người bị gác cổng, cũng đi theo, nhưng tôi chưa nghe thấy trường
hợp nào phía Hà Nội bị ngăn cản không cho đi.
Riêng chiếc áo của câu lạc bộ No-U của bọn tôi, tất cả đều mặc áo
này. Ở Hà Nội, mọi người đã quá quen với cái logo này. Cái áo này đã
tràn ra khắp cả ba miền.
Hôm nay, tôi được tin, cũng đang tìm hiểu, chưa biết vì sao nhạc
sĩ Tạ Trí Hải, mấy anh em trong đó nói là bị công an bắt đi đâu đó, giờ
vẫn chưa biết ra sao. Bác ấy là người đầu tiên mặc áo No-U xuống đường,
vì lực lượng No-U chưa kịp ra. Sau đó, có một vài anh em No-U xuất hiện,
thì họ cũng không làm gì nữa. »
Cũng tại Hà Nội, ông Trương Dũng, thành viên Hội Bầu bí tương thân,
cùng với No-U, là một trong 20 hội dân sự ra Lời kêu gọi biểu tình, kể
lại các nhân viên an ninh có sự phân biệt đối xử rõ ràng giữa người biểu
tình theo chủ trương của nhà nước với những người biểu tình theo cách
khác. Một người tham gia biểu tình kể lại, được đưa loa để hô khẩu hiệu
phản đối Trung Quốc, nhưng khi hô khẩu hiệu « Trả tự do cho người yêu nước » thì bị giật lại.
Ông Trương Dũng :
Ngày hôm nay, chúng tôi biết là họ « bật đèn xanh », khác với các cuộc
biểu tình trước. Họ đưa một lực lượng của họ rất đông đảo, với các thành
phần do họ dựng nên, trong đó họ có các khẩu hiệu như « Đảng Cộng sản
quang vinh muôn năm », « Đồng hành với chính phủ ». Họ hát bài quốc ca.
Chúng tôi không đi theo cách của họ mà làm riêng của chúng tôi,
thì họ cho một lực lượng vào để gây hấn, họ giật các băng rôn của chúng
tôi. Chúng tôi đã chụp được một vài hình ảnh làm bằng chứng cho thấy các
hành vi thô bạo của họ.
Kể cả đối với tôi, họ cho lực lượng vào họ huých, không đau lắm,
nhưng có điều là họ có cái vẻ mặt để khủng bố tinh thần chúng tôi. Họ
phân biệt rất rành rọt, vì lực lượng của họ rất đông, để phân biệt giữa «
địch » và « ta », họ mới buộc mỗi một người làm một cái giải băng đỏ ở
cổ tay. Còn anh em chúng tôi mặc áo sơ mi bình thường, hoặc áo No-U phản
đối đường lưỡi bò của Trung Quốc. Chúng tôi cầm băng rôn không để ý là
họ giật, xé. Các khẩu hiệu như « Trả tự do cho người yêu nước », « Tổ
quốc và Nhân dân đời đời nhớ anh hùng Ngụy Văn Thà (đã hy sinh vì Hoàng
Sa) », «Tổ quốc và Nhân dân đời đời nhớ ơn nhà giáo Đinh Đăng Định »…
Các băng rôn đi ngược lại ý muốn của họ thì họ có hành xử như vậy.
Ngoài Hà Nội và Sài Gòn, tại Đà Nẵng, lần đầu tiên người dân cũng đã
xuống đường sáng hôm nay để phản đối Trung Quốc. Lực lượng an ninh cũng
không can thiệp và đoàn người biểu tình sau đó cũng đã tự giải tán. Trả
lời RFI Việt ngữ, anh Nguyễn Văn Thạnh, một trong những người tổ chức
biểu tình ở Đà Nẵng, cho biết quá trình chuẩn bị cuộc biểu tình hôm nay
lúc đầu cũng gặp khó khăn, nhưng khi tuần hành thì không gặp trở ngại và
đã được người dân ủng hộ:
Anh Nguyễn Văn Thạnh : (…) Quá
trình đi in băng rôn cũng bị nhiều người lạ mặt theo dõi. Tôi nghĩ có
một thế lực cản trở cho việc này. Cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện
được với máy in trắng đen ở nhà…. Đúng 8 giờ sáng, ba anh em chúng tôi
đến tượng đài 2 tháng 9 ở Đà Nẵng… Lúc sau thì đông đúc hơn…
Chúng tôi tiến hành dâng hương tưởng niệm ở đó các liệt sĩ đã hy
sinh vì lãnh thổ, tổ quốc. Tôi đại diện cho nhóm đọc diễn văn để nói lên
công việc phản đối của mình… Lực lượng cảnh sát cơ động có đến, nhưng
để bảo vệ trật tự ở vòng ngoài. Chúng tôi tuần hành từ tượng đài về Hội
đồng nhân dân thành phố. Trong quá trình đi, chúng tôi được nhiều người
dân hiếu kỳ xem và gia nhập vào đoàn biểu tình. … Trong quá trình đi
biểu tình, chúng tôi nhận được nhiều ánh mắt, nhiều dấu tay ủng hộ khích
lệ.
Ở Đà Nẵng hồi giờ chưa có hoạt động này, nên người dân còn e
ngại. Điều đó làm cho tiếng nói của người dân thể hiện quyền công dân
của mình còn yếu. Hy vọng người dân ngày càng thức tỉnh quyền công dân
của mình, và trách nhiệm công dân đối với vấn đề của đất nước.
Báo chí chính thức của Việt Nam hôm nay đã được phép đồng loạt đưa tin về các cuộc biểu tình ( các báo thật ra chỉ gọi là « tuần hành
» ) ở ba thành phố nói trên, cũng tường thuật trên mạng từng giờ, từng
phút diễn biến của các cuộc biểu tình. Tuy nhiên các báo này nhấn mạnh
nhiều đến sự ủng hộ của nhân dân với chính phủ qua các khẩu hiệu như « Phản đối Trung Quốc, đồng lòng cùng Nhà nước", "Đồng hành cùng Nhà nước bảo vệ chủ quyền Việt Nam".
0 Nhận xét