Theo RFI
"Trong đối ngoại xin lỗi thật tình không phải là tỏ sự yếu đuối mà là tỏ sức mạnh của một nước biết trực diện đối mặt với lịch sử của mình."
Mai Vân
Thủ tướng Shinzo Abe thăm ngôi nhà của Anne Frank - Amsterdam. Ảnh ngày 23/03/2014.
REUTERS/Cris Toala Olivares
Nhân chuyến công du mà Tổng thống Mỹ Obama sẽ thực hiện từ
ngày mai 23/03, lần lượt đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines,
nhật báo Pháp Le Figaro hôm nay 22/04/2014 có bài phân tích lý thú với
câu hỏi : Có nên xin lỗi trong chính sách đối ngoại hay không ?
Bài báo trở lại mục tiêu chuyến đi của ông Obama là nhằm trấn
an các đối tác, đồng minh trong khu vực trong bối cảnh tình hình hành
tinh đang bất ổn với hồ sơ Ukraina, với chính sách bành trướng của Trung
Quốc và với hành vi khó lường của chế độ Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, Le Figaro thấy rằng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại
không tạo điều kiện dễ dàng cho Obama, khi cho gởi lễ vật lên đền
Yasukuni, nơi có thờ bài vị tội phạm chiến tranh. Trong mắt Hàn Quốc –
cũng như Trung Quốc – đây là biểu tượng của thời quân phiệt Nhật.
Hành động trên của ông Abe, theo Le Figaro, có nguy cơ làm yếu đi mặt
trận chung của các nền dân chủ châu Á trước sự vươn lên của Trung Quốc
trên mặt quân sự.
Le Figaro nhắc lại : Phía Nhật đã đưa ra giải thích rằng lãnh đạo
Nhật viếng một đền thờ tử sĩ là một chuyện bình thường ở mọi nơi. Nhưng
đối với tờ báo, viếng một nơi có một bảo tàng bên cạnh, thuật lại lịch
sử quân sự Nhật, mà các cuộc tấn công vào Trung Quốc từ 1931, đến cuộc
tấn công ở vùng Thái Bình Dương từ 1941, như cuộc chiến giải phóng các
nước châu Á khỏi ách đô hộ phương Tây và lờ đi những sự cố như vụ thảm
sát Nam Kinh, thì quả là một hành động khiêu khích.
Le Figaro lấy làm tiếc là Nhật không biết xin lỗi và để quá khứ tiếp
tục đè nặng. Tờ báo cho là từ những năm 1970, các chính phủ Nhật đều lên
tiếng xin lỗi, ngay cả về vấn đề phụ nữ giải sầu.
Nhưng khi một quốc gia quyết định xin lỗi, điều quan trọng là nằm ở
việc các dân tộc nạn nhân trước đây cảm nhận như thế nào về những lời
nói, về hành vi xin lỗi này.
Nhật theo Le Figaro đã không làm được như Đức : Sau khi Thủ tướng Đức
Willy Brandt, năm 1970, trong một cử chỉ bất ngờ, gây xúc động mạnh,
quỳ gối, chân thành, trước đài tưởng niệm ở khu Do thái tại Vacxava,
thì người Đức đã được đón tiếp vui vẻ trở lại ở Đông Âu.
Khi xây dựng ở trung tâm Berlin một đài tưởng niệm nạn nhân vụ diệt
chủng người Do thái thời Đức Quốc xã, thì nước Đức đã không tự hạ mình
chút nào mà còn được khen ngợi nữa là khác.
Ngày nay thì Đức được tôn trọng, được người ta lắng nghe, khâm phục,
không chỉ ở Châu Âu, mà cả trên thế giới. Đáng tiếc là Nhật đã không
thành công như thế, đã không hội nhập được một cách hoàn toàn vào môi
trường châu Á của mình.
Trong đối ngoại xin lỗi thật tình không phải là tỏ sự yếu đuối mà là
tỏ sức mạnh của một nước biết trực diện đối mặt với lịch sử của mình.
Le Figaro còn cho rằng ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin còn biết
cách xin lỗi Ba Lan trong vụ thảm sát Katyn (1940), và cho chiếu vào
giờ cao điểm trên đài truyền hình Nga phim của Wajda về sự cố này.
0 Nhận xét