Chỗ ở mới của ký giả Đoan Trang
TMSS:Niềm vui cho người Việt và những nhà đấu tranh cho dân chủ!
Nhà
báo Đoan Trang sang Hoa Kỳ và có chỗ ở. Nhiều người cũng có thể sang
Hoa Kỳ và có chỗ ở nhưng tại sao chỗ ở của Đoan Trang tại Hoa Kỳ lại là
một câu chuyện.Cách đây hai tháng, tình cờ gặp được Đoan Trang trong một tình huống khá bất ngờ. Cô ta đến Hoa Kỳ trên đường đến Geneve, Thuỵ Sĩ trong phiên kiểm định nhân quyền cho Việt Nam.
Từ lâu, tôi luôn có một mong ước là làm sao để những nhà đấu tranh cho xã hội dân sự ở Việt Nam phải ít nhất có cơ hội ra ngoại quốc một chuyến. Đến được một đất nước Tây Phương tiêu biểu đại loại như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan thì coi như là một trải nghiệm… Đây là một phương tiện đấu tranh mang tính tư duy rất quan trọng.
Đấu tranh với ai? À! ra được nước ngoài rồi thì "đám dư luận viên cũng không có lý gì mà dám đánh đồng với tầm nhìn sau lũy tre làng của họ". Ở góc cạnh khai trí - đi cho biết đó biết đây, sang các nước Tây Phương thì cách nhìn về cấu trúc xã hội sẽ thực tế hơn. Ngoài ra, khi người đấu tranh cho xã hội dân sự chưa có điều kiện ra nước ngoài thì đám dư luận viên đi du học cũng có thể tự cao tự đại diễn tả văn hóa Tây phương theo cách nhìn và định hướng của công an. Điều này thật là không công bằng với những người như Đoan Trang.
Từ một nhà báo chính ngạch của hệ thống báo "lề phải" trong nước, ký giả Đoan Trang chuyển thành một nhà tranh đấu cho xã hội dân sự ở Việt Nam. Thế là quãng đường tác nghiệp của cô ở Việt Nam hết sức vất vả. Nói có khi không phải chứ theo diễn tả của Đoan Trang thì những người như cô bị cô lập khống chế đến cảnh túng đói (theo nghĩa đen) để làm tủi nhụt về mặt ý chí.
Thế rồi Đoan Trang đến Mỹ và Âu châu, cô đi một chuyến đi vòng quanh các nước có nền văn minh văn hóa ứng xử bậc nhất thế giới. Đây cũng là một sự trải nghiệm quan trọng nhất trong đời của cô.
Nhưng rồi những người như Đoan Trang có đi thì phải trở về. Đó là sứ mệnh của người đấu tranh cho một mục tiêu cao đẹp. Cho dù khi về có bị bắt hoặc bị cấm xuất cảnh thì những người cô cũng đành phải cam chịu. Nghĩ đến điều này, nhiều người như tôi cảm thấy thật áy náy. Không lẽ xúi cô ở lại tị nạn chính trị thì lại là đường đột quá! Mà biết cô về lâm vào hoàn cảnh như Nguyễn Tiến Trung thì quả là đau xót.
Tôi định liên lạc với luật sư Trịnh Hội có phương pháp gì không chứ để các bạn như Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn đã qua tới Washington DC, Geneve trình bày hồ sơ trấn áp của chế độ công an trị coi chừng khi về nước là họ dùng ngay chiêu bài bắt đi bộ đội để hành hạ vài năm là xong đời trai bay nhảy.
Viết tới đây, chợt nghĩ đến Nguyễn Tiến Trung vào cái hôm nhập ngũ mà muốn rơi nước mắt. "Rõ ràng là chúng nó lừa vào doanh trại bộ đội rồi sau đó bắt Nguyễn Tiến Trung cầm tù". Quãng thời gian dài đến sáu năm, quá chua xót.
May quá! Đoan Trang là một cây bút rất tài hoa được giới ngoại giao phương Tây chú ý. Cô cũng là một trong những blogger hiếm hoi viết bằng tiếng Anh của Việt Nam. Tin cô phải về nước "trồng trà ở Thái Nguyên" có lẽ làm áy náy giới ngoại giao Mỹ, Đức, Thuỵ Sĩ khiến họ không thể nào yên tâm… Không thể nào để một nhân vật lung linh như thế này rơi vào bàn tay thô bạo bọn chúng để làm tù nhân lương tâm cho được. Thế rồi, bằng sự ngưỡng mộ và quan tâm rất nhân văn nào đó, họ mời cô ở lại làm fellowship (một dạng nghiên cứu) cho một trường đại học ở Nam California.
Được ở lại làm fellowship cho một trường đại học Hoa Kỳ là một chứng chỉ, một thành tích quá lớn trong một chuyến "vượt biên" tình cờ. Như thế quá vinh dự rồi! Nhóm dư luận viên kỳ này tha hồ tức tối vì địa vị mới của Đoan Trang. Ký giả Đoan Trang sẽ làm bọn họ trở nên nhỏ bé khi muốn kích động và bêu rếu các nhà đấu tranh dân chủ. Ở vị trí hàn lâm, Đoan Trang sẽ làm cho "cả đội chúng nó" không còn tư thế gì nữa. Rõ ràng bọn dư luận viên bậc thấp thì thường không có đủ tiền ra ngoài du học. "Chú nào có tiền ra ngoài du học thì lại dốt bỏ cha vì lý luận kiểu dư luận viên thì viết luận văn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp làm thế nào mà ăn điểm được."
Nhưng chưa hết! Chỗ ở mới của Đoan Trang mới làm chúng tôi choáng váng. Thì ra đây là một toà biệt thự có tên là Villa Aurora (độc giả tự google) để biết sự biệt đãi dành cho ký giả Đoan Trang quan trọng tới cỡ nào.
Villa Aurora sang trọng như là một tòa lâu đài, nơi hội tụ của những nghệ sỹ tài hoa trên thế giới. Họ tụ tập và giao lưu trong môi trường tuyệt vời nhất để trí tuệ và sự sáng tạo được thêm phần thăng hoa bay bổng. Một đạo diễn làm xong cuốn phim, tới Villa Aurora nghĩ dưỡng để tái tạo cảm hứng.
Ở mức độ hóng hớt! cho dù ở Mỹ đã 24 năm, tôi chưa từng thấy một Villa nào sang trọng, thẩm mỹ, và có linh hồn như vậy. Toạ vị trên một triền núi cao, mở mắt ra là Thái Bình Dương bát ngát ngút tầm mắt. Bãi biển Santa Barbara tỏa nắng phía bên phải. Chỉ trong một tầm mắt, khung cảnh vừa hoang sơ vừa đương đại của kiểu kiến trúc cho danh nhân tài tử Hollywood.
Nhưng chưa hết, căn biệt thự có cả tiền sảnh hậu sảnh đẹp như phim. Trong Villa Aurora, cơ man nào là sách và đồ nghệ thuật quý giá. Ngay cả cây đàn piano cũng có phím làm bằng ngà voi, sờ vào là chất ngà như hút lấy vân tay tạo nên một cảm khái nghệ thuật chất ngất. (Thời nay, người ta cấm dùng ngà voi, chỉ những danh phẩm cổ xưa mới còn được lưu lại).
Khách cư ngụ của Villa Aurora toàn là những nhân vật danh giá đến từ Âu Châu. Trong quá khứ của các nhân vật đấu tranh có một số đến từ Miến Điện, Pakistan… Có lẽ Đoan Trang là người Việt Nam đầu tiên được vinh dự làm khách của Villa Aurora. Nên nhớ rằng, chỗ ở này không phải có tiền là mua được. Cư ngụ tại Villa Aurora là một thứ đẳng cấp khiến những người ở Mỹ lâu năm như tôi khám phá ra cũng phải kinh ngạc. Tinh thần tôn trọng tài hoa của Âu Mỹ thật là vượt tầm tưởng tượng của những người tự cho là ở Mỹ rất lâu và biết về nước Mỹ rất nhiều. Hàng xóm của Đoan Trang lúc này là đạo diễn người Đức, Marc Bauder mới làm xong bộ phim Master of the Universe.
Đoan Trang sẽ nghĩ gì và viết gì sau những trải nghiệm ở Villa Aurora. Chúng ta đang chờ đợi. Tại sao Tây Phương có thể đạt tới mức sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời như thế! Có thể Đoan Trang sẽ kể với chúng ta sau này.
0 Nhận xét