Kỳ
1: Đừng học Trung Quốc "lấy sách đè người"
Tác giả: HUỲNH PHAN
LTS: Mục "Gặp gỡ & Đối thoại" tuần này xin được trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện giữa phóng viên Huỳnh Phan và nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân - người "mở hàng" cho loạt bài của Tuanvietnam về các nhà nghiên cứu Biển Đông trong và ngoài nước.
Hiện nay, đa số học giả Trung Quốc căn cứ
vào loại tư liệu du ký, nhiều hơn là chính sử và địa chí, để nêu quan điểm và
lập luận của họ về chủ quyền đối với Biển Đông và hai quần đảo. Điều đó không
hề có tính pháp lý, bởi chính sử và địa chí là do nhà nước chủ trương thực
hiện, còn du ký là của những nhà hàng hải và thương buôn.
Cuộc trao đổi này được thực hiện cách đây
đúng mười ngày tại nhà riêng của Phạm Hoàng Quân tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức
Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - nơi vị học giả này mới kịp "tái định
cư" được hai tuần, sau ngót 15 năm "tha hương cầu... đạo" ở đất Sài
Thành.
Mặc dù, mục đích chính của phóng viên là
tìm hiểu công việc của một nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông - điều mà phóng
viên đã từng muốn thực hiện cách đây đúng 2 năm, sự khởi đầu câu chuyện vẫn cứ
liên quan đến sự ồn ào của giới truyền thông xung quanh việc Bảo tàng Lịch sử
Quốc gia tiếp nhận tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn
đồ", được vẽ năm 1904, từ TS Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
& Ứng dụng Phả học Việt Nam vào hôm 25.7 vừa rồi.
Đó là vì khi nhận được lời yêu cầu phỏng
vấn, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã trả lời rằng, trước đó, ông đã từ chối
nhiều đề nghị phỏng vấn liên quan đến sự kiện truyền thông nói trên, và ông
không muốn tạo ra một ngoại lệ.
Xin
ông giải thích lý do ông từ chối trả lời liên quan tới tấm bản đồ cổ
"Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn đồ".
Theo tôi, chuyện đó là một hình thức
truyền thông bình thường, để cho số đông họ có ý thức rằng chính cái bản đồ cổ
của Trung Quốc đã nêu lên vị trí địa lý cụ thể của Trung Quốc. Việc làm đó của
truyền thông đã đạt được những hiệu quả đáng kể rồi.
Thế nhưng, nếu những người nghiên cứu mải
sa vào câu chuyện đó, họ sẽ mất đi tính hệ thống trong nghiên cứu. Bởi cái bản
đồ đó không phải là bản đồ duy nhất, mà đã có rất nhiều cái như vậy.
Trước đây 30 năm, người ta đã từng công bố
những bản đồ như vậy rồi, tất nhiên, chỉ trong phạm vi của giới học thuật.
Thành ra, sự kiện này không lạ với giới nghiên cứu, và việc nếu nhà nghiên cứu
coi tấm bản đồ này là một cổ vật trân quý thì không hẳn đã hay lắm.
Theo thiển nghĩ của tôi, do chưa có tổng
hợp và phân loại một cách hệ thống các nguồn tư liệu, chúng ta hay bị tham, đâm
ra nhiều khi bị rối. Chúng ta đã chưa rút bài học của Trung Quốc.
Ý
ông là sao?
Đối với vấn đề Biển Đông, tư liệu của họ
gấp mười lần mình. Nhưng chính việc họ gom tất cả vào để khẳng định chủ quyền
của họ đã làm nảy sinh ra những lỗ hổng, những sự mâu thuẫn, mà chúng ta có thể
tận dụng để phản biện.
Đề
cập tới việc tổng hợp và phân loại tư liệu, ông chỉ nói đến cả tư liệu của
Trung Quốc hay cả nguồn tư liệu của Việt Nam?
Tôi chưa đi hẳn về nghiên cứu sử liệu
Việt, nhưng tôi vẫn phải đọc để hình dung được công việc đang làm. Tôi rất muốn
góp ý với giới học giả Việt Nam nghiên cứu sử liệu Việt đừng lặp lại cái sai
lầm và sơ hở mà Trung Quốc đã mắc phải.
Nếu mình chịu khó hãm lại một nhịp, để
tổng hợp và phân loại cho thật kỹ, không cần nhiều, nhưng phải có trình tự các
đời, sẽ hiệu quả hơn nhiều. Mà cũng không cần xưa quá, chỉ cần từ thời các chúa
Nguyễn trở về sau là đủ. Bởi khi đưa những cái xưa quá, nó sẽ hổng vì tính
chính xác không cao.
Tức
là đừng học cái chiến thuật "biển người - biển sách" của họ, hay nói
theo các cụ nhà ta là "lấy sách đè người", đúng không ạ?
Đúng vậy. Nhưng tôi cũng biết rằng cái này
góp ý khó lắm. Nhiều khi cản cái nhiệt tâm của người ta cũng khó.
Vậy
có thể điều chỉnh chuyện này bằng cách nào?
Các cơ quan ngôn luận phải biết chắt lọc.
Có
hai loại công bố: thứ nhất trong các ấn bản chuyên ngành, trong các hội thảo
khoa học, và thứ hai là trên truyền thông đại chúng.
Tôi cũng hiểu điều này cũng không dễ dàng
gì với báo giới các anh. Vì đây nó thuộc bản tính dân tộc của mình rồi. Gần đây
nhất là vụ địa đồ, nó đã làm cho công chúng, nói một cách dân dã và dễ hiểu nhất,
cảm thấy hý hửng lên một cách thái quá.
Cái kiểu nay phát hiện một món, mai phát
hiện một món, rồi đều coi các món này là quan trọng số một, rất không ổn. Chưa
xếp vào khuôn thì chưa biết nó quan trọng thế nào đâu.
Vậy đối với một nhà
nghiên cứu như ông, việc công bố tấm bản đồ vừa rồi thực sự có ý nghĩa gì
không?
Tôi coi nó là một trong nhiều vật để có
thể xâu chuỗi lại thành một hệ thống, nhằm phục vụ nghiên cứu. Ý nghĩa của nó
chỉ gói gọn trong đó thôi.
Vì sao ư? Bởi chỉ trong phạm vi địa đồ nói
riêng, một tấm bản đồ là một thành phần quá nhỏ. Còn nói về tư liệu lịch sử nói
chung, địa đồ cũng chỉ là một bộ phận thôi.
Khi nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, anh
phải biết cả về những điều ghi chép trong sử, những điều ghi chép trong địa
phương chí (địa chí). Hai cái này hình thành ý thức về địa đồ.
Tức
là địa đồ xuất hiện sau hai loại hình kia?
Đúng thế. Đầu tiên có sử, sau đó có địa
chí, và để quản lý hành chính, đất đai, người ta mới vẽ địa đồ. Nói cách khác,
địa đồ là loại hình trực quan, đúc kết lại những điều đã được ghi trong chính
sử và địa chí. Chính vì vậy, nó phải được dẫn giải bởi các tư liệu khác nữa mới
có giá trị.
Khi nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, anh
phải phối hợp được ba loại tư liệu chính thống này của các triều đại phong kiến
Trung Quốc. Chỉ khi ba loại tư liệu này ăn khớp, không mâu thuẫn với nhau, thì
những gì ghi trên địa đồ mới có độ xác tín cao.
Tại
sao một tấm bản đồ không có tư liệu dẫn giải thì lại ít giá trị? Người ta có
thể cho là nguồn gốc không rõ ràng?
Tôi ngại rằng điều sắp nói ra có thể làm
mích lòng các anh em chơi đồ cổ...
Vậy
chúng ta hãy cùng xin họ thứ lỗi trước, cho nó lành. Đây là câu chuyện hoàn
toàn học thuật thôi mà.
Người ta hoàn toàn có thể làm giả một bản
đồ cổ. Vì mục đích kinh doanh, chứ hoàn toàn không liên quan đến chính trị.
Tuy nhiên, nếu không giỏi về sử và địa
chí, những người làm giả bản đồ cổ sẽ không tránh khỏi những sơ suất trong
những địa danh được ghi trên bản đồ, bởi chúng có thể không trùng khớp với niên
đại xuất hiện của tấm bản đồ.
Chính vì vậy, bất cứ tấm bản đồ nào cũng
cần phải được nghiên cứu xem nó có phù hợp với chính sử và địa chí hay không.
Hay nói cách khác, địa đồ là phương tiện để củng cố thêm quan điểm mình đã xác
lập, chứ không phải dựa vào một bức địa đồ để nói tất cả mọi chuyện.
Và mô hình nghiên cứu kết hợp giữa chính
sử, địa chí và địa đồ, theo tôi, là mô hình nghiên cứu hoàn chỉnh nhất.
Xin
hỏi ông, tại sao Trung Quốc vẫn cứ khăng khăng rằng họ có đầy đủ cơ sở để khẳng
định chủ quyền đối với Biển Đông, cụ thể hơn là vùng nước lịch sử (nằm trong
đường Lưỡi Bò) và hai quần đảo nằm trong đó là Hoàng Sa và Trường Sa.
Qua nghiên cứu chính sử và địa chí Trung
Quốc, bao gồm cả địa chí toàn quốc, địa chí Quảng Đông và địa chí Quỳnh Châu
(đảo Hải Nam), suốt từ đời Hán đến cuối đời Thanh, tôi mới rút ra rằng học giả
Trung Quốc dựa vào một loại tư liệu hoàn toàn khác, so với ba loại tư liệu có
tính chính thống mà chúng ta đã nói ở trên. Đó là tư liệu của các nhà hàng hải
Trung Quốc, tức là loại tư liệu giao thông trong khu vực.
Người Trung Quốc có truyền thống đi biển
đã lâu. Chẳng hạn, từ đời Tống họ đã vượt biển đi về phía các nước Đông Nam Á
rồi. Trong quá trình đi lại, họ có ghi chép lại các hiện tượng và sự vật trên
Biển Đông. Nhưng những ghi chép đó không phải để xác lập chủ quyền, mà được coi
là những ghi chép trung tính.
Hiện nay, đa số học giả Trung Quốc căn cứ
vào loại tư liệu du ký, nhiều hơn là chính sử và địa chí, để nêu quan điểm và
lập luận của mình. Điều đó không hề có tính pháp lý. Bởi chính sử và địa chí là
do nhà nước chủ trương thực hiện, còn du ký là của những nhà hàng hải và thương
buôn.
Thế
còn về mặt địa đồ?
Trung Quốc vẫn có những địa đồ vẽ Hoàng Sa
và Trường Sa, ghi những cái tên như Vạn Lý Trường Sa, hay Thiên Lý Thạch Đường.
Nhưng đó là những địa đồ được vẽ ra sau khi bị ảnh hưởng của những địa đồ thế
giới, bắt đầu được đưa vào Trung Quốc vào đời Minh. Người Trung Quốc biết có
những hòn đảo đó, và khi vẽ bản đồ thế giới, hay khu vực, họ cũng đưa luôn vào.
Tôi phân loại bản đồ do Trung Quốc thực
hiện làm hai loại: bản đồ hành chính Trung Quốc và bản đồ hành chính thế giới /
khu vực.
Vậy
là giới học giả Trung Quốc đã đánh lận con đen, khi dùng bản đồ hành chính thế
giới, hay khu vực, để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc?
Hoàn toàn đúng. Đó là cách thực hiện một
bản đồ, chứ không phải một hành vi khẳng định chủ quyền.
Họ
có nhiều bản đồ như vậy không?
Địa đồ Trung Quốc thời Minh và thời Thanh
có nhiều bản đồ vẽ các quần đảo, và các nước lân cận.
Theo
dõi tranh luận giữa học giả Việt Nam và Trung Quốc xung quanh chứng cứ lịch sử
về chủ quyền đối với hai quần đảo ở Biển Đông, ông có thấy các học giả Việt Nam
xoáy kỹ vào lập luận ông vừa nêu ra không?
Học giới Việt Nam, theo tôi nhìn nhận một
cách tổng quan, bị giới hạn bởi việc chưa phân loại một cách cụ thể các nguồn
tư liệu mình có. Theo tôi, điều quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu là phải
tổng hợp tư liệu, rồi từ đó mới phân loại và phân tích trên những loại tư liệu
đã được phân ra.
Thường thì mình có thói quen là thấy cái
gì thì đem cái đó vào bài viết. Điều đó dễ dẫn tới lý luận bị chuệch choạc,
thiếu ăn khớp.
Ông
có thể nói rõ hơn được không?
Thí dụ như anh đang phản biện về chủ quyền
của Trung Quốc, anh đem bản đồ Trung Quốc không có quần đảo vào. Nhưng rồi, một
hồi sau, anh lại dẫn kỷ sự của Trung Quốc để chứng minh chủ quyền của Việt Nam.
Đó là những lỗ hổng do việc phân loại tư liệu không kỹ.
Tư liệu của Trung Quốc phân ra hai nhánh.
Nhánh thứ nhất thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông và hai quần
đảo của Việt Nam, còn nhánh thứ hai là chưa từng công nhận chủ quyền của Trung
Quốc. Hai nhánh này khác xa nhau lắm.
Thí dụ, cuốn sách "Hải ngoại kỷ
sự" của ông Thích Đại Sán, được các nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam
hay đề cập, có kể rằng ông hoà thượng Quảng Đông này đi qua Việt Nam vào thế kỷ
17, ghi chép về các quần đảo, và thừa nhận Chúa Nguyễn có cho người ra thu thuế
ở quần đảo Hoàng Sa. Loại tư liệu này là du ký của một ông sư, trong đó thừa
nhận người Việt Nam đã sở hữu quần đảo Hoàng Sa.
Loại
tư liệu này có giúp gì trong việc khẳng định chủ quyền hay không?
Có. Nhưng mới chỉ dừng ở nhận thức của
người Trung Quốc, hay giới trí thức Trung Quốc, chứ không phải sự thừa nhận của
chính quyền Trung Quốc. Vậy nếu phía Trung Quốc họ phản biện rằng ông nhà sư
này không hề đại diện cho chính quyền Trung Quốc, không hề biết về quản lý hành
chính thì mình trả lời như thế nào?
0 Nhận xét