Cần một lộ trình để tiến tới xóa bỏ án tử hình
Một phòng thi hành án tử hình bằng cách chích thuốc độc.
Nên hay không nên bỏ hẳn án tử hình ở Việt Nam theo như chiều
hướng hiện nay trên thế giới? Đó là câu hỏi đang gây tranh luận ngày
càng nhiều ở Việt Nam. Hôm nay, chúng ta sẽ nghe ý kiến của luật sư Trần
Vũ Hải ở Hà Nội về vấn đề này.
Cuối tháng ba vừa qua, tổ chức Ân xá Quốc tế vừa công bố báo
cáo thường niên về án tử hình trên thế giới năm 2013. Trong phần nói về
Việt Nam, báo cáo này cho biết là, sau 18 tháng tạm ngưng, tháng 8 năm
ngoái, Việt Nam hành quyết trở lại một tử tù, cụ thể là phạm nhân Nguyễn
Anh Tuấn, bị kết án năm 2010 về tội sát nhân, đã bị xử tử bằng cách
tiêm thuốc độc. Sau đó, có ít nhất 6 tử tù khác đã bị hành quyết năm
ngoái.
Theo báo cáo của Ân xá Quốc tế, việc Việt Nam, cùng với các nước
Indonesia, Koweit và Nigeria tiến hành trở lại các vụ hành quyết tử tù
đã góp phần làm tăng con số các vụ xử tử trên thế giới trong năm 2013
lên thành 778 vụ, tăng gần 15% so với năm 2012.
Theo thống kê của Ân xá Quốc tế, trong năm 2013 đã có ít nhất 148
người bị tuyên án tử hình ở Việt Nam, đa số phạm tội cố sát và buôn ma
túy, một vài người phạm các tội về kinh tế. Còn theo các số liệu do bộ
trưởng Công an Việt Nam Trần Đại Quang đưa ra, tính đến tháng 11 năm
ngoái, có 678 tử tù đang bị giam trong các nhà tù Việt Nam. Ít nhất có
110 người trong số họ đã sử dụng hết các thủ tục kháng cáo, xin khoan
hồng và như vậy là chỉ chờ ngày bị hành quyết. Những người này sẽ bị
hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc, chứ không phải bị xử bắn như trước
đây, chiếu theo Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ 01/07/2011.
Cho tới nay, luật pháp Việt Nam vẫn chưa cho phép công bố các số liệu
về án tử hình, nên các tổ chức quốc tế thường chỉ dựa trên những thông
tin của báo chí trong nước. Chẳng hạn như vào đầu năm nay, báo chí quốc
tế đã đồng loạt đưa lại thông tin của báo chí Việt Nam về việc tòa án
tỉnh Quảng Ninh ngày 20/01 đã tuyên án tử hình tổng cộng 30 người, trong
đó có 9 phụ nữ, trong vụ buôn 12 tấn heroin xuyên quốc gia.
Sau vụ tuyên án tử hình 30 người nói trên, ngày 12/02 vừa qua, 3 tổ
chức nhân quyền quốc tế đã công bố bức thư kêu gọi Liên Hiệp Quốc đình
chỉ ngay lập tức việc trợ giúp Việt Nam về chống ma túy. Ba tổ chức Harm
Reduction International, Reprieve và Liên minh Thế giới chống Án tử
hình nhắc lại những quy định của Cơ quan Liên hiệp quốc phòng chống ma
túy và tội ác UNODC, theo đó, tổ chức này phải ngưng trợ giúp một quốc
gia, nếu thấy rằng sự trợ giúp này có thể dẫn đến việc xử tử phạm nhân
tại quốc gia đó. Bức thư của ba tổ chức nói trên đã được gởi đến điều
phối viên thường trú của Liên hiệp quốc ở Việt Nam và đến giám đốc Việt
Nam của UNODC.
Sau nhiều lần sửa đổi bổ sung, Bộ luật Hình sự của Việt Nam đã giảm
con số các tội phạm có thể lãnh án tử hình từ 44 ( năm 1985 ) xuống còn
22, được chia thành sáu nhóm: Nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia như tội
phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội
gián điệp; nhóm tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như tội giết
người, tội hiếp dâm trẻ em; nhóm tội xâm phạm đến sở hữu như tội cướp
tài sản; nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như tội sản xuất,
buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng
bệnh; nhóm tội phạm về ma túy như tội sản xuất trái phép chất ma túy,
tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy;
nhóm tội phạm về chức vụ như tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ.
Cho dù hiện nay ở Việt Nam đa số vẫn chủ trương duy trì án tử hình,
nhưng ngày càng có nhiều người đề nghị chỉ áp dụng bản án này trong
những trường hợp rất đặc biệt. Trên tờ Pháp Luật ngày 14/01, luật sư
Trịnh Văn Quyết đã đề nghị Quốc hội nên xem xét bỏ hình phạt tử hình đối
với các tội phạm kinh tế, như tham ô tài sản, vì theo luật sư Quyết,
thực tế cho thấy là án tử hình không đủ để răn đe, ngăn chận nạn tham
nhũng. Hơn nữa, theo luật sư Quyết, trong các vụ án kinh tế phức tạp,
với trình độ của cán bộ ngành tư pháp Việt Nam hiện nay, rất dễ dẫn đến
việc kết án tử hình không đúng người và nếu đã hành quyết người bị án tử
hình oan thì không thể trả lại mạng sống cho người ta.
Dầu sao, theo chiều hướng hiện nay của thế giới, Việt Nam cũng phải
nghĩ đến chuyện dần dần xóa bỏ án tử hình. Theo tin báo chí trong nước,
tại Hội nghị triển khai thi hành Hiến pháp 2013 tổ chức ở Học viện Tư
pháp ngày 21/3 vừa qua, thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã khẳng
định, trong tương lai, Việt Nam sẽ từng bước xóa bỏ hình phạt tử hình, “
nhằm đảm bảo quyền sống của con người theo đúng tinh thần bảo đảm nhân quyền trên thế giới”.
Nhưng theo ý kiến của luật sư Trần Vũ Hải, trả lời phỏng vấn RFI ngày
01/04 vừa qua, cần phải có một lộ trình nhiều năm để dần tiến tới việc
xóa bỏ án tử hình ở Việt Nam và bên cạnh đó phải đẩy mạnh cải tổ ngành
tư pháp của Việt Nam, mà hiện vẫn còn chưa được độc lập và thiếu hiệu
quả.
RFI: Kính thưa luật sư Trần Vũ Hải. Bản thân
ông có đã từng tham gia vào các vụ xử có tuyên án tử hình và theo ông
biết thì tầm mức của án tử hình ở Việt Nam hiện nay là như thế nào?
LS Trần Vũ Hải: Tôi có tham gia một số vụ án mà các
bị cáo bị tuyên án tử hình. Đấy là những vụ về ma túy, trong đó có một
vụ án mà sau đó tôi đã đấu tranh và bị cáo ấy đã được giảm án xuống còn
chung thân và vừa rồi đã được tự do, đó là chị Nguyễn Thị Hoa trong vụ
án Vũ Xuân Trường, cách đây khoảng 20 năm.
Trong vụ thứ hai, người mà chúng tôi bào chữa cũng đã kêu oan, cho
rằng mình không tham gia vụ án ấy. Chúng tôi cũng đã đấu tranh quyết
liệt và đã chứng minh rằng việc tố giác là do hằn thù cá nhân với nhau.
Thế nhưng, tòa cũng tuyên án tử hình, dù ông ta đã vào khoảng 65-70
tuổi. Cho tới nay chúng tôi không rõ là án tử hình ấy đã được thi hành
chưa.
Hiện nay chưa có thống kê hàng năm về án tử hình ở Việt Nam, nhưng
tôi có đọc qua báo cáo của bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường vào tháng
10/2013 đọc trước Quốc hội, theo đó, vào thời điểm ông báo cáo thì có
khoảng 680 phạm nhân đang bị án tử hình, trong đó có 174 người là mới bị
kết án trong vòng một năm. Như vậy là tại Việt Nam, tuy không có con số
chính xác, nhưng tôi thẩm định là mỗi năm có khoảng 200 người bị tuyên
án tử hình. Còn bao nhiêu người được Chủ tịch (nước) ân giảm, thì chúng
tôi không được rõ.
Từ năm 2013, sau một thời gian hoãn, do thay đổi phương thức tử hình,
tiêm thuốc độc thay vì bắn, Việt Nam đã bắt đầu thi hành án tử hình trở
lại. Trong việc thi hành án tử hình này cũng có một số lùm xùm nhất
định, khi tại tỉnh Phú Yên, một số bác sĩ không phải là chuyên gia về
thực thi án tử hình bị buộc phải tham gia và họ đã phản ứng. Trong khi
đó, theo quy định, chỉ có những người thuộc lực lượng thi hành án tử
hình và những người chuyên nghiệp thì mới được tham gia.
Vấn đề án tử hình ở Việt Nam cũng đã gây nhiều dư luận và cũng đã có
nhiều người đề nghị giảm thi hành án tử hình ở hai góc độ: giảm số án
tuyên và giảm số tội danh lãnh án tử hình ghi trong bộ Luật Hình sự.
Trong thực tế, Việt Nam đã giảm số tội danh tử hình, ví dụ như tội lừa
đảo, như vụ Minh Phụng, trước đây là tử hình, nhưng bây giờ không tử
hình nữa. Nhưng việc giảm số tội danh có đã dẫn đến việc giảm số phạm
nhân bị tuyên án tử hình hay không, thì tôi không được rõ.
Mặc dù vậy, rất nhiều người giữ quan điểm cho rằng cần tiếp tục duy
trì án tử hình, nhưng chỉ trong một số tội danh nhất định và trong một
số trường hợp thật đặc biệt thôi, chứ không thể áp dụng tràn lan như
hiện nay. Ví dụ gần đây có một thanh niên đã cướp và tìm cách chặt tay
nạn nhân, nhưng chưa gây chết người, mặc dù phía bị hại đã yêu cầu không
kết án tử hình và nhấn mạnh là gia đình cậu này hoàn cảnh khó khăn,
nhưng khi xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm, tòa đều tuyên án tử hình.
RFI: Theo luật sư, dư luận Việt Nam nói chung có ủng hộ việc xóa bỏ án tử hình hay không?
LS Trần Vũ Hải: Hiện nay dư luận không ủng hộ việc
xóa bỏ án tử hình hoàn toàn. Cá nhân tôi cũng không ủng hộ và theo chúng
tôi, phải có một lộ trình khoảng từ 10 đến 20 năm để giảm từng bước một
án tử hình. Nhưng cũng phải có một chương về án tử hình, bởi vì Hiến
pháp Việt Nam quy định rằng mọi người đều có quyền sống, tức là về
nguyên tắc, không được kết án tử hình. Nhưng lại có điều khoản là không
ai được tước bỏ mạng sống một cách trái luật, tức là lại cho phép án tử
hình.
Tôi nghĩ là phải loại trừ những trường hợp nào là án tử hình, ví dụ
như trong tội tham nhũng, có nhiều người đề nghị xóa bỏ án tử hình,
nhưng rất nhiều người cũng không đồng ý. Tôi nghĩ rằng phải quy định, ví
dụ như là tội dùng vũ lực nhưng chưa gây chết người thì cũng cần phải
xóa bỏ án tử hình. Về các tội kinh tế, tội tham ô hối lộ thì nên tiếp
tục tuyên án tử hình, nhưng cũng cần có thời gian hoãn thi hành án.
Chúng tôi có đề nghị là những người bị tuyên án tử hình về tội tham
nhũng được cơ hội sống. Chúng ta có thể làm giống như Trung Quốc, tức là
họ có một thời gian hoãn thi hành án trong hai năm để họ khai ra những
điều có lợi cho cơ quan điều tra. Ví dụ như trong vụ Dương Chí Dũng,
chúng ta có thể hoãn thi hành án tử hình về tội tham nhũng trong vòng
hai năm. Nếu những người đó thực sự giúp cho cơ quan pháp luật, hoặc gia
đình họ tìm mọi cách khắc phục hậu quả, thì có thể bỏ án tử hình đối
với họ. Nếu áp dụng như vậy thì số án tử hình được thi hành sẽ giảm tối
đa. Ví dụ, có thể tuyên án tử hình về tội tham nhũng trong một hai chục
trường hợp, nhưng sẽ chỉ thực thi một hoặc hai trường hợp, vì những
người đó biết là khi hoãn án tử hình thì họ phải cộng tác với cơ quan
pháp luật để làm rõ những vụ chưa được làm rõ. Đó cũng có thể là một
phương thức để chống tham nhũng một cách hiệu quả.
Còn đối với tội ma túy, thì tôi nghĩ rằng nên trừng trị những người
cầm đầu, những người được hưởng lợi chính, chứ còn hiện nay chủ yếu tòa
chỉ xử tử hình những “lâu la”, tay sai mà thôi. Hoặc cũng có thể hoãn án
tử hình như đối với tội tham nhũng, tức là nếu họ khai ra những người
cầm đầu và những kẻ khác, thì cũng có thể hoãn hoặc thậm chí bỏ tử hình.
Về tội giết người thì cũng phải quy định rằng những trường hợp nào,
ví dụ như họ tìm mọi cách giết người đến cùng và nhất là gây hậu quả
chết người, thì mới tuyên án tử hình. Tóm lại, cần phải có một quy định
chặt chẽ hơn về việc thi hành án tử hình.
Tôi nghĩ rằng lộ trình đi đến việc không còn án tử hình nữa thì cũng
phải mất hàng chục năm nữa, nhưng hàng năm Việt Nam cũng phải xem xét
lại một lần là án tử hình nên được áp dụng như thế nào và hạn chế nó như
thế nào.
RFI: Vấn đề là ngành tư pháp của Việt Nam chưa
được độc lập và thường xuyên có các vụ oan sai, mà nếu là những người bị
xử tử, thì làm sao có thể phục hồi công lý?
LS Trần Vũ Hải: Hiện nay Việt Nam vẫn chưa thừa nhận bất cứ vụ án nào
mà đã thực thi án tử hình rồi nhưng là vô tội. Thực tế tôi biết có một
vụ bị cáo bị tuyên án tử hình, nhưng không chết vì án tử hình, mà chết
vì bệnh, mặc dù sau đó cũng rất nhiều người đề nghị xem lại vụ án này.
Trong những trường hợp như thế không loại trừ có những oan sai.
Cho nên, cần có một cơ chế đối với những người nào mà vẫn còn kêu oan
sau khi đã xử sơ thẩm, phúc thẩm. Cần phải một nhóm để xem xét. Hiện
nay, đối với các án tử hình, theo luật thì tòa án tối cao phải xem xét
có kháng nghị giám đốc thẩm hay không. Bao giờ không có kháng nghị thì
mới thi hành án tử hình.
Trước khi ra quyết định có kháng nghị giám đốc thẩm hay không đối với
những người kêu oan, tòa án tối cao cần cho phép một nhóm luật sư
nghiên cứu lời kêu oan lần nữa và xem vụ án trong quá trình xử sơ thẩm
và phúc thẩm đã được giải quyết như thế nào, có thiếu sót gì không, để
yêu cầu tòa án tối cáo xem xét lại bản án ấy, hoặc là hũy, xử lại, hoặc
không chấp nhận việc kêu oan. Tức là lập thêm một bộ lọc nữa để giảm
những trường hợp kết án tử hình oan.
RFI: Luật sư có nói ở trên là để tiến tới xóa bỏ
án tử hình ở Việt Nam thì cần phải có một lộ trình rất dài. Nhưng song
song với lộ trình đó, phải chăng Việt Nam cũng phải nâng cao hiệu quả
của ngành tư pháp để có thể trừng trị đúng mức những tội phạm nghiêm
trọng, để sau này không cần đến án tử hình, nhưng vẫn bảo đảm được an
ninh trật tự và tính mạng của người dân.
LS Trần Vũ Hải: Vấn đề cải cách tư pháp đã được đặt
trên bàn, nhưng đáng tiếc là hiện nay nói nhiều hơn làm, thậm chí họ còn
tránh né. Cải cách tư pháp là một vấn đề lớn, cần kiên trì, nhưng mà
các vị trưởng ban chỉ đạo cải cách, tức là Chủ tịch nước, thông thường
chỉ có nhiệm kỳ 5 năm. Từ khi lên làm trưởng ban chỉ đạo cho đến khi
thôi chức 5 năm sau, họ không đủ thời gian để kiên trì cải cách tư pháp.
Và khi có vị mới lên làm trưởng ban chỉ đạo, thì vị đó lại “tìm hiểu”
từ đầu.
Cho nên tôi nghĩ là việc cải cách tư pháp nên được giao cho các
chuyên gia luật hàng đầu để giúp Quốc hội và tòa án đề ra một phương
thức cải cách đúng đắn. Phải có một nhóm hoàn toàn độc lập và không phụ
thuộc vào nhiệm kỳ. Họ có thể được bổ sung được thay đổi, nhưng phải làm
việc cho đến khi hoàn thành việc cải cách tư pháp hay ít ra cho đến khi
ra được các bộ luật cơ bản: luật về tố tụng, luật về tòa án, các quy
định về bắt giữ người. Đặc biệt quy định về việc bắt giữ người ở Việt
Nam phải phù hợp với luật quốc tế, tức là bất kỳ một người bị bắt nào
trong 24 hoặc 48 tiếng đồng hồ đều phải được tòa án xem xét.
Việc cải cách tư pháp đã được đưa ra từ cách đây 15-20 năm rồi, nhưng
cho tới nay vẫn chưa thêm được một nấc thang nào cả! Ví dụ hôm nay (
01/04 ), tôi có tham dự một phiên tòa hành chính, nhưng tôi rất bức xúc
vì trong phiên tòa này người ta không quan tâm đến luật sư. Uỷ ban đã
bị kiện là làm sai và chúng tôi đã phân tích ủy ban sai như thế nào,
nhưng đại diện ủy ban không lập luận được gì cả, còn đại diện Viện kiểm
sát thì không quan tâm gì đến những lời lẽ của luật sư, mà chỉ đọc lại
những quan điểm theo bản án sơ thẩm. Về phía tòa án, tuy có ghi nhận ý
kiến của luật sư, nhưng họ nói đơn giản là những ý kiến đó “không có cơ
sở để chấp nhận”, mà chẳng nói là không có cơ sở ở chỗ nào!
Kể chuyện này ý tôi muốn nói cải cách tư pháp là một vấn đề rất khó
thực hiện trong hoàn cảnh hiện nay, khi người ta vẫn nghĩ rằng lợi ích
của Nhà nước, của Đảng, của chế độ là trên hết, chứ không phải là lợi
ích của công lý, của người dân, của những người yếu thế.
Đây là việc rất khó, nhưng không phải là không làm được. Nếu Nhà nước
và đảng Cộng sản Việt Nam thấy cải cách là sự cần thiết, thì họ phải
huy động những chuyên gia hàng đầu về pháp lý để cùng với Quốc hội xây
dựng một khung pháp luật về cải cách tư pháp một cách bài bản, hòa nhập
với quốc tế.
Tôi nghĩ rằng vấn đề này chỉ trong vòng từ 5 đến 10 năm là hoàn
thành, bởi vì cũng đã có rất nhiều người nghiên cứu về tố tụng hình sự,
dân sự cũng như hành chính. Họ sẳn sàng đưa ra những đề xuất cụ thể. Thế
nhưng, do Việt Nam vẫn không quan tâm đến các chuyên gia pháp luật và
do Chủ tịch nước được xem là trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp luôn
luôn làm mới, sửa đổi theo quan điểm của mình, và thời gian của các vị
quá ngắn, cho nên cải cách tư pháp ở Việt Nam chưa biết bao giờ mới kết
thúc.
RFI: Xin cám ơn luật sư Trần Vũ Hải.
0 Nhận xét