Miệng là cửa của Họa Phúc
Trích từ cuốn Họa - Phúc, 2008 NXB Phương Đông
Tác giả: Trần Thị Giồng. CND (Tiến sĩ tư vấn tâm lý)
Tác giả: Trần Thị Giồng. CND (Tiến sĩ tư vấn tâm lý)
Miệng là cửa của Họa Phúc (Ngô Hoài Dã)
"Họa là lời xúc phạm, hạ giá nhau.
Phúc là lời cảm thương những lúc lòng đau.
Họa là lời đưa đến bỏ cuộc, nản lòng.
Phúc là lời thừa nhận những thiện chí bên trong.
Họa là lời vu vạ, phê phán chỉ trích.
Phúc là những lời động viên, khuyến khích.
Họa là phao tin độc, hủy hoại thanh danh,
Phúc là lời ân cần, nâng đỡ kẻ hèn yếu mong manh.
Họa là lời làm lung lạc lòng tin,
Phúc là lời xây dựng, làm sống lại niềm tin.
Họa là lời soi mói, là tiếng nói hủy diệt,
Phúc là lời thúc đẩy hăng say trong công việc.
Họa là lời miệt thị, khinh khi,
Phúc là lời mở lối, trải rộng lòng từ bi.
Họa là lời chất vấn, hạch hỏi,
Phúc là lời an ủi những lúc lòng mệt mỏi.
Họa là lời làm người khác thấy mình không đáng chi,
Phúc là lời làm người khác thấy mình có giá trị.
Họa là lời làm đau lòng mãi không quên,
Phúc là lời gây phấn khởi, thêm năng lực, giúp lớn lên.
Ngôn ngữ là tiềm năng vô tận của hiện tại và tương lai nếu chúng ta biết khai thác và dùng chúng theo hướng tích cực.
Ngôn từ có thể đem Phúc hay giáng Họa tùy cách chúng ta sử dụng. Hy vọng lời nói của mình thêm Phúc bớt Họa, tăng niềm vui, bớt khổ sầu, giữ gìn năng lực, kích hoạt sức sống.
Lời đem Phúc
Lời người đem Phúc là người biết cách đi gieo kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng cao sâu, chia sẻ những gì mang ý nghĩa, lời hay, ý đẹp, nâng tâm hồn con người lên, giúp người phục thiện, thoát những lo buồn căng thẳng, và tâm trí được bình an, giúp giải thoát khỏi những ràng buộc cột chặt con người vào những cái tầm thường của cõi đời tục lụy này, đồng thời "lôi kéo hồn siêu thăng!!!"
Lời Phúc được nói ra như gieo rắc hoa thơm cỏ lạ...
Lời đem Họa
Lời người đem Họa là người đi gieo những gì làm ô nhiễm tâm hồn và cuộc sống của mình và của người khác, xúc phạm, làm tổn thương đến giá trị, hủy hoại thanh danh. Lời tạo sự chia rẽ nghi ngờ, làm lệch lạc lối nhìn, lối nghĩ của người nghe. Lời hủy hoại sức sống, đem lại buồn đau, tủi nhục hoặc làm nản lòng, mất nhuệ khí của người anh chị em đồng loại.
Lời Họa là nọc độc, gieo rắc đau thương, hủy diệt sự sống!
1. Lời nói - một sức mạnh vô hình
Ngôn từ có sức mạnh vô hình của hủy diệt hay xây dựng.
Chúng ta không thể xem thường hay bất cẩn vì lời lọt vào tai ai rất khó xóa bỏ.
Một lời nói vô ý, có thể tạo sự xung đột hay gây hiểm họa, một lời nói đúng lúc có thể làm giảm căng thẳng, một lời nói yêu thương có thể chữa lành vết thương và mang đến an bình.
Lời nói còn thể hiện cái tâm con người. Chính cái tâm mới là gốc thiện ác, và miệng chính là cửa của họa - phúc.
2. Làm sạch cái nhìn
Những gì toát ra bên ngoài đều do cái kho tư duy. Từ cái gốc ấy phát sinh thái độ, hành vi và ngôn từ. Tất cả đều từ cái tâm, cái nhìn, cách hiểu của chúng ta về bản thân hay về người khác. Vậy, để có thể thốt lên được những lời đem phúc, chúng ta cần "làm sạch" mình tận gốc rễ.
Nếu cái nhìn của ta đúng, thì thái độ, hành vi cũng như lời nói của chúng ta sẽ tự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
3. Khổ đau - Hạnh phúc. Đâu là quyền lực?
Chúng ta có hai mắt, hai tai và chỉ có một cái miệng. Hãy ghi nhớ: "Nói ít, nhìn xem và lắng nghe nhiều."
Thái độ cơ bản có thể làm sống, khơi tiềm năng hay hủy diệt, khô héo con tim là TÔN TRỌNG. Tôn trọng là nhu cầu rất thiết yếu cho đời sống tinh thần của mỗi người.
Yêu thương bản thân cũng như người khác, một nhu cầu rất cơ bản, và không gì chứng tỏ hữu hiệu bằng thái độ và những lời lẽ thừa nhận cùng nâng cao giá trị của mỗi người. Không gì ấm áp và nâng cao tinh thần bằng những lời ngọt ngào, những lời động viên, thừa nhận giá trị quý báu của mỗi người.
"Người ta không quên hoặc rất khó quên, khó tha thứ những gì làm tổn thương đến danh dự của họ." (Nguyên tắc tâm lý cơ bản)
Lời nói như lửa, chỉ một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả một cánh rừng lớn. "Sức mạnh của ngôn từ, lời nói có thể làm tái sinh một con người hay chôn vùi cả một cuộc đời."
Những lời hạ giá, chê trách hay la mắng nặng nề có thể làm cho một đứa trẻ trở nên rụt rè, mất tự tin, mặc cảm và cả cuộc đời của em sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực này. Không những trẻ em mà người lớn cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi những lời như vậy, chúng đủ sức phá hủy tương lai một người, phá vỡ hạnh phúc gia đình, hay làm phân rẽ một nhóm, chôn vùi sức sống của một tập thể, họ sẽ mất hứng thú, tan biến lửa nhiệt tình, trở nên co cụm, mất sức sống.
"Bạn chỉ nên mở miệng khi nào bạn chắc chắn rằng lời bạn sắp nói ra, sẽ tốt đẹp hơn sự im lặng." (Tục ngữ Arab)
4. Nhân gian nghĩ gì về giá trị của ngôn từ?
"Đừng ăn thỏa đói, đừng nói thỏa lòng." (ngạn ngữ Lào)
5. Lời xây dựng
Lời đem lại giá trị và sức sống.
Mỗi lời nói là một sứ điệp, và hãy để mỗi sứ điệp của chúng ta là một tia sáng tích cực.
Lời khuyến khích sẽ xua đi những khó khăn phiền muộn lo âu.
Lời cảm thông sẽ làm cho con người xích lại gần nhau, hàn gắn những trái tim tan vỡ.
Lời yêu thương sẽ tạo nên một thế giới hòa bình.
"Thông minh là biết cách nói hợp lý, nghe chăm chú, trả lời dí dỏm, và ngừng nói khi cần."
Lời thay đổi cuộc đời.
Lời khích lệ chân thành và đúng lúc, bồi đắp lòng can đảm và tự tin, chắp cánh cho trẻ thơ bay vào đời.
Chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc lắm, nếu biết rằng có ai đó luôn cảm thấy họ có giá trị khi sống bên cạnh chúng ta. Mọi người đều thích gần gũi, qua lại hay sống với những người hiểu mình, chấp nhận mình cũng như đánh giá cao về mình.
Để khuyến khích một người thay đổi hoặc có những hành vi tốt hơn, chúng ta cứ việc nhấn mạnh đến mặt sáng của họ và nói cho họ biết về những mặt sáng đó. Chú ý đến những điều tích cực, đến phần sáng của con người là một phương pháp giúp thăng tiến con người hiệu quả, thay vì chê bai, phê bình hay dùng hình phạt hoặc cứ mãi nhấn mạnh đến lỗi lầm, mặt tiêu cực, mặt tối của một người. Đây là "chiến dịch bình minh." Có nghĩa là khi ánh sáng tới thì bóng đêm sẽ lùi dần, và ngược lại, hoàng hôn hay bóng đêm tới thì ánh sáng ban ngày lùi bước. Nếu điều tốt phát triển, điều xấu sẽ rơi rụng và thu hẹp lại thôi!
Tuy thế, khen ngợi có thể là con dao hai lưỡi, khiến người ta mãn nguyện tự đắc. Vì thế ta cần sử dụng ngôn từ với sự cẩn trọng.
Một số nguyên tắc:
- Muốn người nghe cảm nhận được niềm vui lớn như một liều thuốc bổ tối ưu, đạt hiệu quả 100%, chúng ta cần khen ngay lập tức.
- Khen ngợi nên chính xác, cụ thể. Cần tránh những lời khen chung chung, vô bổ.
- Lời khen sẽ tăng giá trị gấp bội nếu được khen trước người khác hay đám đông. Ngược lại, muốn phê bình ai xin làm riêng tư, kín đáo.
Lời tích cực luôn đem lại lợi ích cho cả người nói và người nghe.
Lời khen xây dựng tiêu biểu: đúng mức và chân tình
Chúa Jesus luôn đề cao những ai nhỏ bé, những tâm hồn khiêm tốn.
Hãy nói những lời củng cố lòng tin, làm phấn khởi và tạo thêm tình thân ái để người ta bớt khổ, thêm vui.
Lời tăng thêm năng lực
"Một lời nói chí tình dành cho một người đang cần nó đúng lúc, có thể thay đổi cả cuộc đời người đó."
Nhớ mãi những lời đẹp nhận được
Câu chuyện của Tom. Vào cuối năm học, cô giáo cho một bài tập: "Mỗi người viết lên những lời nhận định tích cực về bạn mình." Tom mang theo nó suốt đời.
Bài tập: ghi lại những nét dễ thương và tích cực của các bạn cùng khóa được áp dụng cho những học viên vào mỗi cuối khóa. Người ta thường lấy nó ra xem, để lấy lại tinh thần và niềm tin những khi gặp khó khăn trong đời.
"Nếu biết dùng thì lời khen là tiếng êm đềm, đẹp đẽ nhất, nhiều năng lực nhất trong ngôn ngữ."
Những lời dễ thương, nói lên ưu điểm của một người làm cho người ấy phấn khởi, tự tin và nhớ rất lâu.
Nhu cầu được thừa nhận rất lớn, nhưng được thán phục lại làm cho người ta hạnh phúc hơn gấp bội.
Lời đem lại triển nở hay teo héo
Câu chuyện về hai chú ếch bị rơi xuống hố khi đàn ếch đi dạo trong rừng. (Chú ếch bị điếc tưởng được động viên và thoát chết).
Lời trấn an, an ủi và cảm thông
Nhu cầu được hiểu, được lắng nghe, nhất là những lúc gặp hoạn nạn hay đau buồn.
Lời biến đổi (lực đẩy)
Nếu may mắn, chúng ta nhận được những lời chứng tỏ mình được chấp nhận dù thế nào đi nữa. Ta sẽ thấy cuộc đời nhẹ đi rất nhiều và an tâm, thoải mái sống bên cạnh người khác mà không phải ngại ngùng, giữ kẻ hay né tránh.
Hãy rộng rãi trao cho những người thân quen thật nhiều lời khích lệ. Chúng ta sẽ thấy họ biến đổi nhanh hơn nhiều so với những lời trách mắng nặng nề hay chỉ trích lên án.
Đây không chỉ là ngôn từ mà là một bằng chứng cụ thể về TÌNH YÊU giữa thầy trò, bạn hữu, người thân trong gia đình... Đức Ái mà chúng ta thường nói đến phải chăng ẩn giấu và cụ thể hóa qua những lời chân thành mộc mạc đó.
"Được người nói lời thiện như được vàng ngọc châu báu.
Gặp người nói lời thiện thì hay hơn văn chương thơ phú.
Nghe lời thiện thì vui hơn chuông trống đàn ca."
6. Ngôn từ tiêu cực
Ngôn từ trong đời thường và đời sống cộng đồng.
Nguyên nhân của ngôn từ: YÊU - GHÉT, THÀNH KIẾN.
Thành kiến làm lệch sự thật, thường nghiêng về xu hướng tiêu cực, vì thế có thể đẩy chúng ta vào lỗi phạm về đức Ái.
Nguyên nhân tâm lý tiềm ẩn: những gì chúng ta suy diễn, nói xấu, phao tin... là những hành vi phóng chiếu, được chi phối bởi vô thức, bởi một động lực ngầm, ẩn núp bên dưới, có khi rất sâu khó nhận ra.
"Người càng thông minh và càng tốt thì càng nhận thấy nhiều cái tốt nơi mọi người."
"Chỉ có người ngu mới tưởng mình là thánh,
Chỉ có người thánh mới rõ cái ngu của mình." Shakespeare
8. Cái nhìn thiêng liêng về hệ quả của ngôn từ
"Ở đời, con người thương yêu hay thù ghét nhau chỉ vì lời nói và việc làm. Lời nói phát xuất từ tâm. Tâm nghĩ tốt về người, lời thông đạt chứa chan tình. Tâm nghĩ xấu sẽ có lời miệt thị, nguyền rủa khích hận." Đức Phật
9. Những ý nghĩa khác nhau của ngôn từ
Lời chân thật: mới là những gì lâu bền. Miệng nói thẳng ngay, lòng luôn trung thực, hành vi ngay chính.
Sống thật cũng là sống công bằng, đối xử không thiên vị hay nghiêng về phía lợi cho mình hay người mình yêu thương.
Lời nhân từ: bất cứ lời nào đem lại cho con người sự bình an, tăng niềm vui, hy vọng, giúp lấy lại tinh thần, thêm phấn chấn, được ủi an khích lệ...
Lời lành ví như cây sự sống, khiến lòng vui vẻ.
Lời lành là lời chân thật, hợp thời, đúng lúc, tế nhị, kín đáo và khiêm tốn.
Lời lành đem lại lợi ích cho người nghe.
Lời lành là lời nhân ái, từ tâm.
Lời nhân từ là lời ngọt ngào, khiến người nghe cảm thấy thoải mái dễ chịu, đem lại sự ấm cúng trong lòng, trong cộng đồng hay bất cứ nơi đâu mình đến.
Lời nhân hậu phải là món ăn thường xuyên của chúng ta, đó là món ăn hợp khẩu vị của mọi người, ít hao tốn mà lại bổ dưỡng, làm cho tinh thần sảng khoái và nhẹ nhàng.
Tránh lời đâm thọc, phao tin đồn, chế nhạo, đùa bỡn giễu cợt, mỉa mai, móc xỉa, chuyện phiếm, sáo ngữ.
Mách lại:
- Nếu là những lời tích cực nghe được thì ta nên nói lại để động viên.
- Nếu là những lời tiêu cực, tốt hơn nghe rồi quên đi, không nhắc lại, mách lại, không thêm bớt, hùa theo.
Kín đáo, ít nói và cẩn trọng luôn có lợi không những cho người khác mà còn cho cả bản thân mình nữa.
Không nói lời sáo ngữ, vô ích mà nói lời thích hợp, hữu ích. Đó là lời đem lại lợi ích thực sự cho người nghe.
Lời nói hay ở chỗ đúng lúc, đúng người, đúng việc, đó là một của báu. Trao cho ai chúng ta cần cố gắng sao cho lời mình phài là điều làm giàu cho họ, làm tăng giá trị và giúp cho đời sống thêm thi vị, ý nghĩa. Những lời nông cạn, sáo rỗng, tâng bốc hay vô vị chẳng đem lại ích lợi gì cho người nghe, thà đừng nói còn hơn.
Mục đích tối hậu khi phát ngôn là làm sao cho tâm người nghe được bình an vui vẻ.
10. Thái độ trước những ngôn từ tiêu cực
Phía người nói: đừng bao giờ nói những lời gì để phải hối hận về sau, biết kiềm chế khi nóng giận. Càng nói ít càng tốt
Phía người nghe: đừng mất thì giờ để ôn lại những vết thương. Thinh lặng trước những lời lăng mạ của kẻ khác, như cái chuông bể. Kiên nhẫn làm bổn phận của mình và giữ thinh lặng, đó là câu trả lời tốt nhất.
Sạch nhơ tự biết, thị phi chẳng màng. Chính mình biết mình là đủ, nếu người khác biết thì tốt, không biết cũng chẳng sao, đó là thái độ đúng đắn của người quân tử.
Một trong những thái độ giúp chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều bởi lời nói của người khác là chúng ta không quan trọng hóa những gì người đời nhận định, vì mỗi người có quan điểm khác nhau, bận lòng làm chi?
Một lý do khác nhắc chúng ta không quan trọng hóa lời người khác, đó là nhìn vào sâu thẳm lòng mình, nếu tâm ta trong sáng và bằng an, là đủ.
Nếu chúng ta cố uốn mình để làm hài lòng người khác, theo dư luận, thì chẳng thể hài lòng được mọi người, vì "chín người, mười ý." Trái lại, sẽ vong thân, đánh mất cái nét độc đáo của riêng mình.
Trước một sự việc, điều quan trọng không phải nó như thế nào mà quan trọng ở cách chúng ta nhìn nó như thế nào, cho nó có một chỗ đứng làm sao? Nên, ta quyết tâm không để sự việc bên ngoài chi phối tâm tình và ý nghĩ của mình. Chúng ta có thể làm chủ cách mình phản ứng trước sự việc. Chính mình quyết định thái độ trước sự việc, như thế, đời sống tinh thần của chúng ta sẽ vững vàng và ổn định hơn.
Thái độ thích hợp trước ngôn từ tiêu cực
"Hẳn là không lành mạnh nếu để người khác chà đạp mình. Biết tự vệ đôi khi là một vấn đề phẩm giá và công bình. Sức mạnh của một người thinh lặng là không để mình sa vào một cơn giận dữ không kềm chế và biết phân định cơ hội để đáp trả." Michel Hubaut
Biết bảo vệ mình là không những giữ gìn giá trị mà còn bảo tồn sự lành mạnh tinh thần, đồng thời có thái độ đúng đắn với những gì sai trái. Chúng ta rất cần tỉnh thức và sáng suốt, nhất là cần sức mạnh tâm linh.
Dùng lời nói để hướng về những mục tiêu cao cả
Thánh thiện qua lời nói. Kềm giữ miệng lưỡi mình và hướng chúng theo chiều tích cực, chúng ta cần sức mạnh của tự chủ, của nhịn nhục, của kiên trì và nhất là khiêm tốn chịu lùi bước.
Phần Kết
BÁC ÁI - THẬN TRỌNG và TRÁCH NHIỆM là ba điều luôn cần quan tâm khi dùng ngôn từ.
"Ba thứ không bao giờ trở lại:
- Tên đã bay
- Lời đã nói
- Ngày đã qua" Daumere
0 Nhận xét