Trung Thu, trong một phút giây
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Một nhóm trẻ em của trường tiểu học giúp dạy tiếng Việt ở Wesminter,
Mỹ, được chọn ăn mặc tươm tất, đánh răng chùi mũi cẩn thận để lên hình.
Gia đình hồi hộp đứng xa xa theo dõi. Mấy đứa con nít lô nhô mặc áo dài
khăn đống, đẹp như ngày Tết cuối năm.
Cô xướng ngôn viên giới thiệu, sau đó, bước vào phần phỏng vấn. Một em coi là lanh lợi nhất được đẩy tới.
“Con có biết Tết Trung Thu là gì không?”. Thằng nhỏ có vẻ suông sẻ ngay câu đầu, nhưng kế đến là ngắc ngứ.
“Con có biết chơi lồng đèn không?”
“Dạ không”
Dĩ nhiên, con nít ở Mỹ hiếm khi nào được cầm một cái lồng đèn chạy
tung tăng. Nếu có thì cũng ít khi đốt đèn cầy vì sợ cháy phỏng, sợ hoả
hoạn… Ít xui thì cháy nhà mình, còn xui hơn thì cháy nhà hàng xóm, nên ở
chợ có bán thì cũng là lồng đèn có nhạc và đèn chạy pin của Trung Quốc
cho nó lành.
“Con có biết chú Cuội, cô Hằng Nga không.”
“Dạ không”
Trong các trường dạy tiếng Việt cho con nít, những bài học về Mỵ
Nương, Âu Cơ – Lạc Long Quân… đã làm khó các ông thầy bà cô không biết
bao nhiêu mà kể vì phải đối diện với các thắc mắc trẻ con. Suy nghĩ thực
tế được dạy từ mẫu giáo của một quốc gia đầy lý trí, đã khiến chúng đòi
thầy cô làm rõ chuyện kể cổ tích giải trí và lịch sử. Dĩ nhiên một con
rùa biết nói chuyện và một người phụ nữ có thể sinh ra một lúc 100 đứa
con chỉ có thể là cổ tích nghe cho vui mà thôi, chứ không thể là chuyện
nằm lòng về việc khai sinh một dân tộc. Thậm chí, đã có cô giáo được con
nít hỏi rằng chú Cuội có đi ‘restroom’ không, tức đi vệ sinh không.
“Con có ăn bánh Trung Thu không?”
“Dạ không”
Dĩ nhiên bánh Trung Thu có bán đầy ở các chợ, nhưng con nít cũng ít
khi nào được ăn vì bị coi là nhiều đường quá, không tốt cho sức khoẻ trẻ
em. Trong một quốc gia có đến 29 triệu người bị bệnh tiểu đường, và căn
bệnh này là 1 trong 7 nguyên nhân tử vong thì cha mẹ Mỹ hay Việt đều
ngán cả.
Buổi phỏng vấn kể như thất bại. Ngày lễ Trung Thu diễn ra, thầy phụ
trách bối rối giải bày rằng họ cố gắng làm mọi cách để trẻ em Việt không
quên nguồn gốc của mình. “Kể cả với những đứa trẻ rồi sẽ quên quê hương
một ngày nào đó”, ông thầy gầy gò giải thích bằng thứ tiếng Việt cũng
không còn suông. Thậm chí các sinh hoạt cũng nhằm để không bị đánh lẫn
với người Tàu trong mắt người Mỹ.
“Đây là ngày hội trăng của người Tàu hả thầy?”, một đứa nhỏ hỏi. Ông
thầy cố gắng phân biệt, trầy trật “Đừng lẫn lộn nha, chúng ta là người
Việt. Tết Trung Thu của Tàu là Chinese Full Moon Festival, còn của mình
là Moon Festival nha”. Sáng hôm sau, mấy đứa nhỏ đi học, khoe với cô
giáo Mỹ rằng vừa ăn Tết Trung Thu, cô giáo cười thân thiện “à, Chinese
Full Moon Festival à?” Mấy đứa nhỏ ngơ ngác, lao xao, giành giật ngôn
ngữ với cô giáo.
Nếu là khán giả, có thể bạn sẽ mỉm cười khi thấy ở đó là một hình ảnh soi chiếu cho một điều gì đó buồn bã và hết sức mong manh.
Mùa Trung Thu năm nay ở Việt Nam cũng có vẻ rộn ràng hơn khi khi các
đầu nậu nhập hàng lồng đèn Trung Quốc đã chựng lại vì căng thẳng biên
giới giữa hai nước. Dân làm nghề lồng đèn trong nước mừng húm, ra tay
trổ nghề. Những con phố lồng đèn trong quận 5, quận 11… làm ăn ráo riết.
Những con đường sáng lung linh với cá, tôm kiểu Việt Nam. Khách vãn
cảnh cũng đi xem nườm nượp.
Người người đi vãn cảnh Tết của trẻ em vẫn là chính, hơn là mua bán.
Đồng tiền thời khó khăn này đang cần được dè xẻn hết mức. Điều này có
thể thấy rõ trong ánh mắt tiếc nuối của phụ huynh, quay đi và dỗ dành
con trẻ về chiếc lồng đèn quá tầm tay. Cũng như những cái bánh Trung Thu
đắt tiền nhất thường là mơ ước của trẻ con thôi, do bố mẹ phải chắt bóp
để mua tặng các mối quan hệ người lớn.
Một bà mẹ trẻ chở hai đứa con nhỏ đi xem lồng đèn. Có lẽ là lần đầu
tiên chúng được chứng kiến lồng đèn đẹp như vậy. Mắt chúng tròn xoe,
miệng không thể khép lại được trước các hình dạng lấp lánh như cổ tích.
Bên cạnh các mẫu đèn quen thuộc, năm nay Việt Nam phát sinh kiểu đèn
Trung Thu có hình hoặc khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa. Loại lồng đèn này
thì người lớn có vẻ tâm đắc hơn trẻ con, nhưng báo chí thì khen ngợi dữ
lắm.
Một đứa bé chỉ tay, đòi mua một cái lồng đèn. Ông bố cười, chỉ vào
lồng đèn Hoàng Sa “mua cái này nhé?”. Đứa bé lắc đầu, đòi mua bằng được
lồng đèn có hình mèo. Trẻ con vẫn thực tế, chúng chỉ thích những gì
chúng biết và gần gũi, chạm vào được hơn là những điều chỉ có trong suy
nghĩ.
Trong ánh sáng huyền ảo của một ngày Trung Thu mưa gió nhiều hơn
trăng đi qua, nếu bạn là khán giả, bạn sẽ mỉm cười khi thấy ở đó là một
hình ảnh soi chiếu cho một điều gì đó buồn bã và hết sức mong manh.
0 Nhận xét