TMSS: Cám ơn Hoàng Tuấn Công vì đã nghiên cứu và cho độc giả biết những lỗi này. Nếu xét ở một góc cạnh nào đó, thì làm như Nguyễn Cừ cũng chính là tước đi quyền được sống với sự thật của nòi giống Việt Nam. Cám ơn HTC đã trả lại quyền đó qua bài phân tích này!
Nguyễn Cừ đã “GIẢI NGHĨA TỤC NGỮ VIỆT NAM” như thế nào ?
Hoàng Tuấn
Công
Chúng tôi có trong tay cuốn “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Cừ khi đang viết dở loạt bài thứ nhất “Dĩ hư truyền hư-Những sai lầm mang tính hệ thống trong từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân” (cuối năm 2013). Lần đầu tiên thấy một cuốn sách có cái tên tự tin, hấp dẫn như vậy nên tôi xem ngay. Tuy nhiên, chỉ 15-20 phút lật giở đã thấy sách có quá nhiều “vấn đề”. Mà những “vấn đề” ấy lại khá giống với GS Nguyễn Lân!
Ví
dụ “Chuyên gia tiếng Việt tại Liên xô, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn
học"-tác giả “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” không phân biệt được thế
nào là thành ngữ, thế nào là tục ngữ; thế nào là ngữ danh từ, quán ngữ; giảng
sai, hiểu sai thành ngữ, tục ngữ; chép sai văn bản, viết sai chính tả tràn
lan,v.v... trong cuốn sách có độ dày gần 500
trang(1).
Xin
được trao đổi cùng tác giả và độc giả:
Phần
I
KHÔNG
PHẢI TỤC NGỮ
Nguyễn
Cừ làm sách "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam" nhưng lại chưa hiểu tục ngữ là
gì. Đó là chuyện khó tin nhưng có thật. Xin dẫn chứng:
Ngay
phần “Lời giới thiệu”, tác giả "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam"
viết:
-“...nhìn
hình thức bề ngoài thì tục ngữ chỉ là những tập hợp từ có cấu trúc ngôn ngữ
bền vững, chặt chẽ, được dùng như lời ăn tiếng nói giao tiếp hàng
ngày, rất ngắn gọn, xúc tích, (HTC nhấn mạnh) có vần điệu
và nhịp điệu...” (đoạn 1).
-
“Tục ngữ là biểu hiện cao nhất của lời ăn tiếng nói của dân tộc Việt Nam,
biểu hiện sự sử dụng ngôn từ, vốn từ vựng phong phú của tiếng Việt. Thông qua
tục ngữ, tiếng Việt đã phát triển ở một trình độ cao, xứng đáng là ngôn ngữ của
dân tộc Việt Nam” (đoạn 2).
Ở
đây (đoạn 1) Nguyễn Cừ đã nhận lầm thành ngữ ra tục ngữ. Bởi “những tập hợp
từ có cấu trúc ngôn ngữ bền vững, chặt chẽ...” là đặc điểm hình thức của
thành ngữ chứ không phải tục ngữ. Về (đoạn 2) khi Nguyễn Cừ nói đến “biểu
hiện sự sử dụng ngôn từ, vốn từ vựng phong phú của tiếng Việt”, rồi
“tiếng Việt đã phát triển ở một trình độ cao, xứng đáng là ngôn ngữ của dân
tộc Việt Nam” chính là nói đến “hiện tượng ngôn ngữ” của thành ngữ mà
các nhà nghiên cứu đã thống nhất, chứ không phải là “hiện tượng ý thức xã
hội” của tục ngữ. Xin được nói rõ hơn:
Về
hình thức:
tục ngữ là một câu, dù ngắn đến đâu cũng diễn tả một ý trọn vẹn; thành
ngữ chưa phải là một câu mà chỉ là một phần câu, một tập hợp
từ bền vững. Về nội dung: tục ngữ là kinh nghiệm, tri thức
được diễn đạt theo lối khẳng định, tổng kết quy luật, chân lý của sự vật,
hiện tượng tự nhiên, xã hội; còn thành ngữ mới chỉ dừng ở mức độ so sánh,
ví von, nhận xét, diễn đạt một cách hình ảnh về sự vật, hiện tượng nào đó
mà thôi(2).
Bởi
vậy, trong tục ngữ có thành ngữ, nhưng trong thành ngữ không có tục ngữ. Nói
cách khác, thành ngữ là một tập hợp từ gợi tả, giàu hình ảnh (thường dùng
phép so sánh) mà (đôi khi) tục ngữ, ca dao lấy làm chất liệu để cấu thành chứ
không phải chính là tục ngữ. Nếu thành ngữ giống như cái túi áo trên ngực áo,
thì tục ngữ là cả cái áo. Cái túi áo chỉ làm phong phú thêm chức năng và góp
phần tô điểm cho cái áo chứ không phải là chính cái áo. Ví dụ, trong câu tục
ngữ: “Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó”, thì “như thài lài
gặp cứt chó” là thành ngữ nằm trong tục ngữ. Hoặc “Quan thấy kiện như
kiến thấy mỡ”, “như kiến thấy mỡ” là thành ngữ; “Rẻ như bèo nhiều
heo cũng hết”, “rẻ như bèo” là thành ngữ; “Đẹp như tiên, lo phiền
cũng xấu”, “đẹp như tiên” là thành ngữ, được tục ngữ dùng làm văn
liệu, trở thành một phần trong câu tục ngữ. Hoặc câu ca dao: “Chẳng
tham ruộng cả ảo liền, Tham vì cái bút, cái nghiên ông đồ” thì “Ruộng cả,
ao liền” là thành ngữ được ca dao lấy làm văn liệu.
Về
cách dùng:
khi vận dụng tục ngữ vào lời ăn tiếng nói, người ta muốn tăng thêm sức thuyết
phục cho lời nói của mình, qua đó chứng minh, khẳng định một kinh nghiệm, một
quy luật nào đó đã được tổng kết, đúc rút một cách chắc chắn. Ví dụ, khi nói:
“Quá trưa sang chiều trời sẽ tạnh cho mà xem” sẽ không thuyết phục bằng
cách nói vận dụng thêm câu tục ngữ: “Quá trưa sang chiều trời sẽ tạnh, vì Mưa
chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi mà !”. Trong đó, Mưa chẳng qua ngọ, gió
chẳng qua mùi là một đúc kết, một kinh nghiệm, sự khẳng định dựa trên quy
luật thời tiết của nhân dân. Còn khi vận dụng thành ngữ, người ta chỉ có thể làm
cho lời nói của mình hay hơn, giàu hình ảnh, hấp dẫn hơn mà thôi. Ví dụ, thay vì
nói: “Buổi sáng trời mưa tầm tã”, người ta nói: “Buổi sáng trời mưa như trút
nước”. Câu nói thứ hai hay hơn, giàu hình ảnh hơn vì đã vận dụng thành ngữ
“Mưa như trút nước”. Tuy nhiên, “Mưa như trút nước” hoàn toàn
không phải là tri thức, là kinh nghiệm hay quy luật của tự nhiên. Hoặc thay vì
nói: “Người anh hôi lắm”, ta nói: “Người anh hôi như cú ấy”; Thay vì nói:
“Anh đi chậm quá” ta nói: “Anh đi chậm như rùa ấy”. Thì “Hôi như
cú” (hoặc Hôi như tổ cú), “Chậm như rùa” là những thành ngữ mà
khi ta vận dụng sẽ khiến lời nói, câu viết giàu hình ảnh hơn cách nói thông
thường. Bản thân “hôi như cú”, “chậm như rùa” không phải là một đúc
kết, kinh nghiệm (đặc trưng của nội dung tục ngữ), mà chỉ là nhận xét, so
sánh, phán đoán (đặc trưng nội dung thành ngữ). Bởi vì rùa không phải là
chậm nhất (thế nên còn nói Chậm như sên), cú không phải là hôi nhất (mà
chắc gì cú đã hôi ? Chẳng qua cú ăn thịt những con vật bẩn thỉu như chuột bọ,
côn trùng, hình thức lại xấu xí nên người ta cảm tưởng như vậy. Người viết bài
này từng tiếp xúc với cú muỗi, cú vọ, thấy chúng không hề hôi tí nào. Ngược lại
chúng sạch sẽ như rất nhiều loài chim khác). Hay câu thành ngữ “Xấu như ma”,
có ai trông thấy ma bao giờ đâu mà biết nó xấu hay đẹp ? Rõ ràng, sự bóng
bẩy trong diễn đạt, tính phán đoán, tính tương đối trong nội dung của thành ngữ
rất khác so với sự chuẩn mực, khoa học, tri thức qua lối diễn đạt mang tính
khẳng định của tục ngữ.
Do
nhận lầm thành ngữ ra tục ngữ nên trong "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam"
chủ yếu Nguyễn Cừ tập hợp các đơn vị thành ngữ là chính. Chúng tôi không
thể nhặt hết số thành ngữ này mà chỉ nêu ra làm ví dụ:
Cả
nhà, cả ổ; Bạc tình, bạc nghĩa; Công chúa phải gai mồng tơi; Tai to, mặt lớn;
Tan xương, nát thịt; Sưu cao, thuế nặng; Tác oai, tác quái; Quyền sinh, quyền
sát; Quan cao lộc hậu; Quân sư quạt mo; Đứng núi này trông núi nọ; Kén cá, chọn
canh; Liễu chán hoa chê; Kiễu ép, nài hoa. Nam thanh nữ tú; Phận bạc như vôi;
Tài tử giai nhân; Thắt đáy lưng ong; Trâm gãy bình rơi; Bán sấp, bán ngửa; Hòa
cả làng; Hoa trôi, bèo dạt; Rồng đến nhà tôm; Rừng thiêng, nước độc; Ruộng cả ao
liền; Trêu hoa, ghẹo nguyệt; Trên bến, dưới thuyền; Trên đe, dưới búa; Trơn
lông, đỏ da; Ăn bớt, ăn xén; Ăn chẳng bõ dính răng; Ăn chẳng bõ nói; Ăn đậu ở
nhở; Ăn hương ăn hoa; Anh hùng lỡ vận; Anh hùng mạt lộ; Bé xé ra to; Chán đến
mang tai; Chán ngắt, chán ngơ; Châu chấu đá voi; Chết cay, chết đắng; Chưa ăn đã
lo đói; Chung lưng, đấu cật; Cổ cày vai bừa; Có nếp, có tẻ; Của chìm của nổi; Đa
sầu đa cảm...
Thậm
chí, dạng thành ngữ rất dễ nhận biết, với cấu trúc có liên từ “như” vẫn được
Nguyễn Cừ “tuyển” vào sách “giải thích tục ngữ” rất nhiều. Ví dụ:
Da
như trứng gà bóc; Da trắng như ngà voi; Mê như điếu đổ; Tóc mây, mày nguyệt; Trơ
như đá, vững như đồng; Xấu như ma; Xấu như dạ xoa; Xấu như cú; Xấu như ma lem;
Xấu như quỷ; Xấu như ma mút. Câm như thóc trầm ba mùa. Chậm như rùa; Chậm như
sên; Yếu như sên. Dại như vích; Dày như mo cau; Gắt như mắm tôm; Giấu như mèo
giất cứt; Chắc như cua gạch; Chán như cơm nếp nát; Dai như đỉa đói; Nợ như chúa
Chổm; Oai oái như phủ Khoái xin cơm; Chắc như đinh đóng cột; Chạy như đèn cù;
Chạy như cờ lông công; Chạy như chạy loạn; Chết đuối vớ được cọc
(nói
gọn từ: Như chết đuối vớ được cọc-HTC) Chết mê, chết mệt; Chở củi về
rừng (nói tắt của: Như chở củi về rừng-HTC) Dễ như trở bàn
tay,v.v...
Như
vậy, trên đây chúng ta thấy Nguyễn Cừ đã sai lầm khi đem khái niệm thành ngữ để
định nghĩa cho tục ngữ, và đem tiêu chí thành ngữ để lựa chọn “tục ngữ”. Làm thế
khác nào muốn đi chọn mua một đàn cừu nhưng lại căn cứ vào mô tả về con dê để
mua ? Cách làm trái khoáy này của Nguyễn Cừ khiến sách giới hạn “Giải
nghĩa tục ngữ Việt Nam” nhưng thực tế nội dung lại có cả thành ngữ lẫn
tục ngữ. Thậm chí số lượng thành ngữ nhiều hơn tục ngữ. (Với GS Nguyễn Lân,
chúng ta không biết Nhà biên soạn từ điển có phân biệt được thành ngữ với tục
ngữ hay không. Vì sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” sưu
tầm cả hai loại này).
Tuy
nhiên, “vấn đề” không chỉ dừng ở đó. Xác định sách chỉ “giải nghĩa tục ngữ
Việt Nam” và trong lời giới thiệu, Nguyễn Cừ cũng đưa ra định nghĩa để làm
tiêu chí tuyển chọn “tục ngữ”. Tuy nhiên, phần cuối lời giới thiệu, tác giả lại
bất ngờ tuyên bố: “Một điều dễ nhận thấy trong cuốn sách này là có nhiều câu
thành ngữ, thậm chí cả ca dao cũng được đưa vào, mong bạn đọc thông cảm và hiểu
cho rằng, tục ngữ và thành ngữ có nhiều nét giống nhau ở cả hình thức cấu tạo
và nội dung. Nếu tục ngữ là những câu ngắn gọn, có vần điệu, đúc kết tri
thức, kinh nghiệm sống về tự nhiên, xã hội thì thành ngữ cũng là tập hợp từ cố
định dùng quen hàng ngày có vần, có ngắt nhịp cũng mang nội dung xã hội, đạo lý,
đạo đức.” (HTC nhấn mạnh)
Phải chăng, Nguyễn Cừ không chắc chắc những đơn vị tục ngữ được tuyển vào "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam" là thuần tục ngữ nên đã "gài" vào những câu như vậy ? Qua đó, xóa nhòa đi ranh giới giữa thành ngữ và tục ngữ, giữa tục ngữ và ca dao ?
Phải chăng, Nguyễn Cừ không chắc chắc những đơn vị tục ngữ được tuyển vào "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam" là thuần tục ngữ nên đã "gài" vào những câu như vậy ? Qua đó, xóa nhòa đi ranh giới giữa thành ngữ và tục ngữ, giữa tục ngữ và ca dao ?
Như
vậy, đọc những gì Nguyễn Cừ viết, chúng ta thấy rõ: tác giả lẫn lộn lung tung
khái niệm thành ngữ, tục ngữ, cuối cùng đánh đồng tục ngữ với thành ngữ là một.
(Đó là cách hiểu thành ngữ, tục ngữ theo lối sơ khai của một vài người các đây
ngót trăm năm !) (3)
Với
độc giả, việc lẫn lộn hoặc không phân biệt được thành ngữ với tục ngữ là chuyện
thường. Thế nhưng, với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hoặc người đã có thể
vững tin cầm bút viết nên sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” lại
là điều đáng ngạc nhiên.
Xem
“Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”, chúng ta từ ngạc nhiên chuyển sang
kinh ngạc. Bởi Nguyễn Cừ đã “tuyển” rất nhiều những đơn vị không phải thành ngữ,
cũng chẳng phải tục ngữ. Những ví dụ sau đây chỉ là cụm từ đơn thuần, ngữ danh
từ, câu đố hoặc từ láy:
Uốn
a uốn éo; Õng à õng ẹo; Đú đa đú đởn; Lép ba, lép bép; Lệt bà lệt
bệt; Thưa
thưa bẩm bẩm; Bỏ
vật, bỏ vạ; Chán
ngấm, chán ngẩm;Chán
chê, mê mỏi; Da
trắng, tóc dài; La lối om sòm; Làm tình làm tội; Anh em đường ai nấy đi; Cao
tằng tổ khảo; Thờ chồng, nuôi con; Con dì, con già; La làng la xóm; Khai quốc
công thần, Sách gối, đầu giường; Làm duyên, làm dáng; Nạp thái vu quy; Làm nũng,
làm nịu; Lòng xuân phơi phới; Chó huyền đề; Cổ cao ba ngấn; Tam tòng, tứ đức; Má
lúm đồng tiền; Thắt đáy lưng ong; Tuần trăng mật; Chín tháng mười ngày; Trong
quan; ngoài quách; Nơi chôn nhau, cắt rốn; Nói chuyện đường dài; Núi Tản, sông
Đà; Nói chuyện tầm phào; Mưa bóng mây; Con đóng khố, bố cởi truồng
(đây
là câu đố về cây măng, cây tre-HTC) Long, ly, quy, phượng; Rét nàng Bân; Tăng
gia sản xuất; Ái nam, ái nữ; Cạo đầu đi tu; Ăn canh rau má; Ăn cháo lá đa; Ăn
cho sướng miệng; Ăn được, ngủ được; Bưng cơm, rót nước; Bớt mồm, bớt miệng; Chán
ngắt, chán ngơ; Ngượng
đỏ mặt; Ngượng chín mặt, Cấu xé lẫn nhau; Chạy
sấp, chạy ngửa; Có chừng, có mực; Cạy
răng không nói; ...
Sai
lầm trên đây của Nguyễn Cừ chính là sai lầm mà GS Nguyễn Lân từng mắc trong
“Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam...(Chúng tôi từng nêu
trong loạt bài Những
sai lầm mang tính hệ thống trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS
Nguyễn Lân) Nguyên
nhân của sai lầm này không gì khác ngoài việc tác giả không nhận diện được thành
ngữ, tục ngữ, không biết đích xác thành ngữ tục ngữ là gì. Với Nguyễn Cừ, điều
này càng được khẳng định bởi có những câu chỉ là cách nói vui thời hiện đại,
ghán ghép kiểu đầu Ngô mình Sở, hoặc cùng lắm là ca dao cười: Làm
trai cho đáng nên trai, Pari cũng tới, Ha-Oai cũng từng; Tình yêu chớp bể mưa
nguồn, Em châu chấu đá anh chuồn chuồn bay; Yểu điệu thục nữ, quân tử mê
ly...cũng
được Nguyễn Cừ “tuyển” vào làm “tục
ngữ Việt Nam” !
"Tục ngữ Việt Nam" là như vậy sao ?
"Tục ngữ Việt Nam" là như vậy sao ?
Mặt
khác, chuyện phân loại “tục ngữ” của Nguyễn Cừ cũng thuộc diện “vô tiền khoáng
hậu”. Đó là chia thành ngữ, tục ngữ thành loại có 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ... rồi cứ
thế phân tách cấu trúc bằng dấu phẩy một cách máy móc, tạo ra những hình thức
thành ngữ, tục ngữ “chẳng giống ai”. Bởi vậy, đọc những câu "thành ngữ, tục ngữ"
kiểu này của Nguyễn Cừ, người ta có cảm tưởng như mình đang hăm hở bước tới,
bỗng đâu có kẻ chơi xỏ, bất ngờ ngáng chân lại. Ví dụ:
Đường
ở, cửa miệng; Con gái, là cái bòn; Lụt thì lút, cả làng; Có bột
mới, gột nên hồ; Dốt đặc, cán mai; Của đi, thay người; Của bền, tại
người. Dạy bà lang, bốc thuốc; Mắc bẫy, cò ke; Mạnh ai, nấy được; Nuôi ong,
tay áo; Trông gà, hóa cuốc; Trứng khôn, hơn vịt; Vua thua, thằng liều; Cá nằm,
trên thớt; Châu chấu, đá xe; Coi trời,bằng vung; Đò nát, đụng nhau; Chó ngáp;
phải ruồi; Chở củi; về rừng; Gửi trứng, cho ác; Giơ đầu, chịu báng; Nối dáo, cho
giặc; Sách gối, đầu giường; Thay ngựa, giữa dòng; Con gà, tức nhau tiếng
gáy; Cú kêu, ra ma; Tầm gửi, lấn cành; Bán hàng, chiều khách; Đàn gảy, tai
trâu; Nước chảy, chỗ trũng; Cầm dao, đằng lưỡi; Cầm gậy, chọc trời; Câu
chuyện, làm quà; Cố đấm, ăn xôi; Của đi, thay người, Áo gấm, đi đêm; Áo gấm, về
làng; Ngựa quen, đường cũ; Sắc nanh chuột, cắn được cổ mèo
v.v...
Những
câu (đơn vị lời nói) chúng tôi vừa liệt kê trên đây cũng phần lớn là thành ngữ
chứ không phải tục ngữ (Câu có gạch chân là tục ngữ). Thực tế cho thấy, Nguyễn
Cừ không phân biệt được loại thành ngữ, tục ngữ 4 chữ, chia làm hai vế, có quan
hệ đối sánh kiểu: Trên bến, dưới thuyền; Lên voi, xuống chó; Vịt già, gà
tơ... hoàn toàn khác với loại 4 chữ chỉ là cụm từ diễn xuôi theo trật tự của
câu kể đơn thuần: Cầm dao đằng lưỡi; Câu chuyện làm quà ? Thế nên các câu
thành ngữ này qua tay Nguyễn Cừ mới biến thành: Cầm dao, đằng lưỡi; Câu
chuyện, làm quà...Hoặc đối với câu 5 chữ Lụt thì lút cả làng” lại
được viết thành: “Lụt thì lút, cả làng” !
Vậy,
những sai lầm của Nguyễn Cừ mà chúng tôi kể trên nói lên điều gì ? Có ảnh hưởng
gì đến cách hiểu tục ngữ, thành ngữ hay không ? Thưa rằng có. Từ chỗ nhận lầm
tục ngữ ra thành ngữ, không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ với ngữ danh từ;
từ láy; quán ngữ; cụm từ đơn thuần; không xác định được cấu trúc câu thành ngữ,
tục ngữ, Nguyễn Cừ đã đi đến thất bại trong “giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”.
Đó cũng chính là nội dung cơ bản, đáng kể nhất chúng tôi sẽ nói đến trong
phần II “Nguyễn Cừ đã “giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” như thế nào
?”(3)
HTC
Chú
thích:
(1)
Sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” Nguyễn Cừ-NXB Văn học-2012 . Bìa trong
cuốn sách, tác giả cho biết thêm: “Nguyễn Cừ (Nguyễn Văn Cừ) Bộ đội, Khoa
Văn-Đại học Tồng hợp khóa 17, chuyên gia tiếng Việt tại Liên Xô, đã công tác tại
NXB Khoa học xã hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng biên tập NXB
Văn học”. Bìa 3, Nguyễn Cừ cũng cho biết, ông là tác giả và đồng tác giả của
11 cuốn sách khảo cứu, sưu tầm, biên soạn, tuyển chọn khác. Như “Tục ngữ Việt
Nam” (Nguyễn Cừ-NXB Văn học-2008) “Tuyển tập tục ngữ-ca dao Việt Nam”
(Nguyễn Cừ-NXB Văn học) “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam” (Nguyễn
Cừ-in chung NXB Giáo dục), “Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam” (Nguyễn
Cừ-NXB Văn học) “Truyện cười Việt Nam hiện đại” (Nguyễn Cừ-NXB Văn học)
v.v...
(2)
Đã từ lâu, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã thống nhất về cơ bản trong
việc phân biệt thành ngữ, tục ngữ. Về hình thức, tục ngữ
là:
-
“một câu tự nó đã diễn tả trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm...”,
còn “thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận
của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn tả được
một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa
phải là một câu hoàn chỉnh; còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng đã là một câu hoàn
chỉnh...” (theo Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam-Vũ Ngọc
Phan-1977).
-“Có
thể nói, nội dung của thành ngữ manh tính hiện tượng, còn nội dung của tục ngữ
nói chung là mang tính chất quy luật. Từ sự khác nhau cơ bản về nội dung dẫn đến
sự khác nhau về hình thức ngữ pháp, về năng lực hoạt động trong chuỗi lời
nói...Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một cụm từ, chưa phải là một
câu hoàn chỉnh. Tục ngữ thì khác hẳn. Mỗi tục ngữ tối thiểu là một
câu”
(Nguyễn Văn Mệnh-Tạp chí Ngôn ngữ số 3 năm 1972-dẫn theo Tục
ngữ Việt Nam-Chu Xuân Diên-Lương Văn Đang-Phương Tri-NXB Khoa học xã
hội-1975)
-
Thành ngữ là: “tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường
không thể giải thích một cách đơn giản bằng nghĩa của từ tạo nên” (theo
Từ điển Tiếng Việt-Hoàng Phê).
(2)
Tiêu biểu cho quan niệm này là Nguyễn Văn Tố, trong bài “Tục ngữ ta đối với
tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây”, đã đồng nghĩa về mặt thuật ngữ khi nói về thành
ngữ, tục ngữ. Ông viết: “Tục ngữ là câu thành ngữ nói đã quen, trong thế tục,
nhiều câu nghĩa lý thâm thúy, ý tứ cao xa, câu nào từ đời xưa truyền lại gọi là
ngạn ngữ, cũng có khi gọi là tục ngạn. Nhưng dù là ngạn ngữ, tục ngữ hay tục
ngạn, thì nghĩa cũng gần giống nhau...” (Dẫn theo Tục ngữ Việt Nam-
Nhóm Chu Xuân Diên).
-Sách "Từ điển tục ngữ Việt" của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương làm khá tốt việc nhận diện tục ngữ. Theo Nguyễn Đức Dương, tác giả đã vận dụng phương pháp nhận diện tục ngữ của Cao Xuân Hạo. Tuy nhiên việc nhận diện đúng tục ngữ chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đảm bảo việc giải thích sẽ chính xác. Bạn đọc có thể tham khảo bài phê bình cuốn "Từ điển tục ngữ Việt" tại đường link: AI LÀM HỎNG “DI SẢN TỤC NGỮ” ?
-Sách "Từ điển tục ngữ Việt" của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương làm khá tốt việc nhận diện tục ngữ. Theo Nguyễn Đức Dương, tác giả đã vận dụng phương pháp nhận diện tục ngữ của Cao Xuân Hạo. Tuy nhiên việc nhận diện đúng tục ngữ chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đảm bảo việc giải thích sẽ chính xác. Bạn đọc có thể tham khảo bài phê bình cuốn "Từ điển tục ngữ Việt" tại đường link: AI LÀM HỎNG “DI SẢN TỤC NGỮ” ?
(3)
Sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” do anh Lê Thanh Thảo-Công ty thuốc
BVTV Trung ương I tại Thanh Hóa đem đến giới thiệu và cho chúng tôi mượn đọc
trong nửa năm qua. Nhân đây xin được cảm ơn Anh và mong Anh thông cảm việc mượn
sách lâu đến vậy.
0 Nhận xét