Biểu tình lớn nổ ra sáng Chủ nhật 11/5 tại cả ba miền Bắc Trung
Nam để phản đối hành động Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng kinh tế
đặc quyền của Việt Nam.
Con số người tham gia được nói lên tới hàng nghìn ở cả nước.
Báo điện tử Vnexpress đưa tin dòng người biểu tình ở Hà Nội sáng 11/5 ước tính lên đến hơn 1000 người.
Đoàn biểu tình đã có mặt từ sáng sớm trước tòa đại sứ Trung Quốc với các khẩu hiệu viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.
Tại TP.HCM, 54 nhân sỹ trí thức bao gồm những
gương mặt quen thuộc như Giáo sư Tương Lai, bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm, sáng
11/5 cũng đã chủ trì một buổi mít-tinh trước Nhà Hát Lớn.
Trong những người xuống đường, còn có các cựu
công chức nhà nước, trong đó có những gương mặt quen thuộc như ông Đặng
Văn Khoa, ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM.
Ông Khoa được Vietnamnet dẫn lời nói "quan trọng
nhất trong việc bảo vệ chủ quyền vẫn là lòng dân. Khi mọi người cùng
đồng lòng thì nhất định sẽ bảo vệ được đất nước, giang sơn mà cha ông ta
đã xây dựng".
Trao đổi với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh
hôm 11/5, nhà thơ Đỗ Trung Quân, người tham gia vào cuộc tập
hợp, tuần hành chống hành động của Trung Quốc trên Biển Đông,
kể lại những điều mà ông đã nghe thấy trong cuộc biểu tình
sáng nay như sau:
"Trên đường tôi gia nhập vào đoàn biểu
tình tôi thấy có một công nhân vệ sinh đẩy xe quét rác đứng
lại nói chuyện với một chiến sỹ bảo vệ lãnh sự quán cũng
là người Việt. Anh nói rằng 'Họ như thế là đã đụng đến Tổ
quốc'."
"Một chị đi nhặt bao ny lông và bán vé số cũng nói rằng phải vậy thôi vì nó quá lắm rồi."
"Tôi nhận ra được Trung Quốc đã đụng đến
vấn đề thiêng liêng nhất của Việt Nam đó là vấn đề đất nước,"
nhà thơ nói.
Theo tường thuật của VnExpress, sáng 11/5 nắng
nóng gay gắt, nhưng người Đà Nẵng vẫn tập trung tại công viên Bạch Đằng,
dưới chân cầu Rồng.
Thông tin do cư dân mạng đăng tải cho biết đoàn
người biểu tình đã diễu đến trước UBND thành phố trước khi giải tán vào
tầm 10 giờ.
Theo một số phản ánh từ TP.HCM, các đường chính
dẫn đến tòa lãnh sự Trung Quốc đã bị chặn sau cuộc biểu tình hôm 10/5,
vốn đã được báo chí trong nước đăng tải rộng rãi.
Tuy nhiên, đông đảo người biểu tình vẫn đứng
trước rào chắn của lực lượng an ninh, với quốc kỳ Việt Nam và các khẩu
hiệu phản đối Trung Quốc.
Một người dân sống ở quận Tân Bình, thành
phố Hồ Chí Minh, nói với BBC với điều kiện giấu tên rằng
cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc vào sáng 11/5 ở
thành phố Hồ Chí Minh diễn ra 'thuận lợi', 'không bị cấm cản'
và 'không có ai bị bắt'.
Theo lời người này kể do sáng Chủ nhật
trên đường phố xe cộ đông đúc nên chỉ có cảnh sát điều tiết
giao thông để những người biểu tình tuần hành thuận lợi và
đoạn đường trước Lãnh sự quán Trung Quốc được công an bảo vệ
để tránh người biể̉u tình tiếp cận.
Tuy nhiên, theo quan sát của người này thì
cũng có nhiều công an có mặt để theo dõi những người mà họ
cho là khả nghi để phòng khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc
chuyển thành chống chế độ.
Theo lời kể của anh này thì anh có gặp
một người phụ nữ trong đám đông biểu tình bức xúc trước thái
độ mà bà cho là 'bán nước' của chính quyền.
Tuy nhiên, trong số những khẩu hiệu được hô
trong cuộc biểu tình không có khẩu hiệu chống chính quyền,
theo lời nhân chứng giấu tên này.
"Có một số người có tâm lý dè dặt. Khi
tôi rủ họ đi biểu tình thì họ không dám đi vì sợ ra đến đó
sẽ bị dính vào biểu tình chống chế độ," ông nói.
"Nếu chỉ biểu tình phản đối Trung Quốc thôi thì không sao."
Tân Hoa Xã nói về hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Miến Điện:
Hôm thứ Bảy các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã
bày tỏ'quan ngại sâu sắc' về các diễn biến ở Biển Nam Trung Hoa và kêu
gọi có giải pháp hòa bịnh.
Các bộ trưởng ASEAN khẳng định lại tầm quan
trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải,
hàng không trong vùng biển Nam Trung Hoa(SCS) cũng như Nguyên tắc sáu
điểm về SCS cùng Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh A SEAn- Trung
Quốc nhân kỉ niệm 10 năm Tuyên bố ứng xử của các bên tại vùng biển Nam
Trung Hoa (DOC).
Hôm thứ Sáu, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung
Quốc bà Hoa Xuân Oánh đã nhắc lại Trung Quốc đặt giàn khoan ở Tây Sa,
nơi không hề có tranh chấp, Tân Hoa Xã nói.
BBC News, London: Hiệp hội các
nước Đông Nam Á họp thượng đỉnh lần đầu tại Miến Điện đã kêu gọi Trung
Quốc cùng Việt Nam chấm dứt đối đầu ngoài Biển Đông và giải quyết tranh
chấp một cách hòa bình.
Theo phóng viên Bill Hayton của BBC News (11/5),
tuần trước Trung Quốc đã cho một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt
Nam cũng tyên bố chủ quyền và khiến nổ ra các vụ va chạm nhiều ngày liền
giữa các tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển hai bên.
Bản tin của hãng thông tấn Mỹ AP
vừa được phát đi viết: "Việt Nam cho phép hàng trăm người tập
hợp la ó phía ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội vào Chủ
nhật ngày 11/5 để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra
vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông."
"Các nhà lãnh đạo chuyên chế của Việt Nam
kiểm soát các cuộc tập hợp của quần chúng rất chặt chẽ do
lo sợ những người biểu tình chống chính quyền. Nhưng lần này
dường như họ phải nhường bước trước sự phẫn nộ của quần
chúng."
AP dẫn lời một luật sư có tên là Nguyễn Xuân Hiền nói: "Chúng tôi đều phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc."
"Chúng tôi phải đến đây để người Trung Quốc có thể hiểu được sư phẫn nộ của chúng tôi," ông nói với AP.
Theo AP thì đây là cuộc biểu tình lớn
nhất ở Việt Nam sau sự cố tàu thăm dò của Việt Nam bị phía
Trung Quốc cắt cáp hồi năm 2011. Khi đó, chính quyền Việt Nam
cho phép biểu tình trong một vài tuần nhưng sau đó đã dùng
biện pháp trấn áp khi các cuộc tập hợp này chĩa mùi dùi vào
phía chính quyền.
Theo miêu tả của AP thì trong cuộc biểu
tình hôm Chủ nhật 11/5 có diễn giả đứng trên xe cảnh sát lên
án hành động của Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước có mặt
tại chỗ ghi lại diễn biến và có những người tung khẩu hiệu
ghi: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và Quân
đội nhân dân."
"Một số người biểu tình rõ ràng là
người của chính quyền, trong khi nhiều người khác là những
người dân thường phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc. Một
số nhà hoạt động quyết định không tham gia vì có sự dính líu
của Nhà nước," bản tin viết.
Từ Sài Gòn, blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng nay đã
là thời điểm Đảng và nhà nước Việt Nam phải dựa vào nhân dân mới có thể
đối phó được với Trung Quốc trong vụ giàn khoan đang gây ra đối đầu
căng thẳng giữa hai nước.
"Đến lúc nhà nước cũng phải cần đến sự ủng hộ
của nhân dân, do vậy cũng không còn ngăn cấm như hồi xưa nữa, hồi xưa
bất cứ những phát biểu nào, biểu hiện nào tự phát của nhân dân đều bị
nhà nước cấm đoán khi đụng tới Trung Quốc," nguyên Thư ký Tòa soạn báo
thanh niên giải thích sự thay đổi đột ngột của chính quyền.
"Nhưng bây giờ nhà nước nghĩ rằng phải dựa vào
nhân dân, cho nên báo chí bắt đầu cũng được cho phép nói, và cụ thể là
chiều nay tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho luật sư đoàn tổ
chức một cuộc mít-tinh chống lại xâm lấn của Trung Cộng."
Ông Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam
đã có bình luận với BBC về động thái được cho là thay đổi 180 độ của
chính quyền đối với các cuộc phản đối Trung Quốc do người dân tự động tổ
chức, hay còn gọi là 'biểu tình tự phát'.
"Theo ý kiến của tôi, chắc chắn việc người dân
được biểu tình một cách tương đối là tự do, mà không bị lực lượng an
ninh hoặc công an ngăn cấm, thì chắc chắn đó là có chủ trương của nhà
nước," , nói.
"Một số nguồn tin người ta nói rằng là (chính
quyền) không ngăn cản mà cũng không khuyến khích, tôi nghĩ rằng trước
tình hình như thế này, nếu bây giờ các ông ấy ngăn cản người dân đi biểu
tình, biểu thị lòng yêu nước.
"Biểu thị thái độ lên án đối với sự xâm lược
trắng trợn của Trung Cộng đối với chủ quyền, đối với toàn vẹn lãnh thổ
của đất nước Việt Nam, thì các ông ấy sẽ bộc lộ ngay cái bộ mặt là những
kẻ bán nước,
"Trước tình hình như thế này, nếu bây giờ các
ông ấy ngăn cản người dân đi biểu tình, biểu thị lòng yêu nước, biểu thị
thái độ lên án đối với sự xâm lược trắng trợn của Trung Cộng đối với
chủ quyền, đối với toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, thì các ông
ấy sẽ bộc lộ ngay cái bộ mặt là những kẻ bán nước."
"Và chắc chắn là các ông ấy không muốn để cho người dân lên án như vậy."
Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook:
Có quá nhiều lời kêu gọi, vậy sáng nay, chủ nhật 11-5-2014, chúng ta
nên đi theo lối nào? - Nhiều bạn trẻ hỏi tôi. Tôi nghĩ, bạn có thể đọc
hay không đọc những lời kêu gọi ấy, thậm chí, bạn có thể nghe hoặc không
nghe nói đến "đèn xanh" của Chính quyền; nhưng, bạn chỉ nên bước ra
khỏi nhà khi biết trong lòng mình nghĩ gì.
Chỉ khi chúng ta nhận ra đất nước cần gì ở mình
trong tình thế này; biết mình có thể đóng góp được gì và đặc biệt biết
những việc mình đang làm là để thỏa tâm nguyện của chính mình thì mới
nên Xuống Đường!
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết trên Facebook:
Những hình ảnh xuống đường của nhân dân, nhân sĩ, trí thức, cựu chiến
binh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng....cảm động đến trào nước
mắt.
Tổ Quốc tôi như một con tàu, dũng mãnh, can trường, xông thẳng ra biển lớn
Nhà thơ, nhà văn Thái Bá Tân viết trên Facebook:
Sơn hà đang nguy biến.
Kẻ thù đã kề bên.
Chúng ta, con dân Việt,
Hãy nhất tề đứng lên.
Kẻ thù đã kề bên.
Chúng ta, con dân Việt,
Hãy nhất tề đứng lên.
Mỗi người theo một cách
Yêu đất nước của mình.
Nhưng không ai được phép
Thờ ơ và vô tình
Yêu đất nước của mình.
Nhưng không ai được phép
Thờ ơ và vô tình
0 Nhận xét