Mẹ cũng cần được yêu như con!
Theo trangha
Vào những lúc bận rộn việc nhà, tôi thường nghĩ đến những chuyến đi
xa. Còn những lúc cơm đường cháo chợ, tôi thường rất thèm muốn được
quay về nhà để thay áo cho con, nấu cơm và những món ăn thú vị cho lũ
trẻ. Không hiểu vì sao, tôi thường không ở yên đâu quá một năm. Tôi
thường tự nghĩ ra những lý do để bản thân mình đi hoặc về, thích cái này
hoặc sợ hãi cái kia.
Tôi tin người phụ nữ nào cũng thế, luôn bị giằng co bởi khao khát
điều mới mẻ trong chính tâm hồn mình và thèm muốn sự yên ổn phía sau
cánh cửa ngôi nhà. Muốn được chăm sóc gia đình yêu thương hết mình,
những cũng rất thèm muốn được người thân quan tâm chăm sóc trở lại như
thế.
Mấy năm gần đây, mùa đông nào tôi cũng được con gái đan tặng một
chiếc khăn len mới tinh. Từ hồi con gái tôi chín tuổi, nó học đan len và
tỉ mỉ ngồi đan. Rồi mỗi năm, chiếc khăn nó đan cho mẹ đều đẹp hơn mùa
đông năm trước. Mỗi lần tôi khoe với bạn bè người quen rằng, tôi đòi con
gái đan tặng khăn len, mọi người đều rất ngạc nhiên và hỏi: Thế sao mẹ
không đan khăn cho con, mà lại bắt con phải đan khăn cho mẹ, khổ thân nó
ra?
Tôi trả lời, vì tớ hoàn toàn không hề biết đan len! Và quan trọng
hơn, tớ có quyền yêu cầu con tớ yêu tớ, theo cách tớ thích! Bởi vì tớ đã
chăm sóc nó và yêu nó bằng rất nhiều cách khác, không nhất thiết phải
là đan một cái khăn “lại quả” cho nó, chỉ để được người khác khen ngợi
tán tụng là mẹ yêu con quá!
Nếu mọi người biết, vào tuổi lên bảy, bố mẹ phải mua quà sáng dỗ con
trước cổng trường Tiểu học, mẹ phải dậy sớm rửa mặt cho con, nấu mì cho
con ăn, thì con gái tôi đã biết buổi sáng cùng bố luân phiên đi mua bánh
mì pa-tê về cho mẹ ăn sáng, thì hẳn họ sẽ nói tôi ích kỷ và lười biếng
nhường nào.
Nhưng, hình như cái hình ảnh bà mẹ già (bà má) nghèo khổ, hết lòng hi
sinh vì con, nhịn ăn nhịn mặc cho con, rồi hình ảnh bà mẹ trẻ dành hết
của ngon vật lạ cho con, sao cho con không thua kém bạn bè… đã trở thành
một mẫu mực của người mẹ. Đến nỗi, mẹ chăm sóc con là chuyện tất nhiên,
mẹ đòi con chăm sóc là chuyện lạ.
Hoặc nói một cách khác, xã hội chỉ cho phép mẹ chồng đòi hỏi, mẹ già
bệnh đòi hỏi. Còn chưa lên chức mẹ chồng, chưa già, chưa bệnh tật, còn
trẻ như tôi, đòi con chăm sóc những thứ nhỏ nhặt trong khả năng của nó
cũng thật là… tội nghiệp cho nó!
(Thật may, ông xã tôi không nghĩ thế! Ông ấy sống rất tự nhiên và bình thản, không quan tâm mấy tới những khái niệm!)
Nhưng, biết nói như thế nào về đúng và sai? Một khi mà có vô số thứ,
hôm nay đúng còn ngày mai đã hoàn toàn mất đi giá trị với thời gian?
Chủ nhật tuần trước tôi giao lưu với độc giả Hà Nội ở Pico Plaza, tôi
ấn tượng nhất một độc giả nữ dắt đứa con đầu lòng một tuổi rưỡi đến,
tất nhiên mẹ là độc giả của Trang Hạ, còn con thì là tín đồ của bóng
bay. Vì thế, khi độc giả ấy mấy lần muốn tham gia gắp thăm, giao lưu
nhưng con… đòi quậy. Tôi phải nói với ban tổ chức lưu ý chăm sóc người
phụ nữ trẻ. Vì thế, phần quà thứ ba của Trang Hạ dành cho độc giả, rất
nhiều cánh tay giơ lên nhưng mic đã được chuyển cho độc giả nữ ấy. Quà
chỉ là một bình nước cao cấp, nhưng các bạn dưới sân khấu đều rất thích.
Hai mẹ con vui vẻ cầm bình nước và bóng bay đi về!
Tôi nghĩ mãi về hình ảnh ấy. Thường những người mẹ sẽ hi sinh rất
nhiều cho con, dễ thấy nhất là vòng eo to ra, ngực chảy xuống, xương
sống cong, cúi sẽ đau lưng, bận bịu đón con ở nhà trẻ, cáu gắt quát nạt
khi con quấy, thì thầm gọi điện cho bạn gái kể về tính xấu của ông xã,
cảm thấy thương bà ngoại hơn bao giờ hết kể từ khi cất bước đi lấy
chồng…
Nhưng cũng có những sự hi sinh cho con không để lại dấu vết. Như mẹ
lùi lại một bước giữa đám đông chen lấn, như sẵn sàng ôm con đứng ra bên
lề một cuộc vui, dù mẹ đã cố gắng thu xếp để làm sao đến được cuộc vui
đó, như hôm đó, ở dưới sân khấu…
Nếu lên lịch thời gian một ngày của một người mẹ, chắc chắn sẽ thấy,
phần lớn là để kiếm tiền (tiền nuôi con quan trọng hơn nuôi mình), chăm
sóc gia đình (chăm sóc con trước và thời gian nếu còn lại mới chăm sóc
mình), nghỉ ngơi (thường là vào sau khi con đã ngủ). Có gì sai không?
Yêu thương thì có bao giờ sai! Nhưng có gì phải nuối tiếc không? Có,
nuối tiếc một ngày không thể có nhiều hơn 24 giờ. Đa số chúng ta không
thể như cái màn hình máy tính bảng tôi đang cầm trên tay, chia đôi ra
vừa làm việc kiếm tiền nửa bên này, vừa giải trí phim ảnh nhạc nhẽo nửa
kia. Chúng ta luôn có những trách nhiệm khiến mệt mỏi, những dự định
chưa kịp làm, sách đọc dở chưa xong, quần áo lỗi mùa chưa kịp cất, căn
phòng chưa dọn, e-mail chưa trả lời, những hẹn gặp bị đến muộn…
Giá như những người phụ nữ nghĩ rằng, thực ra mình không cần phải làm
mẹ suốt 24 tiếng! Mình có thể vào một giờ nhất định trong ngày, tuyên
bố, mẹ đã hết giờ làm mẹ, bây giờ cho mẹ nghỉ ngơi một tiếng đồng hồ,
các con và bố tự thu xếp để… chăm sóc lại mẹ! Vì mẹ cũng cần được yêu
như mẹ yêu, và cũng cần giờ giải lao giữa 24 tiếng làm mẹ chứ! Nếu ta
không thể chia đôi nửa người làm việc, nửa người nghỉ ngơi, thì ta có
thể thu xếp để chia lại thời gian lần lượt trong ngày.
Thay bằng đến mùa đông ngồi đan khăn len, hãy dạy con đan. Thay bằng
ép con ăn sáng, hãy đề nghị chúng ta luân phiên phụ trách bữa sáng của
gia đình. Hoặc đơn giản, hỏi xem, bữa cơm chiều nay bố con làm gì cùng
mẹ? Và đừng xin phép ai được nghỉ giải lao giữa lúc làm mẹ, hãy tự cho
phép mình làm điều ấy.
Hy vọng độc giả của tôi khi ấy sẽ rót tách trà trái cây của chính
mình để uống, từ món quà của Trang Hạ, chứ không phải, lúc đó món quà
đang bị hy sinh để ai đó trong gia đình sử dụng làm một việc gì đó.
Trang Hạ
2013
0 Nhận xét