TMSS: Đây là một cách nhìn nhưng cũng là câu hỏi cho tất cả những ai muốn làm công tác thiện nguyện. Làm thiện nguyện không chỉ cần lòng từ tâm nhưng còn cần cái trí nữa. Bằng không, chúng ta sẽ rơi vào cạm bẫy phá hoại tôn giáo lúc nào không hay!
-----------
Câu chuyện Bồ Đề: Vì sao Phật giáo Việt Nam suy vi lẫn mạt pháp?
Liên Sơn/VNTB
Từ câu chuyện “điểm sáng từ bi”
(VNTB) Câu chuyện buôn bán trẻ em với giá từ hàng chục triệu đồng tại chùa Bồ Đề (Hà Nội) đang gây một làn sóng dư luận xã hội.
Phạm Thị Nguyệt; cháu Cù Nguyên Công; Nguyễn Thị Thanh Trang và sư Đàm Lan là những cái tên liên tục được nhắc đi nhắc lại trên các mặt báo.
Nếu Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang là các đối tượng bị bắt và có quyết định khởi tố (03/08) vì có liên quan đến mua bán bé Cù Nguyên Công, thì sư Đàm Lan được nhắc đến với tư cách là vị trụ trì cơ sở chùa Bồ Đề; người liên tục phủ nhận sự liên đới của mình đối với các hành vi mua bán trẻ em của Trang và Nguyệt. Hành vi mà cơ quan công an Hà Nội đang tiến hành mở rộng điều tra, con số trẻ em mua bán đang bị nghi ngờ không dừng ở cháu Cù Nguyên Công khi 9 cháu được nuôi dưỡng từ ngày 24/07 như cháu: Tùng Anh, Duy Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh, Việt Anh… đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề trong khi ni sư Đàm Lan khẳng định “Chùa không hề cho - nhận con nuôi bất cứ trường hợp nào”.
Dù sư Đàm Lan có “bất ngờ vì không biết gì” về việc kinh doanh con nuôi trong chùa và khẳng định cháu Cù Nguyên Công (nạn nhân bị mua bán) không có trong danh sách chùa, tuy nhiên chiều 05/08, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội, đại diện Công An Hà Nội là Thượng tá Vũ Thái Hưng khẳng định sự có mặt của cháu Công trong danh sách chùa Bồ Đề và: “Chắc chắn sư trụ trì Thích Đàm Lan sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ án này. Tuy nhiên, trách nhiệm của vị trụ trì này đến đâu, ở mức độ nào thì còn phải điều tra thêm.” Và trách nhiệm của Ni sư Thích Đàm Lan đến đâu sẽ xử lý đến đó.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh văn phòng 1, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) sau đó đã lên tiếng. Trong đó thầy có nhấn mạnh: “Chùa Bồ Đề cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này” và quan điểm giáo Hội là “nếu có vi phạm thì chịu sự xử lý của pháp luật”.
Thượng tọa cũng cho rằng, đây là bài học sâu sắc cho Giáo hội, và câu chuyện Bồ Đề là hậu quả “của cách quản lý không khoa học, lỏng lẻo, để cho niềm tin, lòng từ bi lấn át khoa học quản lý”.
Thượng toạ Thích Đức Thiện cũng đánh giá sư Đàm Lan là người “rất tốt và tích cực trong hoạt động xã hội”, Ni sư Thích Đàm Lan cũng là “công dân Thủ đô tiêu biểu”.
Kết quả cuối cùng thế nào, chúng ta vẫn phải bình tĩnh đợi kết luận chính thức của Công An và đoàn Thanh Tra. Tuy nhiên, câu chuyện Bồ Đề và các vấn đề khác liên quan đến Phật Giáo Việt Nam trong những năm lại đây đã dần khiến cho con người ta mất hết niềm tin vào lòng tốt, vào sự tử tế. Và một lần nữa, việc xâu chuỗi các hiện tượng về Phật Giáo đã và đang diễn ra cho ta một cái nhìn khác về Phật Giáo Việt Nam dưới sự quản lý của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (1981).
Hiện tượng “Giáo hội Phật Giáo Việt Nam”
Câu chuyện chùa Bồ Đề với vị trụ trì là “công dân tiêu biểu Thủ đô”, với ngôi chùa từng được mệnh danh nơi yên bình cửa Phật đã là một trong những hình ảnh sắc nét nhất về Phật Giáo Việt Nam hiện tại. Có thể nói, những năm trở lại đây, Phật Giáo Việt Nam (dưới sự quản lý của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành lập năm 1981) đang có những hiện tượng kỳ lạ.
Đầu tiên phải kể đến là chùa chiền ngày càng được mọc lên ngày một nhiều và không kém phần hoành tráng. Đâu đâu cũng thấy khởi sự Chùa, từ vùng đảo xa cho đến đất liền. Đặc biệt là xuất hiện loại chùa được xây dựng lên để phục vụ du lịch tâm linh - ở miền Bắc có chùa Bái Đính (Ninh Bình); miền Trung có chùa Linh Ứng (Đà Nẵng); miền nam có chùa Đại Nam Quốc tự (Bình Dương).
Những chùa này thường rất to, tượng rất đẹp, thu hút người dân khắp nơi tìm đến thắp hương – viếng cảnh. Tuy nhiên, lại thiếu cái không khí tụ tập lẫn sự linh thiêng, trang nghiêm mà một ngôi chùa cần có. Chùa nhưng không phải là chùa là vậy. Đó là sự trần tục và thương mại hóa cửa Phật mà báo chí ít dám nêu đến.
Hiện tượng này cũng từng được nhắc đến thông qua lời chiếu liên quan đến việc thờ Phật, làm chùa của vua Gia Long (thời nhà Nguyễn): “Gần đây có kẻ sùng phụng đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông, tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu Phật báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ”.
Các lễ lạt Phật Giáo lại ngày càng tổ chức nhiều hơn, quy mô hơn với xu hướng chuyển trọng tâm từ Lễ sang Hội…. Lớn thì có hội Chùa Hương, nhỏ hơn thì các hội lễ rằm ở các chùa tứ phương cả nước. Hình ảnh lễ chùa với xấp lễ mà trên đó không thiếu tiền lẻ, nhẹ thì mâm hoa quả, thông dụng hơn cả là hòm công đức chật ních tiền… Hình ảnh nép hương với xấp tiền lẻ, đồ mã khấn vái trong các dịp lễ hội chùa trở nên không hiếm. Thế nên, cái nơi mà người ta muốn tìm thấy sự thanh thản, tịnh tâm, không bon chen, để thấy lòng người bao dung nhân hậu, sâu sắc thì lại là cái nơi hội tụ xô bồ của cái phàm trần. Sự háo danh, hám của, lấn át hết cả tâm thành Đức Phật...
Cảnh tượng hàng loạt dãy xe từ biển trắng đến biển xanh, từ xe máy đến ô tô dàn dày đặc trong các lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Chùa Keo, Bà Chúa kho… là không hiếm. Hương lễ nghi ngút, lễ vật nhiều đến đặng tay cầm không hết, hiện tượng rải tiền, giắt tiền vào thân, tay tượng Phật rồi hóa vàng mã luôn tay khiến lửa không dứt… Chưa kể tệ nạn buôn thần bán thánh như dịch vụ cúng thuê, lễ thuê, bói toán, cờ bạc cũng nảy sinh quanh chùa trong dịp lễ hội. Từ tiền công quả, tiền công đức đến tiền bồi dưỡng các sư trong các đám lễ.
Sự chi tiền không tiếc tay của người dân (từ thường dân đến quan chức) nhằm cầu xin, chạy chọt, mua bán với ý nghĩ “trần sao âm vậy” qua mâm lễ đã làm những nhà sư ni, từ một vị trí mang tính chất tu hành, hướng dẫn con đường thoát khổ nay trở thành một nghề ăn nên làm ra trong xã hội. Điều này không những phản ánh sự khủng hoảng niềm tin xã hội của người dân mà còn phản ảnh cả sự tha hóa đạo đức từ trong xã hội vào chùa – vốn là nơi thanh tịnh, tu hành.
Thành ra mới nảy sinh những vị ni sư phá hoại chánh pháp, đời sống sa đọa. Từ sư Thích Pháp Định khóa môi nam ca sĩ và có hành vi chat sex; sư trụ trì Thích Minh Phượng tự tạc tượng mình để thờ - lập đạo tràng gồm 100 phụ nữ; sư Thích Thông Anh có hành vi hiếp dâm trẻ em; ni sư Thích Nữ Diệu Bản gỡ cấu kiện đình Cựu Quán và chùa Nội An lấy 4 thanh gỗ sưa để đem bán; sư Thích Phước Tấn lấy tiền cúng dường để xây biệt thự cạnh chùa; sư Kim So Phia giết người yêu khi mang thai; sư thầy Thích Đàm Chung dùng dao rựa đánh người; tì kheo Thích Long Tịnh bấm huyệt làm sưng tấy vùng kín phụ nữ, sư Đàm Lan với nghi án tiếp tay buôn bán trẻ em…
Chưa kể việc xã hội kính nể và nuông chiều Phật Giáo quá lâu, lại thêm cái phương châm kỳ lạ, thành ra người tu hành trở nên hư đốn, không trọng tâm lo Phật Pháp, chỉ chăm lo chức tước, thu lợi cá nhân qua các dịp lễ lạt. Thế nên chùa to ra, hình ảnh những nhà sư đi xe SH (loại xe đắt tiền), xài điện thoại xịn trên các tuyến đường lớn của thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng không hiếm là vì vậy. Sư biến thành một danh xưng nghề nghiệp ăn nên làm ra, rất ít người đến với Phật vì đức tin, sự thành tâm hay có căn quả. Sư ngày càng bị nhiều người dân gắn thêm chữ hổ mang; quốc doanh… Đó là điều đáng để suy ngẫm.
Những hiện tượng sư ni trên chẳng phải cũng từng được vua Thiệu Trị chỉ ra: Từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở sự cúng cấp cầu đảo chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ trọng ông thầy ở chỗ danh vọng chức tước, mặc dù ông thầy ấy thiếu học thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, làm cho Tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường trụy lạc cờ bạc rượu chè, đắm trước thanh, sắc... […] hiện tượng suy đồi ấy càng biểu diễn đến chỗ đồi bại; phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước […] một phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đảo, phù chú (phù chú đã thành phù thủy hóa) làm tay sai cho các nhà vua chúa, quan quyền, phú hộ […] còn một hạng nữa chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển bảo là giải thoát... Ôi ! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt?
Bởi thế mà, chùa thành nơi nghỉ mát, hội hè, sư vì thế buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan mà quên đi cả Giới luật. Hương đèn thắp nghi ngút, kẻ cúng cường, người làm công quả ra vào tấp nập nhưng thiếu cái Thiện Tâm, thế nên cái hình thức tưởng chừng như Phật lắm nhưng nghĩ kỹ lại thiếu Phật, chỉ còn cái Tiền và Danh vọng, lợi lộc theo kiểu dịch vụ tận tay hiện hữu mà thôi. Cũng bởi, vì dân mất niềm tin xã hội, bản thân tìm đến chùa, đến sư bằng tiền… công đức. Cả sư lẫn dân đều quên cả chức năng lớn nhất của Chùa là nơi ni sư tu tập, vung vãi bạc tiền để chuộc tội bản thân… Chùa tuy to mà tính Phật lại nhỏ, sư sãi tuy học nhiều – áo quần lượt thượt mà đức hạnh bạc đi là vậy.
Phật giáo suy vi? – Lịch sử lặp lại?
Sư khóa môi với ca sỹ nổi tiếng |
Nho sĩ Trương Hán Siêu trong Khai Nghiêm bi ký cũng đã từng chỉ thẳng hiện tượng đó rằng: “Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật được dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh”, thế nhưng “những kẻ giảo hoạt trong bọn sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ không” của đạo Phật”, do đó mà sư chỉ “chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chổ ở của chúng rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi rồng” cũng chỉ bởi vì “đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo dua lại đua đòi hùa theo. Vậy nên, “bọn áo thâm, áo vàng tụ tập ở đấy, không cày mà ăn, không dệt mà mặt”.
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy những tình trạng hư hóa Phật Pháp từ chùa đến sư đã - đang tái hiện lại qua lời tiền nhân. Ngay cả trong phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội cũng có nhiều bất ổn, khiến Đạo Pháp – Dân Tộc không được chú tâm, trong khi dẫn dắt Phật Pháp theo lối đi hoang đường. Thành ra, Phật Giáo Việt Nam đang bị hủ hóa, suy vi bắt nguồn từ những hiện tượng kể trên, khi chùa to, chùa dịch vụ, sư có lối sống xa hoa, xa rời đạo lý, xử sự trần tục… Phật không ra Phật, Chùa không ra Chùa, Sư không ra Sư. Sự nghiêm và từ bi, dạy con người tư bi hỉ xả, xem nhẹ vật chất, lạc thú, trọng tu tâm dưỡng tính, giới đức trang nghiêm, tinh tấn tu hành, lợi ích chúng sinh... ngày càng bị bỏ bê đối nghịch với sự gia tăng ni sư, chùa chiền trong xã hội hiện tại. Liệu Phật Giáo có tuyệt diệt như lời vua Thiệu Trị từng cảnh tỉnh? Chỉ biết rằng, dưới đường hướng – phương châm mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đang theo từ năm 1981 trở đi thì chỉ thấy:
Sư không nghiêm với Đạo thì Giác tha (hóa độ mọi người nhận thức và thực hành theo con đường thiện lành mà Đức Phật đã hướng dẫn) nỗi gì?
Chùa to, tượng lớn nhưng mất tính Phật trong đó, biến chùa thì nơi thâu nộp tiền của dân, tượng trở thì nơi nhét tiền cầu danh lộc, dân chúng chấp mê, sư sãi chấp mê nốt thì trùng hưng Tam Bảo có nghĩa gì?
Vậy nên, Phật Giáo Việt Nam hiện tại không khác gì câu chuyện phóng sinh với mô hình khép kín được tổ chức vào các dịp lễ: bẫy chim (cá) – bắt chim (cá) – bán chim (cá) – mua chim (cá) – thả chim (cá) – bẫy chim (cá).
Đó có phải suy vi? Đó có phải mạt pháp?
Liên Sơn
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.
0 Nhận xét