Chương XIV
MẠC KHẢI VÀ SỰ KHÁM PHÁ
Ý NGHĨA CỦA THÂN XÁC
1.
Khi đọc lại và phân tích trình thuật thứ hai về tạo dựng, tức là bản
văn Giavit, chúng ta phải tự hỏi liệu «con người» đầu tiên (adam),
trong tình trạng đơn độc nguyên thủy của mình, có «sống» thực sự cái
kinh nghiệm về thế giới như một quà tặng, với thái độ của kẻ thực tế
mang thân phận đón nhận ơn ban (điều ta rút ra được từ trình thuật của
chương thứ nhất) hay không. Quả thật, trình thuật thứ hai cho thấy con
người ở trong vườn Êđen (St 2,8). Thế nhưng, ta nhận thấy rằng
dẫu sống trong tình trạng hạnh phúc nguyên thủy, chính Đấng Tạo Dựng và
rồi chính con người, thay vì nhấn đến khía cạnh thế giới như là một tặng
phẩm phúc lộc dựng nên cho con người (x. trình thuật thứ nhất và đặc
biệt là đoạn St 1,26-29), lại nói lên sự kiện con người «cô
độc». Chúng ta đã phân tích ý nghĩa của sự đơn độc nguyên thủy. Nhưng
bây giờ cần phải lưu ý rằng lần đầu tiên lộ hiện rõ ràng một khiếm
khuyết thiện hảo nào đó: «Con người (người nam) ở một mình không tốt –
Giavê Thiên Chúa nói – Ta muốn làm ra cho nó một trợ tá ...» (St
2,18). Con người «đầu tiên» cũng khẳng định điều đó. Sau khi đã ý thức
tự thâm sâu mình đơn độc giữa tất cả muôn loài trên trái đất, con người
đầu tiên khát mong một «trợ tá tương xứng với mình» (x. St 2,20). Thật thế, không có vật nào trong những loài này (animalia) cho con người điều kiện cơ bản khả dĩ sống cái mối tương quan tặng ban cho nhau.
2. Như thế, hai kiểu nói này, tính từ «một mình» và danh từ «người trợ tá» xem ra như là chìa khóa để tìm hiểu chính yếu tính của tặng phẩm ở bình diện con người, như nội dung hiện sinh ẩn chứa trong sự thật «hình ảnh Thiên Chúa». Thật vậy, có thể nói tặng phẩm bộc lộ một đặc trưng riêng của hiện hữu ngôi vị, đúng hơn của chính yếu tính của ngôi vị. Khi Giavê Thiên Chúa nói «con người ở một mình không tốt» (St 2,18), Ngài khẳng định rằng «một mình» mình con người không thực hiện được hoàn toàn yếu tính này. Con người chỉ thể hiện được yếu tính mình khi hiện hữu «với một ai đó» - và một cách còn sâu xa hơn và trọn vẹn hơn – khi hiện hữu «cho một ai đó». Chuẩn mực hiện hữu như một ngôi vị đó được trình bày trong sách Sáng thế như đặc trưng của tạo thành, chính nhờ ý nghĩa của hai từ «một mình» và «người trợ tá». Chính những từ này cho thấy tương quan và hiệp thông các ngôi vị quả là nền tảng và cốt yếu đối với con người biết bao. Hiệp thông các ngôi vị có nghĩa là hiện hữu «cho» nhau, trong một tương quan cho đi tặng lại. Và mối tương quan này chính là sự lấp đầy của tình trạng đơn độc nguyên thủy của «con người».
3. Sự lấp đầy đó, ở nguồn cội của nó, là một hồng phúc. Hẳn là nó tiềm tàng trong hạnh phúc nguyên thủy của con người, và tạo nên chính hạnh phúc vốn thuộc về mầu nhiệm tạo dựng bởi tình yêu, nghĩa là thuộc về chính yếu tính của sự ban tặng sáng tạo. Khi tỉnh dậy từ giấc ngủ nguyên thủy, và nhìn thấy người-phụ-nữ, người-đàn-ông thốt lên «này đây, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi» (St 2,23). Theo nghĩa nào đó, những lời này diễn tả cái khởi đầu hồng phúc của cuộc sống của con người trong thế giới.
Vì đã xảy ra ngay «thuở ban đầu», điều đó xác nhận tiến trình tự xác định của con người trong thế giới, và có thể nói nó phát sinh từ chính nơi sâu thẳm nhất của nỗi cô đơn của con người, nỗi cô đơn mà con người như một ngôi vị phải sống đối diện với mọi thọ tạo khác và mọi sinh vật (animalia). Bởi thế, cái «thuở ban đầu» ấy cũng thuộc về khoa nhân học thích đáng (antropologia adeguata) và luôn có thể được kiểm chứng trên cơ sở đó. Việc xác minh thuần túy về mặt nhân học như thế dẫn ta đến với chủ đề «ngôi vị» và đồng thời với chủ đề «thân xác-giới tính».
Hai
chủ đề ấy cách thiết yếu phải được nói đến đồng thời với nhau. Nếu như
ta bàn đến giới tính mà không liên hệ gì tới ngôi vị thì nhân học trong
sách Sáng thế không còn thích đáng là nhân học nữa. Khi ấy việc nghiên
cứu thần học của chúng ta sẽ không thấy được ánh sáng của mạc khải về
thân xác, vốn xuất hiện tràn ngập trong nhhững xác định đầu tiên này.
4. Có một liên kết mạnh mẽ giữa mầu nhiệm tạo dựng, vốn là ơn huệ tuôn trào từ Tình Yêu, và cái «thuở ban đầu» hồng phúc của cuộc sống con người như là nam và như là nữ, trong sự thật toàn vẹn của thân xác và giới tính của họ, vốn đơn giản chính là chân lí về sự hiệp thông các ngôi vị. Khi nhìn thấy người đàn bà, người đàn ông đầu tiên ấy reo lên : «Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi» (St 2,23). Người ấy chỉ khẳng định căn tính con người của cả hai. Khi reo như vậy, có vẻ như ông muốn nói: đây rồi, một thân xác bộc lộ «ngôi vị»! Theo một đoạn văn trước của bản văn Giavit, người ta cũng có thể nói : thân xác này tỏ lộ một «linh hồn sống động». Ngữ cảnh của đoạn văn đó là khi Giavê Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào con người (x. St 2,7), bởi thế con người đã bắt đầu cuộc sống mình trong tình trạng đơn độc trước mọi loài sinh vật khác. Chính nhờ nỗi cô đơn nguyên thủy sâu thẳm ấy mà bây giờ con người hiện ra trong chiều kích là tặng phẩm trao hiến cho nhau, điều đó được biểu lộ ra qua thân xác trong toàn thể sự thật nguyên thủy của nam tính và nữ tính của con người, và từ đó biểu lộ cuộc sống của mình như là ngôi vị. Thân xác bộc lộ nữ tính là «cho» nam giới, và ngược lại thân xác bộc lộ nam tính là «cho» nữ giới, thân xác biểu lộ sự tương hỗ và sự hiệp thông các ngôi vị. Nó diễn tả điều đó qua sự trao hiến như là đặc tính cơ bản của hiện hữu nhân vị (tức là cuộc sống làm người). Thân xác là đây: là chứng từ của tạo thành như một tặng phẩm nền tảng, và như thế là chứng từ của Tình Yêu như nguồn mạch, từ đó phát sinh chính sự trao hiến này. Giới tính – đàn ông và đàn bà – là dấu chỉ nguyên thủy của sự trao hiến sáng tạo và ý thức về quà tặng mà con người nam-nữ đã cảm nghiệm từ nguyên thủy. Với ý nghĩa đó, giới tính đã đi vào thần học thân xác.
5. «Khởi đầu» hồng phúc ấy của con người nam-nữ gắn liền với mạc khải và khám phá ý nghĩa của thân xác «hôn phối» (ta có thể gọi như vậy). Nếu chúng ta nói mạc khải và khám phá cùng lúc như vậy, đó là chúng ta đã nói trong liên hệ với nét đặc thù của bản văn Giavit. Đặc thù ấy là: trong bản văn Giavit bình diện thần học cũng đồng thời là nhân học, nói cách khác, ở đó thực tại thần học xuất hiện như một thực tại được con người sống cách ý thức. Chúng ta đã nhận thấy rằng ngay sau sự bộc lộ niềm hân hoan đầu tiên do sự xuất hiện trên cuộc đời của con người «vừa có nam vừa có nữ» (St 2,23), là câu nói lên sự hợp nhất vợ chồng (St 2,24), và sau đó là xác nhận sự trần truồng mà họ không cảm thấy xấu hổ đối với nhau (St 2,25). Chính sự so sánh đầy ý nghĩa này cho phép chúng ta nói về mạc khải và nói về sự khám phá ý nghĩa «hôn phối» của thân xác cùng lúc trong chính mầu nhiệm tạo dựng. Ý nghĩa này (như được mạc khải và cũng được con người ý thức, nghĩa là «được sống») hoàn toàn xác nhận điều sau đây, đó là sự trao hiến (mang tính chất) sáng tạo, vốn tuôn trào từ Tình Yêu, tự nguyên thủy đã được con người ý thức và trở thành cái kinh nghiệm làm tặng phẩm cho nhau như ta có thể nhận thấy trong bản văn cổ đó. Sự trần truồng của hai ông bà nguyên tổ, mà không hề biết xấu hổ, xem ra cũng làm chứng cho điều đó, và có lẽ còn làm chứng cách đặc biệt hơn.
6. Đoạn St 2,24 nói về cứu cánh của giới tính nam và nữ trong đời sống làm vợ-chồng và làm cha-mẹ. Khi hợp nhất mật thiết với nhau nên một xương một thịt, một cách nào đó họ đã để cho Chúa chúc lành nhân tính của họ được phong nhiêu, tức là «sinh sôi nảy nở» thật nhiều, như trình thuật thứ nhất đã nói tới (St 1,28). Con người bước vào cuộc đời với ý thức về cứu cánh đó của giới tính (là nam, là nữ) hay tính dục (sessualità) của mình. Đồng thời, những lời của St 2,25: «Cả hai ông bà trần truồng lúc bấy giờ mà không cảm thấy xấu hổ» có vẻ như thêm vào chân lí nền tảng về ý nghĩa của thân xác con người, ý nghĩa của nam tính và nữ tính, một chân lí khác cũng không kém cốt yếu và nền tảng. Đó là, con người một đàng ý thức về cái khả năng truyền sinh của thân xác và tính dục của mình, đàng khác đồng thời lại tự do đối với mọi «ràng buộc» của thân xác và tính dục mình.
Sự trần truồng nguyên thủy mà không bị đè nặng bởi sự xấu hổ đối với nhau bộc lộ một sự tự do nội tâm như thế của con người. Phải chăng đây là sự tự do không bị «bản năng tình dục» khống chế? Khái niệm «bản năng» đã bao hàm một ràng buộc nội tại, chẳng hạn như bản năng thôi thúc sinh sản hay còn gọi là khả năng phong nhiêu trong toàn thể thế giới các sinh vật (animalia).
Tuy
nhiên, hình như cả hai bản văn của sách Sáng thế, trình thuật thứ nhất
và thứ hai về tạo dựng con người, đều nối kết khá rõ viễn tượng sinh sản
với đặc tính nền tảng của cuộc sống con người theo nghĩa nhân vị.
Bởi
thế, do loại suy, “tự nhiên», bao gồm thế giới loài vật, qua thân xác
con người và tính dục con người, ở trong cả hai trình thuật (dù mỗi
trình thuật mỗi kiểu cách khác nhau) được nâng cấp, theo một nghĩa nào
đó, lên tới mức «hình ảnh Thiên Chúa», lên tới bình diện ngôi vị và hiệp
thông giữa các ngôi vị.
Về vấn đề căn bản này sẽ cần phân tích nhiều hơn nữa. Điều quan trọng đối với con người – kể cả con người ngày nay – là biết rằng trong các bản văn kinh thánh nói về «thuở ban đầu» ấy có mạc khải về «ý nghĩa hôn phối của thân xác». Thế nhưng ý nghĩa đó diễn tả điều gì, mới là điều quan trọng hơn.
0 Nhận xét