Quang Đại
Ròng rã hơn một năm trời, hai vợ chồng ông Tiến - bà Thái đội đơn chạy khắp nơi kêu oan cho con. |
Hơn một năm nay, vợ chồng ông Hoàng Xuân Tiến và bà Nguyễn Thị Thái (xóm 4, Nghi Trung, huyện Nghi Lộc) đội đơn khắp nơi kêu oan cho con trai là Hoàng Trưng - sinh viên năm thứ nhất - bị kết án 42 tháng tù giam vì hành vi “cướp giật”.
Bài 1: “Bỗng dưng” bị bắt và dấu hiệu tống tiền?
Sau khi con trai bất ngờ bị bắt, ông Hoàng Xuân Tiến gọi vào số máy do một người xưng là công an (CA) ghi lại trên giấy, thì được người này thông báo chuẩn bị 25 triệu đồng để đưa con về. Nhưng khi ông Tiến yêu cầu người nhận tiền phải viết giấy, thì sau đó số máy này đã không thể liên lạc được.
Kêu oan tại 4 phiên tòa
Vợ chồng ông Tiến trình bày, khoảng 19h ngày 19.7.2013, hai người mặc
thường phục là ông Trần Văn Đáng - CA TP.Vinh và ông Cao Bá Tuyết - CA
huyện Nghi Lộc - đến nhà xin đưa con trai ông bà là Hoàng Trưng và đem
theo chiếc xe máy (BKS 37B1-267.49) ra sân trượt patanh huyện Nghi Lộc
để giải quyết sự việc.
Tin vào CA, ông bà đồng ý và càng tin khi ông CA Trần Văn Đáng có viết lại trên mảnh giấy: “0915 962 9630915 962 963,
chú Đáng - CA TP.Vinh”. Đêm hôm đó, thấy con chưa về, ông Tiến gọi điện
theo số máy nói trên thì được trả lời: “Em Trưng đang ở đây, bác yên
tâm ngủ đi, ngày mai em về”. Mấy hôm sau, ông Tiến gọi vào số máy nói
trên, thì được thông báo chuẩn bị 25 triệu đồng để đưa con về; nhưng khi
ông Tiến yêu cầu người nhận tiền phải viết giấy thì sau đó ông không
thể liên lạc với số máy này. Ngày 1.8.2013, ông bà hết sức bất ngờ khi
nhận được thông báo của CA TP.Vinh: Hoàng Trưng đã bị khởi tố, bắt tạm
giam về “hành vi cướp giật tài sản”. Tại thời điểm bị bắt, Trưng đang
học năm thứ nhất Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.
Sau đó, CA TP.Vinh ban hành bản “Kết luận điều tra” số 457/KLĐT (HS)
ngày 24.10.2013. Theo kết luận này, khoảng 16h ngày 10.3.2013, Hoàng
Trưng cùng với bạn là Lê Văn Nhi đi trên chiếc xe máy Sirius BKS
37B1-267.49 chạy trên đường Trường Thi (TP.Vinh) cướp giật của chị Trần
Thị Tú Oanh (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Viết Thuật) một chiếc túi
xách (bên trong có mấy quyển vở và chiếc ví đựng 1 triệu đồng), chia
nhau tiền và vứt chiếc túi bên đường. Sau 4 lần xử án, đến phiên phúc
thẩm ngày 30.6.2014, TAND tỉnh Nghệ An kết án Hoàng Trưng và Lê Văn Nhi
cùng mức 3 năm 6 tháng tù giam về tội “cướp giật tài sản”. Tại các phiên
toà, hai bị cáo liên tục kêu oan, tố cáo bị đánh đập, bức cung.
Những dấu hiệu bất thường
Theo ông bà Tiến, Hoàng Trưng bị CA dẫn giải từ xã Nghi Trung đi vào
đêm 19.7.2013, nhưng biên bản bắt giữ lại thể hiện Trưng bị bắt “khẩn
cấp” tại P.Hưng Bình hồi 18h ngày 20.7.2013. Trong biên bản bắt người
thể hiện “không tạm giữ đồ vật, tài liệu gì”, nhưng sau đó, CA TP.Vinh
lại trao trả cho gia đình xe máy và điện thoại. Hồ sơ vụ án thể hiện bị
cáo Lê Văn Nhi ra đầu thú, nhưng tại các phiên toà, Lê Văn Nhi khai bị
bắt tại quán càphê Phố Đỏ ngày 20.7.2013. Theo quy định của pháp luật,
“đầu thú” là người đã biết mình phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình
diện và khai báo. Trong trường hợp Lê Văn Nhi đang ngồi ở quán càphê
thì bị CA yêu cầu về trụ sở, như vậy liệu có thể gọi là “đầu thú”? Điều
vô lý khác, đó là đã đầu thú, nhưng ra toà Lê Văn Nhi lại liên tục kêu
oan?
Theo chị Trần Thị Tú Oanh, chị bị cướp vào khoảng 16h, nhưng trong
bản án phúc thẩm số 104 ngày 30.6.2014 của TAND tỉnh Nghệ An, vụ cướp
xảy ra khoảng 17h. Ngày 14.11.2014, chị Oanh cho biết sau khi bị cướp,
chị vẫn đến lớp học thêm của cô Xuyên (môn Anh văn), thời gian học thêm
từ 17-19h. Sau khi học xong chị Oanh chở bạn là chị Hằng về nhà. Chị
Oanh báo với mẹ là bị cướp, mẹ chị Oanh nói: “Thôi, người không can chi
là may rồi” và hai mẹ con không đi báo CA. Thế nhưng hồ sơ vụ án thể
hiện chị Oanh (cùng với mẹ) sau khi bị cướp đã đến trụ sở CA TP.Vinh
trình báo vào thời điểm 19h35 cùng ngày (?).
Đặc biệt, tại tất cả các phiên toà, người bị hại đều vắng mặt. Sau
khi Toà phúc thẩm đã tuyên án, ông bà Tiến mới tìm được đến nhà chị Trần
Thị Tú Oanh - người bị cướp giật túi xách. Chị Oanh đã viết giấy tường
trình ngày 7.7.2014 nói rõ: Khoảng giữa tháng 7, CA đến nhà hỏi, sau đó
có chú Cẩm là công an đọc cho viết nội dung bị mất 1 triệu đồng, chị
Oanh không đồng ý, vì số tiền thực tế bị mất chỉ hơn 100.000 đồng, nhưng
cán bộ này bảo chị cứ ghi 1 triệu và chị đã nghe theo. Qua đó, thấy rõ
cách làm biên bản này rất bất thường.
0 Nhận xét