TMSS: Đây là bài viết rất hợp với câu: GÃI ĐÚNG CHỖ NGỨA! Tác giả đã gãi đúng chỗ ngứa rồi không biết những người liên quan có cảm thấy đã mà nhìn nhận nguyên nhân hầu không có những cơn ngứa tiếp theo nữa hay không? Hãy trả lại quyền sống thực sự cho con người bằng việc đầu tiên hãy sống đúng với vai trò và trách nhiệm của mình!
----------------
Hào Anh - sản phẩm một xã hội khuyết tật
Liên Sơn
Hào Anh - Ảnh: Gia Bách (Thanhnien) |
Câu chuyện về người thanh niên tên Hào Anh đuổi cha mẹ ra khỏi nhà trong
thời gian qua đã khiến dư luận xã hội hoang mang, bức xúc.
Người ta nhắc đến Hào Anh như một trường hợp từng bị xâm phạm thân thể/
tinh thần khi em làm thuê trại tôm giống Minh Đức, là sự “bất hiếu” khi
đuổi cha mẹ ra khỏi nhà. Chứ không ai nhắc đến em như là một hệ quả của
từ sự vô tâm của những người làm cha mẹ, sự thiếu đạo đức của truyền
thông, và sự vô trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Hào Anh - chữ Hiếu của con và trách nhiệm người mẹ
Ngay khi vào phản ánh sự việc, báo chí Việt Nam dẫn dắt dư luận xã hội tấn công Hào Anh bằng cách nhân danh chữ Hiếu. Thậm chí báo Thanh Niên trong cuộc phỏng vấn Hào Anh cũng đặt mục “Con ân hận vì bất hiếu với mẹ”.
Một Hào Anh ăn chơi sa đọa, ngược đãi bố (dượng), mẹ (Phạm Thị Thoa), không xứng đáng với số tiền mà các mạnh thường quân quyên góp - đó là những gì đã và đang diễn ra. Câu chuyện Hào Anh vì thế cũng xoay quanh sự tố cáo của bà Thoa đối với con trai mình, sự rao giảng đạo đức của báo chí một chiều và những hồi âm (comment) giận dữ của người đọc.
Nhưng ít ai chịu khó tìm hiểu một Hào Anh sinh ra tại ấp Ngọc Tuấn (thị trấn Cái Nước, Đầm Dơi, Cà Mau) đã sớm chịu cảnh gia đình ly tán, khi người mẹ vì hạnh phúc riêng mà ngăn cấm cha ruột Hào Anh đến với con. Cũng vì lo cho bản thân mình hơn con, nên khi 12 tuổi (2008), Hào Anh đã bị buộc nghỉ học và cho đi làm thuê.
14 tuổi, Hào Anh được bà Thoa cho đi làm thuê tại trại tôm giống Minh Đức với lương tháng là 500 ngàn đồng. Và cũng chính nơi đây, em bị vợ chồng chủ trại là Giang-Thơm hành hạ với các biện pháp như thời trung cổ (tưới nước sôi, treo ngược lên cây rồi bị đá vào ngực và sườn trong 30 phút, trói – nhét bông gòn vào miệng rồi dán kín băng keo, đổ formol vào vết thương trước đó, bắt nuốt bao tay cắt nhỏ, mảnh thau nhựa, giấy dơ…), để lại thương tật là 66,83% và sự khủng hoảng tinh thần không bao giờ dứt.
20 tháng trời Hào Anh bị hành hạ với đủ chiêu trò thời trung cổ, bà Thoa đã ở đâu, làm gì, ngoài việc bình thản nhận đều tay 500 ngàn đồng/tháng?
Chỉ khi báo chí lên tiếng, và tiền tài trợ đổ về, thì người mẹ và người cha dượng mới tìm gặp người con sau 2 năm (2008-2010) tại bệnh viện. Giọt nước mắt, nhưng theo cùng là lời biện hộ: Trước đây cháu có gọi về nói cuộc sống ổn định, vợ chồng chủ thương. Tui mừng rơi nước mắt. Không ngờ họ lại đối xử với con tôi như vậy.
Cái sự “không ngờ” đó của bà Thoa đã khiến Hào Anh phải sống trong địa ngục 20 tháng trời, nhưng nó cũng dẫn đến sự lên án của truyền thông, đưa đến số tiền tài trợ là hơn 630 triệu đồng và 2.500 USD.
Hào Anh lại trở về với người mẹ. Nhưng rồi bà Thoa đã “yêu thương”, “giáo dục” để bồi đắp kiểu gì để đến năm 16 tuổi, Hào Anh lại nghỉ học.
Đến tháng 08/2014, bà Thoa và chồng bị đuổi ra khỏi nhà. Vẫn là những giọt nước mắt, nhưng lần này đi kèm lời tố cáo, đổ lỗi con mình ngược đãi, “bất hiếu”. Tuyệt nhiên, không có một lời lẽ nào nhìn nhận lại trách nhiệm, nghĩa vụ của mình (một người mẹ) bao năm qua nuôi dạy Hào Anh như thế nào!
Tất nhiên, lời tố cáo bị đuổi ra khỏi nhà của bà Thoa là không sai. Nhưng liệu khi sống trong căn nhà (cùng người chồng trẻ) được xây nên bởi tiền của những nhà hảo tâm, bà Thoa có hiểu được, hay tìm cách bồi đắp sự mất mát quá lớn về mặt tuổi thơ, bị tước đoạt quyền học hành, bị lãnh đạm tình yêu thương của cha mẹ (ruột) lẫn dượng, và chấn thương tâm lý do bị bạo hành trước đó của con mình?
Việc Hào Anh có những hành vi sai trái đối với bố mẹ, suy cho cùng cũng là cách cân bằng tâm lý và khoảng trống mà em phải chịu đựng, điều mà em không tìm thấy nó ở đấng sinh thành.
Thế nên, nếu Hào Anh lỗi một, thì bà Thoa phải lỗi mười. Trách nhiệm của người mẹ, nghĩa vụ người mẹ có đủ để bà Thoa tố ngược lại người con là ngược đãi, đòi hỏi con phải đối xử tốt (phụng dưỡng) với mình hay không?
Ngay như Đức Khổng Tử - vốn định ra chữ Hiếu cho nền tảng xã hội, cũng cho rằng: Vua phải cho ra vua, bấy giờ bề tôi mới ra bề tôi. Cha phải cho ra cha, thì con mới ra con (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử).
Do đó, Hào Anh có thể bị phạt hành chính “buộc các thành viên trong gia đình rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ” (Nghị định 167/2013), nhưng Hào Anh không thể bị buộc tội bất hiếu.
Cái gì cũng cần phải làm tròn bổn phận người trên mới có thể được đối đãi tốt bởi kẻ dưới, có trách nhiệm gieo chữ Hiếu Nghĩa thì con cháu mới có thể Nghĩa Hiếu. Đó không phải là sự đòi hỏi. Đó là sự làm gương.
Xã hội và truyền thông: ít “đặt câu hỏi ngược”
Ở Việt Nam tồn tại một nghịch lý, đó là rất dễ bị truyền thông dắt mũi bằng những hoàn cảnh thương tâm, bi xót đánh mạnh vào tâm lý ít “đặt câu hỏi ngược” của người Việt.
Truyền thông mô tả đó đã khiến cho cho xã hội trở nên mất đi sự tỉnh táo, để nhận ra điều gì đã-đang-diễn ra với những hoàn cảnh đó. Nó được biểu hiện thông qua việc đưa tin thiếu trước, hụt sau, không cho người đọc nhận biết cái thực chất ở phía sau là gì.
Chính lối truyền thống đó đã khiến cho xã hội trở nên dễ cả tin, làm nên truyền thống “cho con cá, không cho cần câu” đối với các hoàn cảnh đặc biệt của xã hội. Một hiện tượng phổ biến trong xã hội mà “vật chất quyết định ý thức”.
Chính vì vậy, đã dẫn đến một “cái tát vào lòng thiện của xã hội” như nhà nghiên cứu tâm lý, giảng viên ĐHSP Hà Nội, Nguyễn An Chất nhận xét.
Cái tát đó là kết quả của việc một núi tiền mà các nhà hảo tâm bỏ ra nhưng lại không quan tâm nó được sử dụng ra sao, như thế nào cho tốt nhất ở một đứa trẻ vốn bị cho nghỉ học sớm, lao động năm 12 tuổi, bị bạo hành trong 20 tháng, bị bỏ rơi trong 4 năm tiếp theo.
Tất cả được truyền thông Việt Nam dẫn dắt một cách khéo léo, khiến dư luận và bản thân những nhà hảo tâm bị dắt mũi tin rằng mình đã làm một việc tốt, nhưng sự thực là hoàn toàn ngược lại.
Từ việc, truyền thông đưa tin và kêu gọi hỗ trợ, đưa số tài khoản để người dùng chuyển vào. Tất cả đều giao cho truyền thông làm hết. Việc giữ quỹ và đưa cho Hào Anh vào năm 18 tuổi cũng là một thỏa thuận giữa truyền thông và chính quyền huyện Đầm Dơi lúc đó. Người hảo tâm cứ nghĩ mình đã giúp được một người, dư luận cứ nghĩ là với số tiền đó Hào Anh sẽ có một cuộc đời mới, báo chí cứ nghĩ là mình đã làm tròn trách nhiệm phát động và quản lý tiền, còn chính quyền cứ nghĩ việc giao phó giữ quỹ tiền là hết trách nhiệm.
Một núi tiền và ai cũng nghĩ là hết trách nhiệm. Thành ra tâm lý của Hào Anh như thế nào? Quá trình học tập và nhận thức của Hào Anh chuyển biến ra sao thì không một ai quan tâm đến? Báo chí im lặng, chính quyền lặng im, xã hội không ai biết gì nữa.
Đến tháng 08/2014, Hào Anh nổi lên nhờ báo chí, nhưng không phải sự phản ảnh về trường hợp bị lạm dụng mà ngược lại người mẹ trở thành “nạn nhân” khi bà bị đuổi ra khỏi nhà cùng chồng.
Lần này, thay vì tìm hiểu rõ trách nhiệm của mình về cách chia sẻ lòng hảo tâm, tìm hiểu lại hoàn cảnh gia đình, khoảng trống tâm lý và cả câu chuyện quản lý của chính quyền thì truyền thông lại chạy theo hướng “độc quyền” khai thác hành vi của Hào Anh dựa trên những lời tố cáo của người mẹ. Và tất nhiên, Hào Anh gần như không có cơ hội lên tiếng.
Chính vì vậy, sự phản ảnh về Hào Anh trong thời gian qua có bao nhiêu phần trăm trong đó là sự thật? Bao nhiêu trong đó còn chứa đựng sự tình, oan khuất? Dư luận không cần biết, báo chí đưa sao thì tin vậy. Hào Anh trở thành tâm điểm cho dư luận lên án qua sự “mô tả” của truyền thông, truyền thông lên án qua sự “mô tả” của người mẹ. Cứ thế mà phán xét như chính mình là người trong cuộc. Bất chấp những gì đang xảy ra đằng sau.
Đoàn thể, chính quyền và “sự rất tiếc”
Câu chuyện của Hào Anh không dừng ở mặt truyền thông, trách nhiệm của người mẹ mà còn là sự lơ là, vô cảm của cộng đồng lẫn đoàn thể, chính quyền.
Điều này không phải là một suy nghĩ phiến diện, khi mà sự bạo hành kéo dài, nhưng lại không bị tố giác hoặc phát giác sớm.
Người dân xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi) lúc đó (2010) cho rằng, nếu báo thì chính quyền liệu có bảo vệ họ hay không khi mà vợ chồng Giang –Thơm luôn miệng “khoe” cho xã hội đen thanh toán mỗi khi xích mích với ai.
Lúc đó (2010), dư luận đặt ra câu hỏi: nhóm côn đồ này là ai mà khiến cho người dân sợ hãi và chính quyền không thể “nắm được tình hình” trong suốt 20 tháng trời. Trong khi có cả một danh sách dài về các cơ quan, đoàn thể ở xã ấp (hệ thống chính trị cơ sở), từ ông ấp trưởng cho đến Mặt trận tổ quốc, Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…
Chỉ khi lên báo thì các cuộc kiểm điểm từ ấp, xã mới diễn ra. Từ ông Phạm Đức Lý (lúc đó) “với tư cách là chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh, cá nhân tôi thấy có lỗi với nhân dân vì đã không nắm được vụ việc đáng tiếc này”, cho đến ông Đoàn Quốc Khởi - Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi (lúc đó) - cũng điệp khúc: Rất đáng tiếc và thương tâm khi vụ hành hạ dã man em Hào Anh lại xảy ra ở ấp văn hóa Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh. Đối tượng gây án và bị hại trong vụ án này đều là người nơi khác đến làm ăn nên chính quyền cũng chưa quan tâm đúng mức.
Không một cá nhân nào của chính quyền bị xử lý, kỷ luật ngoài việc bày tỏ sự “đáng tiếc” và chối bỏ trách nhiệm. Và không ai nghĩ rằng, sự “đáng tiếc” đó lại kéo dài đến tận hiện nay (2014).
Từ khi bị phát hiện bạo hành cho đến khi Hào Anh xuất viện, UBND xã Ngọc Chánh, UBND huyện Đầm Dơi… đã làm gì cho Hào Anh. Chính quyền có thực sự thấy “hối tiếc” để quan tâm đến em hơn không? Hay chỉ là việc đứng ra quản lý một số tiền lớn từ các nhà hảo tâm vì áp lực của dư luận. Để rồi quên Hào Anh cần gì.
Khi bước vào học, Hào Anh đã được chính quyền quan tâm đúng mức như thế nào khi em học thua sút bè bạn, rồi quyết định bỏ học vào năm 16 tuổi?
Từ đó đến trước khi vụ việc ngược đãi bố mẹ diễn ra, chính quyền ở đâu khi Hào Anh thay vì được giáo dục hướng thiện và dạy nghề thì lại phải đi bốc vác thuê, phụ café...?
Sau khi sự cố “đuổi bố mẹ” được thông tin rộng rãi trên mặt báo, ông Triệu Tấn Phát, Phó chủ tịch UBND Tp. Cà Mau mới đề cập đến biện pháp giáo dục, chia sẻ, gợi mở để Hào Anh hòa nhập cộng đồng cũng như tạo việc làm cho em. Nhưng cũng không quên đá trách nhiệm về chính quyền huyện Đầm Dơi khi được hỏi về sự “quản lý” đối với Hào Anh.
Có phải chính từ sự “đáng tiếc” điển hình đó của chính quyền xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi lẫn Tp. Cà Mau đã góp phần dẫn đến một Hào Anh như ngày hôm nay?
Sự đòi hỏi chính quyền quan tâm đối với Hào Anh của 4 năm trước và 4 năm sau vì thế giống nhau ở điểm: thờ ơ và đổ lỗi.
Trong khi đó, chính quyền lại nhận được sự “quan tâm ngược” từ dư luận khi số tiền tiết kiệm 743 triệu đồng lại phát sinh lãi chỉ khoảng 70 triệu đồng, trong khi 100 triệu đồng của nhà hảo tâm – Lê Ân lại phát sinh lên đến 50 triệu đồng? Có phải đây là một sự cố “đáng tiếc” nữa hay không?
Kết
Hào Anh nay đã 18, em đã lớn, em phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi mình gây ra, và không ai có thể biện hộ cho hành vi đó. Nhưng não trẻ em như bọt biển, ném vào chỗ nào thì nó sẽ hút cái môi trường đó. Một Hào Anh không lo học nghề, thay đổi bốn lần xe, sắm laptop, iphone… cũng đi ra từ chính môi trường thiếu trách nhiệm ấy. Vậy nên, đừng mải lo chĩa mũi giáo vào hành vi của em, mà quên rằng Hào Anh của ngày hôm nay chính nhờ vào sự “góp phần” không nhỏ từ người mẹ vô trách nhiệm, một bộ máy chính trị cơ sở “đáng tiếc” và phủi bỏ trách nhiệm, một nền báo chí chụp giựt, một xã hội thích giải quyết mọi việc bằng núi tiền.
Nói vậy, để biết rằng, bên cạnh việc nghiêm khắc với hành vi, thì cũng có sự cảm thương với những gì em đã trải qua và đối mặt.
Để biết rằng, nếu việc Hào Anh nhuộm lại tóc, hay viết lá thư “xin lỗi đấng sinh thành” và hứa sẽ tu tâm dưỡng tính (?) là màn kịch mà chính quyền sở tại và bà Thoa bày ra để xoa dịu được dư luận xã hội và cho rằng, mọi chuyện lùm xùm với Hào Anh sẽ chấm hết (bao gồm rũ bỏ trách nhiệm giáo dục, giáo dưỡng), thì một Hào Anh lệch lạc nhận thức, với các hành vi nguy hiểm hơn cho gia đình, xã hội sẽ xuất hiện trong một tương lai không xa.
Có thể là chưa đầy 4 năm sau!
0 Nhận xét