"Hậu quả lớn nhất mà CCRĐ đã để lại cho hậu thế, là sản sinh ra một đám người sẵn sàng chà đạp lên đạo đức, luân lý và nhân tính của con người. Đã sản sinh ra một đám người ngu dốt, cực đoan, tàn bạo nhưng lại được quyền định đoạt mạng sống và sự tự do của những người khác.
Đám người ấy, vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở và vẫn nhởn nhơ sống ở xã hội hiện tại!!!"
---------------------------------------------------
Vài chuyện vụn vặt về Cải cách ruộng đất
Nhân chủ đề về cải cách ruộng đất (CCRĐ) ồn ã mấy ngày nay, tôi cũng a
dua kể lại vài chuyện vụn vặt được nghe lại từ những người thân trong
gia đình. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, những người kể đôi lúc nhớ không
hết hoặc nhầm lẫn, đôi khi cũng bị tam sao thất bản. Nên những gì tôi
viết ra chỉ là nhớ lại một sự kiện mà thôi.
Trong 4 thành phần phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” của CCRĐ thì
nội ngoại gia đình tôi có đủ cả. Chả là từ đời ông Sơ đến ông bác cả tôi
4 đời cha truyền con nối làm cai (chánh) tổng Trịnh, cố ngoại tôi là
cai tổng Đan Nê, ông nội tôi trước là giáo chức của Pháp. Tổng ở quê tôi
khá lớn (như tổng Trịnh hồi đó là 4 xã bây giờ, xã nào cũng có 2-3
làng), gần bằng một huyện nhỏ ở ngoài Bắc Bộ, nên cai tổng uy quyền và
dĩ nhiên con cháu họ mạc được nhờ. Anh em họ hàng nội ngoại phần lớn đều
có máu mặt và khá giả cả.
Tuy nhiên, phần lớn đất đai và vị thế xã hội của gia đình tôi đã bị mất
sau năm 1945. Có lẽ vì thế nên những người thân trong gia đình tôi đã
thoát chết, mặt dù đã bị bắt giam, đánh đập, đấu tố, thậm chí đã bị kết
án.
Người bị đội CCRĐ bắn đầu tiên ở làng tôi lại là ông chủ tịch xã.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền nhân dân ở các địa phương
được thành lập. Tổng được chia nhỏ thành các xã. Hồi đó, những người
đứng đầu các xã như chủ tịch, phó chủ tịch, xã đội trưởng đều là thành
phần có máu mặt theo kháng chiến cả. Chả địa chủ lắm tiền nhiều đất cũng
cựu hào lý trong làng. Chứ bần nông, cố nông chân đất mắt toét, mù chữ
làm cách mạng, làm cán bộ sao được. Ông chủ tịch xã tôi chắc là một
người như thế. Nói theo phân loại trong CCRĐ thì là thành phần địa chủ
kháng chiến.
Nghe kể lại rằng, thành phần cốt cán ở xã bị bắt và bị đấu tố hết. Và
ông chủ tịch xã bị kết án tử hình và bị xử bắn đầu tiên. Người ta kể lại
buổi hành quyết ông ở một đám ruộng đầu làng. Ông bị trói giật cánh
khuỷu vào một cọc tre, bên cạnh một cái hố đào sẵn. Sau khi bắn xong,
người ta đạp xác ông ấy xuống hố và lấp lại.
Sau đợt sửa sai, ông chủ tịch xã được minh oan. Có thêm ai bị bắn nữa
không thì tôi không rõ, vì khi nói đến chuyện này, các cụ chỉ kể lại
chuyện ông chủ tịch xã mà thôi, và tôi cũng không tiện hỏi thêm.
Quay lại chuyện gia đình tôi. Ông bác cả bị bắt và đấu tố. Mặc dù đã
từng là cai tổng, nhưng ông được xếp sau những thành phần cộm cán “có
tội” với các ông bà nông dân nên chưa kịp kết án thì sửa sai. Tuy nhiên,
một thời gian dài bị bắt giam, đấu tố cũng gây kinh hoàng cho gia đình.
Hai người con lớn của ông phải trốn lên mạn ngược. Có chuyện người thân
trong gia đình đấu tố ông thế này thế nọ (chuyện này tôi được kể chi
tiết, nhưng toàn người trong gia đình cả, với lại các cụ đều đã khuất,
nên không kể lại nữa).
Ông cố ngoại tôi cũng như ông bác, bị bắt giam, bị đấu tố. Nghe kể là
ông to béo, mà bị trói ở ngoài sân đình giữa trưa nắng vì các "ông bà
nông dân" muốn "để cho cường hào địa chủ chảy bớt mỡ" đã hút của dân đi.
Ông đã bị kết án, nhưng chưa kịp thi hành án thì có lệnh sửa sai, và
thế là thoát chết. Chuyện bên quê ngoại, tôi chỉ nghe kể chuyền lại, chứ
không nghe trực tiếp.
Ông nội tôi lúc đó là giáo viên. Sau năm 1945, mặc dù là giáo chức của
Pháp, nhưng ông vẫn được sử dụng lại làm giáo chức của chính quyền mới.
Hồi CCRĐ, ông tôi phải lên Cẩm Thủy mấy năm, đến khi sửa sai mới quay
về. Chuyện ông tôi trốn được và không bị bắt cũng do học trò giúp. Họ
nói với ông là ông có tên trong danh sách vì bị quy là thành phần theo
Quốc dân đảng, nên khuyên ông đi nơi khác. Thế nên ông tôi mới xin lên
Cẩm Thủy dạy và thoát khỏi cuộc bắt bớ, đấu tố.
Hồi đầu 199x, có mấy anh ở Hà Nội về thăm gia đình tôi. Bố tôi nói là
anh em họ mạc gì đó, nhưng mấy anh này lại mang họ Trần. Khi tôi thắc
mắc thì được giải thích là do CCRĐ nên vài người họ hàng nhà tôi phải
trốn đi nơi khác và đổi tên đổi họ.
Thế hệ hậu sinh như tôi, chỉ biết đến CCRĐ qua lời kể của những người đi
trước. Sau này lớn lên, được đọc nhiều về sự kiện này với những mô tả
chi tiết lẫn số liệu thống kê, mới thấy thật quá sức tưởng tượng. Có
phải vì thế nên mỗi lẫn tôi gặng hỏi, đặc biệt là về chuyện đấu tố trong
gia đình thì người lớn thường lảng tránh. Cả chuyện ông chủ tịch xã bị
bắn oan cũng ít được nhắc đến. Có lẽ ở lứa tuổi tôi, ở xã, rất ít người
biết.
Những sai lầm của CCRĐ đã bị lịch sử phán xét, và về cơ bản đã được bạch
hóa (cho dù chính tắc hay ngoài lề), và coi như một sự kiện đau thương
của dân tộc vậy.
Nhưng hậu quả lớn nhất mà CCRĐ đã để lại cho hậu thế, là sản sinh ra một
đám người sẵn sàng chà đạp lên đạo đức, luân lý và nhân tính của con
người. Đã sản sinh ra một đám người ngu dốt, cực đoan, tàn bạo nhưng lại
được quyền định đoạt mạng sống và sự tự do của những người khác.
Đám người ấy, vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở và vẫn nhởn nhơ sống ở xã hội hiện tại!!!
© 2014 Baron Trịnh
Hình ảnh sưu tầm trên internet, chỉ có tính chất minh họa.
0 Nhận xét