CẦU NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG TRÍ THỨC
Đối
với người Kitô hữu, cầu nguyện chính là sống. Cũng vậy, đối với người
sinh viên Công Giáo, cầu nguyện là tiến trình hoàn thành ơn gọi là người
và là con Thiên Chúa.
“Cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan.” (Thánh Têrêsa Hài Đồng: Tự truyện)
1. Đời sống cầu nguyện của các nhà bác học
Anh
sinh viên văn khoa, Frederic Ozanam (Nhà hoạt động xã hội ở Pháp, thế
kỷ XII), đang bị xâu xé trong cơn khủng hoảng đức tin, tình cờ bước vào
một nhà thờ cổ ở Paris, đã để ý thấy một người đàn ông lặng lẽ chìm đắm
trong những tâm tình cầu nguyện đầy sốt mến. Anh hết sức ngạc nhiên khi
nhận ra đó chính là nhà bác học lừng danh – Ampère (Nhà vật lý học người
Pháp (1775-1836), góp phần phát minh ra điện từ trường. Đơn vị đo cường
độ dòng diiện mang tên của ông – Ampère). Anh đã tìm đến và xin nhà bác
học lý giải cho một thắc mắc của anh: “Thưa giáo sư, có thể vừa là một
nhà bác học vĩ đại, vừa là một người cầu nguyện nhiệt thành được không?”
Với tất cả sự trìu mến và niềm xác tín, giáo sư - Kitô hữu Ampère đã ôn
tồn nói với bạn sinh viên trẻ: “Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng
ta cầu nguyện mà thôi.” (Đây cũng là lời xác tín cùa nhà bác học kiêm
triết gia Pascal (Pháp, 1623-1662) đã nói: "Con người chỉ vĩ đại khi họ
cầu nguyện.")
Nhà bác học Louis Pasteur (Người Pháp
(1822-1895), là cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn học, vắcxin phòng
bệnh chó dại) say mê cầu nguyện với Kinh Mân Côi và sẵn sàng tuyên xưng
niềm tin của mình cho những ai nhân danh khoa học mà chất vấn về niềm
tin của ông.
Khi khám phá, chiêm ngưỡng những công
trình kỳ vĩ thiên nhiên bằng nhãn quan của khoa học tự nhiên và xã hội,
nhiều người đã tự hào và vội vã khẳng định vai trò quyết định và chủ
nhân của con người đối với lịch sử hình thành và phát triển thế giới
khách quan, gạt bỏ Thiên Chúa là nguồn cội và cùng đích của vạn vật.
Trong khi đó, những nhà khoa học đích thực lại hết sức khiêm tốn nhìn
nhận những giới hạn mong manh của thân phận con người và mạnh mẽ tin
nhận Đấng sáng tạo và hằng chăm sóc vũ trụ mênh mông này, để vũ tru được
hiện hữu trong một huyền nhiệm thât kỳ bí, mà cho đến nay, con người
vẫn chưa thể khám phá hết.
Đối với những nhà khoa học
chân chính như: Pascal, Ampère, Pasteur, v.v., con đường khám phá tri
thức và chân lý khoa học chính là con đường để các ngài củng cố niềm tin
Kitô giáo và hoàn tất sứ mạng làm chứng nhân đức tin Công Giáo.
Vì
thế, càng tạo lập được những thành tựu rực rỡ trong khoa học, các khoa
học gia ấy càng chìm sâu trong cầu nguyện, để tôn vinh, ca tụng và tri
ân Đấng tác sinh và trao tặng sư sống cho vũ hoàn. Đời sống trí thức của
họ là một hành trình cầu nguyện liên lỉ, sâu lắng, và sống động. Những
thành công trong sự nghiệp khoa học của họ biểu dương vinh quang của
tình thương Thiên Chúa dành cho con người và mọi thụ tạo.
2. Học hành là cầu nguyện
Các
vị chủ chăn của Giáo Hội Việt Nam đã khuyên nhủ chúng ta: “Mục đích của
nền giáo dục Kitô giáo là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích
đối với bản thân, gia đình và xã hội, giúp con người sống xứng đáng với
tư cách là con Thiên Chúa.” (HĐGM Việt Nam: Giáo dục hôm nay, Giáo Hội
xã hội ngày mai, Hà Nội, 12.10.2007, số 3). Học hành trong nhân cách
Kitô giáo chính là hành trình không ngừng khám phá những hình ảnh sống
động của Thiên Chúa, ngang qua sự hiện hữu, những qui luật vận hành và
phát triển kì vĩ của vũ trụ và xã hội loài người. Đối với người Kitô
hữu, khoa học chân chính là cơ sở củng cố niềm tin tôn giáo và là hành
trình trải nghiệm niềm tin ấy trong cuộc sống trần gian.
Khoa
học có chức năng khám phá và phác hoạ lại những nét đẹp của vũ trụ và
cuộc sống, nhưng khoa học không thể tự mình sáng tạo từ hư vô thành hiện
hữu. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, khoa học có nhiệm vụ góp phần làm
cho sự hiện hữu của vạn vật, vốn bắt nguồn từ Thiên Chúa, được đạt đến
mức hoàn thiện trong phạm vị hiện hữu của mình, để minh chứng cho vinh
quang và tình thương bất diệt của Thiên Chúam, không ngừng tỏ bày một
cách sống động trong sự hiện hữu kì diệu của vũ trụ này.
Do đó, việc học hành ở bất cứ lãnh vực khoa học nào cũng là con đường thúc đẩy người sinh viên Kitô hữu kết hiệp với Thiên Chúa một cách sâu xa, đầy ý thức và tự nguyện, trong tâm tình cầu nguyện. Những thành quả hay những chân lý khoa học mà chúng ta khám phá được trong đời sống tri thức chính là điểm hẹn yêu thương giữa Thiên Chúa với chúng ta. Từ những thành tựu tinh tế của cách ngành khoa học, Thiên Chúa luôn ngỏ lời yêu thương với chúng ta, bày tỏ sự quan phòng quảng đại khôn lường của Người qua công trình tạo dựng và chăm sóc cuộc sống của chúng ta trong vũ trụ thân thương này. Sự tiến bộ nhanh chóng và đa dạng của khoa học kỹ thuật mời gọi chúng ta càng chìm sâu vào tâm tình cầu nguyện, biến hành trình khám phá tri thức của chúng ta thành lời cầu nguyện liên lỉ, vì: “Thiên Chúa không ngừng kêu gọi mỗi người đến gặp Người cách huyền nhiệm trong cầu nguyện.” (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1591)
Đời
sống cầu nguyện đó khơi lên trong tâm hồn chúng ta niềm khát khao mãnh
liệt được vươn tới, được thuộc trọn về Thiên Chúa là Nguồn Lý tuyệt đối,
là Đấng Tuyệt Mỹ phát sinh mọi vẻ đẹp của vạn vật trong không gian và
thời gian. Đó là sức mạnh thúc đẩy chúng ta hăng hái lên đường, dấn thân
vào con đường nghiên cứu khoa học, với một lương tâm trong sáng, với
khối óc tinh tế, với trái tim nhạy bén và với tất cả những nỗ lực xây
dựng cuộc sống mỗi ngày thêm phồn vinh, hạnh phúc hơn.
3. Cầu nguyện định hướng cho việc học hành
Tâm
tình cầu nguyện trong những sinh hoạt trí thức chính là phương thế chân
thực để chúng ta thể hiện, hun đúc niềm tin và lòng yêu mến đối với
Thiên Chúa và tha nhân. Cũng vậy, đời sống cầu nguyện xác định và hoàn
tất những ý nghĩa cao đẹp trong việc học hành của người sinh viên Công
Giáo.
Những kiến thức chúng ta thu lượm được từ trường
học và trường đời chính là hoa trái của niềm tin và tình yêu. Những kiến
thức đó phải trở nên lễ vật đơn thành để chúng ta tiến dâng cho Thiên
Chúa, trao tặng cho anh chị em đồng loại, để tôn vinh, cảm tạ và giãi
bày tâm tình yêu mến của chúng ta. Sự hiểu biết khoa học trong đời sống
đức tin Công Giáo làm cho chúng ta tin vững vàng, yêu cháy bỏng và sống
trọn vẹn ý nghĩa đời mình. Nhờ đó, những sinh hoạt trí thức của chúng ta
trở nên những động lực lôi kéo chúng ta đến gần với Thiên Chúa trong
đời sống cầu nguyện, để chúng ta được dự phần mầu nhiệm tình yêu và sự
sống của Thiên Chúa, và có thể chia sẻ sự sống ấy với tha nhân: “Khi cầu
nguyện, người Kitô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa, trong
Đức Kitô.” (GLHTCG, số 2564)
Học hành thúc đẩy cầu
nguyện. Và cầu nguyện định hướng cho học hành, giúp cho việc học hành
thể hiện được những ý nghĩa đích thực đối với cuộc sống và nhân phẩm con
người: “Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho mình và cho anh chị em
mình [x. Lc 22, 31-33]. Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành,
chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc
sống của chúng ta.” (HĐGM Việt Nam: Giáo dục hôm nay, Giáo Hội xã hội
ngày mai, Hà Nội, 12.10.2007, số 21).
Học hành trong
niềm tin và trong đức ái là tiến trình thành nhân thật vững chắc. Tiến
trình đó giúp chúng ta không những xây dựng những giá trị cao đẹp cho
cuộc đời: niềm tri ân, liên đới trách nhiệm, chia sẻ cuộc sống, v.v.. để
trở nên hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn. Như thế, việc học hành của
sinh viên Kitô hữu sẽ giúp họ hoàn thành phẩm giá cao trọng của mình
trong ơn gọi là con cái Thiên Chúa, xây dựng tình người, vun đắp cuộc
sống trần gian mỗi ngày thêm hưng thịnh.
“Hoa trái của cầu nguyện là đức tin.
Hoa trái của đức tin là tình yêu.
Hoa trái của tình yêu là phục vụ.
Hoa trái của phục vụ là bình an." (Mẹ Têrêsa Calcutta)
Hoa trái của đức tin là tình yêu.
Hoa trái của tình yêu là phục vụ.
Hoa trái của phục vụ là bình an." (Mẹ Têrêsa Calcutta)
Nguyện
xin Chúa Kitô, Thầy Khôn Ngoan Chí Thánh, luôn tuôn đổ sự sống và tình
yêu trên tất cả chúng ta, để đáp ứng những khát vọng cao đẹp nhất của
chúng ta trong suốt cuộc lữ hành trần gian.
Vincent Luong
0 Nhận xét