CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ SANG CHẤN XÃ HỘI
TMSS: Bài viết rất hay và trúng vào nhiều vấn đề xã hội. Đáng để đọc và suy gẫm!
Đặng Ngọc Quang dịch
Ông Đặng Ngọc Quang, giám đốc Trung tâm Dịch vụ và phát triển nông thôn (RDSC) đưa ra quan điểm về mối quan hệ giữa Xã hội Dân sự và Nhà nước -ảnh Ưeb Anhbaochi,org |
Trong
tháng 9 mùa thu này, tại Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia, lần đầu tiên trong
lịch sử hiện đại nước Việt có một cuộc triển lãm về Cải cách Ruộng đất.
Cuộc triển lãm này rõ ràng là một nhắc nhở: người Việt đã từng trải
nghiệm nhiều sang chấn xã hội to lớn như trong nạn đói 1945, các cuộc
cải cách xã hội như CCRĐ, cải tạo công thương, các cuộc chiến thời chống
thực dân, chiến tranh 1954-1975, và các cuộc xung đột biên giới, và
thảm họa nhân tai, thiên tai.
Cùng với cuộc triển lãm, dư
luận báo chí lề trái và lề phải cùng dậy sóng. Cũng phải thôi vì đã lâu
lắm một cơ quan văn hóa cấp trung ương của chính phủ mới tổ chức một
cuộc trưng bày các hiện vật nhắc về một sự kiện xã hội có quy mô lớn làm
nhiều người vui mừng và không ít người đau khổ. Cải cách ruộng đất được
ước là đem lại ruộng đất, dù không được bao lâu cho hàng triệu gia đình
nông dân, những cũng làm hàng ngàn gia đình khác mất mát tài sản, thậm
chí hàng ngàn người mất mạng sống trong một tâm trạng được cảm nhận oan
ức. Cải cách ruộng đất chắc chắn là một sang chấn (trauma- nỗi đau, tổn
thương) xã hội to lớn, có hệ quả lâu dài xuyên thế hệ, khi những người
con từ những gia đình bị xếp vào nhóm "trí, phú, địa, hào" không chỉ bị
"đào tận gốc, trốc tận rễ" mà còn bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng,
học tập, trong tham gia đời sống xã hội, bất chấp cả những đóng góp của
nhiều người trong số họ cho chính phủ trong những ngày trứng nước, và
đóng góp cho cuộc kháng chiến chống thực dân.
Thật đáng
tiếc, việc hóa giải những nỗi đau đó không được chính thức đề cập trong
các chương trình thực hành xã hội cũng như không có những chương trình
nghiên cứu, hoặc đào tạo về hóa giải những nỗi đau đó. Trong khi đó, ở
các nước như Mỹ, những môn trauma healing lại được xây dựng như một môn
học trong ngành kiến tạo hòa bình (peace building), ví dụ như ở đại học
Mennonite. Cũng có nhiều trường đại học đưa môn hóa giải sang chấn xã
hội vào ngành công tác xã hội.
Các chuyên gia về hóa giải sang chấn xã hội đưa ra 6 nhóm sang chấn chính:
1.
Sang chấn xuyên thế hệ (trans-generational): những sang chấn nằm sâu
trong lịch sử và được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác có chủ ý;
2. Sang chấn liên thế hệ: những sang chấn mà một vài thế hệ cùng trải nghiệm;
3.
Sang chấn lặp: những sang chấn lặp đi lặp lại, ví dụ được coi là những
sang chấn trong bạo lực gia đình hoặc những sang chấn mà những người
phải chịu tái định cư phải chịu những xung đột xã hội lặp đi lặp lại;
4.
Sang chấn chia sẻ: những sang chấn mà một gia đình, hoặc một nhóm (tôn
giáo) chịu đựng mà "tự nhiên" trở thành nỗi đau hay sang chấn mà tất cả
nnhóm hay cộng đồng cùng phải chịu;
5. Sang chấn tự chọn: là loại
sang chấn được các thành viên cộng đồng tự nhận có chủ định. Sự kiện
sang chấn có thể xẩy ra từ lâu trong quá khứ nhưng được lưu giữ trong
trí nhớ của cộng đồng vì nó được nhắc lại, nhớ lại lặp đi lặp lại; và
6.
Sang chấn kép (multiple): đây là loại sang chấn mà một sang chấn kéo
theo những sang chấn ở dạng khác hoặc nhiều sang chấn cùng xảy ra một
lúc.
Không khó gì để nhận ra ở Việt Nam, loại sang chấn
kép là phổ biến, và vì vậy con người với những vết thương khi chưa lành
đã bị đè lên những chấn thương mới và càng khó lành hơn. Những cộng đồng
chịu hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh, có thể là nạn nhân của nghèo
đói kinh niên, rồi vừa là nạn nhân của các vụ di dời , tái định cư,
hoặc con người trong đó có thể lại là nạn nhân của bạo lực gia đình,
hoặc kỳ thị về HIV/AIDS hoặc về xu hướng tình dục. Với những cá nhân,
những cộng đồng đa chấn thương, bản thân sự tồn tại của họ trong xã hội
đã là những chứng tích về sức sống của con người. Tuy nhiên, với những
trường hợp tự trị liệu không thành công, xã hội lại có nhiều thêm những
ca trầm cảm, những trường hợp bệnh lý về sức khỏe tâm thần.
Với
nhiều người, cách vượt qua nỗi đau hoàn toàn mang tính chất cá nhân.
Cách tiếp cận hàn gắn nỗi đau ở cấp độ cá nhân là chấp nhận hoàn cảnh,
như một sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa đã nói với tôi khi gặp ở Tây
nguyên, ông ấy nói về những ngày cải tạo: "bên thua thì phải chịu vậy
thôi, còn thắng thì họ có quyền làm vậy". Những người chịu sang chấn
trong cải cách và trong những sang chấn khác đã tự vượt lên với những nỗ
lực tạo cho mình những "niềm vui, hạnh phúc" cá nhân và tự hào khi vượt
được hoàn cảnh của mình. Khẩu hiệu mà nhiều người vận động cho quyền
của phụ nữ vẫn nêu kiểu như hãy làm những điều mình thích, cần phải yêu
chính mình hơn nữa, hãy tự thể hiện mình thậm chí vượt lên trên cả các
quy ước hay những ước lệ thông thường, là ví dụ cho tiếp cận cá nhân
trong cách hàn gắn nỗi đau. Phương thức đạt được hạnh phúc cá nhân bằng
cách thể hiện mình được mô tả là hãy là chính mình "just the way you
are".
Tiếp cận trị liệu sang chấn này bắt đầu từ mỗi cá
nhân, với sự tự chấp nhận, mỗi người tự nhìn nhận mình độc lập với mọi
chuẩn mực của người khác, tự thể hiện mình, điều kiện chia sẻ những trải
nghiệm cá nhân của mình với một/một vài cá nhân khác cùng cảnh ngộ. Với
tiếp cận này, quan hệ với cộng đồng, với một chúa trời hay đức phật
không có vai trò trong trị liệu sang chấn. Mỗi nạn nhân của sang chấn
tìm được nơi trú ẩn trong bản thân mình, tự xoay sở với nội tâm mình.
Điều
thiếu hụt ở Việt Nam, là sự thiếu hụt của các cộng đồng hàn gắn nỗi đau
để sự hàn gắn hay để vết thương được lành sẹo triệt để. Ở nhiều quốc
gia, các cá nhân tìm đến những thể chế cộng đồng như già làng, hoặc các
lãnh đạo tôn giáo để tìm kiếm sự động viên, an ủi hoặc trợ giúp tinh
thần. Không chỉ các nạn nhân tìm đến nhau, mà trong cộng đồng có những
thể chế hỗ trợ các nạn nhân. Những chia rẽ về ý thức hệ, về những giai
cấp đối kháng mà bản thân các xung đột xã hội được áp đặt từ một nhóm
này sang nhóm khác, là những yếu tố cản trở sự hình thành và hoạt động
của các thể chế có vai trò hàn gắn những vết thương, những sang chấn xã
hội.
Trong một thời gian dài, nhất là trong thời gian của
các cuộc chiến, các thiết chế tôn giáo như nhà chùa, nhà thờ và các nhà
tu hành bị thu hẹp, không đóng được vai trò là những nơi hỗ trợ hàn gắn
những vết thương xã hội. Nhiều người vẫn còn nhớ ở nhiều vùng trung du,
đồng bằng và bắc trung bộ, các nhà chùa, nhà thờ đã bị tháo dỡ hàng loạt
trong các cuộc "cách mạng văn hóa", mà chỉ gần đây, những cơ sở này mới
đang dần phục hồi và họ có đảm nhận vai trò phục hồi sang chấn. Cũng
chỉ gần đây, một vài tổ chức NGO cũng hình thành những điểm hỗ trợ nạn
nhân bạo lực gia đình, hoặc những đường dây nóng, nhưng những điểm hỗ
trợ này thật thưa thớt so với nhu cầu xã hội. Các thiết chế cộng đồng
cũng thiếu vắng để hỗ trợ các nạn nhân của các sang chấn tái thiết lại
những liên kết xã hội, khắc phục sự cách ly xã hội, tái hòa nhập, và
cung cấp những hỗ trợ về thể chất và tâm lý- tinh thần cho các nạn nhân.
Chỉ gần đây, những thuật ngữ này mới xuất hiện trong từ vựng của các tổ
chức phát triển, mà cũng chỉ được áp dụng trong cộng đồng ở một bên
"thắng cuộc".
Trong một chừng mức nào đó, ở Việt Nam cũng
có các thiết chế xã hội đang thực hiện hàn gắn những chấn thương xã
hội. Đó là các chương trình chính sách hỗ trợ và vinh danh thương binh,
gia đình liệt sĩ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những người
khuyết tật, chính sách giảm nghèo thực hiện qua ngành lao động thương
binh xã hội. Đó cũng là các tổ chức quần chúng của phụ nữ, nông dân,
thanh niên đang thực hiện hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người
nghèo, hay hỗ trợ nạn nhân các thảm họa thiên tai. Đó cũng là vài trăm
các tổ chức phi chính phủ (VNGO) và hàng ngàn các tổ chức thiện nguyện,
các nhóm tự lực hay tôn giáo đi giúp đỡ những người bị thiệt thòi, đang
chịu những căng thẳng cả về kinh tế, xã hội và tâm lý.
Có
thể thấy, phần lớn các hoạt động của các chương trình này được dẫn dắt
bằng lòng biết ơn, bằng sự thương cảm hay ý muốn bênh vực, chứ không
phải bằng một hệ thống lý luận và phương pháp luận của ngành công tác xã
hội hoặc của ngành kiến tạo hòa bình. Chỉ gần đây, có một vài ý tưởng
về hàn gắn chấn thương ở quy mô cộng đồng hay xã hội về hòa giải dân tộc
được đề xuất, nhưng những ý tưởng đó bị từ chối có lẽ vì nguyên nhân
sâu xa là sự không tương tích quan điểm về vai trò của các thiết chế xã
hội của các bên. Cũng chỉ gần đây, ngành công tác xã hội mới được tổ
chức đào tạo ở bậc đại học và mới có mã số nghề. Hơn nữa, trong chương
trình đào tạo của các khoa CTXH đều thiếu vắng môn học "hàn gắn chấn
thương" - trauma healing.
Cùng những năm "đổi mới" được
khởi xướng từ 1986, những chương trình phát triển đem lại tăng trưởng
cao về GDP, các cửa hàng trống rỗng trước Đổi mới giờ phủ la liệt hàng
hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, nhưng cũng
có những sản phẩm phụ là những dự án gây ra những sang chấn ở nhiều cộng
đồng. Những dự án thủy điện hay hạ tầng cơ sở khác như đường cao tốc,
là những ví dụ về các cuộc di cư "không tự nguyện" buộc cả cộng đồng
phải di dời, tái định cư ở những vùng đất mới có chất lượng thấp, và
nguồn lực sinh kế thiếu thốn. Nhiều nhóm dân cư cũng chịu những sang
chấn trong những vụ cưỡng chế đất đai cho những dự án công nghiệp, hoặc
thậm chí những cơ sở chỉ có chức năng nghỉ ngơi của "giới nhà giàu". Có
những gia đình chịu sang chấn trong những vụ đầu tư thất bại hoặc là
phía thua lỗ trong các cuộc cạnh tranh ở thương trường. Các nạn nhân bạo
lực gia đình, với số vụ việc được ước tới một nửa số phụ nữ được trải
nghiệm, cũng là những "khách hàng" của dịch vụ hàn gắn chấn thương.
Nghèo đói ở mức cùng kiệt kéo dài nhiều năm trong nhiều cộng đồng dân
tộc thiểu số miền núi, chiếm 14% dân số, cũng là những sang chấn trầm
trọng. Cũng không ít cộng đồng trải nghiệm những sang chấn do những lũ
lụt của thiên nhiên hay của các thảm họa vì vỡ đập thủy lợi hay các vụ
xả lũ của thủy điện.
Thời gian vẫn chảy dài thêm, xã hội
Việt Nam vẫn thiếu hụt những thiết chế để thực hiện chức năng hàn gắn
những sang chấn của chiến tranh, của các tai họa thiên tai và nhân tai.
Thiếu những chính sách phù hợp, các tổ chức mới hình thành và đảm nhận
chức năng này thiếu một đội ngũ có kiến thức chuyên môn và trình độ
chuyên nghiệp. Khi những tổn thương sang chấn xã hội từ những cuộc cải
cách, các cuộc chiến tranh chưa được hàn gắn triệt để mà những tổn
thương mới đang xuất hiện nhiều hơn với xu hướng "trầm cảm" của nền kinh
tế từ 4 năm lại đây, đang nổi lên nhu cầu khách quan và cấp bách về xây
dựng đội ngũ nhân viên CTXH và các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực
chuyên môn cao về hàn gắn sang chấn xã hội và hỗ trợ tâm thần và tâm lý.
***
PS.
Việc đầu tiên có thể làm được mà không tốn kém là tìm hiểu và phổ biến
cuốn Sổ tay của Ủy Ban Liên Ngành của Liên hiệp Quốc (IASC) về Hỗ trợ
Tâm lý và Sức khỏe Tâm thần trong những tình huống khẩn cấp (2007). Cuốn
sổ tay của IASA có thể tải về ở đây:
0 Nhận xét