Bài học CCRĐ: Cho được thì lấy được.
Nguyễn Văn Thạnh
Hồi nhỏ được học về sự tích dưa hấu, tôi rất
nể phục nhân vật Mai An Tiêm với câu nói "của biếu là của lo, của cho là
của nợ". Không nhận bổng lộc từ vua, ông sống bằng sức lao động và tài
năng của mình dù có đày ra hoang đảo. Nhờ vậy mà ông luôn giữ được thần thái tự do của mình.
Nhìn nụ cười các ông, các bà nông dân được chia quả thực trong CCRĐ mà tôi xót xa. Niềm vui của họ ngắn chẳng tày gang. Chỉ hai năm sau đó chính quyền lấy lại hết các mảnh ruộng được cho trước đó để đưa vô cái gọi là hợp tác xã. Số phận người nông dân không khác gì nông nô cho một ông chủ mới là nhà nước.
Rõ ràng là cái gì cho được thì lấy được. Cái gì không được tạo lập từ bàn tay hoặc do mua (nông dân miền nam cũng được nhận ruộng trong cải cách điền địa nhưng họ phải trả góp) thì cũng không bền. Của thiên trả địa.
Bài học này tuy đã 60 năm nhưng vẫn còn tính thời sự khi mà trong xã hội, nhiều người muốn nhà nước bao cấp, tài trợ miễn phí từ nhiều vấn đề như: giáo dục, y tế, giao thông, nghiên cứu khoa học,....
Khắp nơi nơi từ nông thôn đến thành thị, từ nông dân đến doanh nhân người ta kêu gọi nhà nước hỗ trợ. Người ta trông chờ chính sách hỗ trợ nhà nước. Nhiều người cho rằng nhà nước tốt, nhà nước của dân thì phải hỗ trợ a, b, c.
Ít người thấy rằng, ở đâu có bàn tay nhà nước thì ở đó có nguy cơ mất tự do.
Muốn xây được nền dân chủ, trước tiên phải xây dựng ý thức tự chủ, sống được từ trao đổi trên thị trường, bãi bỏ tâm lý trông chờ nhà nước của người dân.
Xin bạn biết cho một điều, chính quyền không làm gì ra tiền, ra của cải. Khi bạn nhận một lợi lộc gì đó từ chính quyền thì bạn nhớ cho là họ lấy nó từ ai đó để trao cho bạn.
Phải làm sống lại tinh thần Mai An Tiêm trong tâm hồn dân tộc.
0 Nhận xét