Bài đọc xem tại đây: KTCMN
Đnl 18,15-20; 1 Cor 7,32-35; Mc 1,21-28
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Sách
Đệ Nhị Luật được soạn thảo như một bài giảng của ông Môsê. Dân Israel
sắp được vào Đất Hứa và ông Môsê giống như một nhà giảng thuyết thức
tỉnh đức tin nhắc nhở dân điều mà họ đã trải qua và cảnh báo họ biết giữ
niềm tin vào Thiên Chúa. Cuộc hành trình gian khổ đã kết thúc và miền
đất tràn đầy sữa và mật kia thật an nhàn khi đem so sánh với cuộc hành
trình trong sa mạc. Dân chúng sẽ không còn cần đến thứ manna mà hằng
ngày Thiên Chúa dùng để nuôi họ, trong suốt cuộc hành trình sa mạc. Khi
đó, rất có thể họ sẽ quên rằng sự sống còn của họ hoàn toàn phụ thuộc
vào Thiên Chúa. Hơn nữa – cảm thức thân mật với Thiên Chúa có thể trở
thành một điều dĩ vãng. Chẳng phải điều đó cũng giống với chúng ta ư ?
Khi đang phải trải qua một cơn khủng hoảng, chúng ta cầu nguyện nhiều
hơn và cảm giác cần đến Thiên Chúa trở nên mãnh liệt hơn. Sau đó, khi đã
vượt qua những thứ sa mạc cuộc đời và mọi sự trở lại “bình thường” thì
Thiên Chúa dường như bị đặt sang bên lề nhận thức của chúng ta. Những
vấn đề khác ập đến và chúng ta lại để tâm vào một nơi khác.
Ông
Môsê đang giảng cho dân chúng bên bờ sông Giođan. Họ đã nhận lãnh Lề
Luật từ đôi bàn tay của ông tại núi Xinai (5,3). Khi nghe ông Môsê nói
với dân chúng, không phải chúng ta đang lắng nghe một bài giảng cổ xưa
với một dân khác ở một thế giới xa lạ. Những lời của ông đang nhắm đến
chúng ta ngay lúc này – Giáo Hội, dân Israel mới. Dân Israel là dân được
tuyển chọn luôn luôn cần được cải tổ – giống như chúng ta vậy.
Bài
đọc một hôm nay được trích từ phần trung tâm của sách Đệ Nhị Luật. Nó
duy trì những “luật thánh và nghi lễ” mà dân Israel phải giữ khi họ vào
định cư trong Đất Hứa. Tuy nhiên, ông Môsê sẽ không cùng vào Đất Hứa với
họ; có một điều gì đó luôn luôn làm cho những độc giả Kinh Thánh bối
rối. Dân tộc này đã cậy dựa vào ông Môsê quá lâu, họ sẽ làm được gì nếu
không có ông? Ông là vị trung gian của họ, là tiếng của Đức Chúa nói với
họ. Không có ông Môsê, người bạn và bằng hữu của Đức Chúa, liệu Đức
Chúa có quên họ trong giai đoạn mới này của cuộc đời ?
Qua
ông Môsê, Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Israel. Dường như bằng
cách này hay cách khác, Thiên Chúa luôn luôn canh tân giao ước với họ.
Thiên Chúa hứa ban cho họ một vị ngôn sứ mới như ông Môsê, là người
trung gian giữa dân Israel với Thiên Chúa. Họ sẽ không bao giờ phải tự
mình lên tiếng; sẽ luôn luôn có một người là chiếc loa nói về họ với
Thiên Chúa. Ai sẽ là người này? Không nhất thiết chỉ là một người. Thiên
Chúa đã hứa rằng, sẽ luôn luôn có ai đó thi hành vai trò ngôn sứ của
ông Môsê, người ấy không tự mình đứng ra làm việc, nhưng sẽ được chính
Thiên Chúa tuyển chọn và nâng lên. Thông điệp mà họ loan truyền không
phải từ chính họ, nhưng là từ Thiên Chúa.
Làm
sao quý vị có thể khẳng định ai là ngôn sứ thật từ một kẻ giả mạo? Có
lẽ chỉ có thời gian mới trả lời được. Tuy nhiên, một ngôn sứ chân chính
luôn cậy dựa vào Thiên Chúa và sống tốt lành trong cộng đoàn như mục
tiêu của mình.
Hãy
tưởng tượng khung cảnh náo động của dân chúng khi Đức Giêsu đến. Họ đã
đợi chờ quá lâu, đợi chờ Đấng mà ông Môsê đã hứa, một tiếng nói uy
quyền, tiếng nói cất lên nhân danh Thiên Chúa. Đức Giêsu đang trong hội
đường và giảng dạy “như một Đấng có uy quyền.” Người không giống các
kinh sư, là những người cậy vào quyền thế mà mình có được từ các giáo
huấn của các bậc tiền nhân, những người luôn bắt đầu bằng công thức :
“Ông Môsê nói rằng,” trong khi đó, Đức Giêsu lại tuyên bố : “Nhưng tôi
nói cho các ông biết.” Dân chúng đã để ý đến sự khác biệt này. Có điều
gì đó mới mẻ đang diễn ra, đấng nào đó cuối cùng đã đến với họ và đang
bày tỏ quyền uy của chính mình. Để biểu thị uy quyền, Đức Giêsu đã quát
mắng thần ô uế và trục xuất nó.
Những
dấu hiệu cho thấy có sự hiện diện của thần ô uế trong một hội đường sẽ
là nguyên cớ để đuổi một người ra khỏi nơi quy tụ này. Đức Giêsu không
trục xuất người đàn ông ấy, thay vào đó, Ngài thốt lên một lời và trục
xuất thần ô uế. Tên thần dữ đã từng quấy nhiễu đời sống của người đàn
ông ấy và gây kinh sợ cho cộng đoàn nay đã bị trục xuất bởi “Đấng Thánh
của Thiên Chúa,” – nghĩa là, ai đó có tương quan đặc biệt với Thiên
Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch của việc tốt lành này.
Trong
một hội đường bé nhỏ, ở một thị trấn bình thường, một cuộc tranh đấu có
tổ chức đang tự chấm dứt. Trong thế giới đó và trong thế giới rộng lớn
hơn này, sự dữ đã nắm được quyền kiểm soát và không ai có thể làm gì
được. Đức Giêsu, “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, đã đến thế gian. Ngài
đương đầu với thần dữ không thể bị khuất phục kia và kiểm soát tình
hình. Phản ứng của dân chúng là tiếng vang vọng của những gì mà dân
Israel hằng mong mỏi sau khi ông Môsê ra đi. “Mọi người đều sững sờ đến
nỗi họ bàn tán với nhau: ‘Thế nghĩa là gì?’ Lời giảng dạy thì mới mẻ,
người dạy lại có uy quyền.”
Lúc
đó, Đức Giêsu đã không để thần dữ kia gọi ra tên của mình. Đó không
phải là chuyện Đức Giêsu là ai, nhưng là câu chuyện về uy quyền của
Ngài. Chúng ta sẽ phải đợi để nhìn thấy diễn tiến của Tin Mừng qua đó
học biết thêm về Đức Giêsu. Tuy nhiên, vừa lúc ấy, danh tiếng của Ngài,
Đấng có “lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại uy quyền”, đã được đồn
ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
Không
khó để tìm ra bằng chứng của sự dữ trong thế giới này. Các chính khách,
những người kêu gọi lá phiếu của chúng ta, hứa hẹn sẽ đối phó với tội
ác, bạo lực, ma túy, chiến tranh, v.v.. Cũng khó để không trở nên yếm
thế. Dù cho ý hướng của những nhà chính trị này êm dịu đến đâu, con
người vẫn bị đè nén bởi những bàn tay của các thế lực cường bạo. Chẳng
phải điều này dường như cho thấy sự dữ đang chiến thắng, và dẫu chúng ta
có nỗ lực cách mấy vẫn không đủ? “Bị quỷ ám” là mô tả thỏa đáng nhất
cho tình thế này.
Và
khi đó, một con người bước vào, một người không e sợ khi đối diện với
các thế lực sự dữ. Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng, Người đang thực thi
chính quyền năng của Thiên Chúa. Có thể chúng ta là những người được
thừa hưởng sức mạnh tốt lành mà Đức Giêsu đã nới lỏng trong thế giới
này. Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta, để từ đó, chúng ta có thể chấp
nhận vương triều là hiện diện của Thiên Chúa đã đến trần gian cùng với
Người. Đó không phải là điều khiến Đức Giêsu trở nên độc nhất vô nhị
trong mắt dân chúng. Điều khiến trình thuật của thánh Máccô trở nên độc
nhất vô nhị đó là cách thế ngài liên kết những cuộc trừ quỷ của Đức
Giêsu với giáo huấn của Người.
Thánh
Máccô rất thường xuyên nhắc đến Đức Giêsu với tư cách là một thầy dạy.
“Thầy dạy” dẹp yên giông tố (4,38), làm cho con gái ông Gia-ia sống lại
(5,35), nuôi ăn đám đông (6,34), v.v.. Khác với thánh Mátthêu, thánh
Máccô không giải thích rõ ràng những gì Đức Giêsu giảng dạy. Ngài tập
trung vào quyền năng đằng sau giáo huấn của Đức Giêsu.
Ông
Gioan Tẩy Giả đã tiên báo rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến
sau tôi” (1,7). Các thế lực sự dữ hiện đang hoành hành trong thế giới
này: những gì đang lạm dụng sự ngây thơ, chia cắt các cộng đoàn, ủng hộ
thuyết duy vật, làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng thêm,
khuấy động chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo, bắt người trẻ trở thành nô lệ
của ma túy, v.v.. Cuối cùng, Đức Giêsu, “Đấng quyền thế hơn,” đã đến với
lời sự sống: Người liên kết những ai bị chia cắt khỏi cộng đồng, nâng
cao những ai kiến tạo hòa bình biết sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình;
Người tha thứ mọi tội lỗi, chữa lành các bệnh tật, khích lệ con người
hành động vì sự thịnh vượng của công trình sáng tạo, khôi phục những gia
đình và cộng đoàn tan vỡ. Thánh Máccô nói cho chúng ta biết, Đức Giêsu
làm việc này cùng với nhiều công trình quyền năng lớn lao khác bằng uy
quyền trong giáo huấn của Ngài.
Xuyên
suốt Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu đã thu hút được nhiều đám đông to lớn
bởi những chữa lành đầy uy quyền của Người. Dân chúng đang trong nguy cơ
diệt vong và Đức Giêsu đến để dạy dỗ và dẫn dắt họ đến bờ bến bình an.
Người tiếp tục làm việc đó dẫu cái giá phải trả là chính mạng sống của
mình. Ở đoạn này của bài Tin Mừng, dân chúng sững sờ vì Đức Giêsu. Sự
sững sờ của họ phải trở thành điều gì đó hơn cả sự tôn kính và lôi cuốn.
Họ cần phải khám phá ra Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa để rồi từ đó
biết đặt niềm tin tưởng vào Ngài. Sau biến cố phục sinh, các môn đệ nhận
ra Đức Giêsu không chỉ là một vị ngôn sứ quyền năng với lời nói đầy sức
mạnh, nhưng còn là một sự hiện diện có tính cách ngôi vị của Thiên Chúa
ở giữa họ. Vậy thì, chẳng có gì ngạc nhiên khi Người nói những điều
được xảy ra và người ta phải kinh ngạc vì quyền uy của Người.
Hãy
làm một thử nghiệm nhỏ với lương tâm. Ai là người nói với chúng ta với
đầy uy quyền? Lời của ai đã hướng dẫn linh hồn và điều khiển những nguồn
năng lượng của chúng ta? Phải chăng là tiếng nói của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô, người luôn bận tâm với người nghèo, những người bị bắt bớ và
vấn đề môi trường? Chúng ta có quay về những hướng dẫn tâm linh trong
sách vở mà chúng ta đọc không? Các đảng phái chính trị, các trang mạng
và các bài xã luận ảnh hưởng lên chúng ta nhiều đến mức nào?
Lời
của Đức Giêsu có uy quyền trên sự dữ đang ảnh hưởng trong thế giới của
chúng ta, vì thế chúng ta còn nghe lời ở đâu và của ai nữa ? Giáo xứ của
chúng ta đã có các lớp Kinh Thánh, những ngày tĩnh tâm, những cuộc thảo
luận sách vở và chỉ dẫn tôn giáo chưa? Khi tới thời suy sụp, chúng ta
có trách nhiệm uốn nắn lương tâm của mình theo lời uy quyền của Thiên
Chúa – nhưng ai và điều gì sẽ giúp chúng ta thực hiện điều đó ? Thế lực
sự dữ hiện đang rất sống động và tràn lan khắp nơi, và chỉ có quyền năng
của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta vượt qua rất nhiều những biểu
hiện của chúng.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ
0 Nhận xét