Chương XIII
TẠO THÀNH NHƯ LÀ TẶNG PHẨM
CĂN BẢN VÀ NGUYÊN THỦY
Chúng ta trở lại phân tích đoạn văn St 2,25 mà ta đã bắt đầu ở những bài trước.
Theo
đoạn văn ấy, người đàn ông và người đàn bà nhìn thấy nhau gần như qua
mầu nhiệm tạo thành. Họ nhìn thấy nhau theo cách này, trước khi nhận
biết mình «trần truồng». Nhìn thấy nhau như thế không chỉ là tham dự vào
sự nhận thức thế giới cách ngoại tại, nhưng còn có một chiều kích tham
dự vào cái nhìn nội tại của chính Đấng Tạo Hóa – cái nhìn mà trình thuật
chương thứ nhất đã nói đến nhiều lần: «Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp» (St
1,31). Sự «trần truồng» có ý nghĩa như là cái nhìn tốt đẹp nguyên thủy
của Thiên Chúa. Nghĩa là cái nhìn với tất cả sự đơn sơ và viên mãn nhờ
đó giá trị «nguyên tuyền» của thân xác và giới tính được biểu lộ ra.
Trong tình trạng, đặc biệt đã được St 2,25 mô tả cách cô đọng
và nhiều gợi ý, biểu lộ mạc khải nguyên thủy của thân xác, không có sự
gián đoạn và đối kháng giữa điều thiêng liêng với điều khả giác, cũng
như không có sự gián đoạn và đối kháng giữa những gì làm nên nhân vị với
những gì được xác định bởi giới tính, là nam là nữ.
Khi nhìn nhau, gần như là họ nhìn qua chính mầu nhiệm tạo thành, người đàn ông và người đàn bà nhìn thấy chính mình còn trọn vẹn hơn và rõ ràng hơn là nhìn thấy qua chính thị giác, nghĩa là qua con mắt thân xác. Quả thật, họ nhìn nhau và hiểu biết nhau với cái nhìn nội tâm hoàn toàn bình an, đó vốn chính là điều tạo ra sự thân mật viên mãn giữa các ngôi vị. Nếu «sự xấu hổ» mang trong mình một tầm nhìn riêng giới hạn bởi con mắt thân xác, điều đó xảy ra đặc biệt là vì sự thân mật như thể bị quấy rối và «đe dọa» bởi cái nhìn ấy. Theo St2,25, người đàn ông và người đàn bà «không cảm thấy xấu hổ». Khi nhìn nhau và hiểu biết nhau với cái nhìn nội tâm tràn đầy bình an và thanh tịnh, họ «thông truyền» cho nhau nhân tính trọn vẹn, biểu lộ ra nơi họ như là sự bổ túc cho nhau chính bởi vì họ là «nam» và là «nữ». Đồng thời, họ «thông truyền» trên nền tảng sự hiệp thông các ngôi vị, trong sự hiệp thông này họ trở thành tặng phẩm cho nhau nhờ giới tính nam và nữ. Như thế, đôi bạn nhờ nhau mà biết được ý nghĩa đặc biệt thân xác của họ. Ý nghĩa nguyên thủy của sự trần truồng tương ứng với cái nhìn đơn sơ nhưng viên mãn thấu hiểu được ý nghĩa của thân xác, sự hiểu biết ấy phát sinh như ở ngay chính trung tâm của cộng-đoàn-hiệp-thông của họ. Chúng ta sẽ gọi cộng-đoàn-hiệp-thông đó là «hôn nhân». Người nam và người nữ trong đoạn St 2,23-25 khi xuất hiện ngay từ «thuở ban đầu» đã ý thức ý nghĩa của thân xác mình. Điều này đáng được phân tích sâu xa hơn.
2. Nếu hai trình thuật tạo dựng con người, ở chương một và chương hai sách Sáng thế, cho ta biết được ý nghĩa nguyên thủy của sự đơn độc, sự hợp nhất và sự trần truồng, cũng vì thế chúng giúp ta tìm lại được mình trên lãnh địa của một nhân học thích đáng (adeguata antropologia), là bộ môn cố tìm hiểu và giải nghĩa con người ở chính điều thiết yếu nhất làm nên con người [1].
Những
bản văn kinh thánh chứa đựng những yếu tố cốt yếu của khoa nhân học đó,
chúng hiện ra trong bối cảnh thần học «hình ảnh của Thiên Chúa». Khái
niệm này ẩn chứa chính cội rễ của sự thật về con người. Sự thật ấy được
biểu lộ ra qua cái «thuở ban đầu» mà Đức Kitô nhắc đến trong cuộc đối
thoại với những người Pharisêu (Mt 19,3-9) khi Người nói về
việc tạo dựng con người như là người nam và người nữ. Cần nhắc lại rằng
những gì chúng ta đã phân tích ở đây liên hệ, ít là cách gián tiếp, đến
những lời đó của Đức Kitô. Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng như «là
nam là nữ» mang hình ảnh của Thiên Chúa vốn đã được ghi khắc trong thân
xác «từ thuở ban đầu». Người nam và người nữ như thể là hai thể thức
khác nhau của thân xác con người trong sự duy nhất của hình ảnh ấy.
Bây
giờ đã đến lúc ta quay lại một lần nữa với những lời nền tảng Đức Kitô
đã dùng: «(Ngài) đã tạo dựng», hướng đến chủ từ «Đấng Tạo dựng». Những
lời ấy góp thêm vào những suy tư của chúng ta một chiều kích mới để hiểu và giải thích, mà chúng ta gọi là «giải nghĩa về tặng ban»
(ermeneutica del dono). Chiều kích tặng ban quyết định sự thật cốt yếu
và chiều sâu của ý nghĩa của sự cô đơn-hợp nhất-trần truồng nguyên thủy.
Chiều kích này cũng nằm ở ngay trung tâm của mầu nhiệm tạo dựng, cho
phép ta xây dựng thần học thân xác «từ thuở ban đầu» nhưng đồng thời
cũng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng nó với cách thức như thế đó.
3.
Những lời «(Ngài) đã tạo dựng» ở trên miệng Đức Kitô như thế hàm chứa
chính sự thật mà chúng ta thấy trong Sách Sáng Thế. Trình thuật tạo dựng
thứ nhất nhiều lần lặp lại lời này, từ St 1,1 («Thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất») đến St
1,27 («Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài») [2]. Thiên
Chúa mạc khải chính mình cách đặc biệt như là Đấng Tác Tạo. Đức Kitô đã
nhắc đến mạc khải căn bản ấy vốn có trong sách Sáng thế. Khái niệm tạo
dựng có chiều sâu không chỉ ở bình diện siêu hình mà cả ở bình diện hoàn
toàn thần học. Đấng Tạo Hóa là Đấng «gọi vào hiện hữu từ hư vô», là
Đấng đưa thế giới đi vào hiện hữu và đưa con người vào thế giới, bởi vì Ngài «là tình yêu» (1Ga
4,8). Thật ra, chúng ta không thấy từ tình yêu này (Thiên Chúa là tình
yêu) trong trình thuật tạo dựng; nhưng trình thuật này thường lặp lại
câu nói : «Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài đã làm ra thật là tốt đẹp». Qua
những lời này chúng ta bắt đầu thấy loáng thoáng cái lí do Thiên Chúa
tạo dựng nằm ở tình yêu, đó như thể là nguồn mạch mà tạo thành phát xuất
ra: quả thật chỉ có tình yêu mới khai sinh ra điều thiện hảo và vui sướng với điều thiện hảo (1 Cr 13).
Do đó, tạo dựng, như là hành động của Thiên Chúa, không chỉ có nghĩa là
gọi vào hiện hữu từ hư vô và làm cho thế giới hiện hữu và đặt con người
vào trong thế giới, nhưng còn có nghĩa (theo trình thuật thứ nhất) là «beresit bara», ban tặng (donazione); một sự ban tặng căn bản và «triệt để», nghĩa là, tặng phẩm xuất hiện chính từ hư vô.
4.
Khi đọc các chương đầu của Sách Sáng thế, chúng ta được đưa vào mầu
nhiệm tạo dựng, là khởi thủy của thế giới bởi ý muốn của Thiên Chúa,
Đấng vừa toàn năng vừa là tình yêu. Bởi thế, mọi thọ tạo đều mang trong
mình dấu chỉ của ơn huệ nguyên thủy và căn bản.
Tuy
nhiên, khái niệm «tặng ban» (donare) cũng không thể nói đến cái không
không (nulla). Tặng ban muốn chỉ đến người cho và kẻ nhận một tặng phẩm,
và cả mối tương quan được thiết lập giữa họ với nhau. Và đây, mối tương
quan đó xuất hiện trong trình thuật tạo dựng ngay lúc tạo dựng nên con
người. Mối tương quan này được biểu lộ cách đặc biệt bởi câu nói : «Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài; Ngài tạo dựng họ theo hình ảnh của Thiên Chúa» (St
1,27). Trong trình thuật tạo dựng thế giới hữu hình việc tặng ban chỉ
có nghĩa đối với con người. Trong toàn thể công trình tạo dựng, chỉ có
con người có thể được nói đến như là kẻ được ban tặng (nghĩa là hài lòng
với tặng phẩm được ban cho – N.D.). Thế giới hữu hình này đã được tạo
dựng «cho con người». Trong trình thuật thánh kinh về tạo dựng có đủ lí
do cho ta hiểu và giải thích như thế. Tạo thành là một tặng phẩm, vì
trong tạo thành có con người như «là hình ảnh của Thiên Chúa» có khả
năng hiểu được chính ý nghĩa của tặng phẩm vốn từ không mà thành
có. Và con người có khả năng đáp trả Đấng Tạo Hóa bằng ngôn ngữ do có
khả năng hiểu như thế. Khi giải thích trình thuật tạo dựng bằng chính
ngôn ngữ đó, người ta có thể rút ra rằng tạo thành là tặng phẩm cơ bản
và nguyên thủy. Con người có mặt trong tạo thành như là kẻ đón nhận thế
giới như một tặng phẩm, và ngược lại, cũng có thể nói rằng thế giới đón
nhận con người như một ơn ban.
Tới
đây, chúng ta phải tạm dừng phân tích. Những gì chúng ta đã nói cho tới
nay liên hệ rất mật thiết với toàn thể vấn đề nhân học về cái «thuở ban
đầu». Con người xuất hiện như là kẻ «được tạo dựng», nghĩa là như người
ở giữa «thế giới» này đón nhận tha nhân như một quà tặng. Sắp tới,
chúng ta phải dành một phân tích sâu xa hơn về chiều kích quà tặng này,
để có thể hiểu ý nghĩa của thân xác con người đúng với tầm vóc của nó.
Đó sẽ là chủ đề cho những bài suy tư kế đến của chúng ta.
************************
[1]
Khái niệm «nhân học thích đáng» (antropologia adeguata) đã được giải
thích trong chính bản văn như là «tìm hiểu và giải nghĩa con người ở
chính điều thiết yếu nhất làm nên con người». Khái niệm này xác định
chính nguyên tắc giản lược (riduzione), là nguyên tắc vốn thuộc về khoa
triết học về con người, nó chỉ ra giới hạn của nguyên tắc này, và gián
tiếp loại trừ cái khả năng vượt qua giới hạn này. Nhân học «thích đáng»
dựa trên kinh nghiệm «nhân bản», đối lập với lối giản lược kiểu «duy tự
nhiên» thường đi đôi với thuyết tiến hóa về thời ban đầu của con người.
[2] Thuật ngữ Do thái cổ «bara»
- tạo dựng – được sử dụng cách đặc biệt để xác định hành động của Thiên
Chúa, chỉ xuất hiện trong trình thuật tạo dựng ở câu 1 (tạo dựng trời
và đất), trong câu 21 (tạo dựng các loài vật) và trong câu 27 (tạo dựng
con người). Ở đây nó xuất hiện ba lần. Điều đó có nghĩa là hành
vi tạo dựng con người nam và nữ là hoàn hảo và viên mãn. Sự lặp đi lặp
lại như thế cho thấy rằng công trình tạo dựng đã đạt tới đỉnh điểm của
nó.
[1]
Tiêu chuẩn duy tự nhiên tuyệt đối cản lối không cho ta hiểu biết ý
nghĩa đích thật của sự trần truồng nguyên thủy. Nó có tham vọng ngây ngô
muốn nắm bắt ý nghĩa đó khi giả thiết rằng năng động tình dục tự nhiên
xét tự thân là tốt. Giá trị đích thực của sự trần truồng nguyên thủy, và
của tính dục, thật ra nằm hoàn toàn ở trong tiêu chuẩn duy nhân vị.
0 Nhận xét