Trịnh Xuân Báu
1. Nhân vụ thủ đô nghìn năm vật-lộn có kế hoạch bắn pháo hoa vào dịp tết
cổ truyển. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Long - Phó ban tuyên giáo
thành ủy Hà Nội nêu quan điểm: “Bắn pháo hoa là phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, chứ đâu phải chỉ để phục vụ người giàu.
Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa,
những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó,
những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay”.
Quan điểm này đã nhận không ít gạch đá của cần-lao mạng xã hội tuần qua.
Bởi lẽ sự thiển cận đến mức xuẩn ngốc và rất phản cảm của một ông quan
trong ngành tuyên giáo.
Bắn pháo hoa trong các dịp lễ là một hoạt động văn hóa, nó dành cho tất
cả mọi người chứ không chỉ dành riêng cho người giàu mà phải thanh minh
thanh nga như thế. Vấn đề dư luận quan tâm là nếu sử dụng tiền ngân sách
để chi trả cho việc bắn pháo hoa thì không thiết thực trong thời điểm
hiện tại, khi mà còn rất nhiều vấn đề xã hội còn cần thiết hơn việc
thưởng thức pháo hoa. Ấy thế mà ông phó ban này suy cái lọ ra cái chai
một cách thiếu thực tế và phản tác dụng tuyên truyền.
Nói thiếu thực tế vì việc cần-lao nghèo đói có thích thú với màn bắn
pháo hoa trong vài chục phút rồi sẽ đối mặt với cái nghèo, cái khó như
chính mồm ông quan này đã nói ra. Họ không thể xem pháo hoa để cảm thấy
hạnh phúc và quên đi được cái nghèo khó, vất vả đeo bám khi trong nhà
không có tiền, trong bụng không có cơm. Vì thế chắc chắn rằng họ khát
khao có cơm thịt trong mấy ngày tết hơn là xem bắn pháo hoa.
Nói phản tuyên truyền vì từ trước đến giờ, trong những phát biểu của các
lãnh đạo, thậm chí trong các văn kiện vẫn ra rả nói rằng đời sống
cần-lao đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là thủ đô nghìn năm vật-lộn
đang có mức sống cao, có thể chưa giàu nhưng không thể còn nghèo khó.
Thế nên ông quan này nói như vậy, vô hình dung đã xác nhận rằng còn “một bộ phận không nhỏ”
cần-lao nghèo đói giữa thủ đô của ông. Vì dĩ nhiên việc bắn pháo hoa
phục vụ cần-lao thủ đô, chứ cần-lao ở Mù-Căng-Chải chả dở hơi và có tiền
đi xuống thủ đô xem pháo hoa để đạt được cái “khao khát” và quên đi cái nghèo, cái khó. Ngay cả nhà đài trung ương truyền hình trực tiếp thì chắc gì họ đã hóng.
Và như thế hóa ra là ông này phủ nhận lại những thành tựu mà đảng và
chính quyền thủ đô đạt được trong thời gian qua. Chụp mũ theo kiểu tuyên
giáo, đó là sự “xuyên tạc đường lối” và không “ghi nhận những thành quả đổi mới”.
Không biết các “đồng chí” của ông có phê bình, kỷ luật những phát
ngôn xuẩn ngốc lẫn vạch áo cho người xem lưng của ông phó ban - tiến sĩ
văn hóa (nhưng rất phản văn hóa) này không? Nhưng rõ ràng rằng, kiểu
tuyên truyền nói cho sướng miệng lẫn lý luận một cách ngụy biện lâu nay
vẫn áp dụng không còn phù hợp trong một xã hội mà dân trí cần-lao đã
được cải thiện rõ rệt, những thông tin “mật” luôn bị bạch hóa và lan truyền chóng mặt trên mạng internet.
Các cụ thường nói: Nhiệt tình cộng ngu dốt thành phá hoại, là thế!
2. Một bài phỏng vấn trên báo điện tử Đất Việt từ năm 2013, nhưng được
chia sẻ lại trên mạng xã hội về quan điểm của một ông phó giáo sư - tiến
sĩ tên Tri, là Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý,
nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành
chính - Học viện hành chính Quốc gia rằng “Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền”. Ông này cho rằng: “Trên
thế giới này chạy chức chạy quyền nhiều chứ (?!). Obama phải ‘chạy’ vào
Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào nhà đỏ thì việc chạy vào chức, quyền
của Việt Nam cũng là dễ hiểu”.
Một số cao thủ tiếng Anh cho rằng, ông này đã hiểu sai từ chạy (run)
trong tiếng Anh nên mới phát ngôn xuẩn ngốc như thế. Nhưng hãy dẹp tiếng
anh tiếng em lại, chỉ cần hiểu tiếng Việt một cách sơ đẳng thì chắc
chắn ai cũng phân biệt được hay từ “chạy chọt” và “chạy đua”. Chả lẽ một ông phá-dáo-xư, nhầm phải là phó giáo sư lại không phân biệt được điều đó sao?
Thế nên cần-lao lại có quyền nghi ngờ rằng, cái học hàm học vị của ông này có được là do “chạy chọt”, chứ người thực học ai lại dốt đến mức đó?
Không những thế, ông này lại rất thiếu kiến thức thực tiễn. Ở xứ An-nam không thể có việc công khai “chạy chọt” được, bởi như thế hóa ra lạy ông tôi ở bụi này à? Toàn làm điều xấu, ai lại mặt thớt để cho bàn dân thiên hạ biết.
Nói như thế bởi vì xứ này không tồn tại sự “chạy đua”. Muốn trở
thành quan là phải phấn đấu và được cơ cấu trong một quá trình. Quan
điểm quy hoạch là như thế, chứ tầm cỡ Ô-ba-ma sang xứ này mà ứng cử chức
chủ tịch quận thì trượt đầu nước, chả điêu. Mà ngay cả ông Tri này, nếu
không “chịu phấn đấu” và “chạy cơ cấu” thì với tư duy “nô tài” này, mả có phát cũng chả có được mấy cái chức danh quản lý kêu như pháo tép kia.
Để minh chứng điều này, người viết dẫn lời khẳng định của ông Rứa - Trưởng ban tổ chức TW rằng: “Mặc dù có đồn thổi nhưng chắc chắn là không có “chạy”!” sau khi vấn đề quy hoạch nhân sự cấp cao đã được duyệt như thông tin ông đưa ra trong Hội nghị cán bộ, công chức của Ban Tổ chức TW rằng: “…
cuối cùng trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định danh sách 290 đồng chí
trung ương cho các khóa sắp tới, đã quyết định được 22 đồng chí vào quy
hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.
Thế mới thấy, dù cải cách cải lùi đủ kiểu, nền hành chính của xứ An-nam vẫn bị cần-lao ngao ngán thốt lên rằng: “Hành là chính”.
Bởi lẽ, nếu vẫn còn có những người quản lý các cơ quan nghiên cứu về
lĩnh vực khoa học hành chính như ông Tri thì lấy cái gì đóng góp cho các
cơ quan quản lý để cải cách?
Tư duy nô tài, không nghĩ đến nịnh bợ và chạy chọt, thì còn nghĩ được cái gì nữa đây?
3. Liên quan đến vụ xây nhà trái phép trong rừng đặc dụng Hải Vân, báo chí đưa tin ông Thạch - cựu tướng công an 1 sao đã: “nhận
rõ việc làm sai trái của mình trong mua bán, sang nhượng đất và xây
dựng trái phép quần thể biệt thự, biệt phủ trên núi Hải Vân”, đồng thời: “xin lỗi chính quyền, người dân TP.Đà Nẵng, với mong muốn được xử phạt hành chính để... tồn tại.”.
Trước đó, cũng báo chí đưa tin, con trai ông này khẳng định rằng, ông Thạch không biết việc làm sai trái này. Trong khi chính quyền quận Liên Chiểu lại cho biết đã mời ông Thạch lên làm việc và “ông Thạch trình bày là sẽ báo cáo thành phố để xin”. Giấu đầu hở đuôi thô đến thế là cùng, cứ như cần-lao mắt mù tai điếc cả.
Ông Thạch từng là giám đốc công an tỉnh Quảng Nam. Có nghĩa ông ta là
người nắm cây gậy công cụ pháp luật để duy trì sự tuân thủ luật pháp của
cần-lao. Ấy thế mà ông này lại xử sự một các vi luật như báo chí đã
nêu.
Giả sử rằng trong quá trình ông này còn tại chức, ông ta bắt được một tội phạm và đồng tình với hành vi “xin lỗi” và “bồi thường”
của tên tội phạm thì luật pháp xứ An-nam sẽ như thế nào? Rõ ràng
cần-lao có quyền nghi ngờ rằng, ông này ngồi xổm trên pháp luật trong
địa phương ông ta quản lý, bởi lẽ cách hành xử của ông này cho thấy ông
ta có vẻ quen với việc “xin” hoặc “chạy” như kiểu ông Tri nói trên.
Pháp luật không hùa với người sang, khi đã vi phạm pháp luật thì từ quan
đến dân đều phải chịu trách nhiệm như nhau. Vậy lý do và cơ sở nào để
ông Thạch tin tưởng rằng sẽ “xin” được? Và tại sao xứ An-nam có cả một rừng luật pháp mà chính quyền “Đà Nẵng “bó tay” với biệt thự trái phép”? Thử hỏi cần-lao có còn tin tưởng vào những gì là công bằng, là tuân thủ pháp luật nữa?
Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, là thế!!!
4. Trong một bài phỏng vấn do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chúc “Đảng ta, dân tộc ta ngày càng cường thịnh, mãi mãi trường tồn”.
Lời chúc cũng như mong muốn của ông Trọng không có gì phải nói, mặc dù
đứng về mặt lịch sử trên thế giới thì chưa có tiền lệ để kiểm chứng.
Lịch sử các triểu đại phong kiến của xứ An-nam, triều đại nào nhiều vua
sáng tôi hiền thì tồn tại lâu dài, và ngược lại. Lấy ví dụ cùng là triều
đại của họ nhà Lê, thì nhà tiền Lê chỉ tồn tại 29 năm (981 - 1009) qua 3
đời vua, trong đó vua Long Đĩnh để lại tiếng xấu giết anh cướp ngôi,
hoang dâm vô độ đến mức được đặt là Ngọa Triều. Ngược lại đời hậu Lê tồn
tại đến 362 năm (1427 - 1789), có nhiều đời vua anh minh, tỷ dụ như
câu: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông; Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”. Dĩ nhiên, hết thịnh phải đến suy, và có vua sáng tôi hiền thì cũng có vua bạo ngược tôi gian tà.
Quay lại thời hiện tại, muốn “mãi mãi trường tồn” thì việc đầu tiên là quốc gia phải “cường thịnh”, muốn quốc gia “cường thịnh”
thì dân phải giàu. Ấy vậy mà ở thủ đô xứ An-nam, như lời ông Phó ban
tuyên giáo, vẫn có nhiều dân nghèo đến mức theo quan điểm của ông này là
xem pháo hoa có thể giúp họ “quên đi cái nghèo, cái khó”, thế thì ở những vùng sâu vùng xa, dân còn nghèo đến mức nào?
Một quốc gia cường thịnh không có quan tham, dùng luật để trị dân nhưng
tự mình lại ngồi xổm trên pháp luật như trường hợp ông Thạch. Không có
những kẻ khoa bảng ra làm quan dốt nát và tư duy nô tài, nịnh bợ như
kiểu ông Tri, ông Long.
Thế nên, muốn trường tồn, việc đầu tiên phải làm cho quốc gia cường thịnh đi đã.
Xứ An-nam, bao giờ mới trở nên cường thịnh???
© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
0 Nhận xét